Kết hợp pháp luật với luật tục, hương ước, quy ước trong cam kết tham gia quản lý, bảo vệ rừng của đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh phía Bắc

10:23 08/06/2015 Lượt xem: 57178 In bài viết

Tây Bắc là địa bàn rộng lớn, là nơi sinh sống lâu đời của nhiều dân tộc thiểu số. Các tỉnh Tây Bắc cũng là địa bàn có tiềm lực kinh tế to lớn, có nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, bao gồm đất, rừng, sinh vật, thủy năng, khoáng sản, cây công nghiệp... Với địa thế cao dốc và thảm thực vật lớn, các tỉnh Tây Bắc đóng vai trò quan trọng đối với môi trường sinh thái của cả nước. Các tỉnh Tây Bắc có nhiều cửa ngõ thông thương giữa nước ta với các nước trong khu vực và thế giới nên có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng và an ninh.

Sự phát triển của từng dân tộc ở các tỉnh Tây Bắc luôn gắn chặt với sự phát triển chung của đất nước, tạo nên sức mạnh của toàn dân tộc trong sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của cả nước. Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đang được đẩy mạnh, đòi hỏi vùng dân tộc và miền núi phát triển nhanh về kinh tế, văn hoá, xã hội, vững mạnh về quốc phòng- an ninh. Đây là một trong những nhân tố quyết định cho sự phát triển bền vững của nước ta.

 Các tỉnh Tây Bắc có trên 30 dân tộc anh em chung sống. Trong đó, các dân tộc: Tày, Thái, Mường, Mông, Nùng có dân số đông hơn các dân tộc thiểu số khác. Trên thực tế các dân tộc thiểu số ở các tỉnh Tây Bắc đều có những hương ước, quy ước được xây dựng chủ yếu để điều chỉnh các quan hệ tự quản tại cộng đồng dân cư, là những quan hệ xã hội trong lĩnh vực xã hội - dân sự mà pháp luật không điều chỉnh hoặc chỉ điều chỉnh ở mức độ quy định các nguyên tắc chung như: việc tổ chức ma chay, cưới xin, bảo vệ trật tự trị an, phát triển sản xuất, khuyến khích học tập, giữ gìn và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống, giải quyết các tranh chấp hoặc những vi phạm nhỏ trong nhân dân, cam kết tham gia quản lý bảo vệ rừng... Đa số các hương ước, quy ước của các dân tộc thiểu số ở các tỉnh Tây Bắc là những thuần phong, mỹ tục, thể hiện những nét văn hoá đẹp, có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội. Tuy nhiên, có những hương ước, quy ước còn mang tính hình thức và chưa phát huy hết vai trò trong công đồng các dân tộc thiểu số.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương kế thừa và phát huy những luật tục, phong tục trong việc quản lý cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sự kết hợp giữa luật tục, phong tục và pháp luật của Nhà nước trong cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày nay là một đòi hỏi hết sức khách quan nhất là trong điều kiện các dân tộc thiểu số vốn phát triển không đồng đều, mang tính đặc thù và đa dạng cao. Quản lý xã hội theo hương ước, quy ước, luật tục mang tính chất tự quản của thôn, bản. Quản lý xã hội ở mức cao là quản lý nhà nước còn ở mức thấp là tự quản. Hệ thống các quan hệ xã hội gồm nhiều loại rất phong phú và đa dạng.

Hệ thống pháp luật do Nhà nước ban hành chỉ điều chỉnh những quan hệ xã hội cơ bản, do đó cần thừa nhận các quy phạm xã hội, coi nó là công cụ hỗ trợ cho quản lý nhà nước bằng pháp luật. Pháp luật (quy phạm pháp luật) mang tính phổ biến chung còn hương ước, quy ước, luật tục (quy phạm xã hội) mang tính địa phương phản ánh sắc thái riêng, đặc trưng truyền thống riêng.

Pháp luật là sản phẩm của Nhà nước, tác động vào cộng đồng từ bên ngoài vào và từ trên xuống còn hương ước, quy ước, luật tục là sản phẩm của bản thân cộng đồng dân cư, mang tính tự quản, phát huy nội lực, tinh thần làm chủ ngay ở cơ sở.

Hầu hết trong các hương ước, quy ước cam kết tham gia quản lý bảo vệ rừng đối với đồng bào các dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Bắc đều có những quy định chặt chẽ về luật tục xen lẫn các hương ước, quy ước về bảo vệ rừng, có giá trị bổ trợ cho pháp luật của Nhà nước cụ thể như sau:

Trong cộng đồng dân tộc Mông có tục ăn ước: Trong lễ này, người ta xây dựng thêm hay nhắc lại các quy ước bảo vệ rừng, đồng thời quy định lại các hình thức xử phạt (bồi thường) nếu có người vi phạm. Ai không tôn trọng quy ước bảo vệ rừng đều bị xử phạt giống như gia súc phá hoại mùa màng, nghiêm cấm đốt nương làm rẫy. Ai tự tiện vào rừng cấm để chặt cây bị phạt một con lợn hoặc bị phạt từ 50.000 đến 100.000 đồng.

Trong cộng đồng dân tộc Thái quy định: Ai muốn phát rừng làm rẫy phải được Tạo bản cho phép; nếu tự ý làm, sẽ bị phạt (bồi thường) từ 1 đến 3 nén bạc kèm theo rượu, thịt. Hàng năm cứ đến cuối tháng 5 (âm lịch) mới được vào rừng lấy măng, nhưng chỉ được hái lứa đầu và lứa thứ tư. Ai làm sai bị phạt 1 nén bạc kèm theo rượu, thịt. Cây gỗ, cây quế trong rừng dù lớn hay nhỏ, nhưng trên thân cây có dấu chữ thập (+) hoặc dấu nhân (x) là cây đã có chủ, không ai được chặt cây gỗ đó nữa.

Trong cộng đồng dân tộc Tày quy định: cấm không để cháy rừng, ai lấy trộm cây rừng của người khác thì bị phạt (bồi thường) gấp 3 lần số thiệt hại.

Trong cộng đồng dân tộc Nùng quy định: các gia đình không được chặt rừng, đốt rẫy làm nương ở những nơi đầu nguồn nước. Không được bẻ măng hoặc cho trâu ăn măng rừng của người khác. Ai vi phạm sẽ bị phạt (bồi thường) 5 cân thóc một cây măng.

Lễ cúng rừng đầu năm của người Dao tuyển xã Trì Quang (huyện Bảo Thắng tỉnh Lào Cao) qui định với những nội dung: Không chặt phá rừng, khai thác rừng trái phép, vận động bà con trong thôn cùng tham gia thực hiện nghiêm chỉnh "Hương ước, quy ước bảo vệ và phát triển rừng" do thôn bản xây dựng, tích cực tham gia trồng rừng,… không một ai được xâm phạm đến khu rừng cấm, nếu ai vi phạm sẽ bị phạt (bồi thường) theo quy ước đã đề ra.

Như vậy, với những phân tích trên về sự kết hợp giữa pháp luật với luật tục, hương ước, quy ước cam kết tham gia quản lý bảo vệ rừng đối với đồng bào các dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Bắc có những đặc trưng như sau:

Thứ nhất: Trong lĩnh vực bảo vệ rừng, pháp luật của nhà nước và luật tục, hương ước, quy ước bảo vệ rừng đều là hệ thống các quy tắc xử sự của con người đối với rừng và trong công tác bảo vệ rừng, giữa con người với con người trong cộng đồng, thể hiện ý chí của chủ thể quản lý, có tính cưỡng chế và bắt buộc chung, góp phần bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ rừng. Về bản chất pháp lý, chúng đều mang tính quy phạm, do vậy có nhiều ý kiến đề nghị sử dụng luật tục, hương ước, quy ước như là một trong những nguồn của pháp luật Việt Nam.

Thứ hai: luật tục, hương ước, quy ước là di sản văn hoá quản lý cộng đồng vô cùng quý báu, hiện đang có hiệu lực thực tế trong đời sống các dân tộc với những nội dung mới được bổ sung mang tính thời đại, được kế thừa và phát huy trên cơ sở truyền thống, đã thành tâm thức của cộng đồng. Nếu Nhà nước sử dụng một cách khoa học, thì luật tục, hương ước, quy ước bảo vệ rừng sẽ bổ sung cho công cụ pháp luật bảo đảm quản lý có hiệu quả, tiết kiệm, sát thực, có sức thu hút cao sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo vệ rừng.

Thứ ba: cùng với pháp luật của nhà nước, các giá trị tiến bộ của luật tục, hương ước, quy ước bảo vệ rừng đang phát huy tác dụng trong đời sống cộng đồng. Khuyến khích, tạo điều kiện để cộng đồng vận dụng luật tục, hương ước, quy ước truyền thống trong bảo vệ rừng sẽ mang lại hiệu quả to lớn.

Luật Bảo vệ và phát triển rừng được Quốc hội thông qua năm 1991 và sửa đổi năm 2004. Sau nhiều năm thực hiện, việc bảo vệ và phát triển rừng đã đạt được một số thành tựu, kết quả bước đầu cụ thể như sau:

Giảm dần tình trạng suy thoái rừng, đi vào giai đoạn phục hồi vốn rừng, từng vùng đã có tăng trưởng; Nghề rừng đối với các tỉnh Tây Bắc đã dần thích ứng phương thức sản xuất hàng hoá theo cơ chế thị trường; đời sống của người trồng và bảo vệ rừng từng bước được cải thiện, công tác xây dựng các hương ước, quy ước cam kết tham gia quản lý bảo vệ rừng đối với đồng bào các dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Bắc được thực hiện tốt.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu và kết quả đã đạt được trong công tác xây dựng các hương ước, quy ước cam kết tham gia quản lý bảo vệ rừng đối với đồng bào các dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Bắc cũng còn nhiều hạn chế: Thông qua các hương ước, quy ước cam kết tham gia quản lý bảo vệ rừng đối với đồng bào các dân tộc thiểu số chưa thật sự vững chắc, chất lượng và hiệu quả bảo vệ rừng chưa cao dẫn đến mức độ độ che phủ của rừng chưa đủ bảo đảm trong các tỉnh. Công tác bảo vệ rừng kết hợp giữa pháp luật với luật tục, hương ước, quy ước cam kết tham gia quản lý bảo vệ rừng đối với đồng bào các dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Bắc còn nhiều yếu kém, vi phạm lâm luật còn khá phổ biến trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, thậm chí có nơi diễn ra đốt nương làm rẫy, chặt phá rừng,...

Việc thực hiện chính sách dân tộc gắn với việc bảo vệ và phát triển rừng đã được Đảng và Nhà nước đề ra nhiều chủ trương, chính sách đối với miền núi, vùng cao, như Chỉ thị số 128-CT/TW ngày 24/2/1959 của Ban Bí thư Trung ương về đẩy mạnh hơn nữa việc thi hành chủ trương tăng cường công tác vùng cao, Nghị quyết số 71/NQ-TW ngày 22/2/1963 của Bộ Chính trị về vấn đề phát triển nông nghiệp ở miền núi: Phát triển sản xuất ở vùng cao trong thời gian trước mắt phải phát triển sản xuất lương thực để tự giải quyết và có dự trữ tại chỗ, phát triển mạnh chăn nuôi, phát triển nghề rừng và bảo vệ rừng.

Thực hiện Nghị quyết số 22/NQ-TW ngày 27/11/1989 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế- xã hội miền núi và Quyết định số 72/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ngày 13/3/1990 về một số chủ trương, chính sách cụ thể phát triển kinh tế- xã hội miền núi. Từ thực trạng và yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội vùng cao, Chủ tịch HĐBT (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ra Quyết định số 69/CT ngày 4/3/1992 về lập chương trình phát triển kinh tế- xã hội vùng cao phía Bắc, gọi tắt là “Chương trình tổng thể vùng cao” với nhiều chương trình cụ thể, trong đó có: Chương trình định canh định cư, giao đất giao rừng, trồng khoanh nuôi, bảo vệ rừng đầu nguồn và phủ xanh đất trống đồi núi trọc; chương trình giải quyết lương thực, phát triển chăn nuôi, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp và công nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm.

Bằng các chính sách được cụ thể hoá thành các chương trình, dự án phù hợp, sát thực với từng vùng, từng đối tượng, nhiều nơi ở miền núi, vùng cao từ chỗ thường phá rừng làm rẫy đến chuyển sang tu bổ, bảo vệ rừng và trồng rừng có kết quả, xuất hiện nhiều mô hình vườn rừng, đồi rừng, trang trại lâm nghiệp,… từng bước hình thành vùng cây công nghiệp, cây ăn quả, dược liệu có sản phẩm hàng hoá…, đã góp phần tích cực ổn định sản xuất và cuộc sống cho hơn 2 triệu người thuộc diện du canh du cư trước đây. Điều đó chứng tỏ rằng việc thực hiện chính sách dân tộc gắn với việc bảo vệ, phát triển rừng các tỉnh Tây Bắc có điều kiện làm tốt hơn nữa việc bảo vệ rừng, phát triển rừng gắn với thực hiện chính sách dân tộc

Tóm lại: Kết hợp giữa pháp luật với luật tục, hương ước, qui ước cam kết tham gia quản lý bảo vệ rừng đối với đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Bắc chính là công cụ, phương tiện để bảo vệ và phát triển rừng tận gốc, góp phần thúc đẩy xã hội hoá công tác quản lý, bảo vệ rừng và cụ thể hoá quy chế thực hiện dân chủ ở xã. Với việc phân tích, đánh giá nêu trên, tác giả nhận thấy:

Hương ước, quy ước bảo vệ và phát triển rừng do cộng đồng dân cư thôn bản tự bàn bạc, thảo luận và thống nhất ý kiến xây dựng và tổ chức thực hiện. Với sự hướng dẫn, giám sát của kiểm lâm địa bàn và được sự chuẩn y của Uỷ ban nhân dân huyện, vì vậy hương ước, quy ước phù hợp với phong tục, tập quán, nguyện vọng của người dân và cộng đồng, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời không trái với các quy định của Nhà nước.

Hương ước, quy ước bảo vệ và phát triển rừng nâng cao được ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong cộng đồng; tạo dựng niềm tin của nhân dân đối với chủ chương của Đảng và pháp luật của Nhà nước; huy động được mọi nguồn lực sẵn có tại địa phương góp phần quan trọng cho việc bảo vệ rừng, phát triển kinh tế của mỗi gia đình, cộng đồng và các khu vực xung quanh.

Hương ước, quy ước bảo vệ và phát triển rừng đã duy trì, bảo vệ và phát huy phong tục tập quán; kế thừa được truyền thống văn hoá tốt đẹp của mỗi dân tộc, dòng tộc trong cộng đồng và trong khu vực, tạo dựng mối liên hệ mật thiết và liên kết giữa các hộ gia đình, dòng tộc, thôn, bản thành sức mạnh đoàn kết chung của cả cộng đồng.

Kết hợp giữa pháp luật với luật tục, hương ước, qui ước cam kết tham gia quản lý bảo vệ rừng đối với đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Bắc đã hình thành được quy hoạch sử dụng đất cấp thôn, bản, làm cơ sở cho việc quy hoạch sử dụng đất cấp xã, huyện. Đồng thời, xây dựng được mạng lưới bảo vệ rừng, phòng cháy- chữa cháy rừng từ thôn, bản.

ThS. Tráng A Dương
Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương I - Ủy ban Dân tộc
(Tạp chí Dân tộc số 167, tháng 11/2014)
[NNL: DH]