Quan điểm và giải pháp: Vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo tồn, phát triển văn hóa, góp phần phát triển du lịch

02:47 11/03/2013 Lượt xem: 1137 In bài viết

Trong các văn kiện Đại hội, Đảng ta luôn xác định “… phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở khai thác có hiệu quả lợi thế về điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hóa lịch sử, huy động tối đa nguồn lực trong nước và tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ quốc tế, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từng bước đưa nước ta trở thành một trung tâm du lịch có tầm cỡ của khu vực…”

Như vậy, quan điểm của Đảng về bảo tồn và phát triển văn hóa là nhất quán, trong đó tập trung giải quyết tốt nhất mối quan hệ “giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa”. Phát triển du lịch là một mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội, xóa đói, giảm nghèo nâng cao dân trí, thu dần khoảng cách phát triển giữa miền ngược và miền xuôi. Để kinh tế du lịch phát triển bền vững thì vấn đề bảo tồn và phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số mang tính cấp bách, thường xuyên và lâu dài.

Nước ta có 53 dân tộc thiểu số với gần 12,3 triệu người, chiếm 14,27% dân số, sinh sống trên địa bàn rộng, chủ yếu ở vùng núi, chiếm ¾ diện tích tự nhiên của cả nước, thuộc địa bàn 52 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, đồng bào các dân tộc thiểu số đã tạo nên hàng nghìn di tích lịch sử, văn hóa, các tác phẩm nghệ thuật... là nền tảng của kinh tế du lịch. Phát huy tiềm năng và thế mạnh đó, Đảng, Nhà nước đã chú trọng đầu tư phát triển du lịch đi đôi với bảo tồn và phát triển văn hóa vùng dân tộc và miền núi. Các danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa được đầu tư, phục hồi, các lễ hội truyền thống được khuyến khích tổ chức giúp đồng bào nuôi dưỡng niềm tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc mình, hiểu biết và tôn trọng vốn văn hóa của các dân tộc anh em, nhận diện và bài trừ những hủ tục lạc hậu không còn phù hợp, sáng tạo những giá trị văn hóa mới. Những năm qua, ngành du lịch nước ta đã thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.

Tuy nhiên, quá trình bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số hiện nay gặp nhiều khó khăn. Đơn cử: Các công trình văn hóa vật thể của các dân tộc thiểu số với kiến trúc độc đáo, có lịch sử lâu đời, giá trị nhân văn cao nhưng do chưa được quan tâm bảo tồn đúng mức nên ngày càng xuống cấp, thậm chí có nguy cơ “biến mất”. Sự “lãng quên” các loại hình văn hóa dân gian truyền thống, tiếp nhận văn hóa mới đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong nếp nghĩ, lối sống, đặc biệt là lớp trẻ khiến loại hình văn hóa này có nguy cơ bị mai một, ảnh hưởng trực tiếp đến xu hướng phát triển du lịch cộng đồng-một thế mạnh du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xã hội ngày càng phát triển thì du lịch phải đáp ứng được nhu cầu khám phá, chinh phục thiên nhiên, nghỉ ngơi…, sự phát triển của du lịch ngày nay đang trong xu thế gắn liền với tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Tuy nhiên, công tác khắc phục ô nhiễm môi trường sinh thái khu vực nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc còn chậm; tập quán du canh du cư, phá rừng làm nương rẫy, khai thác tài nguyên rừng làm cho diện tích rừng ngày càng thu hẹp lại, phá vỡ cấu trúc cảnh quan nguyên sơ, kì thú của thiên nhiên là những vấn đề đáng lo ngại. Đồng bào dân tộc đóng vai trò quan trọng, vừa trực tiếp, vừa gián tiếp tác động đến phát triển du lịch như: Cho thuê các loại hình kinh doanh du lịch, cung cấp dịch vụ du lịch nhằm mở rộng trải nghiệm cho du khách… để du khách thấy được sự văn minh, an toàn và hiếu khách. Nhưng nguồn lợi mà du lịch mang lại cho người dân chưa lớn, chưa giải quyết được việc làm và thu nhập nên nảy sinh nhiều hiện tượng tiêu cực, điển hình là tình trạng ăn xin, trộm cắp, đeo bám, chèo kéo khách du lịch để bán hàng, để sử dụng các phương tiện đi lại… đang diễn ra ở hầu hết các điểm du lịch, các khu du lịch… gây mất thiện cảm của du khách trong nước và quốc tế.

Để tạo ra lợi thế cho ngành du lịch, cần thống nhất các quan điểm: Giữa bảo tồn, phát triển văn hóa với phát triển du lịch có mối quan hệ mật thiết, không tách rời. Công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số bảo tồn, phát triển văn hóa, góp phần phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng yếu trong giai đoạn hiện nay, song quá trình đó phải gắn với các chính sách đầu tư nằm trong tổng thể chiến lược đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta luôn nhận định: “phát triển kinh tế là cơ sở và là điều kiện quan trọng hàng đầu của phát triển văn hóa. Ngược lại, phát triển văn hóa chính là mục tiêu và động lực của phát triển kinh tế-xã hội nói chung và kinh tế du lịch nói riêng”. Tuy vậy, những năm qua, đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc chủ yếu mang tính hỗ trợ nên kinh tế, xã hội phát triển thiếu bền vững, tỉ lệ tái nghèo cao. Đồng bào không có điều kiện giữ gìn và phát huy nền tảng tinh thần của dân tộc, dần đánh mất đi nét đẹp văn hóa riêng. Do đó, việc đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải được tiến hành đồng bộ, lâu dài, có hiệu quả để đồng bào thực sự tin tưởng vào lợi ích của công tác bảo tồn, phát triển văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch.

Để ngành du lịch phát triển bền vững, giữa doanh nghiệp kinh doanh du lịch và người dân phải có sự kết hợp chặt chẽ. Doanh nghiệp phải thấy được lợi ích từ người dân và người dân phải thấy được lợi ích mà doanh nghiệp mang lại. Doanh nghiệp phải đầu tư vào giữ gìn văn hóa truyền thống, khôi phục lại các công trình văn hóa xuống cấp, khắc phục phong tục tập quán lạc hậu; giúp nhân dân địa phương tham gia kinh doanh du lịch, tạo việc làm, nâng cao đời sống, khi đời sống được cải thiện từ nguồn lợi do du lịch mang lại sẽ khuyến khích đồng bào giữ gìn, phát triển văn hóa đáp ứng được nhu cầu du lịch văn hóa.

Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội đóng vai trò nòng cốt trong vận động đồng bào dân tộc thiểu số giữ gìn, phát triển văn hóa, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, nâng cao nhận thức để phát triển du lịch bền vững. Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng gia đình văn hóa, làng, bản văn hóa, quy ước sinh hoạt văn hóa, khôi phục các lễ hội truyền thống, các phong tục tập quán tốt đẹp, tích cực tham gia phòng chống các tệ nạn xã hội, hạn chế và đẩy lùi các hoạt động mê tín dị đoan, các tập tục lạc hậu.

Tăng cường đầu tư cho các hoạt động bảo tồn và phát triển văn hóa, giữ gìn và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường phục vụ phát triển du lịch để giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và doanh nghiệp kinh doanh du lịch cần thường xuyên đối thoại, lắng nghe để hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, phát huy, nhân rộng những sáng kiến tích cực của nhân dân; vừa làm tốt chức năng tuyên truyền, giáo dục, vừa quan tâm bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân. Động viên, bồi dưỡng, hướng dẫn và phát huy vai trò của những người có uy tín trong đồng bào các dân tộc (già làng, trưởng bản, lão thành cách mạng, cán bộ hưu trí gương mẫu, người có uy tín trong dòng họ hoặc địa phương…) trong việc giữ gìn và phát triển văn hóa của dân tộc, bảo vệ và giữ gìn tài nguyên thiên nhiên và môi trường gắn với phát triển du lịch.

Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong vùng đồng bào dân tộc và miền núi về lĩnh vực văn hóa, phát triển du lịch. Tôn vinh người tốt, biểu dương việc tốt, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong đồng bào các dân tộc thiểu số.

Công tác vận động đồng bào dân tộc tham gia bảo tồn và phát triển văn hóa nói chung gắn với phát triển du lịch nói riêng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, phải có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, cùng tinh thần trách nhiệm cao đối với đồng bào các dân tộc thiểu số như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Lò Thị Hạnh
Vụ trưởng Vụ Dân tộc - Ban Dân vận Trung ương