Thôn Thượng Minh nằm lọt thỏm trong thung lũng được
bao quanh bởi những dãy núi đá cao sừng sững. Để đến được nơi đây, chúng tôi
phải mất hai giờ đồng hồ “đánh vật” với những con dốc cao dựng đứng, những con
đường gập ghềnh đất, đá. Đám trẻ con thấy người lạ, giương giương đôi mắt nhìn
chúng tôi một cách lạ lẫm, rụt rè. Đó là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi bước
chân đến Thượng Minh.
Để tìm hiểu về tộc người Thủy, bà Trưởng thôn Bàn Thị Tài đưa chúng tôi đến nhà
thầy mo Bàn Văn Kim, gần 80 tuổi, ông là người cao tuổi nhất và cũng là người
được bà con người Thủy kính trọng nhất. Kể về lịch sử của dân tộc mình, ông Kim
cho biết: Khoảng mấy trăm năm trước, tổ tiên của người Thủy sống rải rác ở vùng
Quý Châu (Trung Quốc). Ngày ấy, vùng Quý Châu gặp hạn hán kéo dài, cùng với nạn
cướp bóc khiến đời sống của người dân vô cùng khổ cực, một bộ phận người Thủy
quyết định đi về hướng nam để lánh nạn. Lúc đầu, đoàn người dừng chân ở vùng
Bạch Ngọc, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang (Việt Nam). Do ngôn ngữ, tập tục khác
hẳn các dân tộc địa phương ở Hà Giang nên nhóm người Thủy lúc bấy giờ sống co
cụm biệt lập, cùng với tình trạng hôn nhân cận huyết, đói kém và bệnh tật đã làm
người Thủy chết dần chết mòn. Sau đó người Thủy du canh, du cư đến thôn Thượng
Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình sinh sống cho đến nay.
Ông Kim cho biết thêm: Do cộng đồng người Thủy còn quá ít người nên việc người
Thủy kết hôn với người dân tộc khác là khá phổ biến. Trong gia đình có nhiều
thành phần dân tộc như bố người Thủy, mẹ người Pà Thẻn, con dâu là người Dao,
người Mông… Một số nét văn hóa truyền thống của dân tộc đã bị mai một nhưng ngôn
ngữ của người Thủy vẫn còn giữ được. Ông Kim là người Thủy gốc và là thế hệ đầu
tiên sống ở Tuyên Quang.
Ông Phù Đức Lâm, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình cho biết:
Trước đây, đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn, họ phải lên rừng kiếm
măng, đào củ mài sống qua ngày, tập quán sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều
vào tự nhiên. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, giờ đây đời sống của bà con
đã đổi thay nhiều, họ đã biết trồng trọt theo mùa vụ, chăn nuôi theo khoa học -
kỹ thuật nên đời sống dần khấm khá, nhiều hộ đã thoát nghèo. Hiện nay, 70% hộ
gia đình đã được sử dụng điện lưới, 100% trẻ em đến tuổi được đi học. Thôn
Thượng Minh còn 20 hộ gia đình người Thủy với 102 nhân khẩu cùng làm ăn sinh
sống đoàn kết, hòa thuận với các dân tộc Tày, Dao, Pà Thẻn, Mông… ở địa phương.
Người Thủy đón Tết bắt đầu từ 23 tháng Chạp âm lịch, phong tục của họ coi những
ngày từ 23 đến 30 Tết là những ngày cúng chúng sinh, xua tà ma quỷ dữ để chiều
ba mươi Tết đón ông bà tổ tiên về. Họ quan niệm phải làm như vậy để linh hồn ông
bà tổ tiên không bị tà ma quấy nhiễu trong những ngày về “thưởng” Tết cùng con
cháu. Theo quan niệm và phong tục cũng như những nghi lễ, Tết của họ là sự hóa
sinh theo thuyết âm dương ngũ hành, tiết trời mùa xuân tràn ngập khí hưng vượng,
tươi mới là thời khắc giao hòa giữa hai thế giới âm và dương, đó cũng là lúc con
người trở nên thân thiện và cùng cầu chúc cho nhau một năm mới bình an, may mắn.
Những nghi lễ cúng “thưởng” Tết đến nay vẫn được đồng bào nơi đây lưu giữ như
một giá trị tâm linh trường tồn trong tâm thức của cộng đồng người Thủy.
Đời sống kinh tế ở Thượng Minh có nhiều khởi sắc cũng góp phần cho đồng bào khôi
phục những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, mà phong tục “thưởng” Tết
của người Thủy là một minh chứng sinh động. Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ
tỉnh Tuyên Quang kết hợp với một số cơ quan, ban, ngành khác đang triển khai đề
tài khoa học nghiên cứu về nguồn gốc và văn hóa của người Thủy nhằm bảo tồn và
phát triển một tộc người đang có nguy cơ bị xóa sổ hoặc trở thành một nhánh của
dân tộc khác.
Quang Cường