Cuộc sống đồng bào SiLa nay đã khác

03:12 07/08/2013 Lượt xem: 54618 In bài viết

Cây cầu treo dây văng và con đường nối 2 bản của đồng bào Si La chỉ là hai trong những công trình Nhà nước đầu tư cho đồng bào. Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Can Hồ cho biết: “Nhờ Dự án Hỗ trợ phát triển dân tộc Si La mà đồng bào đã có cầu, đường, trạm y tế, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng, công trình thủy lợi, được hỗ trợ nhà ở, chăm sóc sức khỏe...”.

Qua cầu treo, rảo bước trên con đường cấp phối chúng tôi vào bản Seo Hai. Trưởng bản Giàng Chàng Ngời ra đón chúng tôi không giấu nổi niềm vui đang rạng rỡ trên khuôn mặt, ông nói: “Nhờ Nhà nước làm cầu cho nên rất nhiều người đã vào được đến bản, biết được cuộc sống của người Si La chúng tôi như thế nào. Chúng tôi không còn bị cô lập với bên ngoài nữa”.

Dân tộc Si La ở Lai Châu có 123 hộ, với 520 nhân khẩu, nhà nào cũng được hỗ trợ để làm nhà, chấm dứt tình trạng tạm bợ. Đồng bào còn được hỗ trợ các giống ngô, lúa cho năng suất, chất lượng cao và con giống. Hệ thống mương dẫn nước được đầu tư nâng cấp nên đã trồng được hai vụ lúa. Năm nay được mùa, nhà nào cũng đầy lúa đủ ăn cho cả năm. Dự án cũng đầu tư cho mỗi bản một trường mầm non, 3 cụm nước sạch, nhà tắm, nhà vệ sinh…

Còn ở bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé (Điện Biên), qua khảo sát cho thấy, dự án Hỗ trợ phát triển dân tộc Si La đã tập trung phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu như: Giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt tập trung và lớp học. Tuyến đường Chung Chải - Nậm Sin dài 8,6 km đã được đưa vào sử dụng, chấm dứt cảnh chia cắt bản Nậm Sin với các thôn bản khác trong vùng. Các công trình thủy lợi gồm đập đầu mối, các tuyến dẫn nước đã đảm bảo tưới cho 10 ha ruộng nước. Công trình nước sinh hoạt gồm 3 bể chứa phát huy hiệu quả. Điểm trường, với gần chục phòng học và phòng chức năng do dự án xây dựng và được sự hỗ trợ của các cơ quan, doanh nghiệp đã đảm bảo việc học cho con em trong bản và những bản lân cận. Dự án cũng tập trung hỗ trợ khai hoang ruộng nước, làm nương cố định; lồng ghép với các chương trình: 134, 167, giúp cho 100% nhà ở của người dân bản Nậm Sin được tôn hóa. Ánh sáng cũng về tới bản nhờ những máy phát điện mini. Có điện chiếu sáng, bà con được xem ti vi, nghe đài để nắm bắt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực giữ gìn an ninh trật tự địa bàn, góp phần bảo vệ vững chắc biên giới Tổ quốc. Nhờ được đầu tư, hỗ trợ về mọi mặt, nên người dân trong bản đã dần vượt qua đói nghèo.

Cùng với phát triển kinh tế, các giá trị văn hóa của dân tộc Si La cũng được chú trọng bảo tồn. Các nhạc cụ, điệu hát, kho tàng văn học truyền miệng được những người cao niên trong bản Sì Thâu Chải, Seo Hai truyền lại cho con cháu. Phụ nữ Si La ngày càng có ý thức trong việc chau truốt những hoa văn trên bộ trang phục truyền thống. Lễ hội Cầu Mùa của người Si La đang được bà con khôi phục với sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn ở huyện, tỉnh...

Ông Hù Chà Khao, năm nay đã 73 tuổi. Trước đây nhà ông ở bản Seo Hai, nhưng từ ngày có cầu bắc qua sông Đà, ông chuyển sang bên kia sông để ở. Ngày ngày, ông trở về bản truyền lại những vốn văn hóa của mình cho con cháu. Bên ánh than củi rực đỏ, ông Hù Chà Khao say sưa kể: “Trong đời sống tâm linh của đồng bào Si La, thì nghi lễ quan trọng nhất là cúng năm mới, “cúng bản” cầu cho mùa màng bội thu, mọi người khỏe mạnh và “làm lễ giải hạn” để tránh những điều không may mắn. Với người Si La, cây sáo là nhạc cụ đặc trưng không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Tiếng sáo gọi bạn, tiếng sáo bay bổng trên suối, trên nương động viên tinh thần mọi người tích cực lao động sản xuất để đời sống ấm no”.

Đồng bào Si La không còn đói khổ nữa nhưng nỗi lo làm sao cho các thế hệ con cháu gìn giữ và bảo tồn được những nét văn hóa truyền thống của dân tộc thì vẫn còn đó. Ông Hù Chà Khao bùi ngùi nói: “Tôi thì tuổi cao rồi mà con cháu trong bản lại không mấy người biết về các nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Si La. Còn sống được ngày nào, tôi cố gắng truyền hết cho chúng nó biết về nguồn cội của mình”. Nói là làm, có bao nhiêu vốn văn hóa, ông truyền lại hết cho bà Hù Cố Xuân để bà lại tiếp tục nhân ra khắp đám thanh niên trong bản. Bà Hù Cố Xuân có cuốn sổ đã đầy những ghi chép về các lời ca tiếng hát và các nghi lễ truyền thống của đồng bào Si La. Bà bảo: “Tất cả đều ở trong này hết, sau này mình có về với ông bà thì con cháu còn có cái mà xem”. Đội văn nghệ của bà Hù Cố Xuân có 6 người vẫn luyện tập đều đặn hàng tuần. “Mỗi bài hát Si La thường dài lắm, tôi phải ghi ra từng đoạn bằng tiếng phổ thông rồi phát cho chị em. Tranh thủ những lúc nông nhàn, không lên nương, lên rẫy giở ra xem. Đến khi thuộc nhuần nhuyễn rồi mới ráp lại thành một điệu múa hát hoàn chỉnh. Tập được một bài như thế mất cả tháng đấy”, bà Xuân cho biết.

Chỉ vào bộ váy áo truyền thống trong tấm ảnh chụp ngày tham gia Liên hoan tiếng hát dân ca Việt Nam năm 2009, bà Xuân bảo: “Trang phục truyền thống Si La mình đây. Mỗi người phụ nữ Si La trước khi về nhà chồng đều được bố mẹ chồng may cho một bộ quần áo. Đồng bào Si La không biết dệt vải, nhưng trang phục lại rất cầu kì, với nhiều màu sắc hoa văn khác nhau. Nhất là giữa thân áo phải đính hàng chục đồng xu trắng theo hình rải quạt. Mỗi bộ mất cả tháng đấy. Phụ nữ Si La còn làm duyên thông qua những chiếc vòng cổ, vòng tay, khuyên tai và khăn đội đầu được trang trí tỉ mỉ, công phu”.

Hiện nay, những người hiểu biết về văn hóa của dân tộc Si La như ông Khao và bà Xuân không còn nhiều và lại đang ở “tuổi xưa nay hiếm”, trong khi lớp trẻ không mấy mặn mà với văn hóa truyền thống. Ông Khao tâm sự “Tôi chỉ ước muốn Nhà nước có những chính sách bảo tồn và lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Si La, để mai sau con cháu còn biết được, để những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình không bị mai một theo thời gian…”

Trọng Thủy

[TT: PLN]