Tình yêu và hôn nhân ở xứ Lâm Tuyền
10:24 11/04/2013 Lượt xem: 2244 In bài viếtNgày hội Văn hoá - Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ VIII đã diễn ra tại tỉnh Tuyên Quang với chủ đề “Đông Bắc-Miền đất thiêng liêng tươi đẹp”. Với gần 1.000 diễn viên, nghệ nhân, vận động viên quần chúng đã mang đến đêm khai mạc Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ VIII một chương trình nghệ thuật hoành tráng, đặc sắc, mang đậm âm hưởng và văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc đến từ 9 tỉnh: Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Bắc Giang.
Phong tục tập quán là yếu tố bền vững trong lịch sử
luôn mang những dấu vết cổ xưa. Các sách chữ Nôm của Thày Mo, phần Ngọc Hạp là
nguồn tài liệu lí thú về hôn lễ. Các tập quán dân gian được các nhà Nho ghi lại
trong sách cổ như “Dư địa chí”(Nguyễn Trãi) thế kỷ XV; “Hoàng Việt địa dư
chí”(Phan Huy Chú) thế kỉ XVIII; “Tuyên Quang Tỉnh phú” (Đặng Xuân Bảng) thế kỉ
XIX; “Bài kí phong thổ tỉnh Tuyên Quang” (Nguyễn Văn Bân, 1920)…
Đầu thế kỷ XX, thời đại của chữ Quốc ngữ, xuất hiện nhiều cây bút phong tục học
như Nguyễn Văn Bân, Nguyễn Văn Huyên, Lâm Tuyền Khách, Lô Giang Khách, Lôi Giang
Khách, Hà Châu Lữ Khách, Hà Sơn, Trọng Thuỷ… đã đi sâu khám phá cuộc sống của
các cộng đồng dân tộc thiểu số từ Bắc tới Nam. Các tài liệu đó được đăng tải
trên các tờ Đông Pháp, Ngọ báo, Đông Phương, Văn học Tạp chí v.v… Trong cuộc
hành trình ấy, Nguyễn Văn Huyên, Lâm Tuyền Khách đã để lại nhiều tài liệu quí về
mảnh đất Tuyên Quang. Đáng chú ý là các thuần phong mĩ tục của dân tộc Tày về
tình yêu và hôn nhân.
Dân tộc Tày vốn đề cao tình yêu tự do và lòng chung thuỷ, tiêu biểu trong bài ca
sau:
‘‘Thương căn thương lắc/Lặc căn lặc hở hâng/Mừa hơ nạn lia dông cọi tả/Mừa hơ
vài lìa nhả cọi thôi/Tắc nặm đẩy têm cuôi cọi piác/Mừa hơ pha bố đét bố phuôn/Pi
chằng tả kình châm noọng á”.
Nghĩa là:
Thương nhau thương cho thực/Yêu nhau yêu cho bền/Khi nào nai lìa rừng mới bỏ/Khi
nào trâu chê cỏ mới thôi/Nước đổ được đầy sọt mới dứt/Khi mưa nắng ông trời quên
hết/Thì anh đây mới dám dời em.
Là cây bút sống gắn bó với nhiều dân tộc thiểu số, đặc biệt là cộng đồng dân tộc
Tày với nhiều phong tục độc đáo, Lâm Tuyền Khách đã ghi lại tục “Chút phảo nòn
thoai” ở châu Đại Man xưa: “Người Thổ (Tày) rất hiền lành chất phác nên họ có
những phong tục rất ngộ nghĩnh trong việc hôn nhân... Việc vợ chồng thành hay
bại, dở hay hay, họ đều quy cả vào đầu số mệnh. Trăm sự đều do ở Nguyệt Lão se
nên có oán hay có ơn cũng là oán, ơn Nguyệt Lão”. Trai gái yêu nhau không lấy
được nhau nhưng có cơ giành lại hạnh phúc một cách “hoà bình” qua câu chuyện
Noọng Eng: Cô gái bị cha mẹ gả cho một người mình không yêu, liền bí mật liên
lạc với người yêu cũ thi hành chiến lược “chút phảo nòn thoai”, nghĩa là: đốt
pháo nằm trưa vậy! Trước ngày thi hành ý định, tình nhân của Noọng Eng mua một
phong pháo lớn. Rồi một đêm kia, sau khi cùng Noọng Eng hò hẹn, anh dắt phong
pháo ở trong mình, cứ việc đến phòng riêng của nàng mà chung chăn gối. Lẽ cố
nhiên làm việc đó phải kín đáo. Sáng hôm sau, anh dậy thật sớm, trước tất cả mọi
người khăn áo chỉnh tề, đứng trước bàn thờ ông vải của người yêu, thắp đèn hương
lên mà làm lễ!... Lễ xong anh lại cứ tự nhiên bóc pháo đốt! Và đốt pháo xong cứ
tự nhiên vào buồng Noọng Eng mà cùng nàng ân ái cho đến khi có người vào triệu
mới ra! Tiếng pháo nổ vang, cha mẹ Noọng Eng bàng hoàng thức dậy, thấy đèn hương
nghi ngút trên bàn thờ, đầy nhà một mùi thuốc pháo. Đôi tay dụi mắt ông bà hỏi:
Cái gì vậy con? Lúc ấy Noọng Eng mới thưa rằng: Dạ! thưa thầy mẹ, người yêu của
con đến “chút phảo nòn thoai”ạ! Một trận lôi đình của thầy mẹ nổi dậy, nhưng chỉ
chiếu lệ mà thôi, vì Noọng Eng vẫn tươi cười với đôi má ửng hồng… Sau cái trận
bão dữ dội trong cốc nước ấy, ông bà cho đòi vị “anh hùng” người yêu của con gái
vào hầu… Trước mặt cha mẹ người yêu, chàng lễ phép thưa rằng: “Thưa ông bà, em
Eng đây và con yêu nhau lắm! Nhưng con chưa kịp hỏi thì ông bà đã nhận lời gả em
Eng cho người khác. Hôm nay con đến với em Eng đây, trước là để làm lễ “trình
ma” sau xin ông bà lượng tình thương mà tác thành cho chúng con xum họp…”. Nhưng
đó là anh chàng “trơ” lắm mới dám xuất đầu lộ diện với bố mẹ người con gái như
thế, nếu phải anh chàng cả thẹn, thì cứ việc nằm ỳ ra ở trong buồng, tha hồ cho
cha mẹ người yêu hò hét và nguyền rủa! Trước sức mạnh ái tình, ông bà chỉ còn
biết theo tục lệ, chiêu tập hội đồng gia tộc, mời cha mẹ vị hôn phu kia đến để
mở cuộc điều đình. Cuộc điều đình ấy…bao giờ kết quả cũng tốt đẹp. Thế rồi, cỗ
bàn linh đình, rượu chè tuý luý đã làm cho ai nấy vui sướng, nhất là anh chàng
“chút phảo nòn thoai”. Còn vị hôn phu mất vợ kia cũng không đau đớn gì, vì cũng
được bồi thường sính lễ. Rồi ngày hôm sau, như Ngô Chúa rước nàng Tây Thi về
thành Cô Tô, anh đưa Noọng Eng về nhà mình. Anh chồng hụt của Noọng Eng, chẳng
những không ức, anh còn làm thơ ca ngợi tình yêu của hai người vì đã tìm thấy
hạnh phúc trong vòng ái ân (do ông Tơ và Nguyệt se)… Nếu có bạn đường xuôi nào,
sau khi đọc bài này, muốn phản đối ông Tơ bằng cách “chút phảo nòn thoai” thì
chắc chắn là ngoài sân ông Cẩm phạt: Đốt pháo không xin phép! sẽ được mời vào
“nòn thoai” trong nhà đá”.
Yêu nhau không lấy được nhau, là bi kịch của nhân loại. Nhưng thật bất ngờ ở cái
xứ “khỉ ho cò gáy” trong con mắt người xưa, tục “chút phảo nòn thoai” lại là một
màn kịch lạc quan, một phép nhiệm màu cứu cánh của tự do tình ái. Hiếm có dân
tộc nào trên thế giới này có được! Về ái tình của người Tày được Nguyễn Văn
Huyên đề cao như văn minh luyến ái của Âu châu. Thực tế cho hay, từ tình yêu đến
hôn nhân của người Tày rất tiến bộ nên đồng bào đã có câu: “Thương cắn shíp vằn
tàng cũng sở, bố thương căn lườn tở kéng lườn nủa cụng quây”. Nghĩa: “Yêu nhau
mười ngày đường vẫn ngắn, không yêu nhà kề cận cũng xa”. Khi trai gái có nhu cầu
kết hôn, nhà trai sẽ cho người mang lễ trầu cau sang nhà gái dạm hỏi, nếu nhà
gái đồng ý, sau một thời gian sẽ làm lễ vấn danh xem tuổi “xung hợp” và nhận lễ
rượu thịt; ít lâu sau xin làm lễ “khát cằm”(dứt nhời) nhà trai mang tới 4 con
lợn 12 đôi gà thiến. Sau lễ khát cằm là lễ nghênh hôn. Trước khi cưới cô gái
chuẩn bị ít quà biếu những “lang quân hụt” và các “lang quân hụt” sẽ biếu lại cô
chút quà lưu niệm. Người chủ hôn là ông Quan làng điều hành và một người giúp
việc là “Pả me”. Hai người phải giỏi giao tiếp với họ hàng nhà gái. Khi nhà trai
đến đón dâu, những cô bạn dâu và Quan làng với Pả me bên nhà gái đứng chờ, họ
chăng ngang lối vào nhà một sợi dây, nhà trai bỏ ít tiền ra rồi vào làm thủ tục
gọi là “làm văn” để sẵn sàng cho hai bên Quan làng và Pả me hát đối đáp.
Nội dung bài hát bên nhà gái: “Ta hội đây như bát tiên đi phó hội Tam Sơn, gặp
ngày lành tháng tốt cúng Thần cho song thân khang thọ, không biết mọi người đi
đâu mà sang trọng thế này, tưởng như Nho sinh thi đỗ đem vật báu vinh quy bái tổ,
xin nói một lời cho hay!”.
Nhà trai đồng thanh trả lời: “Xin người Trần Châu cho biết, kể từ khi én bắc
nhạn nam đã có tin đi mối lại tơ hồng trao tin, đôi bên đã định vui duyên Tần
tấn, nay phái tôi về đây nói để người hay. Cửa nhà xin người rộng mở cho chúng
tôi vào, vui cười hỉ hả mà thôi!”.
Nếu nhà gái muốn thử tài nhà trai thì tiếp tục đưa ra câu hát đối khó hơn, buộc
vị Quan làng và Pả me nhà trai phải hát đáp để được rỡ dây chăng và qua vật cản
vào nhà. Sau khi nhà gái nhận các lễ vật và chuẩn bị mời tiệc rượu nhà trai, chú
rể phải làm lễ gia tiên nhà gái do thầy Tạo chỉ dẫn: Trên bàn thờ để một bông
lúa, vị Quan làng đọc một thiên về sự tích cây lúa, ngụ ý khuyên chú rể phải
biết dàn xếp quan hệ chị dâu với em chồng trong đời sống sau này. Sau lễ đó mới
vào tiệc, người ta bưng ra một mâm gồm 10 cái bát trên đậy giấy đỏ, chín cái
đựng rượu, 1 cái đựng nước lã. Ông quan làng bên nhà trai cầm xiên chọc vào một
trong 10 bát đó, nếu đúng vào bát nước thì không phải uống rượu, nếu đúng bát
rượu thì phải uống cả 9 bát. Tiếng cười sẽ rộ lên vui vẻ… Xen vào tiệc có lễ
“phong thư” để chàng rể nghe những lời ca ngợi của các “chàng rể hụt” với nàng
dâu mới… Cô dâu nào càng có nhiều “phong thư” càng hãnh diện về mình. Tiệc xong,
đến giờ đón dâu, ông Quan làng xin phép nhà gái đưa dâu về nhà. Nội dung lời xin
dâu: giờ này, giờ nguyệt tiên đại đức, giờ này giờ ngũ phúc lâm môn, chúng tôi
xin lễ càn khôn trở gót; nhà người đại nhân đại đức, nuôi chúng tôi như lũ gà
rừng; chúng tôi xin lui quân trở lại, sợ nữa rượu say dại miệng người cười…Đồng
thời thay mặt nhà trai ông Quan làng chúc phúc, chúc thọ cho gia đình nhà gái:
Gặp ngày thiên ân đại xá, cất miệng xin hai ông bà nhạc, cất miệng xin họ mạc
thông gia, cất miệng xin quí chức phương xa, đến dự chúc chữ thọ vạn tuế, thiên
ân, đều được bình an mát mẻ; xin xe hoa trở gót lui nhà, đem cánh hoa sung để
ông bà tôi mừng biết mà thôi…
Con dâu ra lạy cha mẹ và chào gia đình họ hàng theo Quan làng và Pả me về nhà
chồng. Đến nhà chồng cô lại phải nghe ông thầy cúng khấn kẻo “cái ma” nhà chồng
không nhận… Trường hợp, trai gái yêu nhau, nhà trai nghèo chưa có tiền hôn lễ,
chàng trai có thể xin ở rể, họ tự do sống thành chồng vợ, sinh con đẻ cái, bình
đẳng hoà nhập cộng đồng. Khi có đủ tiền họ sẽ tiến hành hôn lễ theo phong tục.
Nếu không may một người qua đời, thì con cháu vẫn làm lễ “cưới cho ông, bà” theo
lệ tục. Việc tái giá của người phụ nữ Tày không có trở ngại về thành kiến; con
cái riêng, chung đều có quyền lợi như nhau.
Tục ngữ Tày có câu: “Sắc lộn lại kin van, lục màn tàng khôn khẻo”, có nghĩa: rau
lắm thứ ăn ngon, trẻ con hoang khôn khéo nói lên hiện trạng tự nhiên của nhân
sinh trong cuộc sống cộng đồng. Xem ra, những mĩ tục đường rừng xưa khác biệt
với tập tục đường xuôi, nơi mà xưa kia những hạng “không chồng mà chửa” không bị
các ngài chánh, phó lí “phạt vạ” giữa đình thì cũng lãnh án “gọt gáy bôi vôi”rồi!
Khi đó giữa xứ sở lâm tuyền lại tồn tại câu ca: “Nhình Đầm Hồng bố mì phua cụng
pà toọng. Chài ban Ty bố mì mìa teo mì lục”. Nghĩa: Gái Đầm Hồng không chồng
cũng chửa, trai Bản Ty không vợ vẫn có con. Song, sống cần có gia đình, lứa đôi
hạnh phúc là khát vọng của mỗi đời người. Ca dao Tày có câu:
Mì nhàu mì nhả bố mì phon,/Mì phục mì phà bố mì cần nòn!
Nghĩa: Có trầu có vỏ lại không vôi/Có chăn có chiếu chẳng nằm đôi!
Vấn đề tình yêu và hôn nhân xưa của thanh niên Tày châu Đại Man xưa phản ánh
những mĩ tục hồn nhiên của đồng bào. Ngoài sinh hoạt vật chất, còn có những sinh
hoạt tinh thần phong phú của không gian văn hóa đường rừng. Trong đó có lời ca
tiếng hát thể hiện cảm hứng vui tươi về tình yêu và hạnh phúc. Đó là cái đẹp về
thời gian, không gian, về tình người và lương duyên đôi lứa, có trời đất và có
người “se”. Đặc biệt lễ “phong thư” là một nét văn hóa độc đáo trong hôn lễ ở
đồng bào Tày không dễ gì có được ở những nơi “văn minh đô thị”? Từ truyền thống
phong tục cho hay: Tình yêu và hôn nhân của nam nữ thanh niên Tày đã cách ly mặt
trái từ Nho giáo (luật “tam tòng”, “nam tôn nữ ti”). Cho nên trong đời sống cộng
đồng Tày rất ít bi kịch về tình yêu đôi lứa cũng như xung đột vợ chồng do phong
tục gây ra như cư dân vùng nông thôn đường xuôi và đô thị. Nếu không may cho đôi
gái trai nào rơi vào bi kịch của hôn nhân thì đã có lễ tục “chút phảo nòn thoai”
giải cứu rồi! Tình yêu tự do và hôn nhân là ngày hội đẹp nhất của đời người, một
nếp sống văn minh có tự ngàn xưa ở một cộng đồng cư dân xứ lâm tuyền. Xin kết
lại bằng hai câu ca thủa ấy về tuổi trẻ tình yêu với đời người:
‘‘Khẩu bươn thíp bấu tam mừn dỏi/Hoa mùa xuân bấu lọi mừn rơi…”
Nghĩa là: Lúa tháng mười không gặt sẽ rụng/Hoa mùa xuân không ngắt cũng rơi.