Ở làng mới Đak Mế

04:19 18/04/2013 Lượt xem: 2294 In bài viết

Gia đình ông Thao La ở làng Đăk Mế, đã đi đầu trong việc làm ăn kinh tế, chịu khó khai khẩn đất đai để làm giàu chính đáng. Không chỉ gia đình ông Thao La, các gia đình khác cũng đang tập trung phát triển kinh tế như: Gia đình A Hạnh trồng 1,5 ha cà phê thu nhập hàng chục triệu đồng/năm và 2 ha cao su, 5 ha bời lời đang trong thời kỳ chăm sóc; gia đình Nàng SiLeu có 3 ha cao su (đang giai đoạn trồng năm thứ 3), 5 sào ao cá hàng năm cũng thu nhập vài chục triệu đồng,… Số các hộ chịu khó làm ăn, biết trồng lúa nước 2 vụ, trồng cây công nghiệp dài ngày đang ngày càng xuất hiện nhiều ở làng Đăk Mế. Cuộc sống của người Brâu đã ổn định.

Tiến sĩ Đặng Luận, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum khẳng định: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chương trình, chính sách đầu tư từ nhiều nguồn vốn, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, hỗ trợ sản xuất, văn hóa, giáo dục, y tế… phục vụ kinh tế dân sinh đối với các dân tộc ít người. Những chương trình, chính sách này đã và đang phát huy hiệu quả, tạo sự thay đổi về nhận thức, phong tục tập quán, từng bước thay đổi đời sống vật chất, tinh thần của bà con dân tộc Brâu ở làng Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi. Riêng dự án hỗ trợ dân tộc Brâu (từ năm 2005 - 2010) đã có tổng kinh phí đầu tư hơn 26,5 tỷ đồng, cho 84 hộ với 322 khẩu. Đến nay, dự án đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng, với hệ thống đường giao thông nội vùng và đi vào nơi sản xuất đã được nhựa hóa, 100 số hộ được hỗ trợ về nhà ở với kinh phí 20 triệu đồng/hộ, 100% hộ có giếng nước sinh hoạt và nhà cầu hợp vệ sinh. Nhờ sự hỗ trợ này, dân tộc Brâu đã vươn lên thoát nghèo, tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 65% (năm 2005) xuống còn 13,7% (2010). Tỷ lệ học sinh các cấp đến trường đạt 100%, tỷ lệ tăng dân số là 3%/năm.

Ông Thao La cho biết: “Nhờ có sự đầu tư, quan tâm của Nhà nước mà giờ đây dân tộc chúng tôi không còn khổ nữa, dân làng đã có nơi ở mới, cuộc sống mới, nhiều hộ đã biết trồng cà phê, cao su, có hộ còn nuôi thêm con bò, con cá để nâng cao đời sống cho gia đình. Ngoài ra, nơi đây còn được Nhà nước đầu tư xây dựng nhà Rông, nhà sàn, rồi hệ thống điện, trường học, cơ sở y tế và giao thông nông thôn. Người dân ai cũng vui, ai cũng mừng”.


Mùa quả chín

Xác định nguyên nhân dẫn tới đói nghèo và tập tục lạc hậu của đồng bào Brâu với tập quán nghìn đời nay ở trong rừng sâu là trình độ, năng lực còn thấp, tỉnh đã tập trung đầu tư và phát triển nền giáo dục cho đồng bào Brâu. Theo đó, dự án đã xây dựng 2 trường tiểu học và mầm non ngay tại làng Đăk Mế; đồng thời mở các lớp xóa mù chữ cho người dân nơi đây. Hàng năm cán bộ dân tộc đến từng nhà vận động người dân cho con, em mình đến trường. Nhờ đó, hiện nay người Brâu lần đầu tiên đã có 4 em theo học Cao đẳng, Đại học và 1 em đang học cấp 3 tại trường nội trú, trong tổng số 55 cháu đi học các cấp ở làng Đăk Mế.

Còn ông Thao Lợi, Trưởng thôn của làng Đăk Mế, cho biết: “Hiện nay, trẻ em trong làng đã được đi học, ai ai cũng được đến trường để biết con chữ, lớp trẻ bây giờ có thể đọc chữ rất giỏi rồi, chúng tôi làm gì cũng phải nhờ đến chúng nó, không là không hiểu được gì hết”. Ngoài ra, Nhà nước còn đầu tư con đường ra rẫy của đồng bào dân tộc nơi đây, cùng với đó là hệ thống kênh mương nội đồng, tưới cho hàng trăm ha cà phê, cao su của người dân làng Đăk Mế. Định canh định cư ở đây, dân làng mới có cơ hội vươn lên làm giàu, cơ hội thoát khỏi nghèo túng. Người dân không còn phải sống trong núi, rừng heo hút với cuộc sống nay đây mai đó.

Bên cạnh đó, nhờ có sự quan tâm của Nhà nước nên chất lượng dân số của dân tộc Brâu ngày càng tăng. Từ 84 hộ năm 2005 đến nay toàn làng đã có 124 hộ với 441 khẩu. Toàn làng đã có 7 ha ruộng lúa nước 2 vụ, 10 ha cà phê đang đến mùa thu hoạch và 8 ha bời lời cùng 47 ha cao su đang trồng trong tổng số gần 250 ha đất sản xuất của người Brâu làng Đăk Mế, Trưởng thôn Thao Lợi vui mừng cho biết.
Để người dân Brâu từ nơi rừng sâu về sống tập trung tại làng Đăk Mế và giúp người dân ổn định cuộc sống, tỉnh Kon Tum đã trình diễn các mô hình, hỗ trợ các loại cây, con giống, hỗ trợ phân bón, thuốc trừ sâu…; hỗ trợ dụng cụ sản xuất như: máy cày tay, máy tuốt lúa có động cơ, bình bơm thuốc trừ sâu… Bên cạnh đó, tỉnh Kon Tum còn cử cán bộ khuyến nông, khuyến lâm trực tiếp hướng dẫn bà con trồng lúa nước ở mọi khâu. Nhờ đó, đồng bào Brâu hiện đã biết trồng lúa nước 2 vụ, biết trồng và phát triển cây công nghiệp dài ngày và đã biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đây chính là điều thành công nhất trong dự án phát triển dân tộc Brâu.

Là một trong các dân tộc ít người nhất của Việt Nam được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, hỗ trợ, cuộc sống của người Brâu ở làng Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi đang đổi thay từng ngày. Làng mới ở Đăk Mế giờ đây được nhiều người ví như phố ở xã vùng biên.

Sỹ Thắng