Hà Mòn xã nông thôn mới đầu tiên ở Tây Nguyên
04:05 26/06/2013 Lượt xem: 2389 In bài viếtTrong những năm qua, với sự nỗ lực phấn đấu của chính quyền và người dân xã Hà Mòn, huyện Đắk Hà (Kon Tum) đã chính thức đạt được 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trở thành xã nông thôn mới đầu tiên ở tỉnh Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Đây không chỉ là niềm vui, tự hào của xã mà còn của cả người dân Kon Tum, nhất là khi tỉnh đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh
Hà Mòn trong những ngày này rộn ràng hơn thường lệ. Con đường nhựa dẫn vào xã chạy song song với con kênh “xóa nghèo” của dân. Nói là xóa nghèo cũng phải, bởi con kênh dẫn nước từ hồ Đắk Uy lâu nay là nguồn sống của hàng nghìn ha cà phê, cao su, đồng thời là điều kiện thuận lợi cho nền nông nghiệp phát triển bền vững của người dân nơi đây.
Hà Mòn hiện có 1.193 hộ dân nhưng có tới hơn 2.000 ha cà phê, cùng hàng trăm ha cao su và cây công nghiệp khác. “Nhờ cà phê mà Hà Mòn đã xóa đói, giảm nghèo bền vững, giúp người dân từng bước vươn lên làm giàu chính đáng ngay tại quê hương. Ngoài ra, xã hiện có khoảng 300 ha cao su đã bắt đầu cho thu hoạch. Diện tích cao su này đều được người dân tận dụng trồng ở những mảnh đất cao, ít nước để khai thác hết công năng trên diện tích đất của xã”. Ông Nguyễn Kế Trường, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Hà Mòn khẳng định.
Khác mọi nơi, khi người dân thu hoạch nông sản (chủ yếu là cà phê), huyện khuyến khích người dân không xuất cà phê tươi ra khỏi địa bàn mà phơi khô, xát thành nhân trước khi xuất. Cách làm đó một mặt tận dụng được nguồn lao động nhàn rỗi sau thu hoạch, mặt khác lại có thêm vỏ cà phê ủ bón lại cho cây,… đây là cách làm hay giúp người dân có thể hưởng lợi tối đa với sản phẩm nông sản của mình.
Sau 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, đến nay Hà Mòn đã đạt được những thành tích nổi bật. Thu nhập bình quân của người dân tăng từ 22 triệu đồng (năm 2009) lên 38 triệu đồng (năm 2012), cao gấp 3,2 lần so với mức bình quân chung khu vực nông thôn trong tỉnh. Ngay trong năm 2011, Hà Mòn đã xóa hết hộ đói, nghèo và không còn nhà tạm, nhà dột nát; nâng tỷ lệ hộ khá, giàu lên 70%. Đã xuất hiện nhiều tấm gương vượt khó vươn lên làm giàu như anh Trần Văn Dụ, cựu chiến binh Nguyễn Xuân Lục, với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm,… Điều đặc biệt là những hộ khá giả của Hà Mòn đều có xuất phát điểm khá tương đồng, họ đều là những nông dân đi lên bằng chính nghị lực và sức lao động của mình.
Từ khi Hà Mòn bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, xã đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo từ tỉnh đến huyện trong ưu tiên đầu tư nguồn lực, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ xã; chỉ đạo đơn vị chuyên môn nhanh chóng hoàn thành công tác xây dựng quy hoạch và lập đề án xây dựng nông thôn mới. Tính đến nay, trong tổng số 80 tỷ đồng kinh phí đầu tư cho xây dựng nông thôn mới thì có gần 4 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương đầu tư trực tiếp, hơn 12 tỷ đồng từ ngân sách địa phương,… Nhưng đó chưa phải là nguyên nhân chính để Hà Mòn sớm về đích đầu tiên trong khu vực Tây Nguyên.
Đồng chí Phạm Đức Hạnh, Bí thư Huyện ủy Đắk Hà luôn khẳng định: “Dân là chủ thể của việc xây dựng nông thôn mới ở địa phương và người đầu tiên được hưởng lợi là dân, vì vậy dân đồng thuận mới làm” là chủ trương mà xã Hà Mòn luôn tuân thủ. Chính nhờ vậy mà Hà Mòn đã huy động được cả hệ thống chính trị và sự tham gia của mỗi người dân, hạn chế tối đa tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân xã xây dựng kế hoạch, trình Hội đồng nhân dân xã thông qua; đồng thời các ban chỉ đạo, xây dựng, giám sát được thành lập đến cấp thôn để theo dõi, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Rời Hà Mòn trong không khí thi đua lao động, sản xuất vẫn rộn ràng mà ai cũng có thể cảm nhận được khi có mặt ở nơi đây. Một mạch sống mới yên bình, hiền hòa nhưng cũng thật mạnh mẽ như dòng nước từ hồ nước mang về để chắp thêm sức giúp Hà Mòn vươn lên. Có thể nói thành công hôm nay của Hà Mòn đến từ việc khơi dậy sức mạnh, sự đồng lòng của toàn dân trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Điển hình là Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Cao Nguyên
[TT: PLN]