Tộc người Arem giữa đại bàn Trường Sơn

09:40 11/04/2013 Lượt xem: 2634 In bài viết
<xmp style="DISPLAY: inline" id="9669" tabindex="-1" contenteditable="false">TỘC NGƯỜI BƯỚC RA TỪ HANG ĐÁ

Để vào được bản A Rem xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, từ con đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, chúng tôi rẽ vào con đường 20 Quyết thắng huyền thoại. Từ cửa động Phong Nha lên bản A Rem chỉ 39 km nhưng chiếc ô tô của đoàn chúng tôi phải “bò” mất nửa ngày. Con đường Quyết thắng oanh liệt trong chiến tranh giờ đây là cầu nối duy nhất giúp bà con ở 2 xã Tân Trạch và Thượng Trạch, huyện Bố Trạch hoà nhịp với hơi thở cuộc sống miền xuôi.

Con đường được xây dựng từ trong chiến tranh đến thời bình không được tu sửa nhiều nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Những con dốc dựng đứng lởm chởm đá chạy quanh bên những vực sâu làm những tay lái quen với đường nhựa phẳng phiu phải sởn gai ốc. Chiếc U oát cứ chồm lên như con ngựa bất kham lắc điên đảo. Đôi khi nó khựng lại vì bánh xe quay tròn giữa vùng bùn nhớp nháp. Có đoạn, cả đoàn phải xuống xe phụ với anh tài xế ném cành cây vào bánh xe để qua khỏi vũng sình lầy.

Trở về quá khứ, năm 1956, trong một chuyến tuần tra, bộ đội biên phòng phát hiện ra tộc người A Rem sống trong những hang đá giữa núi rừng Phong Nha-Kẻ Bàng. Năm đó, tộc người này chỉ vẻn vẹn 18 nhân khẩu. Sau đó ít lâu, tộc người này tăng thêm được 110 người. Rồi chiến tranh, dịch bệnh, đói kém liên miên, đến khoảng năm 1982-1983, huyện Bố Trạch huy động các xã trong huyện giúp cho người A Rem làm nhà, cung cấp màn chiếu, bò giống để chăn nuôi. Địa điểm định cư lúc đó ở km 12 cũng trên tuyến đường này. Thời điểm đó, tộc người A Rem chỉ còn đúng 85 người.

Họ ở trên bản mới này chỉ được chừng 4 năm rồi lại tìm về các hang Va, hang Tho Đũa truyền thống của mình. Đến đầu năm 1992, tộc người A Rem được Nhà nước hỗ trợ theo dự án Bảo tồn và phát triển những tộc người có nguy cơ biến mất. Lúc này, người A Rem chỉ còn lại 83 người.

Bản 39 này được coi là nơi người A Rem bám trụ lâu nhất trong lịch sử định canh, định cư của mình. Cuộc sống định cư với một tộc người hoang dã không phải là dễ, với bao biến cố thăng trầm, có lúc lại tưởng như người A Rem quay trở vào hang khi vùng đất này kiệt nước, người ta phải đào những cái hố sâu, nhảy nằm xuống đó như thời kỳ ở hang với hy vọng chống chọi qua mùa nắng dữ… Rồi những thời kỳ cam go cũng qua, người A Rem bám trụ bản 39 này cho tới tận bây giờ.

Hiện tại, dân số người A Rem trên toàn xã Tân Trạch gồm 75 hộ, 333 khẩu, trong đó có 6 hộ ở bản Đoòng, cách trung tâm xã chừng 20 km đường rừng. Năm 2004, cảm thông với những khó khăn của đồng bào A Rem, nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã vận động, quyên góp được trên 1 tỷ đồng để xây tặng 42 căn nhà kiên cố giúp đồng bào. Tỉnh tiếp tục đầu tư trường học, trạm y tế, trụ sở Uỷ ban nhân dân xã, đường giao thông… Từ đây, tại Km 39 đã thành hình hài của một bản dân tộc kiểu mẫu.

Tuy được quan tâm nhiều từ các cấp chính quyền song cuộc sống của người A Rem vẫn chưa hết khó khăn. Cái đói, cái khát vẫn luôn rình rập họ. Đinh Lầu-Chủ tịch xã Tân Trạch trải lòng với chúng tôi: “Bà con mình còn vất vả nhiều lắm, hành trình đổi đời gian nan, làm gì để cái bụng không đói còn gian nan hơn. Giờ tất cả đều trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước”. Đúng! Bà con A Rem trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước. Nghĩ ra thì cho là họ không có ý chí tự thân vận động, nhưng nghĩ lại thì điều đó cũng phải. Định cư ngay giữa vùng lõi di sản, thiếu đất sản xuất, thiếu nước tưới tiêu, sinh hoạt hàng ngày. Tập quán canh tác dựa hoàn toàn vào rừng nhưng giờ rừng đã là của di sản. Đồng bào biết rằng phá rừng sẽ vi phạm pháp luật nhưng nếu không bám vào rừng thì họ phải đối mặt với cái đói.

Chủ tịch Đinh Lầu khoe rằng: “Mấy năm nay, bản A Rem nhận chăm sóc và bảo vệ rừng được hơn 1.000 ha; mỗi quý, toàn bản nhận 25 triệu đồng, xã dùng nguồn này mua gạo hỗ trợ cho dân bản”. 25 triệu dù là số tiền không lớn nhưng đối với xã mà tỷ lệ hộ nghèo dường như gần 100% như Tân Trạch thì đến ngày giáp hạt, từng đó cũng đủ để bà con cảm thấy ấm cái bụng phần nào.

Ngoài cái đói, bản A Rem còn phải chịu đựng sự thiếu nước trong mùa khô. Nước sinh hoạt của bà con hầu hết được lấy từ suối nhỏ và các vũng nước tù đọng, nước mưa.

NHỌC NHẰN CON CHỮ

Bước ra từ hang đá, muốn để bà con A Rem tiến kịp miền xuôi, ngoài việc lo cái ăn, cái mặc thì cho bà con cái chữ là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, đã quen với cuộc sống hoang dại như cây cỏ mọc trên rừng không chịu sự uốn nắn của bàn tay con người nên việc bắt các con em A Rem học chữ là một việc rất khó, cần đến sự kiên trì và cái tâm của mỗi giáo viên nơi đây.

Hiện tại, xã Tân Trạch có 2 trường là Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tân Trạch với 25 cán bộ, giáo viên, phần lớn là người miền xuôi lên. Một tuần thay nhau về nhà một lần. Tổng số học sinh gồm 43 em tiểu học, 29 em trung học cơ sở. Điểm trường bản Đoòng cách trung tâm 20 km, chỉ có 5 học sinh nhưng thầy giáo Phó Hiệu trưởng Trần Hải Nam cùng thầy Hoàng Văn Sáu về bám bản, bám dân để dạy học. Các giáo viên nam cứ thay nhau về cắm bản ở Đoòng, luân chuyển 2 năm một lần.

Chuyện dạy và học ở trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tân Trạch cũng rất lạ so với nhiều bản làng khác mà chúng tôi đã đặt chân đến. Nghe mà nao nao lòng. Vốn thời gian biểu được chia ra: khối Trung học cơ sở học buổi sáng, khối Tiểu học học buổi chiều. Rạch ròi thế nhưng học sinh lại hay quên… ngồi nhầm lớp là chuyện thường. Không đâu như ở Tân Trạch, muốn học sinh đến trường đảm bảo sĩ số, đầu buổi học phải huy động tất cả giáo viên, cán bộ xã đến từng nhà gọi… Duy trì sĩ số đầu giờ học, đến giờ ra chơi, lũ trẻ chạy về nhà tranh thủ kiếm cái gì đó cho vào bụng. Ăn xong, không còn nhớ mình đang đi học, chúng khoác gùi lên vai, vơ lấy con dao… hồn nhiên theo bố mẹ lên rừng, lên rẫy.

Khó khăn là thế nhưng các thầy vẫn nặng lòng để gánh con chữ đến với con em nơi đây. Cuộc sống nơi rừng thiêng nước lạ không làm giảm đi lòng nhiệt huyết của các thầy. Có nhiều thầy đã bám trụ với mảnh đất này lâu như Hoàng Văn Sáu đã tròn 11 năm, Nguyễn Xuân Vũ 8 năm, Nguyễn Văn Đạt và Nguyễn Thành Phương 6 năm… Có 8 giáo viên nữ, 1/3 trong số họ là giáo viên trẻ. “Từ miền xuôi lên, gắn chặt với sự nghiệp trồng người sâu giữa đại ngàn, dù có muôn vàn khó khăn nhưng ước mơ, hoài bão vẫn cháy bỏng trong tâm mỗi người”- thầy giáo Nguyễn Thành Phương tâm sự.

Xuân Nha