Một nét hồn quê
10:21 20/05/2013 Lượt xem: 2321 In bài viếtTrong bài viết này điều tôi muốn nói đến là lối ứng xử giữa người với người ở nơi gọi theo cách dân dã là "Khỉ ho cò gáy". Đây chính là một nét đẹp văn hóa của các vùng quê Việt Nam xưa, rất tiếc là cùng thời gian nó đã bị mai một
Ái Quốc là xã vùng III, nằm ở phía Tây nam của huyện
Lộc Bình (Lạng Sơn), với diện tích 106km2, có 2363 nhân khẩu cư trú trên 12 thôn
bản: là xã có tới 90% dân số là dân tộc Dao, tỷ lệ nghèo của xã lên tới 86,09%,
cách trung tâm huyện lỵ Lộc Bình 45km, đường sá đi lại rất khó khăn. Vì vậy, khi
nói đến vùng đất này, người ta thường nhớ đến câu nói của Tiến sĩ ngữ văn Hoàng
Văn An: “Yêu nước mới vào được Ái Quốc!”. Từ thị trấn Lộc Bình vào Ái Quốc phải
qua thị trấn Na Dương và các xã Đông Quan, Nam Quan, Xuân Dương. Hết đoạn đường
rải đá cấp phối thì đến đoạn đường đất đỏ coi là tương đối bằng phẳng, bắt đầu
hết đoạn quanh co, dốc thẳng đứng, đá hộc lổn nhổn do những trận lũ rừng quẳng
ra giữa lối đi. Năm trước, xe máy của một cô giáo trên đường vào xã dạy học đã
đối đầu với xe một vị lãnh đạo xã trên đường ra huyện họp, kết quả của cú chào
hỏi bất đắc dĩ này là cả hai phải đi nằm viện.
Hết trèo đèo lại lội suối, phải hơn ba tiếng đồng hồ chúng tôi mới đến được
trung tâm xã Ái Quốc (thời gian đủ để người ta đi xe ô tô từ huyện về tới thủ đô
Hà Nội). Mái ngói thấp thoáng dưới tán cây rừng, mỗi nhà án ngữ trên một sườn
đồi. Có thể nhìn thấy nhà nhau nhưng để đi đến nơi phải mất vài chục phút. Đã
chủ động về thời gian làm việc nên chúng tôi chưa vào trụ sở xã vội, mà ghé thăm
một nhà dân nằm dưới chân đồi, cạnh con suối nhỏ. Ngôi nhà được xây bằng cay (loại
gạch mộc chưa nung qua lửa) còn mới. Ngoài sân còn ngổn ngang một số đồ đạc, củi
đóm. Điều đó chứng tỏ chủ nhân vừa chuyển từ nơi khác về nhà mới chưa lâu! Nghe
tiếng chó sủa, chủ nhà ra xua chó và mời khách vào nhà. Mặc dù chưa quen biết,
chủ nhà là người đàn ông trạc ngoài bốn mươi nhanh tay lấy ghế mời khách ngồi và
tìm chè pha nước uống. Một người phụ nữ tầm thước, nhanh nhẹn vừa quẩy trên vai
hai thùng nước đầy vừa đuổi vào sân gần chục con vịt nhỏ. Đặt gánh nước xuống
chị vội vàng lấy tấm xec (dụng cụ đàn bằng tre để nhốt gà, vịt nhỏ) quây vội đàn
vịt lại và giải thích với chồng: Đàn vịt con này ướt hết lông, có lẽ xuôi theo
suối đã lâu, chắc của nhà ai ở bản trên bị lạc, mình thấy thì nhốt lại giúp
người ta, ai đến tìm thì trả họ, không nhốt lại nó sẽ theo suối đi suốt ngày
thôi! Quay lại, thấy chúng tôi chị vui vẻ cất tiếng chào. Vừa uống xong chén
nước chè nóng hổi đã thấy chị bưng đĩa bánh giò vàng ươm và bát mật ong rừng
vàng sánh đặt lên bàn. Chị so đũa rồi gắp bánh vào bát cho chúng tôi, chị mời:
Mời các chị ăn thử bánh giò, hôm qua là tết mồng năm tháng năm mà! Chúng tôi nói
là chưa đói, vì lúc này mới gần mười giờ trưa nhưng chị cứ ép chúng tôi ăn bằng
được. Cảm động trước tấm lòng của chị chủ nhà, chúng tôi không khách khí nữa.
Nhai miếng bánh giò dẻo thơm màu hổ phách chấm với mật ong rừng ngọt lịm trong
không khí thân tình như đón người ruột thịt mới đi xa về của vợ chồng chị chủ
nhà, tôi cảm thấy đây là thứ bánh giò ngon nhất từ trước tới nay tôi mới được ăn!
Trong khi chúng tôi ăn bánh, chị đã nhanh tay vo gạo nấu cơm trưa, chúng tôi xua
tay từ chối thì chị bảo: Các chị cứ thong thả, chẳng mấy khi về được về tới nhà
em, các chị ăn với gia đình em một bữa cơm rau gọi là mừng nhà mới. Hôm qua em
vừa chuyển nhà từ bên kia suối sang đây cho gần với mấy đám ruộng hơn. Nhà em
chỉ có năm người, hai cháu trai về nhà cũ chuyển đồ từ sáng, bố chồng em đi chăn
trâu cũng sắp về. (Lệ ở đây là khách đến nhà, dù quen thân hay chỉ là người qua
đường đều được chủ nhà mời cơm, không để khách phải nhịn đói). Chị vừa dứt lời
thì dưới chân dốc đã nghe tiếng đuổi trâu ùi ùi của ông cụ. Cụ Triệu Văn Slin đã
trên tám mươi tuổi vừa đuổi trâu vào chuồng vừa quẳng vào đống củi trước nhà một
khúc cây dài đã khô. Trên lưng cụ còn có một bóng lá rừng, cụ hái để nấu chăn
lợn. Chúng tôi đứng dậy chào cụ, khen cụ đã già mà vẫn còn khỏe và làm được
nhiều việc giúp con cháu. Cụ thong thả nhấp chén nước chè và hỏi thăm chúng tôi.
Tôi thưa với cụ:
- Cháu ở thị trấn Lộc Bình. Lúc trẻ, cụ có hay đi chợ Lộc Bình không ạ?
Cụ thong thả hút thuốc, thả ánh mắt xa xăm nhìn theo làn khói, cụ nói như nói
với chính mình:
- Đã lâu lắm rồi, bây giờ Háng Bục (tên cũ của chợ Lục Bình) chắc đã đổi thay
nhiều lắm.
Như sực nhớ ra điều gì, giọng cụ hồ hởi khoe với các con:
- Ké vừa thấy một tổ ong rừng trên lối vào Nà Xả đấy!
Cả con trai, con dâu cụ đều hỏi dồn:
- Sao Ké không lấy ngay? Để đấy người ta lấy mất thì sao?
Ông cụ thủng thẳng:
- Không ai dám lấy đâu, tao đã lấy cỏ gianh buộc thắt nút vào cái cây để nó đánh
dấu rồi! Khoảng hai chục ngày nữa, đợi nó lớn hơn hẵng đi lấy.
Lúc này anh con trai mới thở phào nhẹ nhõm. Thì ra, ở nơi xa xôi hẻo lánh này,
người ta vẫn giữ một thói quen đẹp, một thứ luật bất hành văn chỉ có ở vùng núi:
Để xác lập chủ quyền của ai đó với một tổ ong rừng, một cây thuốc quý thì người
ấy chỉ việc bứt một nắm cỏ gianh buộc thắt nút vào cây thuốc ấy để đánh dấu là
được, người khác sẽ tôn trọng và không có ý định tơ tưởng đến cây thuốc quý hoặc
tổ ong ấy nữa mà không cần biết chủ nhân nó là ai! Đây là một nét đẹp văn hóa
cần giữ gìn và phát huy, phải không các bạn?
Bịn rịn chia tay gia đình cụ Slin, chúng tôi vào trụ sở Uỷ ban nhân dân xã xin
được làm việc với đồng chí Bí thư Đảng ủy xã nhưng phải đợi đến đầu giờ làm việc
buổi chiều vì sáng nay xã có hội nghị. Đây là dịp may hiếm có, chúng tôi lang
thang ra ngoài bờ suối ngắm cảnh. Vui chân, chúng tôi đến bên một mảnh vườn rộng
trồng nào dưa hấu, dưa chuột, lại có cả dưa lê nữa. Loại dưa nào cũng sai và
tươi ngon đang độ chín. Trên ruộng dưa một già, một trẻ đang thu hoạch. Người mẹ
khoảng ngoài năm mươi tuổi dáng vẻ lam lũ, quê mùa. Cô gái ngoài đôi mươi trẻ
trung trong bộ sơ mi hoa và quần bò đã cũ. Nghe tiếng người lạ hai mẹ con ngẩng
lên trời chào đon đả:
- Các cô di đâu mà qua đây? Vào đây ăn dưa đã!
Không kịp để chúng tôi trả lời, người mẹ đã giục cô con gái:
- Con bổ dưa mời các cô đi!
Chúng tôi sà xuống hỏi thăm:
- Hai mẹ con chị hái dưa đi bán ạ?
- Các cô cứ ăn dưa đi đã, trồng để nhà ăn thôi, không bán đâu-Chị trả lời.
Dưa hấu trồng trên đất phù sa bên suối ngọt và mát quá, hơn hẳn dưa mua ở ngoài
chợ, vừa non vừa nhạt. Hai mẹ con chị vừa hỏi thăm chúng tôi từ đâu đến vừa
nhanh tay lựa cắt những quả dưa hấu đã già cho vào hai đôi sảo. Chị cho mấy quả
dưa vào bao tải đặt lên bờ và bảo chúng tôi:
- Lát nữa các cô lấy mấy quả dưa này đi ăn dọc đường nhé!
Tôi hỏi chị chỗ dưa này bao nhiêu tiền? Chị nói là của nhà làm ra, chị cho chứ
không lấy tiền. Chúng tôi nhìn nhau ái ngại. Từng này dưa bán ở chợ huyện cũng
được mấy chục ngàn. Tôi biết, mấy chục ngàn bạc không phải nhiều nhặn gì nhưng
với người nông dân một nắng hai sương, nhất là nông dân vùng sâu này là rất quý!
Để trồng được những quả dưa như thế này phải mất nhiều công sức lắm. Tôi nói:
- Nếu chị không lấy tiền thì chúng tôi không lấy dưa đâu, vả lại đường xấu quá,
về đến nhà có lẽ dưa bị dập nát hết.
Chị cười bảo:
- Mấy quả dưa có đáng gì đâu, chị em mình gặp nhau là quý rồi!
Từ chối mãi không được, cuối cùng chúng tôi đành xin mỗi người một quả cho chị
vui lòng.
Xong việc, tạm biệt Ái Quốc, xã vùng III xa xôi, hẻo lánh của huyện Lộc Bình,
nơi mà không phải người dân trong huyện nào cũng có cơ may đến được, chúng tôi
rất vui. Vui vì hoàn cảnh công việc cơ quan giao cho và còn vui vì gặp rất nhiều
điều thú vị trong cuộc sống nếu chỉ suốt ngày làm việc ở văn phòng sẽ không bao
giờ biết được. Các cụ xưa thường bảo “đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Hôm
nay với riêng tôi, có thể nói “Tôi đi một ngày đàng để tìm lại những điều tưởng
chừng đã mất và sự thật thì đã mất ở nhiều nơi rồi!”. Đó là tấm lòng chân thực,
đôn hậu của những người nông dân chân lấm tay bùn, quanh năm không ra khỏi ngọn
núi, khu rừng mình đang sinh sống; là ý thức với cộng đồng - việc giữ cho người
khác mấy con vịt nhỏ lạc đàn. Là tấm lòng thảo thơm, chu đáo bất kể là ai, đã
đến nhà là khách quý. Một ngày được tiếp xúc với nhiều nét đẹp văn hóa như thế.
Tôi nghiệm ra rằng, ở vùng nông thôn xa xôi, hẻo lánh này những nét tinh hoa văn
hóa-lối ứng xử thẫm đẫm tình người, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc vẫn được
lưu giữ và trường tồn cùng năm tháng. Nông thôn Việt Nam chính là cái nôi nuôi
dưỡng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và chính nó đã góp phần không nhỏ vào
việc bảo tồn và phát huy những nét đẹp của truyền thống văn hóa Việt Nam trong
thời kỳ đổi mới và hội nhập.
Hoàng Kim Dung