''5 có, 5 không'' của đồng bào Mông ở Sơn La

04:30 01/07/2013 Lượt xem: 5192 In bài viết

Bản cam kết “5 có, 5 không” gồm những nội dung thiết thực, gắn với cuộc sống hàng ngày của đồng bào người Mông. “5 có” là: Có đổi mới tập quán sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; có tinh thần đoàn kết giữa các dòng họ, các dân tộc; có nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội; có ý thức xây dựng bản làng phát triển toàn diện; có nhiều người hiếu học, biết chữ.

Ở nội dung “5 không”, đồng bào Mông cam kết không du canh du cư, vượt biên trái phép; không truyền học đạo trái phép và trái với phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc; không để người chết nhiều ngày; không tái trồng cây thuốc phiện, buôn bán, vận chuyển, sử dụng trái phép các chất ma túy và không tảo hôn, sinh nhiều con. Những nội dung này được tuyên tuyền, phổ biến tới từng bản đã giúp bà con nhận thức rõ tầm quan trọng của bản cam kết và thực hiện một cách có hiệu quả.

Xóa bỏ hủ tục

Thực hiện nếp sống văn hóa trong tổ chức lễ cưới, đồng bào dân tộc Mông đã kết hợp giữa lễ cưới truyền thống với lễ cưới văn hóa, đảm bảo văn minh, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. Việc cưới xin được tổ chức theo Luật Hôn nhân gia đình, không ép hôn, tảo hôn, không lấy vợ lẽ, không thách cưới bằng bạc trắng; việc tổ chức ăn uống hai bên gia đình đều gọn nhẹ; tục bắt vợ, ép cưới đã chấm dứt.
Ông Giàng Khưa Nếnh, Trưởng dòng họ Giàng, bản Pa Cư Sáng, xã Hang Chú (huyện Bắc Yên) cho biết, trước đây con cái mới 13, 14 tuổi bố mẹ đã lấy vợ, gả chồng cho và thách cưới từ 20 đến 30 đồng bạc trắng. Khi đã lấy nhau, mỗi cặp vợ chồng thường sinh từ 5 con trở lên, vì họ cho rằng có nhiều con mới có người làm nương rẫy. Nhưng từ khi thực hiện cam kết “5 có, 5 không”, người Mông họ Giàng đã phát huy truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy ước hương ước của bản. Khi xây dựng gia đình không để con, cháu tảo hôn, lấy vợ, gả chồng không thách bạc trắng hoặc lấy nhiều tiền. Trong đám cưới nhà gái chỉ lấy từ 1- 2 triệu đồng, đa số các cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1 đến 2 con.

Mặt khác, trong những năm qua, tín ngưỡng văn hóa mang bản sắc dân tộc Mông tiếp tục được duy trì và phát triển, các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan đã từng bước được xóa bỏ, tang lễ được tổ chức gọn nhẹ, không tốn kém.

Bên cạnh đó, thực hiện cam kết “5 có, 5 không”, đồng bào người Mông ở Sơn La luôn có tinh thần đoàn kết giữa các dòng họ và những dân tộc khác sống trên địa bàn, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, trong lao động sản xuất, cũng như lúc khó khăn. Nhiều việc làm thể hiện tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau đã được bà con người Mông thực hiện, như quy ước của dòng họ Thào, Mùa, Sồng ở bản Suối Cáy, xã Suối Bau (huyện Phù Yên), khi có đám tang mỗi gia đình sẽ hỗ trợ 50.000 đồng hoặc 1 bó củi. Khi có vấn đề khúc mắc giữa các dòng họ thì trưởng dòng họ, người có uy tín hội ý bàn cách giải quyết trước, sau đó mới đến chính quyền cơ sở, qua đó thể hiện được vai trò, uy tín của các trưởng dòng họ trên địa bàn.

Xây dựng làng bản ấm no

Một nội dung quan trọng của bản cam kết “5 có, 5 không” được đồng bào người Mông thực hiện đó là đổi mới tập quán sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, thâm canh tăng vụ, xây dựng bản làng no ấm. Thực hiện nội dung này, đồng bào dân tộc Mông đã có sự thay đổi nhận thức trong tập quán sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bà con đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, góp phần thúc đẩy sản xuất, xóa đói giảm nghèo.

Theo ông Thào A Trư, Bí thư Đảng ủy xã Suối Tọ, huyện Phù Yên, bà con trong xã đã được cán bộ khuyến nông hướng dẫn chuyển đổi sang giống lúa mới, trồng các loại cây lâu năm, cây dược liệu có giá trị kinh tế cao như sơn tra, chè San tuyết, mận hậu, thảo quả. Nhờ đó, đời sống đã có nhiều thay đổi, tình trạng du canh, du cư phá rừng làm nương rẫy được hạn chế. Nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả cao đã được đồng bào người Mông ở Sơn La nhân rộng như: Mô hình chuyển đổi từ cây lúa nương sang trồng cây cà phê ở bản Hua Lỷ, xã Chiềng Khoang (huyện Quỳnh Nhai); mô hình trồng cây sơn tra của gia đình ông Giàng Páo Của, bản Nặm Lộng, xã Hang Chú (huyện Bắc Yên), hay mô hình trồng rừng phòng hộ ở bản Noong Vai, xã Co Mạ (huyện Thuận Châu)…


Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như Chương trình 134, 135 hay Nghị quyết 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững đã hỗ trợ vốn, giống cây trồng, vật nuôi; xây dựng các công trình giao thông, trạm y tế, nhà văn hóa ở các xã, bản đặc biệt khó khăn, đã làm thay đổi một cách căn bản điều kiện sinh sống của vùng đồng bào dân tộc Mông. Trong 5 năm qua, ở các địa bàn có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống của tỉnh Sơn La, tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm đã giảm từ 4 - 5%; hệ thống trường học được xây dựng kiên cố ở nhiều nơi; 100% số xã có trạm y tế và tủ thuốc theo quy định.

Những thay đổi tích cực sau 5 năm thực hiện bản cam kết “5 có, 5 không” trong đồng bào dân tộc Mông, tỉnh Sơn La đã cho thấy hiệu quả của chủ trương này. Đây cũng là kinh nghiệm quý báu cho các địa phương khác trong việc đưa chính sách của Đảng đến với đồng bào dân tộc ít người, đó là phải đề ra những chính sách thiết thực, gắn với đời sống hàng ngày của bà con. Có như vậy, chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước mới đến được với đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa.

Lê Hữu Quyết

[TT: PLN]