Bản mới Là Si
08:58 01/11/2013 Lượt xem: 54719 In bài viếtBản Là Si, xã Ka Lăng, huyện Mường Tè (Lai Châu) có một tộc người mà đời sống của họ còn nhiều khó khăn, đó là cộng đồng người dân tộc La Hủ. Trước kia, người La Hủ chủ yếu sống trong hang hoặc dựng tạm lều lợp bằng lá cây rừng, khi lá vàng thì họ bỏ đi nơi khác kiếm sống, vì thế mà tộc người này còn có tên khác là Xá Lá vàng. Nhưng nay, đồng bào La Hủ ở Ka Lăng không còn ai thích nhắc đến cái tên đó nữa vì những người lính Biên phòng ở Ðồn 311 thuộc Bộ đội Biên phòng Lai Châu đã đưa tộc người La Hủ qua cái hủ tục để sống trong ngôi nhà gỗ lợp tôn chắc chắn.
Tộc người giữa đại ngàn
Ðồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ka Lăng nhiều năm
trước đây rất đói khổ. Cái đói kéo dài từ năm này sang năm khác. Ðiều ấy dù ai
lần đầu đặt chân tới cũng dễ dàng nhận thấy. Hỏi người dân bản địa họ chỉ biết
lắc đầu vì không thể phân biệt ranh giới cụ thể giữa đói nghèo và no ấm bởi chưa
có gia đình nào thoát khỏi sự lam lũ và được thấy cây lúa, cây ngô trổ cờ trắng
bãi. Cả xã chỉ có vài trăm hộ sống thưa thớt trên gần 20 bản gồm 2 dân tộc La Hủ
và Hà Nhì. Trong đó, người La Hủ chỉ có chưa đầy 1.500 nhân khẩu. Ðây là dân tộc
rất ít người đặc biệt khó khăn mà Ðảng và Nhà nước ta đang tập trung nhiều nguồn
lực, dành nhiều chính sách ưu tiên để bảo tồn và phát triển.
Do trình độ dân trí rất thấp, phong tục tập quán canh tác lạc hậu, chủ yếu là du
canh du cư, giao thông đi lại khó khăn. Mùa mưa lũ thường xuyên bị ách tắc, gần
như biệt lập giữa dân bản và các vùng lân cận, nhất là những bản thuộc vùng phía
Bắc Ka Lăng, nơi những người dân thường phải đi lại bằng đường mòn qua các sườn
đồi, núi và bị chia cắt bởi các khe suối, vực thẳm, nên hầu hết đồng bào La Hủ
chỉ biết trông chờ vào sự may rủi của thiên nhiên. Cái đói, nghèo len lỏi vào
từng bữa ăn, củ rừng nhiều hơn hạt gạo, hạt ngô. “Người La Hủ quen sống kín đáo
lại ít nói nên tiếp xúc với bà con rất khó khăn, từ hàng trăm năm nay, các thế
hệ truyền nối nhau sống trên các mỏm núi cao, khi nào đất bạc màu thì di cư đi
nơi khác”. Ðó là những lời bộc bạch của Chủ tịch xã Lỳ Tư Chóng. Ðể minh chứng
cho sự tồn tại một thời những gian truân mà bà con phải trải qua, ông đã đưa
chúng tôi xuống bản Pạ Pù và Tá Bạ. Tại đây vẫn còn dấu tích những căn lều đã
quá cũ nát, vách bưng bằng thân cây nứa đập dập, mái lợp cỏ rừng thưa thớt. Tôi
bước vào một căn lều sắp đổ, chỉ duy nhất còn lại chiếc giường là bốn đoạn ngoàm
tre được chôn lỏng lẻo xuống đất. Chủ tịch Lỳ Tư Chóng nói: Ðó là tài sản duy
nhất của gia đình anh Pờ Gạ Ca, cả nhà nó vừa dọn đi theo bộ đội biên phòng.
Theo những người lính biên phòng
Trung tá, Ðồn trưởng Ðồn Biên phòng 311 Hứa Ðức Ảnh
kể với chúng tôi, bà con La Hủ giờ đây không ai muốn nhắc đến những ngày đói
nghèo, họ chỉ muốn mọi người nhìn thấy những căn nhà mới, lợp mái ngói, tôn thấp
thoáng bên khe núi, những chiếc cần ăng-ten của chiếc máy thu hình và dòng nước
từ khe chảy trong chiếc máng xây dẫn vào ruộng lúa ở bản Là Si. Từ ngày bộ đội
biên phòng về và kết hợp với chính quyền địa phương để thực hiện một số chương
trình giúp đồng bào La Hủ an cư, phát triển kinh tế thì cuộc sống của người dân
đã hoàn toàn đổi thay. Ðồn trưởng Hứa Ðức Ảnh nói: “Trước yêu cầu của nhiệm vụ
xây dựng và bảo vệ biên giới trong tình hình mới đòi hỏi phải xây dựng khu vực
biên giới vững mạnh toàn diện về chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh
và phải biết lấy dân làm gốc. Vì vậy, thực hiện kế hoạch bảo tồn và phát triển
bền vững đồng bào dân tộc La Hủ của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, ngay từ đầu
đơn vị đã xác định đây là nhiệm vụ, chủ trương lớn mà Ðảng, Nhà nước giao cho bộ
đội biên phòng nói chung và cán bộ, chiến sĩ Ðồn 311 nói riêng. Lãnh đạo, chỉ
huy đơn vị đã giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ tinh thần trách nhiệm
trong việc giúp đồng bào La Hủ xóa đói, giảm nghèo và phát động phong trào thi
đua hướng về vùng biên thông qua cuộc vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên
giới, hải đảo”.
Trước đây, bà con La Hủ ở Ka Lăng thường sống rải rác, lẻ tẻ nơi sườn núi, đó là
trở ngại trong công tác quản lý nhân khẩu và nắm bắt tình hình an ninh, chính
trị. Ðây là địa bàn giáp biên giới và khó khăn nhất của xã Ka Lăng, nơi đây chưa
có đảng viên, chưa có điện, đường, trường, trạm. Bộ đội Biên phòng đã tham mưu
cho cấp ủy, chính quyền địa phương và phối kết hợp với các tổ chức, đoàn thể
khảo sát vị trí để thành lập bản mới Là Si. Khu vực này trước đây khá âm u,
không có người ở, nhưng bằng “con mắt nhìn xa”, các anh nhận thấy nó thuận lợi
về nhiều mặt, có thể dẫn nguồn nước về bản. Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng 311
đề ra phương châm “nghĩ là làm, làm được mới nói”, đưa ra ý tưởng táo bạo: “Mình
không vận động bà con mà để bà con nhìn bộ đội làm và tự vận động lẫn nhau làm
theo”. Lúc đầu, vị trí thành lập bản mới chỉ là một khu đất rậm rạp và chưa có
đường vào, nhưng bộ đội đã cùng người dân địa phương mở đường dân sinh để vận
chuyển lương thực, thực phẩm, thành lập một trạm trung chuyển, tập kết vật liệu
chuyển vào trong để làm nhà cho bà con dân bản. Từ vị trí này, cán bộ, chiến sĩ
tiếp tục gùi bộ, vượt dốc, trèo đèo khoảng hai ngày đường rừng thì tới vị trí
bản mới. Ròng rã sau nhiều tháng, con đường mòn đã trở thành đường lớn hơn và
chỗ nào cũng thấy có dấu chân bộ đội.
Cuộc sống nơi bản mới
Sau hơn ba tháng, cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng 311 đã hoàn thành và bàn giao cho dân bản Là Si khoảng 20 ngôi nhà gỗ lợp tôn, những người chưa có nhà được nhận trước. Cùng thời điểm đó có bốn ha ruộng lúa nước, 1.500m đường mương dẫn nước, 8km đường mòn dân sinh cũng hoàn thành. Sau đó, bộ đội lại mở một lớp dạy chữ và tiếng phổ thông cho gần 50 em học sinh, cùng địa phương làm một nhà gỗ năm gian ở điểm Trường THCS nội trú Tá Bạ, lắp đặt hai máy thủy điện nhỏ phục vụ cho bản thắp sáng. Hướng dẫn bà con gieo trồng 300kg thóc giống mới cho năng suất cao, làm mẫu 16 chuồng nuôi gia súc cho bà con dân bản đến học tập. Tuyên truyền cách phòng, chống dịch bệnh, phối hợp với y tế xã làm tốt công tác quân-dân y kết hợp, khám, cấp phát thuốc miễn phí cho khoảng 500 lượt người và phun thuốc diệt côn trùng gây bệnh. Ðến nay, các anh bộ đội đã làm thêm hai công trình dân sinh, đó là Trường Mầm non bản Nhóm Pố và bản Pạ Pù. Ðặc biệt, đơn vị nhận đỡ đầu bốn cháu học sinh, trong đó có hai cháu là người dân tộc La Hủ. Cháu Chu Gió Pa cảm động nói với chúng tôi: “Không có các chú bộ đội biên phòng giúp đỡ thì cháu không biết chữ, không được đến trường như ngày hôm nay”.
Lúc chúng tôi đến bản Là Si, ông Pờ Gạ Xi và vợ cùng các con đang đóng lại cái cửa bếp bằng gỗ. Gia đình ông là một trong số hộ được bộ đội bàn giao nhà mới. Ông kể: “Trước kia, cả nhà mình ở trong một cái hang nhỏ, trời mưa to nước chảy vào phải lấy lá cây bịt vào miệng hang, trong đấy tối om, trẻ con khóc cả đêm. Giờ thì gia đình mình mừng vui lắm, ở trong nhà của bộ đội làm cho, trời mưa không sợ ướt, sợ tối nữa”. Niềm vui ấy không chỉ dành riêng cho gia đình ông Pờ Gạ Xi mà còn là niềm vui của cả bản Là Si, Pạ Pù... Bí thư Ðảng ủy xã Lý Công Hòa nói một câu rất ngắn nhưng sâu nặng nghĩa tình: “Bản mới Là Si đang bừng lên sức sống mới, rồi đây sẽ hết cảnh người La Hủ ăn, ở trong những căn lều lá chưa kịp vàng đã phải bỏ đi nơi khác kiếm sống. Tất cả đều nhờ công của bộ đội. Chúng tôi ơn Ðảng, ơn bộ đội biên phòng nhiều lắm”.
Kim Giao
[TT: PLN]