Văn hóa các dân tộc trên công viên địa chất hóa toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn

09:52 11/04/2013 Lượt xem: 1808 In bài viết

1. Sự đa dạng của bản sắc văn hóa các dân dân tộc trên cao nguyên đá Đồng Văn

Văn hóa các dân tộc ở đây được hình thành trên cơ sở kết hợp hài hòa của những tinh hoa văn hóa các tộc người sống trên cao nguyên rất đặc thù và đa dạng. Các nền văn hóa ở đây rất khác với các vùng khác là đã trải qua sự thử thách và khảo nghiệm của không gian và thời gian lịch sử trong quá trình phát triển của các dân tộc.
Khái niệm về văn hóa có rất nhiều định nghĩa, từ sau thế chiến thứ hai, một thời kỳ ồn ào, xáo động của các nhà văn hóa học bàn luận về vấn đề này, nhiều người đã nhận ra rằng phải có cách tiếp cận hệ thống về văn hóa. Văn hóa là cả một hệ thống tổng thể qui định con đường sống của mỗi dân tộc. Hệ thống này bao gồm toàn bộ những gì thuộc về tư duy triết học, tín ngưỡng, phong tục tập quán, nghệ thuật, văn học… Những gì thuộc về cơ tầng của xã hội như hôn nhân, gia đình, thân tộc, thích tộc, vai trò của cá nhân trong cộng đồng. Những gì thuộc về môi trường sinh thái, tài nguyên tái tạo và không tái tạo đảm bảo cuộc sống của mỗi dân tộc.

Hệ thống thứ nhất trước đây vẫn được sử dụng theo thuật ngữ “ Văn hóa vật chất”, nhưng nội hàm chưa đủ nên có nhà nghiên cứu kiến nghị thay bằng thuật ngữ “ Văn hóa đảm bảo đời sống”, trong đó có ăn, ở, mặc, đi lại, chữa bệnh, trang sức… cũng có người nêu thêm vấn đề chất lượng thông qua tuổi thọ, sức khỏe dồi dào, dinh dưỡng đầy đủ…

Hệ thống thứ hai vẫn quen gọi là văn hóa tinh thần, nhưng với ngày nay trong thời đại khoa học kỹ thuật, sự hiểu biết cần có học thức và các phương tiện thiết bị thông tin.

Hệ thống thứ ba thường được xét dưới dạng cấu trúc hoàn chỉnh. Bên cạnh đó có cả vấn đề chức năng, vì nếu không có chức năng thì cấu trúc không có sự vận hành. Vấn đề thân tộc, bản thân những quan hệ này là một hệ thống. Khi đưa vào những vấn đề liên quan tổng thể quan hệ nó sẽ trở thành các tiểu hệ thống tùy theo từng góc độ phân tích và lý giải. Ví dụ như cấu trúc của các chùa chiền, đền miếu vùng này… dù có bị phá hủy do nhiều lý do khách quan hay chủ quan, nhưng một khi chức năng vận hành của chúng còn tồn tại thì các tộc người ở đây vẫn cứ xây dựng lại.

Việc xây dựng và phát triển văn hóa các tộc người ở cao nguyên Đồng Văn với tất cả sự phong phú, đa dạng và độc đáo của hơn 10 dân tộc là nhằm mục tiêu tạo nên sự phát triển bền vững. Nhưng làm thế nào để tạo dựng điều đó khi trên con đường phát triển, các tộc người này lại đánh mất bản sắc văn hóa của tộc người mình. Trong các dân tộc thiểu số ở vùng cao nguyên hiện nay có dân tộc chỉ với số lượng vài trăm người. Tính phức tạp của sự đa dạng này đã dẫn đến những vấn đề mà trong công tác thực tiễn những năm qua chúng ta đã và đang vấp phải chưa có định hướng giải quyết đúng đắn và phù hợp.

Thực tế đời sống của các dân tộc ở cao nguyên Đồng văn cũng như một số vùng khác qua các phương tiện thông tin đại chúng và thực tiễn sôi động sự phát triển của toàn cầu đã và đang nhắc nhở chúng ta không thể bằng lòng với một số nhận thức cũ, càng không thể sa vào chủ nghĩa thành tích . Đến lúc chúng ta phải đánh giá đúng nguyện vọng thiết tha của các dân tộc. Từ thực tế cuộc sống xã hội đang đặt ra nhiều câu hỏi cần sự giải đáp có căn cứ khoa học xuất phát từ các cứ liệu dân tộc học, ngôn ngữ học, văn hoá nghệ thuât học, xã hội học…Để góp phần đắc lực xoá bỏ sự chênh lệch về đời sống giữa các dân tộc , từng bước nâng cao dân trí của đồng bào các dân tộc, các vùng sâu, vùng xa trong sự lựa chọn các định hướng phát triển vùng cao nguyên.

Đối với một vùng cao nguyên có nhiều tộc người thiểu số sinh sống, không chỉ đặt các câu hỏi chung chung như xưa nay đã từng làm là “có thể thế này hoặc thế khác” mà cần phải nghiên cứu sâu và hết sức cụ thể trong từng lĩnh vực của sự phát triển nhiều mặt về vấn đề văn hoá các dân tộc thiểu số. Từ các lĩnh vực tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán và việc bảo tồn, phát huy truyền thống, việc kế thừa di sản và tiếp thu, sáng tạo các công trình, sản phẩm văn hóa mới…

Tất cả các vấn đề đó đang diễn ra một cách khách quan trong quá trình đổi mới xã hội và hội nhập quốc tế. Vấn đề đặt ra là muốn phát triển và có định hướng phát triển văn hóa các dân tộc phải có sự nghiên cứu một cách thấu đáo. Xưa nay nhiều người cứ hay đơn giản hóa hễ cứ người kinh là nghiễm nhiên anh hiểu văn hóa người kinh, xem vài điệu múa của người Lô Lô, Mông, Dao… lập tức coi đó là bản sắc văn hóa của các tộc người đó. Trên thế giới này, nói về con người ai cũng hiểu rằng con người chỉ có một loại, nhưng trong quá trình phát triển con người phân chia thành nhiều dân tộc, sự phát triển văn hóa và đời sống cũng khác nhau. Có dân tộc thích dùng sữa và các chế phẩm từ sữa, nhưng nhiều dân tộc khác không ưa dùng sữa. Có dân tộc coi áo váy trắng là thể hiện của sự quý phái, sang trọng, nhưng không phải vì thế mà cứ khoác bừa lên cho dân tộc khác, làm cho họ ghê sợ, vì quan niệm của dân tộc đó màu trắng là màu tang ma của những người chết bất đắc kỳ tử…. Nhiều vấn đề hết sức tế nhị nếu chúng ta không để ý nghiên cứu thì dù có xuất phát từ lòng tốt đến mấy nhưng thiếu sự hiểu biết, do không nghiên cứu kỹ thì hiệu quả sẽ ngược lại. Về góc độ văn hóa, không thể dùng sự khác nhau giữa vùng này với vùng khác hoặc thiểu số hay đa số để đánh giá mức độ tiến bộ của mỗi dân tộc. Tinh hoa văn hóa là sự kết tinh qua quá trình thử nghiệm khốc liệt, chúng có cuộc sống độc lập, nhiều khi tồn tại bên ngoài hình thái kinh tế xã hội đương đại.

Cùng nghiên cứu tìm cách giải quyết các vấn đề dân tộc và văn hóa dân tộc ở cao nguyên đá Đồng Văn phải gắn với sự phát triển kinh tế, khoa học, kỹ thuật. Mọi vấn đề nảy sinh và phát triển đều theo quy luật của nó. Quy luật phát sinh, hình thành dân tộc gắn liền với quy luật phát triển của sức sản xuất xã hội và quan hệ sản xuất xã hội ở mỗi nước, mỗi vùng và mỗi dân tộc. Quy luật nảy sinh, phát triển, hình thành của mỗi nền văn hoá dân tộc là giao lưu, kế thừa, tiếp thu và sáng tạo, phát triển cái mới, cái có lợi cho sự tồn tại của cộng đồng.

Nếu nhìn một cách biện chứng như vậy thì chúng ta sẽ thấy được sự tất yếu phải đổi mới, đổi mới một cách vững chắc trong đời sống xã hội của các dân tộc trên cao nguyên. Trong quá trình phát triển lịch sử của các dân tộc đã có nhiều bài học kinh nghiệm trong sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong vùng, trong khu vực với nhau. Nếu không có giao lưu dân tộc đó sẽ đứng yên tại chỗ hoặc bị đồng hóa thậm chí có nguy cơ diệt vong trong sự khép kín.

Cách nhìn về văn hóa dân tộc cũng vậy, một nền văn hóa của dân tộc này không có sự giao lưu với dân tộc khac, không có tiếp thu các yếu tố tiến bộ của nhân loại thì dù vốn văn hóa của dân tộc đó có phong phú đến mấy cũng trở nên đơn điệu. Một dân tộc chỉ bằng với di sản của mình mà không tiếp thu di sản dân tộc khác, không chăm lo có đội ngũ văn hoá mới để sáng tạo công trình mới, tác phẩm mới thì dân tộc đó sớm muộn sẽ bị cạn kiệt vốn và sức sống sáng tạo văn hóa khó theo kịp cùng với sự phát triển như vũ bão của thời đại.

Nghiên cứu để tạo được tư duy và cách làm mới là để tiếp thu có chọn lọc các tinh hoa văn hoá tiến bộ loài người, phát huy tính tích cực, sáng tạo của các dân tộc trong quá trình đổi mới đi liền với chính sách dân tộc, chính sách văn hóa của quốc gia.

2. Văn hoá là mục tiêu của cuộc sống con người trên cao nguyên.

Văn hóa là tổng thể của các mối quan hệ trong cuộc sống, vừa là phương tiện truyền cảm, giáo dục con người các dân tộc. Những vấn đề bức thiết trong chính sách dân tộc là cần xoá bỏ sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các dân tộc ở miền núi cao nguyên với miền xuôi. Mỗi dân tộc được ổn định hướng sản xuất, kinh doanh, có mức sống không ngừng được nâng cao thì sẽ có điều kiện học hành và tổ chức đời sống văn hoá tinh thần tốt, dần dần nâng cao kiến thức và sự hiểu biết cần thiết làm người công dân có ích và người có khả năng quản lý xã hội, làm chủ văn hóa với các hành vi ứng xử văn hóa từ truyền thống đến hiện đại trong sự đoàn kết trong lòng các dân tộc vùng cao nguyên.

Hướng đi lên của các tộc người thiểu số ở vùng cao nguyên này phải từ lĩnh vực văn hóa, kinh tế. Những kinh nghiệm về vấn đề công tác dân tộc ở vùng cao trong hơn sáu mươi năm qua là phải có sự hiểu biết, có tiềm lực, về thế mạnh, về vai trò của chính quyền các cấp cơ sở có phát huy được thì mới có thể phát huy mọi khả năng của quần chúng.

Hiện nay ở vùng cao nguyên vẫn còn “tồn tại” nạn mù chữ ở các lứa tuổi hoặc tái mù. Chỉ có xoá được nạn mù chữ cho những người lao động hay những lớp trẻ sắp bổ sung cho nguồn lao động thì nhân dân các dân tộc trên cao nguyên này mới có "chìa khoá" mở cửa cho sự hiểu biết vẫn còn các trường bổ túc văn hoá, việc mở mang các trường phổ thông từ cấp cơ sở lên trung học, việc mở các loại hình trường dân tộc nội trú, trường vừa học vừa làm, việc tạo nguồn cho lớp công nhân lành nghề, cho đội ngũ trí thức mới trong các dân tộc thiểu số, mới có thể thành hiện thực.

Chính sách dân tộc trong lĩnh vực văn hoá, văn học, nghệ thuật là nhằm không ngừng đưa các thành tựu của nền văn hóa mới đến đời sống nhân dân các dân tộc; là bảo vệ, phát huy các giá trị trong nền văn hoá truyền thống của các dân tộc; là tạo mọi điều kiện vật chất kỹ thuật, cán bộ cho các dân tộc tự tổ chức đời sống văn hoá lành mạnh của mình; là tăng cường giao lưu văn hoá giữa các dân tộc trong từng vùng, cả nước và khu vực.

3. Cái chung và cái riêng trong văn hóa các dân tộc trên cao nguyên

Tư tưởng chỉ đạo đặt chính sách và quá trình thực hiện chính sách dân tộc trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật là phải nghiên cứu, thể nghiệm các phương pháp kết hợp hài hoà giữa tính chung của cả nước và tính riêng của mỗi dân tộc trên cao nguyên.

Bên cạnh những tính chung, nền văn hoá, văn nghệ các dân tộc ở đây còn có tính riêng: tiếng nói, chữ viết riêng; phong tục tập quán riêng; bản sắc văn hoá riêng trong lối sống, lối ứng xử, trong tình bạn, tình yêu, hôn nhân, gia đình, lễ cưới, lễ tang, ngày giỗ, ngày tết, ngày hội, văn học, nghệ thuật riêng, nguồn gốc lịch sử hình thành dân tộc cũng có qui luật riêng.

Mọi công tác trong việc thực hiện các phương thức nghiên cứu là để tạo ra được mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng là mối quan hệ phát triển biện chứng.

Các nhà quản lý ở đây đòi hỏi phải có nhận thức các đặc tính này để tạo nền tảng cốt lõi tính chung phải tôn trọng tính riêng, vì tính chung được đa dạng hóa bởi các tính riêng hòa hợp lại. Vì vậy, chúng ta không được coi trọng tính chung là sự áp đặt, độc đoán, đồng hoá cưỡng bức các tính cách riêng. Tính riêng không đối lập tính chung mà bổ sung cho tính chung cùng phát triển. Sự bổ sung cho nhau cùng phát triển đã được các dân tộc tạo dựng trong lịch sử qua các mối quan hệ hôn nhân, giao lưu văn hóa, mối quan hệ thân thiện có đi có lại trong giao tiếp và ứng sử hàng nghìn năm tồn tại bên nhau, cần phải lưu ý.

Trong những năm qua việc thực hiện các chương trình dự án, một số người khi đưa khoa học kỹ thuật vào vùng các dân tộc, nhất là cao nguyên đá Đồng Văn thường chỉ thấy phần của mình đưa tiến bộ đến để khắc phục những mặt lạc hậu, cho nên hay coi thường những hiểu biết của người dân địa phương, làm theo kiểu trên áp xuống. Trong nội bộ dân tộc cũng có những người có học, hiểu biết rộng nhưng lại quay sang phủ định những kiến thức của nhà nông. Giữa các dân tộc cũng vậy, dân tộc có trình độ kinh tế khá hơn lại xem nhẹ những kinh nghiệm của các dân tộc láng giềng có điều kiện kinh tế kém hơn mình. Đó là những biểu hiện làm cho mọi người xa lánh nhau, không nhìn nhận văn hóa của mọi tộc người để làm phong phú cho chính mình, không nhận thức được tinh hoa văn hóa của mỗi dân tộc là kho tàng chung của nhân loại.

Cần lưu ý đến văn hóa của từng vùng dân tộc nhằm bảo vệ và phát huy tinh hoa văn hóa của các dân tộc trên cao nguyên. Sự phát triển phải dựa vào việc bảo vệ các cấu trúc, chức năng và tính đa dạng của hệ thống văn hóa từng vùng dân tộc, vì nó là một giải pháp trong việc phát hiện, sưu tầm, nghiên cứu, tổng kết những tinh hoa văn hóa ở các dân tộc trên cao nguyên nhằm khích lệ các dân tộc vững tin vào sự đóng góp cho việc bảo tồn phát triển các hoạt động trên cao nguyên đá.

Quả là khó khăn khi phải làm một việc phân định không mấy rạch ròi những yếu tố của các tộc người trong các loại hình văn hóa trên cao nguyên đá. Câu hỏi đặt ra là vậy thì những điều kiện nào đã làm cho sự giao lưu và tiếp biến văn hóa đối với các tộc người ở đây sâu sắc và mạnh mẽ tạo nên sức sống văn hóa mãnh liệt đến vậy? Phải chăng do sự gần gũi bên nhau và sống với nhau theo thế cài răng lược về mặt địa lý, sự tương đồng về cấu tạo tộc người hay là do vai trò quá trình chuyển tải của các tộc người trong lịch sử di cư của họ? Theo chúng tôi có lẽ là bao gồm tất cả. Số phận đã đặt họ bên nhau và họ sẽ phải tồn tại bên nhau mãi mãi trên cao nguyên đá hùng vĩ và khắc nghiệt này.

Lịch sử đã sang trang và thay đổi theo quan điểm đổi mới và khoa học, đến lúc phải xác định đúng đắn sự tác động hai chiều trong việc thực hiện chính sách văn hóa dân tộc được nhìn nhận từ cái chung đến caí riêng và ngược lại từ cái riêng đến cái chung trong tổng thể quan hệ của đời sống để biến văn hóa các dân tộc trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội vùng các dân tộc thiểu số trên cao nguyên xứng với cái tên “ Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn”.

TS. Lò Giàng Páo