Điểm sáng vùng biên

10:01 01/10/2013 Lượt xem: 55152 In bài viết

Lòng dân, ý Đảng

Chúng tôi cùng các già làng bản Thào Sẩu và Sùng Sủ thức thi cùng trời đất. Bên bếp lửa hồng, bên bát rượu tăm bò, câu chuyện của già bản về việc tái lập bản Cốc Phương như đưa chúng tôi ngược dòng thời gian trở lại những năm 90 của thế kỷ 20. "Luồng gió đen" truyền đạo trái phép ào tới kéo theo hệ lụy là nhiều nơi người dân bán hết nhà cửa, ruộng vườn, lặn lội đi tìm miền đất hứa, gây nên cảnh xáo trộn, hoang tàn cả vùng đất bao đời gắn bó. "Luồng gió đen" ấy cũng đã thổi đến Dìn Chin, một xã có hơn 80% số hộ thuộc diện đói nghèo, sống ở độ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển quanh năm khát nước. Những người dân được mệnh danh là "đất thép" kiên cường không tin vào những lời đồn thổi, nhưng bị cái khổ, cái đói triền mien đeo bám nên nhiều người đã khăn gói cơm đùm, cơm nắm đi tìm phương trời mới.

Tình hình khó khăn, gian khổ lúc ấy đã đặt ra cho các cấp ủy, chính quyền tỉnh Lào Cai biết bao thử thách cam go, nhất là công cuộc bảo vệ biên giới trong tình hình mới và giữ bình yên cho các bản làng. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc kết hợp với phát triển kinh tế sao đây khi toàn tuyến biên giới với hành lang (tính trung bình 3 km) không có dân, hàng chục nghìn héc-ta núi rừng, ruộng nương lút trong cỏ rậm. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào rừng, vào nương rẫy, trong khi đó rừng mỗi ngày một tan hoang, đất xấu, canh tác một vụ, cộng với thời tiết khắc nghiệt, mất mùa thường xuyên nên cả tỉnh năm nào cũng phải đương đầu với nạn đói, nạn rét. Ðể giải quyết công việc trước mắt cũng như lâu dài, tỉnh Lào Cai xác định nhiệm vụ bảo vệ biên giới là của toàn dân; công tác ngoại giao nhân dân là cách hữu hiệu nhất để giữ vững chủ quyền quốc gia. Chủ trương đưa nhân dân ra vùng “đất trắng” để vừa sản xuất, vừa là chủ thể giữ gìn mảnh đất biên cương đã từng bước được thực hiện một cách quyết liệt, trong đó có 24 hộ người Mông ở Dìn Chin, những người tiên phong thực hiện tốt việc không di cư tự do, không nghe lời kẻ xấu, bám đất quê hương cùng chia sẻ khó khăn với Ðảng và Nhà nước. Họ đã cùng nhau dựng lại bản Cốc Phương để thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược kết hợp kinh tế với quốc phòng. Vậy là "lòng dân" đã gặp được "ý Ðảng".

Vạn sự khởi đầu nan

Già bản Thào Sẩu vừa nâng bát rượu vừa tâm sự: Lúc dân bản tới đây, thấy đất rộng suối sâu tưởng kiếm cái ăn dễ dàng, ai ngờ cấy lúa thì chẳng đủ ăn, trông vào Nhà nước trợ cấp gạo thì như muối bỏ sông, suối. Còn già bản Sùng Sủ mồi điếu thuốc rít một hơi dài rồi ngửa mặt nhả khói một cách sảng khoái, dường như cái khổ đã theo những sợi khói về trời. Nhìn cái dáng khắc khổ, nước da sạm nắng, gió, bàn tay chai sần gân guốc của già chúng tôi biết để có của ăn, của để trên mảnh đất này thật không dễ dàng.

Chúng tôi gặp Thào Minh, dân tộc Mông người đưa cây dứa về trồng trên đất Cốc Phương. Anh đã mạnh dạn, năng động liên kết với đối tác nước ngoài theo phương thức bạn cấp giống, hướng dẫn cách trồng và thu mua sản phẩm, anh bỏ công sức, đất đai, phân bón. Vụ đầu, 30 nghìn gốc dứa cho quả hứa hẹn một mùa bội thu. Cả bản náo nức, rục rịch học theo anh. Hội Nông dân tỉnh tới tận nơi kiểm tra và có kế hoạch tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lo vốn cho bà con đầu tư sản xuất. Song trời không chiều lòng người, lúc dứa chuẩn bị chín thì trời đổ mưa cả tháng, hơn 30 nghìn gốc dứa mỗi quả trên dưới 1kg đều thối không bán được. Vụ dứa thứ hai suôn sẻ, anh thu về hơn 10 triệu đồng. Ðúng thời điểm ấy, Nhà nước thực hiện các Chương trình 134, 135, 120… sắp xếp dân cư vùng biên giới, hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nhà nước đầu tư mở con đường cấp phối dài gần 14 km nối Cốc Phương với bên ngoài. Song đó là chuyện "vạn sự khởi đầu nan", còn hôm nay, người dân Cốc Phương đã có thu nhập ổn định, đời sống của họ ngày càng khấm khá, sung túc.

Đổi thay vì có đường giao thông

Bí thư Ðảng ủy xã Bản Lầu, Ðỗ Duy Phiên đưa chúng tôi vào thăm nhà anh Thào Dìn, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn, người nổi tiếng trong thâm canh chuối, dứa và trồng thành công cây cao-su trên đất Cốc Phương. Thào Dìn khoảng 50 tuổi, dáng thấp đậm, da đồng hun, tóc húi cua, nói năng rổn rảng, hình mẫu điển hình "mài sống rìu thành dao". Trên chiếc xe tải của mình, anh chở chúng tôi đi thăm "cánh đồng" chuối, dứa ở Cốc Phương. Ðã qua mùa thu hoạch nhưng những khóm dứa chuẩn bị cho mùa sau đã bám vào sườn đồi, bò xuống thung lũng, xếp dọc đường đi. Và chuối thành hàng, thành lối phủ kín đồi, kín đất, lá chuối, thân chuối mập mạp, tỏa rộng. Thấy chúng tôi trầm trồ, anh Thào Dìn hồ hởi khoe: Cốc Phương nay đã hình thành một vùng dứa nguyên liệu với hơn 700 ha, sản lượng gần 20 nghìn tấn; 250 ha chuối, sản lượng hơn 10 nghìn tấn, hơn 100 ha cây cao-su từ 4 đến 5 tuổi. Trước đây, không có đường cho xe đến nên thu hoạch vụ dứa đầu tiên mình phải nhờ ngựa của cả bản thồ dứa hơn chục cây số để tới chỗ thu mua.

Chúng tôi được chứng kiến cuộc sống của người dân có nhiều đổi thay. Bản có 45 hộ thì 23 hộ giàu, không còn hộ nghèo, cả bản có 4 ô-tô con, 3 ô-tô tải. Nhiều nhà có xe máy, bếp ga, đồ điện... Với những gì mắt thấy, tai nghe, nếu nhìn từ góc độ bản làng vì sao Cốc Phương làm được như vậy? Câu trả lời là: Nhờ được sự quan tâm, giúp đỡ của Ðảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, người dân Cốc Phương đã biết tận dụng cơ hội, song không ỷ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước mà đã biết tự chủ, tự lực, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong sản xuất, từ bỏ tập quán di cư tự do, không nghe theo lời kẻ xấu. Từ những gì Cốc Phương đã và đang làm được, chúng tôi thấy nơi đây không chỉ là "điểm sáng" của xã Bản Lầu, của huyện Mường Khương mà còn của cả tỉnh Lào Cai về xây dựng nông thôn mới.

Đoàn Nam- Văn Cự- Quốc Hồng

[TT: PLN]