Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc, miền núi
03:34 11/04/2013 Lượt xem: 2205 In bài viếtTrong các nguồn lực phát triển của mỗi quốc gia, bên cạnh các yếu tố như: tiềm lực tài chính, tài nguyên thiên nhiên, khoa học công nghệ… thì nguồn nhân lực con người được coi là quan trọng nhất, quí báu nhất, có vai trò quyết định, đặc biệt đối với nước ta, khi nguồn lực tài chính và nguồn lực vật chất còn hạn hẹp. Xuất phát từ thực tế của đất nước, từ đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986) đến nay, Đảng ta luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đã ghi rõ: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển”. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2011 - 2020, được thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ XI khẳng định: “Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững”.
Đề cập đến nguồn nhân lực phải xét đến cả hai góc độ:
số lượng và chất lượng, trong đó chất lượng có vai trò quan trọng hơn bởi thực
tế đã cho thấy không phải cứ đông là mạnh. Điều này hoàn toàn đúng với thực
trạng nguồn nhân lực vùng miền núi, dân tộc nước ta. Người dân tộc thiểu số
chiếm tỷ lệ lớn trong nguồn nhân lực vùng dân tộc và miền núi. Lực lượng lao
động này tập trung chủ yếu tại 32/51 tỉnh, thành phố, trong đó 12 địa phương
vùng Trung du, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên có tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm
trên 50%. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc, miền núi ở nước ta
hiện còn nhiều yếu kém, thể hiện qua một số số liệu sau:
- Về trình độ học vấn: Ngoài 2 dân tộc Tày và Mường có số người từ 15 tuổi trở
lên không biết đọc, biết viết chiếm tỷ lệ thấp (Tày: 5,1%; Mường: 5,5%); các dân
tộc còn lại, tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên không biết đọc, biết viết tương đối
cao: Thái: 18,1%, Khmer: 24,4%, Mông: 54... Đa số người từ 15 tuổi trở lên chỉ
có trình độ Tiểu học và Trung học cơ sở.
- Về chuyên môn kỹ thuật:
Số người không có chuyên môn kỹ thuật chiếm tỷ lệ 86,21% lao động trong độ tuổi.
Một số dân tộc có tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo cao:
Dân tộc Mông: 98,7%; Khmer 97,7%; Thái 94,6%; Mường 93,3%...
- Về trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số: Ở cấp Hội đồng
nhân dân tỉnh, trình độ đại học trở lên chiếm 77,26%; Hội đồng nhân dân huyện
45,63%; Hội đồng nhân dân xã 5,87%; Đội ngũ cán bộ thôn, bản năng lực, trình độ
còn thấp hơn nhiều.
Hiện nay, cơ cấu nguồn nhân lực ở nước ta được chia thành 2 loại: trên 15 tuổi
và dưới 15 tuổi. Đối với dân tộc thiểu số, nguồn nhân lực từ 15 tuổi trở lên có
gần 8,5 triệu người, chiếm tỷ lệ 69%; dưới 15 tuổi là 31,3%. Cơ cấu này có sự
khác biệt so với cơ cấu chung và không nằm trong thực trạng “Cơ cấu dân số vàng”
của vùng và cả nước vì tỷ trọng dân số có độ tuổi trên 15 của dân tộc thiểu số
thấp hơn và tỷ trọng dân số có độ tuổi dưới 15 cao hơn bình quân chung của cả
nước.
Theo ngành nghề sản xuất, lao động vùng miền núi, dân tộc tập trung chủ yếu
trong lĩnh vực nông nghiệp. Tại 2 vùng có số lượng và tỷ lệ dân tộc thiểu số cao
nhất nước là Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, lao động dân tộc thiểu số
tham gia sản xuất nông nghiệp chiếm tới trên 70%; lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ,
thương mại chỉ có tỷ lệ nhỏ tham gia. Cơ cấu này có sự cách biệt rất xa so với
cả nước (cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp và thương mại-dịch vụ của cả nước là
51,9%, 21,5% và 26,5%).
Cơ cấu nghề nghiệp cũng cho thấy lao động của vùng dân tộc và miền núi chủ yếu
tham gia vào nghề nông và các nghề đơn giản; các lĩnh vực đòi hỏi trình độ
chuyên môn kỹ thuật cao và trung bình, số lao động tham gia hầu như rất ít. Tại
vùng miền núi và Trung du phía Bắc có đến 78,44% dân số từ 15 tuổi trở lên đang
làm nghề nông và các ngành nghề đơn giản; vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền
Trung, tỷ lệ này là 64,81%; Tây Nguyên là 76,33 đãphần nào phản ánh thực trạng
về trình độ và năng lực của lao động vùng dân tộc, miền núi hiện nay.
Những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tác động trực tiếp và gián
tiếp đến phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc và miền núi. Về trực tiếp, đó là
các chính sách: cấp thẻ bảo hiểm miễn phí cho người nghèo, người dân tộc thiểu
số; chương trình phòng, chống sốt rét; phòng chống bướu cổ; HIV/AIDS; tiêm chủng
mở rộng; chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em; chính sách xây dựng và phát triển hệ
thống các trường phổ thông dân tộc nội trú; chính sách cử tuyển học sinh vào các
trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; chính sách ưu tiên điểm đối
với học sinh thi đại học, cao đẳng; chính sách hỗ trợ học sinh là con hộ nghèo
đi học tại các xã đặc biệt khó khăn; chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh
viên; đề án hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg;
chương trình dân số-kế hoạch hóa gia đình. Về gián tiếp, một số chính sách có
tác động đến phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc, miền núi là: Dự án đào tạo,
bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng bằng nguồn vốn của Chương
trình 135 giai đoạn II; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo với các hoạt
động như: tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề miễn phí cho lao
động nghèo, miễn giảm học phí, hỗ trợ sách giáo khoa, vở viết cho học sinh nghèo;
Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tại 62 huyện nghèo với các hoạt động:
đào tạo, bồi dưỡng tay nghề, ngoại ngữ để đưa người đi xuất khẩu lao động…
Phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc và miền núi là nhiệm vụ quan trọng, cấp
bách trong giai đoạn hiện nay nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội
vùng dân tộc và miền núi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng
hóa, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng
bào một cách bền vững. Đây là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, cần thời gian dài nên
phải được xác định là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, với
nguồn lực đầu tư đảm bảo từ ngân sách nhà nước kết hợp với sức mạnh của cộng
đồng, cùng ý thức tự lực vươn lên của đồng bào các dân tộc.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng miền núi, dân tộc cần phải thực hiện
đồng bộ nhiều nhiệm vụ: Đào tạo sau đại học; đại học; cao đẳng; trung cấp chuyên
nghiệp; xóa mù chữ; đào tạo nghề ngắn hạn; đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho các
hộ nghèo về kỹ thuật, khoa học công nghệ phục vụ phát triển sản xuất, kiến thức
phát triển kinh tế hộ gia đình; đào tạo nghề phi nông nghiệp và trình độ trung
cấp nghề, cao đẳng nghề cho thanh niên; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức,
năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế-xã hội theo chức danh, vị trí làm
việc đáp ứng yêu cầu của công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực thi công
vụ cho cán bộ, công chức xã đạt chuẩn theo quy định...
Thực hiện những nhiệm vụ trên cần có hệ thống chính sách đi kèm trên cơ sở kế
thừa và phát huy những chính sách đã có, đồng thời sửa đổi, bổ sung những chính
sách đã lạc hậu cho phù hợp với tình hình hiện nay. Trước hết, từng địa phương
phải xây dựng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngắn hạn, trung hạn và dài hạn
làm căn cứ xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm và 5 năm; lồng ghép các
chính sách hiện hành để tập trung nguồn lực cho công tác phát triển nguồn nhân
lực, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc và miền
núi; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân
trong việc chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn
nhân lực vùng dân tộc và miền núi.
Trong các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng miền núi, dân tộc
đảm bảo tính bền vững thì giải pháp về giáo dục-đào tạo có ý nghĩa quyết định.
Cần tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho hệ thống giáo dục đào tạo từ mầm non đến
đại học, đặc biệt là xây dựng trường nội trú liên thông, trường bán trú dân nuôi;
phát triển hệ thống trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề gắn với quy hoạch
phát triển nguồn nhân lực và nhu cầu sử dụng lao động; thành lập khoa dự bị đại
học tại các trường đại học để bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho học sinh vùng dân
tộc và miền núi trước khi học các chuyên ngành đào tạo bậc đại học; mở rộng phạm
vi, đối tượng thụ hưởng chính sách cử tuyển ra cả vùng I, vùng II, ưu tiên cho
các dân tộc có dân số ít; có cơ chế gắn trách nhiệm của địa phương trong việc
lựa chọn đối tượng và ngành học cử tuyển với việc bố trí, sử dụng sinh viên cử
tuyển sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương; thực hiện phân luồng học
sinh phổ thông dân tộc nội trú. Đối với những học sinh có năng khiếu, chuẩn bị
cho bước chuyển tiếp vào học các trường năng khiếu chuyên biệt. Đối với những
học sinh có trí tuệ tốt, sau khi tốt nghiệp cho chuyển sang học tại các trường
phổ thông dân tộc nội trú chuẩn bị lâu dài cho đào tạo trí thức và đào tạo nhân
tài dân tộc thiểu số. Những học sinh hạn chế về năng lực, trình độ, cần định
hướng giáo dục nghề nghiệp tốt, chuẩn bị cho chuyển sang hệ giáo dục nghề nghiệp,
giúp các em có điều kiện tìm việc làm hoặc đủ kiến thức trở về tổ chức sản xuất
tại gia đình.
Lao động vùng miền núi, dân tộc chủ yếu làm nghề nông truyền thống với ruộng đất
manh mún, tư liệu giản đơn, sản xuất nặng về khai thác tự nhiên và dựa vào kinh
nghiệm là chính với mục tiêu tự làm ra sản phẩm để đảm bảo cuộc sống. Do vậy,
cần tích cực xây dựng, củng cố và sử dụng đội ngũ cán bộ khuyến nông, khuyến lâm
làm cầu nối chuyển giao khoa học công nghệ cho nông dân vùng miền núi, dân tộc,
góp phần nâng cao nhận thức, trình độ sản xuất cho đồng bào.
Đẩy mạnh thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo
lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt vì đây là con đường ngắn nhất, có hiệu quả
nhất đưa khoa học công nghệ vào nông nghiệp, nông thôn vùng miền núi, dân tộc và
tạo điều kiện cho bà con có thêm việc làm, tăng thu nhập lúc nông nhàn hoặc
chuyển đổi ngành nghề sản xuất ngay tại quê hương. Có chính sách học bổng và trợ
cấp cho người dân tộc thiểu số học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng; đồng thời
phát triển hệ thống trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề gắn với quy hoạch
phát triển nhân lực và nhu cầu sử dụng lao động của các địa phương.
Nguyễn Quang Hải - Trần Phương Liên