Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phật giáo Nam Tông Khmer Nam Bộ phục vụ cộng đồng

10:01 25/03/2013 Lượt xem: 1796 In bài viết

PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER

Trong di sản văn hóa của dân tộc, cùng với tàn dư của Bà la Môn giáo, văn hóa Phật giáo Nam Tông có một vị trí đặc biệt. Với dân số hiện nay khoảng 1.260.640 người, tập trung chủ yếu ở Tây Nam Bộ và một bộ phận đồng bào dân tộc Khmer sinh sống tại các tỉnh Đông Nam Bộ và thành phố Hồ Chí Minh. Hầu hết các địa bàn có đông dân tộc Khmer đều có ngôi chùa Phật giáo Nam Tông; hiện nay, với gần 9.000 sư sãi, có khoảng 452 chùa và nhiều salatiên (ở nơi chưa có chùa) là tụ điểm sinh hoạt cộng đồng, tôn giáo, tổ chức các lễ hội và hoạt động văn hóa của tôn giáo và dân tộc.

Phật giáo Nam Tông là một bộ phận tinh hoa trong văn hóa Phật giáo, là một phần tích cực truyền trì tinh thần đạo pháp trong lòng Phật tử khmer Nam Bộ. Từ khi du nhập vào đời sống đồng bào khmer, Phật giáo với những tư tưởng bình đẳng, bác ái đã lan tỏa và thẩm thấu trong tâm hồn tính cách của mọi tầng lớp xã hội Khmer. Phật giáo đã góp phần cấu thành nên sắc thái văn hóa độc đáo riêng và đặt dấu ấn trên nhiều phương diện như tư tưởng, đạo đức, lối sống, ngôn ngữ, văn học, lễ hội, giáo dục, kiến trúc, nghệ thuật, sinh hoạt… Với sự du nhập từ khá sớm trong lòng Phật tử Khmer như vậy, các di sản văn hóa Phật giáo được lưu giữ với nhiều hình thức khác nhau. Tuy vậy, quá trình bảo tồn, phát huy các giá trị di sản ấy vẫn chưa được quan tâm đúng mức cả về nhận thức, chủ trương, chính sách cũng như biện pháp, giải pháp. Việc ứng dụng các thành tựu khoa học, hệ thống giải pháp đồng bộ chưa được chú trọng dẫn đến thực trạng bức xúc đang diễn ra ngày càng nhiều.

Quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra một cách nhanh chóng đã góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế xã hội, đồng thời cũng làm cho các nền kinh tế phụ thuộc lẫn nhau, cùng với sự bùng nổ thông tin truyền thông đang là nguy cơ đồng dạng hóa các nền văn hóa. Sự đồng dạng hóa ấy dễ theo mô hình văn hóa của những nước và văn hóa các dân tộc có ưu thế. Nó là một trong những áp lực đối với các giá trị văn hóa dân tộc Khmer; trong đó, có hệ thống di sản văn hóa Phật giáo đã và đang có các xu hướng biến đổi, mai một như vết dầu lan, các thực trạng bức xúc ấy diễn ra trên hệ thống các di sản văn hóa Phật giáo cả vật thể lẫn phi vật thể.

DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

Thiết chế tôn giáo là không gian sinh hoạt chung cho cả cộng đồng. Thế nhưng hiện nay, công việc trùng tu các công trình chùa vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm cha truyền con nối và chưa có ghi chép một cách bài bản để lưu truyền đến thế hệ sau. Đây là vấn đề căn bản để những người chuyên trách trong công tác bảo tồn, trùng tu di tích phải quan tâm. Bên cạnh đó, hiện tượng hiện đại hóa các công trình kiến trúc thiếu chú ý đến những di tích có giá trị truyền thống, những chi tiết trong các di vật gắn với các niên đại hoặc có nơi còn xâm lấn đất chùa đã và đang diễn ra ở các địa phương... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác quản lý, gìn giữ các di tích chùa.

Công tác gìn giữ bảo vật phật giáo còn đơn giản và lỏng lẻo dễ gây ra thất thoát, chủ yếu dựa vào sự quản lý của nhà chùa. Chưa xây dựng một tiêu chuẩn nhất định trong việc đánh giá, định hướng gìn giữ các hiện vật quí của phật giáo trước sự tàn phá của thời gian và môi trường nóng ẩm ở khu vực Nam Bộ.

Các bộ kinh lá cọ là những báo vật vô giá trong hệ thống di sản văn hóa vật thể của Phật giáo Nam Tông, được chính bàn tay khéo léo của sư sãi, phật tử Khmer sáng tạo nên, nhưng theo dòng thời gian các bộ kinh lá này dần dần bị hư hỏng. Việc hư hỏng là do công tác bảo quản các bộ kinh lá cọ còn chưa thực hiện tốt, phần lớn dựa vào kinh nghiệm bảo quản của chùa là chính. Đặc biệt, qui trình làm ra một quyển kinh lá dần bị thất truyền trong đời sống văn hóa đồng bào Khmer, do đến nay vẫn chưa có một tài liệu hay một nghiên cứu nào ghi chép một cách tỉ mỷ về cách làm.

Những nghệ nhân có kinh nghiệm tạo tác tượng, đắp tượng, điêu khắc, chạm trỗ, chế tác các công cụ sinh hoạt… hoặc những người có kinh nghiệm trong việc gìn giữ văn hóa Phật giáo dần già yếu và không có nhiều người kế cận những công việc này. Đây là một trong những thực trạng đáng báo động đang diễn ra hiện nay trong cộng đồng người Khmer.

DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

Hàng năm, Phật giáo Nam Tông có rất nhiều ngày lễ được diễn ra như Lễ Phật Đản, Lễ Nhập Hạ, Lễ Xuất Hạ, Lễ Dâng Y, Lễ An Vị Tượng Phật và Lễ Kết Giới... Qua đó có thể nhận định rằng, lễ hội giữ một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào phật tử Khmer Nam Bộ, các ngày lễ đã đáp ứng được bốn vấn đề cơ bản

Một là giải tỏa được về mặt tâm linh.

Hai là giữ gìn truyền thống văn hóa tôn giáo dân tộc.

Ba là giáo dục thế hệ trẻ về ý thức trách nhiệm đối với gia đình và xã hội

Bốn là tạo ra không gian gắn kết cộng đồng vui chơi giải trí sau những ngày lao động vất vả.

Lễ Phật giáo là sự thử thách quá trình tu đạo của tất cả các vị sư sãi Khmer và ngôi chùa chính là không gian thiêng thực hành các nghi thức lễ. Mặc dù là những ngày lễ Phật giáo, nhưng do sự gắn bó của dân tộc Khmer với tôn giáo, nên vai trò của người dân là vô cùng quan trọng. Đối với họ những ngày lễ Phật giáo là dịp để họ thể hiện lòng tôn kính của mình đối với đạo Phật. Thế nhưng, trước làn sóng toàn cầu hóa đang diễn ra một cách mạnh mẽ trên mọi mặt của đời sống xã hội và nhiều nguyên nhân khách quan khác nên hiện nay ở các thành phố, thị xã nơi có chùa Phật giáo Nam Tông, vai trò của những ngày lễ dần bị mai một đi trong thế hệ thanh thiếu niên người Khmer.

Đến nay, chưa có nhiều công trình nghiên cứu văn hóa về các ngày lễ Phật giáo Nam tông cũng như về ý nghĩa và sức ảnh hưởng của những lễ hội đó đối với đời sống văn hóa của đồng bào Phật tử Khmer.

Một số lễ hội dân tộc, sinh hoạt cộng đồng, gia đình gắn với văn hóa Phật giáo cũng đang có nhiều áp lực, làm lu mờ hoặc pha tạp mất đi yếu tố đặc trưng có tính truyền thống.

Từ thực trạng đó, cho thấy việc nghiên cứu “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Phật giáo Nam tông Khmer Nam Bộ phục vụ cộng đồng” là vấn đề cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Để góp phần nghiên cứu, tôi xin đề xuất một số giải pháp bảo tồn và phát huy di dản văn hóa Phật giáo Nam Tông Khmer như sau:

BẢO TỒN DI SẢN VĂN HÓA PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER

Phật giáo Nam tông là chủ thể duy nhất có sứ mệnh truyền trì đạo mạch nối tiếp lịch sử truyền thống mấy nghìn năm phật giáo đồng hành cùng dân tộc và là bộ phận cấu thành quan trọng trong nền văn hóa Khmer, góp phần tăng cường đoàn kết dân tộc và hộ pháp an dân. Trong đó, hệ thống di sản Phật giáo là thành tố đặc biệt quan trong, mang trong mình sứ mệnh truyền trì đạo pháp đồng hành cùng dân tộc. Nên công tác bảo tồn là một bài toán khó được đặt ra trong giai đoạn hiện nay, nếu làm không tốt đôi khi nảy sinh sự phản cảm, sự thiếu tôn trọng đối với văn hóa tâm linh của phật tử. Vì vậy, trước tiên cần phải có quan điểm, chủ trương đúng đắn, có nguồn nhân lực được đào tạo đủ năng lực đảm đương nhiệm vụ. Thực hiện cuộc khảo cứu ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long từ đó vạch ra một lộ trình chi tiết, bàn bạc kỹ lưỡng có sự tham gia đóng góp ý kiến từ nhiều nhà khoa học, cơ quan, đơn vị có liên quan. Qua đó, xây dựng kế hoạch cụ thể “cần bảo tồn cái gì?” những vấn đề gì cần phải bảo tồn ngay và kế hoạch định hướng lâu dài trong tương lai.

Bảo tồn di sản văn hóa vật thể:

Việc bảo tồn các cơ sở, tự viện, di tích, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Phật giáo, dựa trên nguyên tắc cơ bản của luật bảo tồn di sản. Mục đích cơ bản của công tác bảo tồn là phải đảm bảo tôn trọng sự thật, tôn trọng tính nguyên bản của nó. Nguyên tắc này đòi hỏi người bảo tồn phải đưa ra các cứ liệu lịch sử - khoa học phù hợp trước khi tôn tạo công trình.

Mỗi thiết chế tôn giáo là một không gian sinh hoạt chung cho cộng đồng người khmer, điều nhất thiết ở đây chính là công tác bảo tồn kiến trúc, cảnh quan môi trường. Xây dựng kế hoạch nghiên cứu cách thức xây dựng, thiết trí chùa chiền của đồng bào khmer; để từ đó có những định hướng lâu dài đối với công tác duy tu bảo dưỡng và phát triển một cách hài hòa tối đa đối với các không gian kiến trúc Phật giáo.

Những ngôi chùa như là một viện bảo tàng thu nhỏ các di sản văn hóa vật thể có giá trị được lưu giữ đều là tài sản của nhà chùa hoặc của nhân dân Khmer tình nguyện tích góp dâng chùa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tiêu biểu như hệ thống kinh lá cọ, tượng phật cổ, các cổ vật, bia đá, công cụ sinh hoạt khác của nhà Phật, những di vật dưới nền các ngôi chánh điện…. Vì vậy, các tài sản quí giá này cần có chính sách đặc thù đảm bảo việc lưu giữ tốt hơn tại chùa với sự tham gia giám sát, hỗ trợ kỷ thuật nghiệp vụ bảo quản thường xuyên để các hiện vật được đảm bảo tốt nhất.

Bảo tồn hệ thống các ngày lễ Phật giáo được diễn ra trong năm theo giáo luật của Phật giáo Nam Tông. Việc này đòi hỏi các nhà khoa học có nhiều công trình, đề tài nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa để góp phần cùng đồng bào gìn giữ nét văn hóa lễ hội Phật giáo độc đáo của dân tộc. Những lễ hội dân tộc, sinh hoạt cộng đồng và gia đình gắn với văn hóa Phật giáo cũng cần được nghiên cứu, đánh giá để có cách bảo tồn và phát huy thích hợp.

Bảo tồn di sản văn hóa Phật giáo chính là bản lề thúc đẩy sự phát triển văn hóa giáo dục không chỉ riêng cho hiện tại mà là cả tương lai con em người Khmer ở Nam Bộ. Vì vậy, để công tác bảo tồn đạt hiệu quả tốt cần phải có những chuyên trang hay tạp chí về di sản văn hóa Phật giáo Nam tông để từ đó mọi người có thể biết tìm tòi nghiên cứu phát triển. Bên cạnh đó, phải xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ năng lực am hiểu văn hóa, chữ viết của đồng bào để việc bảo tồn có thể tạo được hiệu ứng tích cực và lâu dài. Đồng thời, nâng cao trình độ am hiểu về giá trị của hệ thống di sản văn hóa Phật giáo đối với các bậc sư sãi, acha và người dân để công tác bảo tồn được thực hiện một cách tích cực và đi vào chiều sâu. Quan trọng nữa, là phải tạo được sự đồng thuận, nâng nhận thức và sự ủng hộ của người dân trong phum sroc và đặc biệt là từ phía các vị sư sãi người chuyên chở con đò Phật giáo Nam Tông.

Phát huy các giá trị di sản văn hóa Phật giáo đến với cộng đồng:

Vấn đề phát huy cũng cần được tập trung xác định nhiệm vụ trọng tâm, “Cần phát huy cái gì?” cốt lõi của việc phát huy đó sẽ mang lại những gì đối với cộng đồng, nếu phát huy tốt giá trị tích cực các di sản văn hóa Phật giáo sẽ góp phần làm cho công tác bảo tồn được thực hiện tốt hơn, tỏa sáng hơn.

Phát huy vai trò di sản văn hóa Phật giáo chính là phát huy tinh thần giáo dục, nên cần chủ động phát huy đường hướng tốt đẹp của giáo lý nhà Phật, các tập tục tốt đẹp của Phật tử (đi chùa lễ Phật, tham gia thực hiện các lễ lớn Phật giáo, thờ Phật, dâng cúng dường…). Khuyến khích, nêu gương về nếp sống đẹp, các đức tính tốt (hòa thuận, hiếu để, từ bi, hỷ xả, nhân ái…). nhằm góp phần xây dựng lối sống tốt đời, đẹp đạo trong cộng đồng dân tộc.

Tạo điều kiện tốt nhất, để bà con Khmer Nam Bộ phát huy ý thức, trách nhiệm của bản thân đối với hệ thống các thiết chế văn hóa, các ngày lễ Phật giáo, các tập tục….. Để từ đó, góp phần lan tỏa các giá trị tích cực trong đời sống của đồng bào Khmer Nam bộ.

Phát huy năng lực cán bộ làm công tác nghiên cứu, duy tu bảo tồn các di sản văn hóa. Bên cạnh đó, phát huy tinh thần ý thức trách nhiệm của người làm công tác duy tu tôn tạo các sản phẩm văn hóa tôn giáo để tạo điều kiện cho việc phát triển một cách tốt nhất.

Về các phương tiện truyền thông đại chúng cần phát huy vai trò tích cực của mình để người dân tiếp cận các nguồn thông tin bổ ích, góp phần hữu hiệu cho việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Phật giáo Nam tông.

Tích cực chủ động phát huy hết công năng của các thiết chế tôn giáo, các sinh hoạt lễ độc đáo của Phật giáo, đây không chỉ với nhiệm vụ truyền trì đạo pháp dân tộc mà nó còn phải mang yếu tố văn hóa - lịch sử - du lịch góp phần quảng bá hình ảnh về văn hóa tôn giáo Khmer đến với du khách trong và ngoài nước.

Từ thực trạng trên, có thể khẳng định: Phật giáo đã cùng đồng hành và có sứ mệnh vô cùng cao cả trong đời sống tâm linh của đồng bào Phật tử Khmer, việc bảo tồn và phát huy hiệu quả di sản văn hóa Phật giáo này không chỉ cho hôm nay mà còn đến các thế hệ mai sau. Chúng ta cần xử lý tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy, việc bảo tồn và phát huy như một cặp phạm trù giống như việc xây dựng và phát triển văn hóa. Mà văn hóa chính là linh hồn là mạch sống của dân tộc, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, nếu chỉ bảo tồn để tồn tại đơn thuần, không phát huy được giá trị ẩn chứa trong di sản, rồi thời gian sẽ làm di sản phai mờ và nhanh chóng đi vào quên lãng. Vì vậy, việc khai thác giá trị các di sản được phát huy tích cực thì mới có cơ sở, có căn cứ và làm điều kiện đảm bảo để bảo tồn di sản văn hóa Phật giáo khmer phục vụ cộng đồng một cách bền vững.

Vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phật giáo Khmer Nam Bộ phục vụ cộng đồng nên được coi là một hoạt động khoa học, đòi hỏi sự am hiểu chuyên sâu về văn hóa Phật giáo, phải có sự phối hợp liên ngành và phải tuân thủ những nguyên tắc cao nhất của bảo tồn là giữ được tính nguyên gốc của di sản gắn với những điều kiện lịch sử, kinh tế - xã hội cụ thể. Việc bảo tồn và phát huy các di sản không bao giờ là một vấn đề dễ dàng và thuận lợi. Vì vậy, phải xác định đây là một công việc thường xuyên, lâu dài và luôn đòi hỏi ý thức trách nhiệm, sự tham gia tích cực to lớn từ phía các cơ quan, tổ chức có liên quan và cả tập thể cộng đồng.

Bảo tồn, phát huy văn hóa của dân tộc gắn với di sản văn hóa Phật giáo Nam Tông Khmer cũng là góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa chung của dân tộc Việt Nam. Nên việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Phật giáo Nam Tông Khmer cần được đặt trong mối quan hệ giữa các dân tộc, tôn giáo trong cộng đồng trên địa bàn và trong cả nước.

SƠN CHANH ĐA
Đại học Cần Thơ