Một số giải pháp nâng cao hiệu quả "Bốn nhà"

09:46 05/04/2013 Lượt xem: 387 In bài viết

Nhận thức được tầm quan trọng của nông nghiệp, để góp phần phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI tiếp tục khẳng định “Thực hiện tốt việc gắn kết chặt chẽ “bốn nhà” (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nước) và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp”.

Những năm qua, nhờ đường lối đổi mới của Đảng, sản xuất nông nghiệp nước ta đã thu được những thành tựu quan trọng, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo tiền đề vật chất để đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, tốc độ giảm nghèo tương đối nhanh. Tuy nhiên, do sự phát triển không đồng đều mà trong từng địa bàn, từng vùng, nhất là vùng sâu, vùng xa có những bước đi, cách làm với mức độ khác nhau, nhưng nhìn chung để tạo lập và phát triển mối quan hệ liên kết kinh tế đều phải trải qua hai tất yếu cơ bản là: từ sản xuất tự nhiên, phân tán, tự cấp tự túc chuyển sang sản xuất hàng hoá; và, từ sản xuất phát triển theo chiều rộng (lượng) sang phát triển theo chiều sâu (chất). Những tất yếu đó phần nào đã làm rõ hơn tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Do đó, nó không chỉ giúp cho việc nhìn nhận, đánh giá hiệu quả của mô hình liên kết, mà còn qua đó, có thể đề xuất được những giải pháp có tính khả thi hơn về hoàn thiện mô hình liên kết để thực hiện xoá đói giảm nghèo bền vững và thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, các dân tộc

Hiệu quả thực hiện liên kết "bốn nhà"

Sản xuất nông nghiệp nước ta đang từng bước chuyển sang sản xuất hàng hoá theo hướng tập trung, chuyên canh, quy mô sản xuất nguyên liệu ngày càng lớn. Nhờ có các biện pháp phát triển sản xuất, trên các vùng, miền đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung như: sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long; vùng trồng cây công nghiệp ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ (cà phê, cao su, bông); vùng chè ở trung du, miền núi phía Bắc; vùng trồng cây ăn quả ở đồng bằng sông Cửu Long… Các vùng này đã tạo ra khối lượng hàng nông sản lớn, đáp ứng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, cho tiêu dùng, cho xuất khẩu với số lượng, giá trị ngày càng cao, một số nông sản hàng hoá đã có vị trí cao trên thị trường (như cà phê, cao su, điều, hạt tiêu…); từng bước phát huy được lợi thế của từng vùng, địa phương, thiết thực góp phần phát triển kinh tế của đất nước và xoá đói giảm nghèo, từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, các dân tộc.

Hình thành và phát triển được một số cơ sở chế biến có công nghệ và thiết bị tương đối hiện đại, từng bước gắn với vùng sản xuất nguyên liệu. Đến nay, hầu hết các vùng nông sản có khối lượng lớn đã hình thành và phát triển được các cơ sở chế biến với trang thiết bị, công nghệ từng bước được hiện đại; huy động được nhiều loại hình doanh nghiệp của các thành phần kinh tế tham gia, như: doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hợp tác xã…, bước đầu đã gắn kết nhà máy với nông hộ, góp phần giảm thất thoát sau thu hoạch, nâng cao giá trị của nông sản.

Bước đầu đã tạo được một số mô hình liên kết giữa cơ sở chế biến và vùng nguyên liệu, liên kết thông qua hợp đồng ở một số vùng, một số cây trồng chủ lực ngày càng trở thành phổ biến. Trong sản xuất đã hình thành và phát triển được các mối liên kết (theo chiều dọc, theo chiều ngang; liên kết trực tiếp, liên kết gián tiếp,…) giữa nông hộ và cơ sở chế biến; trong đó doanh nghiệp chế biến nông sản của Nhà nước đóng vai trò nòng cốt, trung tâm. Hình thức liên kết thông qua hợp đồng ngày càng phát triển và trở thành phổ biến đối với một số cây trồng, từng bước đáp ứng được các yếu tố đầu vào của sản xuất (vốn, giống, vật tư, đất đai, lao động…) và đầu ra của sản phẩm (mua bán nguyên liệu, dự trữ, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm sau chế biến,…); từ đó tạo ra mối quan hệ ngày càng gắn bó giữa nhà máy chế biến và nông hộ, đảm bảo tính ổn định, phát triển bền vững của cả nông hộ và nhà máy chế biến; đồng thời, khắc phục được một bước những rủi ro thời tiết và thị trường.

Số lượng, chất lượng và giá trị hàng hoá nông sản ngày càng được nâng cao. Sự liên kết giữa nhà máy chế biến và vùng nguyên liệu đã tạo điều kiện khuyến khích sản xuất hàng nông sản phát triển, nhất là các loại hàng hoá nông sản xuất khẩu chủ lực có tốc độ phát triển nhanh, phù hợp với nhu cầu của thị trường, góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động được đẩy mạnh. Liên kết giữa cơ sở chế biến và nông hộ đã thúc đẩy quá trình phân công chuyên môn hoá sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động, chuyển một phần lao động nông nghiệp sang lao động trong ngành công nghiệp chế biến, dịch vụ nông nghiệp; góp phần xoá đói giảm nghèo, tăng thêm việc làm, cải thiện đời sống của nông dân, nhất là đồng bào dân tộc trong vùng nguyên liệu; đồng thời nâng cao trình độ tiếp thu khoa học - kỹ thuật, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún và làm thay đổi tập quán canh tác lạc hậu ở khu vực nông thôn. Cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp giảm, chỉ chiếm 20,6% trong cơ cấu kinh tế chung; cơ cấu dân số nông thôn còn trên 60,92%; lao động nông nghiệp còn 48,2%; tỷ lệ thất nghiệp của khu vực nông thôn chỉ còn 2,27%; hộ nghèo theo chuẩn mới chỉ còn khoảng 9,5%.

Liên kết “bốn nhà” tuy đã đạt nhiều kết quả khả quan, nhưng cũng còn một số tồn tại, cần sớm được khắc phục, đó là:

Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, giá thành nông sản còn cao. Tuy công tác dồn điền đổi thửa đã được đẩy mạnh, nhưng đa số sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo mô hình kinh tế hộ gia đình, nên có quy mô nhỏ, manh mún (bình quân ở đồng bằng sông Hồng là 0,31ha/hộ, mỗi hộ có đến 7 thửa ruộng, mỗi thửa bình quân chỉ có 300-400m2,…), hạn chế nhiều đến việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật, đầu tư cơ giới hoá theo hướng sản xuất lớn; năng suất còn thấp, chất lượng sản phẩm không đồng đều, tổn thất sau thu hoạch và giá thành sản xuất còn cao, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông sản so với khu vực và thế giới thấp.

Công nghiệp chế biến lạc hậu, tính cạnh tranh của nông sản thấp. Tỷ trọng một số sản phẩm công nghiệp chế biến còn thấp so với nguyên liệu hiện có, sản phẩm mía đường được đưa vào chế biến chiếm 30%, chè 55%, rau quả 5%...; nhiều nhà máy còn sử dụng thiết bị dây chuyền cũ, lạc hậu (hệ số đổi mới thiết bị chỉ ở mức 7%/năm, bằng 1/2-1/3 so với các nước trong khu vực); mẫu mã, thương hiệu và chất lượng sản phẩm sau chế biến chậm được cải thiện nên chưa tạo ra nhiều nông sản có giá trị gia tăng cao, hiệu quả và tính cạnh tranh còn thấp.
Quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp chưa gắn với tổ chức lại sản xuất. Phát triển vùng nguyên liệu còn mang tính tự phát, thiếu đồng bộ từ khâu quy hoạch đến bố trí hợp lý các cơ sở chế biến; giữa vận chuyển và bảo quản sau thu hoạch, dẫn đến tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch sản phẩm cùng loại của nước ta cao hơn các nước trong khu vực. Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch đối với cây lương thực từ 10-15% (trong khi đó, Thái Lan 7-10%, Nhật Bản 3,9-5,6%,…); rau quả, trái cây 25-30% (trong khi Thái Lan và Inđônêxia là 15%);… Một số nông sản có lợi thế chưa được đầu tư cơ sở chế biến (rau quả, trái cây), xuất khẩu chủ yếu từ sản phẩm thô và xuất khẩu nguyên liệu, nên giá trị xuất khẩu một số mặt hàng nông sản so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường thế giới thường thấp hơn (khoảng 10-15%).

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả liên kết

Để phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường, gắn sản xuất với chế biến và thị trường cũng như mở rộng xuất khẩu, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Đẩy mạnh xây dựng mô hình liên kết. Sớm tập trung xây dựng và kiện toàn một số mô hình nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ (tổ hợp nông - công nghiệp - dịch vụ) trong từng vùng sản xuất nông sản tập trung, có khối lượng hàng hoá lớn theo quy hoạch; trong đó lấy doanh nghiệp chế biến làm nòng cốt, đầu tầu hướng dẫn, giúp đỡ các nông hộ, tổ chức kinh tế tập thể và các thành phần kinh tế khác sản xuất hàng hoá nông sản đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Phát triển loại hình doanh nghiệp cổ phần có các cổ đông nông hộ của nhà máy chế biến, bằng hình thức thành lập mới hoặc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.

Đa dạng hoá các hình thức liên kết, trong đó có hai hoặc nhiều chủ thể tham gia, như: doanh nghiệp chế biến nông sản nhà nước + chủ thầu, tư thương + nông hộ; doanh nghiệp chế biến nông sản nhà nước + hợp tác xã; hoặc các doanh nghiệp nhà nước về chế biến, cung ứng vốn, vật tư, tiêu thụ sản phẩm + hợp tác xã + hộ xã viên hợp tác xã, nông dân + các đơn vị nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ,… trong đó, liên kết giữa doanh nghiệp chế biến nông sản của Nhà nước với hợp tác xã - người đại diện về lợi ích và trách nhiệm của hộ xã viên cần được khuyến khích phát triển.

Các mô hình liên kết trên cần triển khai các bước đi, cách làm cho phù hợp, từ thấp đến cap, trên cơ sở gắn được sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong từng địa bàn, vùng nguyên liệu. Thông qua đó, các yếu tố đầu vào của sản xuất (vốn, giống, vật tư, đất đai, lao động,…) và đầu ra của sản phẩm (mua bán nguyên liệu, dự trữ, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm sau chế biến,…) gắn với nhau một cách đồng bộ, thống nhất, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Trình độ phát triển không ngừng của lực lượng sản xuất đòi hỏi mô hình liên kết ngày càng phải hoàn thiện; chính vì vậy, quá trình hoàn thiện mô hình liên kết là quá trình chuyển từ các phương thức liên kết đơn giản, lỏng lẻo lên các phương thức liên kết phức tạp hơn, chặt chẽ hơn và ổn định hơn; từ việc trao đổi, mua bán thông thường trên thị trường, chuyển sang liên kết với nhau bằng các hợp đồng kinh tế và cao hơn là góp vốn cổ phần để cùng nhau chia sẻ một cách bình đẳng về lợi ích, rủi ro trong sản xuất - kinh doanh.

Đổi mới cơ chế quản lý trong sản xuất - chế biến nông sản, thực phẩm. Cần có chính sách khuyến khích việc gắn kết giữa sản xuất nguyên liệu và nhà máy chế biến, chuyển đổi các cơ sở chỉ có chế biến hiện nay phải gắn với vùng sản xuất nguyên liệu. Xây dựng các chế tài đủ hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện hợp đồng liên kết giữa nhà máy và nông hộ. Có chính sách khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân tham gia liên kết giữa nhà máy và vùng nguyên liệu; trong đó cơ sở, nhà máy chế biến làm nòng cốt trong việc bảo đảm lợi ích của các bên tham gia liên kết.

Đảm bảo liên kết hiệu quả, bền vững. Đảm bảo nguyên tắc tự nguyện và quan trọng hơn là sự bình đẳng giữa các chủ thể về lợi ích, trong đó cần ưu tiên lợi ích đối với nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, những người sản xuất nguyên liệu cung ứng cho công nghiệp chế biến nhằm tạo động lực tăng nhanh năng suất cây trồng, vật nuôi, giảm chi phí đầu vào của sản xuất nguyên liệu, hạ giá thành sản phẩm của công nghiệp chế biến.

Tăng cường sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước để gắn kết mối quan hệ nhà máy chế biến với vùng nguyên liệu thông qua việc: tạo thuận lợi về hành lang pháp lý, cung ứng tín dụng, xây dựng các quỹ bảo hiểm rủi ro, quỹ hỗ trợ xuất khẩu; xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng hệ thống thông tin, dự báo thị trường; phát triển sự nghiệp khoa học kỹ thuật, văn hoá, giáo dục, y tế,…

Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước ở cơ sở. Liên kết giữa nhà máy chế biến với nông hộ thông qua hợp đồng là chủ trương đúng đắn của Đảng để đưa sản xuất nông nghiệp lên sản xuất hàng hoá lớn, sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Do đó, các chi bộ, đảng bộ ở cơ sở cần có Nghị quyết chuyên đề, phân công đảng viên tổ chức thực hiện. Đảng viên phải là người đi đầu, gương mẫu thực hiện các cam kết trong hợp đồng kinh tế, hướng dẫn, giúp đỡ các nông hộ sản xuất theo hợp đồng đã ký kết với doanh nghiệp.

Các cấp chính quyền địa phương cần chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các chính sách phát triển vùng nguyên liệu, nâng cao chất lượng chế biến nông sản và ký kết hợp đồng sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; kiểm tra, phát hiện kịp thời những vướng mắc của doanh nghiệp và nông hộ, những trường hợp vi phạm hợp đồng. Hướng dẫn nông dân dùng giá trị quyền sử dụng đất để liên kết, liên doanh với các doanh nghiệp chế biến nông sản, hoặc góp vốn cổ phần khi doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá. Chính quyền cấp huyện, nhất là cấp xã cần tích cực chỉ đạo, hỗ trợ nông dân thực hiện dồn điền, đổi thửa; bố trí sản xuất theo quy hoạch vùng nguyên liệu; giải quyết kịp thời các tranh chấp giữa người sản xuất.

Có thể thấy, chủ trương phát triển mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp của Đảng thời gian qua đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, tập trung, có quy mô sản phẩm hàng hoá ngày càng lớn. Các hình thức liên kết, hợp tác giữa các chủ thể được hình thành và phát triển. Nhiều doanh nghiệp bước đầu đã thực hiện mô hình liên kết với nông hộ thông qua hợp đồng, từng bước đảm bảo công suất nhà máy chế biến, tăng hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Cũng thông qua mô hình liên kết này, người nông dân từng bước ổn định sản xuất, chất lượng cuộc sống từng bước được nâng cao, nhất là của đồng bào dân tộc trong vùng nguyên liệu. Kết cấu hạ tầng cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc được cải thiện rõ rệt, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, cuộc sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số, tạo sự ổn định chính trị, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội khu vực vùng miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa. Với chủ trương đổi mới thực hiện mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, tin tưởng rằng nông dân nước ta sẽ có cuộc sống đầy đủ hơn.

ThS. Đào Thị Thu Hằng
Nguyễn Minh Quang - Đao Duy Dũng