Đại hội lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương đã
thông qua “Nghị quyết về công tác trong các dân tộc thiểu số” ngày 28/3/1935 chỉ
rõ: “Lực lượng tranh đấu của các dân tộc thiểu số là lực lượng rất lớn. Cuộc
giải phóng dân tộc của họ là một bộ phận quan trọng trong cuộc cách mạng phản đế
và điền địa ở Đông Dương, bộ phận của cách mạng thế giới. Cho nên sự miệt thị
trong các dân tộc thiểu số là một lỗi lầm chính trị rất to lớn. Kết quả sự miệt
thị ấy sẽ làm cho Mặt trận phản đế yếu đuối, sẽ ngăn trở cuộc cách mạng Đông
Dương mau thành công”.
Đây là nghị quyết đầu tiên của Đảng ta bàn về công tác dân tộc, chỉ rõ vai trò
và tầm quan trọng của việc vận động đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia đấu
tranh cách mạng. Các nghị quyết Trung ương lần thứ 6 (11/1939), lần thứ 8
(5/1940) đều dành một phần quan trọng đề cập tới công tác vận động đồng bào các
dân tộc thiểu số tham gia đấu tranh giải phóng dân tộc. Theo đó, các cấp ủy đảng
địa phương phải thực sự chú ý gây dựng cơ sở đảng trong vùng đồng bào các dân
tộc thiểu số, phải cử ra các ban chuyên môn nghiên cứu và chỉ đạo công tác trong
các dân tộc thiểu số.
Quán triệt các nghị quyết của Đảng, công tác dân tộc thời ký này đạt được những
kết quả đáng khích lệ, đóng góp to lớn vào thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa
giành chính quyền Tháng Tám năm 1945. Trong số những chiến sĩ cách mạng tiền bối
của Đảng, có các đại biểu ưu tú người các dân tộc người các dân tộc thiểu số như
đồng chí Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ…Đặc biệt trong 34 chiến sĩ đầu tiên của
Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, có đến 29 chiến sĩ là người dân tộc
Tày, Nùng, Mông, Dao… Mô hình Mặt trận Việt Minh đầu tiên được thí điểm ở Pắc Bó
(Cao Bằng) – nơi có nhiều đồng bào Tày, Nùng, sau đó lan rộng ra cả nước, từ
rừng núi, nông thôn đến đồng bằng, thành thị, trở thành mô hình Mặt trận tiêu
biểu trong việc tập hợp, đoàn kết các dân tộc, các tầng lớp nhân dân, tạo nên
sức mạnh vô địch trong cuộc đấu tranh giành chính quyền.
Thời ký kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), công tác dân tộc
của Đảng được đặt ở một vị trí quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ
kháng chiến và kiến quốc. Ngay sau thắng lợi của cách mạng Tháng Tám, Trường đào
tạo cán bộ dân tộc mang tên Nùng Trí Cao được mở tại Hà Nội có nhiệm vụ đào tạo,
bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc trong các cấp ủy từ Trung ương đến
địa phương. Trên cơ sở Sắc lệnh số 58 (ngày 3/5/1946) do Chủ tịch Hồ Chính Minh
ký, Bộ Nội vụ đã ban hành Nghị định số 359, ngày 9/9/1946 thành lập Nha Dân tộc
thiểu số - Cơ quan làm công tác dân tộc đầu tiên của Chính phủ.
Ngày 19/4/1946, Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam được tổ chức tại Pleiku (Gia
Lai) với sự tham gia của hơn 400 đại biểu. Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm
và gửi thư tới Đại hội khẳng định chân lý: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán,
Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu
Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng
nhau, no đói giúp nhau… Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng lòng đoàn kết của
chúng ta không bao giờ giảm bớt”. Thành công của Đại hội đã thể hiện sự đoàn kết
chặt chẽ của các dân tộc xung quanh Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh
trong cuộc đấu tranh chống các mưu đồ đen tối của thực dân Pháp. Đại hội II của
Đảng (2/1951) nêu rõ: “ Các dân tộc sống trên đất Việt Nam đều bình đẳng về
quyền lợi và nghĩa vụ, đoàn kết giúp đỡ nhau để kháng chiến và kiến quốc; chống
chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, bài trừ mọi hành động gây hằn thù, chia rẽ giữa các
dân tộc”. Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài, Bộ Chính trị (khóa II) ra
Nghị quyết đề cập một cách khá toàn diện, đầy đủ công tác dân tộc của Đảng trong
cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế,
văn hóa, xã hội và quân sự. Nghị quyết của Bộ Chính trị đã thực sự đi vào cuộc
sống, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, tạo ra nguồn sức mạnh to
lớn góp phần vào thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc
(1954-1975), Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị đề cập tới công tác dân
tộc, chính sách dân tộc của Đảng đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra. Ngày
29/1/1955, Ban Bí thư quyết định thành lập Tiểu Ban dân tộc Trung ương có nhiệm
vụ “nghiên cứu tình hình dân tộc và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách
dân tộc ở các vùng dân tộc thiểu số; nghiên cứu giúp Trung ương đề ra chủ trương
thực hiện chính sách dân tộc và phối hợp với các Bộ, các cơ quan ở cấp Trung
ương trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ ở các
vùng dân tộc thiểu số”. Ở miền Bắc, công tác dân tộc của Đảng tập trung vào việc
củng cố cơ sở chính trị vùng dân tộc thiểu số, đồng thời mở rộng phạm vi hoạt
động trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội mà nổi bật là cuộc vận động xây dựng hợp
tác hóa nông nghiệp, kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ ở miền núi (Chỉ thị
156-CT/TW ngày 25/8/1959). Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (9/1960), công
tác dân tộc đã được cụ thể hóa trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn
hóa, thông tin tuyên truyền, giáo dục với Nghị quyết số 71-NQ/TW, ngày 22-2-1963
của Bộ Chính trị về vấn đề phát triển nông nghiệp miền núi; Chỉ thị số 73-CT/TW,
ngày 24/1/1964 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo công tác tuyên giáo đối với
các dân tộc thiểu số miền Bắc; Chỉ thị số 84-CT/TW, ngày 3/9/1964 của Ban Bí thư
về nhiệm vụ công tác giáo dục ở miền núi trong 2 năm 1964-1965; Chỉ thị số
216-CT/TW, ngày 30/1/1975 của Ban Bí thư về chính sách cán bộ miền núi…
Ở miền Nam, sau hiệp định Giơ ne vơ (1954), công tác dân tộc của Đảng được triển
khai tích cực nhằm tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số đấu
tranh chống âm mưu chia cắt của Mỹ-Ngụy, tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc,
thống nhất đất nước. Tại Tây Nguyên, “Phong trào tự trị Tây Nguyên” được hình
thành nằm trong Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam chống lại âm mưu
tự trị giả hiệu của Mỹ-Ngụy, chống lại tổ chức FULRO do Mỹ du dưỡng. Ở Nam bộ,
căn cứ vào đặc điểm của đồng bào Khmer theo đạo Phật Nam tông Tiểu thừa, công
tác dân tộc đã chú ý tập trung đi vào vận động tầng lớp sư sãi, thông qua họ để
tuyên truyền, tập hợp quần chúng đấu tranh chính trị, binh vận trên quy mô lớn,
làm thất bại nhiều âm mưu của địch.
Thời kỳ cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội và đổi mới đất nước, công tác dân tộc
của Đảng được triển khai đồng bộ và sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Sự chuyển biến
rõ rệt nhất là từ sau Thông báo số 13-TB/TW, ngày 3/6/1976 của Văn phòng Trung
ương Đảng “Một số ý kiến của Văn phòng Trung ương về công tác dân tộc”. Đây là
văn bản đưa ra những quyết sách quan trọng cho hoạt động công tác dân tộc trong
phạm vi cả nước sau ngày đất nước thống nhất. Ngày 15/11/1977, Ban Bí thư Trung
ương Đảng ra Chỉ thị số 23-CT/TW về công tác dân tộc ít người ở các tỉnh phía
Nam là quán triệt chính sách dân tộc của Đảng, ra sức phát động quần chúng xây
dựng vững chắc cơ sở chính trị, giữ vững trật tự an ninh, đẩy mạnh sản xuất,
phát triển văn hóa, cải thiện một bước đời sống nhân dân…Xây dựng các vùng dân
tộc vững chắc về chính trị, giàu có về kinh tế, vững mạnh về quốc phòng, cùng cả
nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”
Cùng với đường lối đổi mới toàn diện đề ra tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI
(12-1986), sự đổi mới hoạt động trong lĩnh vực công tác dân tộc và miền núi được
đánh dấu bằng Nghị quyết số 22, ngày 27/11/1989 của Bộ Chính trị về một số chủ
trương, chính sách lớn phát triển kinh tế-xã hội miền núi; được thể chế hóa bằng
Quyết định số 72, ngày 13/3/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Nhằm
tăng cường công tác dân tộc ở một số vùng trọng yếu, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ
thị số 68-CT/TW ngày 18/4/1991 “Về công tác ở vùng đồng bào Khmer” Thông tri số
03-TT/TW ngày 17/10/1991 “Về công tác đối với đồng bào Chăm”.
Qua các văn kiện trên đây, có thể thấy rõ một số nét nổi bật trong công tác dân
tộc của Đảng thời kỳ đổi mới:
- Công tác dân tộc phải là trách nhiệm của các cấp, các ngành. Phải “đổi mới sự
lãnh đạo của Đảng đối với miền núi, kiện toàn tổ chức và tăng cường chất lượng
đội ngũ cán bộ của các cơ quan tham mưu, đủ sức giúp Trung ương cả trong công
tác nghiên cứu, ban hành chính sách cũng như kiểm tra việc tổ chức thực hiện các
chính sách dân tộc, chính sách kinh tế-xã hội miền núi”.
- Công tác dân tộc chủ yếu hướng vào mặt quản lý nhà nước, cụ thể hóa và thể chế
hóa các chủ trương, chính sách của Đảng thành hoạt động của các cấp, các ngành.
Nghị định sô 11-NĐ/CP ngày 20/3/1993 và Nghị định số 59-NĐ/CP ngày 13/8/1998 của
Chính phủ “Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ủy ban Dân
tộc và miền núi” quy định: Ủy ban Dân tộc và Miền núi là cơ quan quản lý nhà
nước về lĩnh vực công tác dân tộc và miền núi trong phạm vi cả nước, đồng thời
là cơ quan tham mưu cho Trung ương Đảng về chủ trương, chính sách đối với các
dân tộc thiểu số miền núi.
- Công tác dân tộc chuyển sang trọng tâm phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo cải
thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số, thể hiện
trong Quyết định 72, ngày 13/3/1990 của Hội đồng Bộ trưởng “Về một số chủ trương,
chính sách cụ thể phát triển kinh tế xã hội miền núi”, Chương trình 135 ngày
31-7-1998 của Thủ tướng Chính phủ “Về Chương trình phát triển kinh tế-xã hội ở
các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa”.
Thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hội nghị Ban
Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7, khóa IX (4/2003) đã ban hành Nghị quyết “Về
công tác dân tộc” nêu rõ vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược
cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay.
Nghị quyết xác định nội dung công tác dân tộc năm 2010:
- Đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống đồng bào các dân tộc
thiểu số, trọng tâm là đồng bào ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Trước mắt cần tập
trung trợ giúp đồng bào nghèo, các dân tộc đặc biệt khó khăn, giải quyết ngay
các vấn đề bức xúc như tình trạng thiếu lương thực, thiếu nước sinh hoạt, nhà ở
tạm bợ; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất và vấn đề tranh chấp đất
đai ở vùng Tây Nguyên, Tây Bắc và vùng đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ.
- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình phủ sóng phát thanh, truyền hình,
tăng cường các hoạt động văn hóa, thông tin tuyên truyền hướng về cơ sở, làm tốt
công tác nghiên cứu, sưu tầm, giữ gìn và phát huy các giá trị, truyền thống tốt
đẹp trong văn hóa các dân tộc. Thực hiện chương trình phổ cập giáo dục trung học
cơ sở và các chương trình giáo dục miền núi; nâng cao chất lượng và hiệu quả
giáo dục, đào tạo hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú; thực hiện tốt chính
sách ưu tiên, cử tuyển dành cho con em các dân tộc vào học các trường cao đẳng,
đại học.
- Củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở ở các vùng dân tộc
thiểu số, kiên quyết khắc phục tình trạng quan liêu, xa dân của một số cán bộ;
thực hiện tốt các quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, luân chuyển
cán bộ. Đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên trong đồng bào dân tộc thiểu số,
khắc phục tình trạng cơ sở không có tổ chức đảng và đảng viên.
- Thực hiện tốt chính sách tín ngưỡng và tôn giáo ở vùng dân tộc và miền núi,
kiên quyết ngăn chặn việc lợi dụng chính sách tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng
để hoạt động phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.
- Đổi mới nội dung, phương thức công tác dân tộc phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ
trong tình hình mới. Thông qua các chính sách, biện pháp cụ thể động viên đồng
bào các dân tộc phát huy nội lực, ý chí tự lực cường, tinh thần vươn lên trong
sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Những nội dung trên cũng chính là nhiệm vụ chủ yếu trong quá trình thực hiện
chính sách dân tộc của Đảng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước nhằm không ngừng cải thiện đời sống vật chất, văn hóa tinh thần vùng đồng
bào dân tộc thiểu số, từng bước đưa miền núi tiến kịp miền xuôi. Việc thực hiện
thắng lợi công tác dân tộc của Đảng sẽ góp phần to lớn trong sự nghiệp xây dựng
chủ nghĩa xã hội mang bản sắc và đặc điểm Việt Nam.
Từ thực tiễn tiến hành công tác dân tộc của Đảng, có thể rút ra một số nhận xét:
Thứ nhất, qua các thời kỳ cách mạng, Đảng ta luôn khẳng định: công tác dân tộc
là một công tác quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Quan điểm của Đảng ta về
vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc dựa trên cơ sở lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ
Chí Minh và xuất phát từ tình hình, đặc điểm cụ thể của đất nước, đáp ứng yêu
cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp đấu tranh cách mạng. Các nghị quyết của Đảng về vấn
đề dân tộc đều thể hiện rõ chủ trương đoàn kết, bình đẳng, tương trợ giúp đỡ lẫn
nhau cùng phát triển. Bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, sự giúp đỡ
của các địa phương trong cả nước, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính
sách phát huy nội lực, tinh thần tự lực tự cường, các nhân tố tích cực vùng đồng
bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Nhà
nước tạo môi trường pháp lý đảm bảo cho các dân tộc thực sự bình đẳng trên các
lĩnh vực, tạo môi trường khách quan thuận lợi cho đồng bào các dân tộc phát huy
tiềm năng, lợi thế.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung,
phát triển năm 2011) xác định: “Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn
trọng và giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân tộc
cùng phát triển, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng dân tộc
Việt Nam. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống tốt đẹp
của các dân tộc. Chống tư tưởng kỳ thị và chia rẽ dân tộc. Các chính sách kinh
tế-xã hội phải phù hợp với đặc thù của các vùng và các dân tộc, nhất là các dân
tộc thiểu số”.
Thứ hai, trong mọi thời kỳ, Đảng ta kiên quyết đấu tranh chống lại các hoạt động
gây rối, kích động chia rẽ giữa các dân tộc của các thế lực thù địch; khắc phục
các biểu hiện của tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi, ích kỷ, tâm lý ỷ lại,
tự ty dân tộc. Quan điểm nhất quán của Đảng là các dân tộc dù đa số hay thiểu
số, ở vùng này hay vùng khác, trước hết đều là người Việt Nam, ở trong lòng Tổ
quốc Việt Nam thống nhất. Đây là nguyên tắc cao nhất tạo nên sức mạnh đại đoàn
kết các dân tộc, là chân lý vĩnh hằng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định
trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku ngày 19/4/1946.
Những kết quả đạt được trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc
Mỹ, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã chứng tỏ đường lối của Đảng về
vấn đề dân tộc là hoàn toàn đúng đắn.
Thứ ba, công tác dân tộc là một hoạt động lớn và quan trọng của toàn Đảng, toàn
dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của các cấp, các
ngành, của toàn bộ hệ thống chính trị. Phải có quyết tâm và sự kiên trì trong
việc thực hiện các mục tiêu, đề ra các giải pháp phát triển toàn diện vùng đồng
bào dân tộc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc
phòng. Nhận thức về vấn đề dân tộc và công tác dân tộc của các ngành, các cấp là
vấn đề có ý nghĩa quyết định để thực hiện thắng lợi chính sách dân tộc của Đảng
và Nhà nước. Thực tiễn cho thấy, khi nào nhận thức của các cấp, các ngành, của
đội ngũ cán bộ, đảng viên về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc được quán triệt
sâu sắc, toàn diện thì sẽ đạt được nhiều kết quả to lớn, còn ngược lại, xa dân,
quan liêu, vi phạm chính sách dân tộc thì sẽ làm giảm lòng tin của đồng bào, dễ
bị kẻ thù lợi dụng xuyên tác, kích động gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
ThS. Lê Nhị Hòa