Thay đổi cách nghĩ về miền núi và dân tộc thiểu số
03:32 11/04/2013 Lượt xem: 415 In bài viếtỞ Việt Nam lâu nay, trong không ít văn bản, báo chí, trên các diễn đàn, trong các cuộc hội thảo cũng như trong tiềm thức cuả nhiều người thường tồn tại suy nghĩ cho rằng, sở dĩ tình hình kinh tế, xã hội ở các tỉnh miền núi, trong các dân tộc thiểu số chậm phát triển là do người dân ở đây lạc hậu, mê tín dị đoan...Có thể khái quát một số nét chính ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số là: điều kiện tự nhiên khắc nghiệt phức tạp, đa dạng; dân cư phân bố không đồng đều; môi trường đang ngày càng bị suy thoái cơ sở hạ tầng nghèo nàn, thấp kém; thông tin, thị trường kém phát triển trình độ học vấn của người dân thấp, dẫn đến nghèo đói, bệnh tật; mặt khác nhiều chính sách của nhà nước chưa phù hợp.
Với cách nhìn đó, không ít người cho rằng, việc từ
bỏ các phong tục tập quán truyền thống là đương nhiên và hợp lý cho sự phát
triển. Chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta bấy lâu nay là phát huy những
truyền thống, văn hóa tốt đẹp, xóa bỏ những phong tục tập quán lạc hậu ở miền
núi cũng như trong các dân tộc thiểu số.
Cần nhận thức một cách sâu sắc rằng, về bản chất, văn hóa của một dân tộc, một
cộng đồng người chính là sự hòa hợp, thích ứng với điều kiện tự nhiên, xã hội,
nơi họ sinh sống và tồn tại. Văn hóa của các dân tộc thiểu số trên một địa bàn
tự nhiên là quá trình tích lũy qua kinh nghiệm quý báu nhờ sự tiếp xúc, gắn bó
với tự nhiên, dưới áp lực của sự chọn lọc tự nhiên trong quá trình tiến hóa.
Chẳng hạn, một biểu hiện cụ thể của văn hóa và tri thức. Vốn tri thức của các
dân tộc thiểu số ở các địa phương, hay còn gọi là tri thức bản địa, được hình
thành trong quá trình lịch sử lâu dài, qua kinh nghiệm ứng xử với môi trường tự
nhiên và xã hội, được truyền từ đời này sang đời khác, qua trí nhớ, qua thực
tiễn sản xuất và đời sống xã hội. Nó hướng tới việc hướng dẫn và điều hòa các
mối quan hệ xã hội, quan hệ, ứng xử giữa con người với thiên nhiên. Ngày nay,
tri thức địa phương là một nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng của quốc gia,
cùng với người dân, góp phần vào quá trình phát triển của vùng miền, của từng
dân tộc theo những phương cách ít tốn kém mà lại hiệu quả, bền vững. Các dự án,
chương trình phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường, kể cả lĩnh vực
quốc phòng, an ninh, khi nắm chắc và dựa trên cơ sở tri thức địa phương hợp với
lòng dân sẽ được nhiều người dân tham gia đóng góp trí tuệ, công sức. Văn hóa và
tri thức địa phương đóng vai trò rất quan trọng trong việc xác định các vấn đề,
hạn chế ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Đồng thời, nó có giá trị như một
nguồn thông tin quan trọng, hữu ích. Văn hóa và tri thức địa phương vùng núi,
của các đồng bào dân tộc thiểu số trên khắp đất nước khi biết phát huy thì nó sẽ
là một nguồn sức mạnh nội lực của nhân dân, đất nước. Nó cần phải được trân
trọng và phát huy và sẽ là cơ sở của sự thành công trong quá trình công nghiệp
hóa, hiện đại hóa đất nước. Chỉ một khi chúng ta nhận thức sâu sắc bản chất, giá
trị của văn hóa các dân tộc thiểu số, hiểu được giá trị của tri thức địa phương,
thì con người nghiễm nhiên là chủ thể chứ không còn là đối tượng đơn thuần của
sự phát triển. Họ phải được trao quyền và họ phái là những người quyết định mọi
việc liên quan đến vận mệnh, đời sống của chính mình.
Trong mấy chục năm qua, Chính phủ đã có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ
phát triển miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo ra những thành tựu, tạo
sự chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Tuy nhiên, cho
đến nay kết quả đạt được chưa như mong đợi. Trong nhiều nguyên nhân của sự chậm
trễ trong chuyển biến đó, có một nguyên nhân là xu hướng xem nhẹ yếu tố văn hóa,
tri thức ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nhiều nhà làm công tác
hoạch định chính sách phát triển thường ít am hiểu một cách sâu sắc, đúng đắn và
đầy đủ các điều kiện đặc thù về tự nhiên, văn hóa, con người, phong tục tập quán,
thói quen, thuận lợi, khó khăn của đồng bào. Đồng thời, chúng ta chưa có cơ chế
đối thoại, mở rộng dân chủ, lấy ý kiến cộng đồng dân cư, những người có kinh
nghiệm trước khi thực hiện xây dựng, triển khai chương trình, dự án kinh tế, xã
hội đối với miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Để phát huy thế mạnh, nguồn lực văn hóa, tri thức ở các địa phương miền núi của
đồng bào các dân tộc thiểu số vào quá trình phát triển bền vững ở địa bàn, khu
vực và đối tượng này, cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ, vừa cơ bản lâu dài
vừa cấp thiết, tức thời. Dưới góc độ văn hóa, xin có một vài kiến nghị nhỏ sau
đây:
Thứ nhất, thay đối nhận thức về văn hóa và vai trò của văn hóa ở miền núi, vùng
đồng bào dân tộc thiểu số trong quá trình phát triển bền vững của đất nước, địa
phương. Trước hết, tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu các giá trị, bản sắc
văn hóa của các dân tộc thiểu số để bảo vệ và phát huy. Phát triển giáo dục-đào
tạo, thông tin, tuyên truyền, các nhân tố cốt yếu để phát huy thế mạnh, giải
quyết khó khăn, nguyên nhân của sự không thành công, bất cập của những chương
trình, dự án trong quá trình phát triển ở khu vực, trong đó có những yếu tố
truyền thống, văn hóa.
Thứ hai, cần tăng cường trao đổi, thảo luận, nhất là đối thoại với người dân
trong khu vực về quá trình phát triển kinh tế, xã hội miền núi, vùng đồng bào
dân tộc thiểu số. Các kết quả nghiên cứu, các công trình khoa học của các tập
thể, cá nhân về miền núi, vùng đồng bào dân tộc cần phải được kiểm nghiệm của
thực tế bằng cách đưa ra thảo luận rộng rãi, đối thoại cởi mở trong cộng đồng và
cá cá nhân có kinh nghiệm. Cần đưa ra những giả thuyết, đặt ra những câu hỏi
nghi vấn về tính hợp lý, cần thiết, phù hợp và lợi ích thiết thực, cụ thể của
chương trình, dự án đó mang lại. Cương quyết loại bỏ những định kiến, quan niệm
khuôn mẫu, cứng nhắc, áp đặt, rập khuôn ở nơi khác, dân tộc khác vào địa phương,
dân tộc cụ thể.
Thứ ba, triển khai hệ thống quản lý mới về tài nguyên thiên nhiên ở miền núi,
vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không
thể phát triển hợp lý và bền vững nếu không giữ gìn, bảo vệ, phát triển tài
nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái. Cùng với những kinh nghiệm, tục lệ,
thói quen tốt đẹp của đồng bào, các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền cần
phổ biến, phát triển hệ thống quản lý tài nguyên thiên nhiên ở địa phương phù
hợp, ăn khớp với hệ thống quản lý quốc gia. Các luật tục của các dân tộc, các
tộc người phải được kết hợp chặt chẽ với pháp luật, quy định của nhà nước về bảo
vệ tài nguyên thiên nhiên, nhất là bảo vệ rừng. Một trong những vấn đề rất quan
trọng là, bằng kinh nghiệm hàng nghìn năm của các dân tộc thiểu số, kết hợp với
những kinh nghiệm, kiến thức khoa học hiện đại, phải làm sao bằng mọi biện pháp
có thể, đa dạng hóa kinh tế miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để người
dân sống được nhờ chính các sản phẩm nông, lâm nghiệp mà họ sản xuất ra được.
Thứ tư, nguồn lực con người ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải được
phát triển và trao quyền chủ động cho họ, bởi vì bất kỳ sự thành công nào đều
phụ thuộc vào nguồn lực con người, mà nòng cốt là người tại chỗ. Do đó, xu hướng
chính của việc phát triển nguồn lực con người mở các tỉnh miền núi và vùng đồng
bào dân tộc thiểu số là phát triển giáo dục-đào tạo và trao quyền cho người dân
tại chỗ. Phương pháp giảng dạy, các hoạt động chính khóa và ngoại khóa phải được
quan tâm và nghiên cứu tỷ mỷ, cẩn thận. Đội ngũ giáo viên, sinh viên cần có được
nhiều cơ hội, điều kiện tham gia vào các hoạt động nhằm đem lại kỹ năng, tiếp
nhận kiến thức, thông tin thích ứng với cuộc sống ở miền núi, vùng đồng bào dân
tộc thiểu số.
Vũ Ngọc Luân