Độc lập dân tộc, đại đoàn kết, bình đẳng tiêu chí hàng đầu trong tư tưởng Hồ Chí Minh về chính sách dân tộc

09:00 11/04/2013 Lượt xem: 603 In bài viết

Trong cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, từ thân phận nô lệ, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã vùng đứng lên tự làm chủ đất nước. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân và toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Ngày 9 tháng 11 năm 1946, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó khẳng định: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo” (Điều I); “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa” (Điều 6); “Ngoài sự bình đẳng về quyền lợi, những dân tộc thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ chung” (Điều 8); “Nền sơ học cường bách và không học phí. Ở các trường sơ học địa phương, quốc dân thiểu số có quyền học bằng tiếng của mình” (Điều 15)... Đó là một Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nước ta, đặc biệt ưu đãi đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, xác lập quyền bình đẳng công dân và bình đẳng về văn hóa.

Ngày 19 tháng 4 năm 1946, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số ở miền Nam được tổ chức tại Pleiku, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư tới Đại hội. Trong thư Người khẳng định: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xơ Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt... tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn non nước ta, để ủng hộ Chính phủ ta. Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”.

Ngay sau khi kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, ngày 30 tháng 4 năm 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 229/SL,về ban hành chính sách dân tộc của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sắc lệnh gồm 7 chương 16 điều, trong đó khẳng định chính sách dân tộc của Chính phủ nhằm tăng cường đoàn kết toàn dân, tạo điều kiện cho các dân tộc tiến bộ mau chóng về mọi mặt; các dân tộc sống trên đất Việt Nam đều bình đẳng, nghiêm cấm mọi hành vi khinh rẻ, áp bức, chia rẽ dân tộc, chống tư tưởng dân tộc lớn, tư tưởng dân tộc hẹp hòi.

Để đồng bào, cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ, hiểu đúng và thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kiểm tra, nhắc nhở, giải thích thấu đáo mọi vấn đề. Trong lần về thăm và nói chuyện với cán bộ, đồng bào các dân tộc tỉnh miền núi Hòa Bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên, khích lệ “Đồng bào, cán bộ, bộ đội tỉnh nhà trong kháng chiến đã có nhiều thành tích rất anh dũng. Từ hòa bình lập lại, đồng bào đã cố gắng sản xuất, giữ trật tự trị an, đoàn kết giữa các dân tộc. Như thế là rất tốt. Trung ương Đảng, Chính phủ có lời khen ngợi đồng bào, cán bộ, bộ đội”.

Bây giờ, Bác nói đến khuyết điểm:

1. Cán bộ, đồng bào có một số sợ khó khăn, không muốn cải tiến cách làm việc, không muốn cải tiến kỹ thuật. Cái đó là do bảo thủ, do ngại khó, vì đời ông, đời cha làm thế nào thì nay cứ làm như thế. Phải dần dần sửa chữa khuyết điểm đó mới sản xuất tốt được.

2. Đồng bào tỉnh nhà trước đây 13-14 năm cũng như đồng bào cả nước là nô lệ cho Pháp. Nay có cách mạng, có kháng chiến đuổi được chúng nó nên không phải làm nô lệ nữa. Bây giờ khác trước rồi, cho nên cách làm việc cũng phải khác. Trước đây, mỗi ngày làm việc rất ít, thời giờ nghỉ thì nhiều. Bây giờ phải làm nhiều hơn, làm nhiều thời giờ thì được nhiều công việc hơn...

3. Đồng bào nấu rượu và uống rượu nhiều quá. Lâu lâu uống một chút thì không sao, nhưng uống nhiều thì không tốt vì:

- Rượu nấu bằng gạo nên tốn gạo.
- Uống nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe.
Đồng bào cần giúp nhau sửa chữa khuyết điểm đó.

4. Đồng bào còn tục lệ ma chay, cưới hỏi ăn uống lu bù. Mình ăn vài bữa, nhưng nhà có con cưới hỏi, có người chết thì mắc nợ phải đi vay. Phải bán trâu, bán ruộng. Thế là xa xỉ. Không tốt...

Nói tóm lại, đồng bào, cán bộ, bộ đội có tiến bộ, nhưng phải cố gắng tiến hơn nữa, không nên cho thế là đủ, rồi tự mãn. Nhưng cũng có những khuyết điểm như Bác nói, cần phải sửa chữa. Nhiệm vụ của đồng bào, cán bộ, bộ đội hiện nay là:
- Đoàn kết hơn nữa giữa các dân tộc, giữa quân dân, giữa lương và giáo.
- Cố gắng thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm.

- Nên tổ chức tốt hơn nữa tổ đổi công và hợp tác xã, vì có như thế tăng gia sản xuất mới có nhiều kết quả.

- Phải cảnh giác, vì ta xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, bọn Mỹ - Diệm sẽ tìm cách phá hoại.

Nếu đồng bào, cán bộ, bộ đội cố gắng phát triển ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, càng ngày càng tiến bộ, như thế là trực tiếp tham gia một cách thiết thực xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, thiết thực đấu tranh thống nhất nước nhà, đưa nước Việt Nam đến hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và phú cường”.

Nhân dịp gặp gỡ, trao đổi với đoàn đại biểu các dân tộc thiểu số về dự lễ kỷ niệm ngày 1/5/1959 ở Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa căn dặn các đại biểu: “Ngày nay, đồng bào không còn bị đế quốc áp bức khổ sở như trước, phải làm cho đời sống ngày càng no ấm hơn. Muốn thế, đồng bào phải tăng gia sản xuất. Muốn có nhiều lúa, ngô, khoai, sắn, bông... thì phải đoàn kết, thương yêu nhau, tổ chức nhau lại..., phải hoà thuận, đoàn kết với nhau, phải giúp đỡ nhau tận tình, phải nghĩ đến lợi ích chung mà đừng nghĩ đến lợi ích riêng... Đảng và Chính phủ lúc nào cũng chú ý đến đồng bào vùng cao và càng ngày càng hết sức chú ý giúp đỡ đồng bào nhiều hơn nữa”.

Có thể nói trong lịch sử cách mạng Việt Nam cũng như cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới, khó có vị lãnh tụ nào thấu hiểu, quan tâm sâu sắc đến vận mệnh các dân tộc thiểu số hơn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ khi Trung ương Đảng, Chính phủ chuyển từ căn cứ địa Việt Bắc về Thủ đô Hà Nội cho đến lúc Bác đi xa, Người dành rất nhiều thời gian, tâm huyết đi khắp các tỉnh miền núi Việt Bắc, Tây Bắc, Đông Bắc và Bắc Trung Bộ để thăm hỏi, động viên, hướng dẫn, kiểm tra các cấp bộ Đảng, các ngành, đoàn thể thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.

Tháng 5 năm 1959, bước vào tuổi 69, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn cùng các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu, Phạm Ngọc Thạch thay mặt Đảng, Chính phủ đi thăm đồng bào các dân tộc, cán bộ, chiến sĩ Tây Bắc.

Trên đường trở về Hà Nội, Hồ Chủ tịch đã dừng chân ở huyện Yên Châu. Bác đã giảng giải cho đồng bào rõ ích lợi của việc bảo vệ rừng: bác đi qua nhiều nơi thấy rừng bị phá rất nhiều. Những cây gỗ to, cao chặt để đốt hay để nó mục nát, không khác gì đồng bào tự mình đem tiền bạc của mình bỏ xuống sông? Có đúng không? Sau này đường sá tốt, bến sông làm tốt, đưa gỗ ấy về xuôi bán, hay bán ra nước ngoài, đó là của đồng bào đấy. Chừng 150 cây gỗ hay 200 cây gỗ chúng ta đưa ra nước ngoài bán, đổi được máy cày, cày được cả vùng này. Đồng bào có nên giữ gìn rừng, giữ gìn gỗ không? Có nên đốt bừa đi không? Phải giữ gìn rừng cho tốt 5 năm, 10 năm nữa, rừng là vàng bạc, là máy móc cả”.

Về khối đại đoàn kết trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích và giảng giải rất khúc triết và sinh động. Người nói: “Hồi còn Tây, còn vua quan, đồng bào Kinh ăn hiếp đồng bào Thái, đồng bào Thái ăn hiếp đồng bào Puộc, đồng bào Xá, có phải thế không? Hồi trước như thế là vì sao? Vì Tây và vua quan muốn chia rẽ đồng bào, muốn làm cho đồng bào yếu đi. Bây giờ chúng ta, tất cả các dân tộc Kinh, Thái, Mường, Mèo, Mánh Xá, Puộc... đều là anh em ruột thịt một nhà. Cũng ví như một bó que, đây là đồng bào Kinh, Thái, Mèo, Xá, Puộc, Mán, Mường. Từng cái một có thể bẻ gãy. Bây giờ đoàn kết lại thế này có ai bẻ gãy được không? Chẳng những không ai bẻ gãy được, mà ai bẻ chúng ta đánh vào cái đầu nó. Đồng bào phải đoàn kết chặt chẽ như nắm tay này.

Về vai trò của cán bộ, Hồ Chủ tịch chỉ ra rằng: “Cán bộ từ trên xuống dưới, từ Bác đến cán bộ xã đều là đầy tớ của nhân dân, không phải là vua, quan như ngày trước mà đè đầu cười cổ nhân dân. Tức là cán bộ phải chăm lo đời sống của nhân dân... Cán bộ có hai bộ phận hợp thành: một bộ phận là cán bộ địa phương, một bộ phận là ở nơi khác đến và ở xuôi lên.

Cán bộ địa phương thường thường có tâm lý tự ti, cho mình là văn hóa kém, chính trị kém, không muốn làm cán bộ. Như thế là không đúng. Nếu như thế, không ai làm việc cho đồng bào cả, việc làm đây là do cán bộ địa phương phải làm lấy. Vì vậy cho nên còn kém thì phải học, phải tích cực học cách làm việc, tích cực học chuyên môn cho biết. Nếu vì kém mà không làm thì không được. Nhiều cái mình chưa biết, nhưng có quyết tâm học thì phải biết nhất định biết. Biết là tiến bộ.

Cán bộ xuôi lên không yên tâm công tác... Như thế là không đúng. Bác đã nói cán bộ là đầy tớ của nhân dân, chỗ nào nhân dân cần đến mình là mình phải đến bất kỳ chỗ nào cũng là Tổ quốc, là đất nước, cũng là cương vị công tác của cán bộ. Phải nhớ rằng Đảng, Chính phủ tin cậy vào cán bộ, nơi nào khó có cán bộ. Việc gì khó có cán bộ. Vì vậy cán bộ các nơi đến phải yên tâm, tích cực công tác, phải gương mẫu, phải đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ cán bộ địa phương được tốt. Vì vậy cán bộ địa phương cùng cán bộ nơi khác đến phải đoàn kết yêu thương nhau, làm gương cho nhân dân địa phương”.

“Trước kia, bọn thực dân phong kiến nắm quyền làm chủ, chúng bắt đồng bào ta làm nô lệ. Ngày nay, chế độ ta là chế dộ dân chủ, tức là tất cả đồng bào các dân tộc đều làm người chủ nước nhà. Cán bộ từ Trung ương đến khu, đến tỉnh, huyện và xã đều phải một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của nhân dân, chứ không phải là “quan cách mạng”.
Hồ Chủ tịch đặc biệt lưu ý đến vai trò của ngành tuyên huấn, trong công tác tuyên truyền, vận động toàn Đảng, toàn dân thực hiện chính sách dân tộc: “Trước cách mạng Tháng Tám và trong kháng chiến, thì nhiệm vụ tuyên huấn là làm cho đồng bào các dân tộc hiểu được mấy việc: Một là đoàn kết. Hai là làm cách mạng hay kháng chiến để đòi độc lập. Chỉ đơn giản thế thôi. Bây giờ mục đích tuyên truyền huấn luyện là: Một là đoàn kết. Hai là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ba là đấu tranh thống nhất nước nhà...
Nhiệm vụ công tác tuyên huấn có thể chia ra hai mặt. Một mặt nữa làm sao mưu lợi ích cho đồng bào. Một mặt nữa làm sao tránh được tệ hại cho đồng bào. Bây giờ, muốn mang lại lợi ích lại cho đồng bào các dân tộc, thì phải nâng cao đời sống của đồng bào. Muốn nâng cao đời sống của đồng bào, không phải cứ nói mà ra cơm gạo. Cơm gạo không phải trên trời rơi xuống”.

Nói tóm lại, cái gì phải làm?

- Đoàn kết dân tộc, củng cố hợp tác xã, phát triển thủy lợi mở mang đường sá, đẩy mạnh sản xuất.
Cái gì phải xóa?
- Mê tín hủ tục.
Cái gì cần phát triển?
- Văn hóa giáo dục, vệ sinh phòng bệnh.

“Muốn làm tốt những việc trên thì cán bộ, đảng viên, đoàn viên, bộ đội, công an vũ trang phải gương mẫu,... phải tránh thói công thần... có bệnh công thần thì không chịu lắng nghe ý kiến quần chúng, không chăm lo đời sống của nhân dân. Công lao của một người dù to như thế nào, so với công lao của nhân dân, so với công lao của bộ đội, v.v. thì cũng nhỏ bé như hạt bụi, chẳng thấm vào đâu. Đã mắc phải bệnh công thần, thì không tiến bộ mà thoái bộ, sinh ra quan liêu bảo thủ, tự cao tự đại. Cũng phải khắc phục những tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi, tự ti dân tộc. Người dân tộc lớn dễ mắc bệnh kiêu ngạo. Cán bộ địa phương, nhân dân địa phương lại dễ cho mình là dân tộc bé nhỏ, tự ti, cái gì cũng cho là mình không làm được, rồi không cố gắng. Đó là những điểm phải tránh. Từng cán bộ, từng đảng viên, đoàn viên, bộ đội, công an vũ trang, đều phải chú ý điểm này. Phải củng cố vững chắc, phát triển tốt Đảng và Đoàn thanh niên. Muốn củng cố phát triển tốt Đảng, Đoàn, trước hết nội bộ phải đoàn kết chặt chẽ từ tỉnh huyện, đến xã. Nếu người có ý kiến này, kẻ có ý kiến khác, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, chẳng những hại đến nội bộ, mà còn hại đến nhân dân nữa... cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu, phải thiết thực, miệng nói, tay làm để làm gương cho nhân dân. Nói hay mà không làm thì vô ích. Đó là một tật xấu”, “Chính sách của Đảng và Chính phủ ta đối với miền núi là rất đúng đắn. Trong chính sách đó có hai điều quan trọng nhất là: Đoàn kết dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào…

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chính sách dân tộc đã khơi dậy truyền thống yêu nước chống ngoại xâm và bảo vệ đất nước. Trong đó, miền núi luôn được chọn làm căn cứ địa kháng chiến với lợi thế “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến và thời kỳ đổi mới đất nước, đã xuất hiện nhiều tấm gương anh hùng là con em đồng bào các dân tộc thiểu số, với những tên tuổi đã trở thành niềm tự hào của cả dân tộc, như người thiếu niên dân tộc Tày Nông Văn Dền (Kim Đồng), Vừ A Dính (người Mông); anh hùng trẻ tuổi Kơpa Kơlông (người Gia Rai), Pi Năng Tắc (người Raglai), anh hùng Núp (người Ba Na), hai chú cháu anh hùng Hồ Vai- Kan Lịch (người Pakô); các anh hùng lao động Lâm Bút (người Khơme), Bàn Văn Minh (người Dao); Nguyễn Thị Thương (người Mường); Châu Vồ Mủn (người Hoa); Lò Văn Muôn (người Thái)... Đó là những cánh chim đầu đàn của núi rừng Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên, của cả ba miền Bắc - Trung - Nam, là kết quả của chính sách dân tộc ưu việt của Đảng ta mà người khởi xướng và lãnh đạo thành công là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chúng ta học tư tưởng Hồ Chí Minh về chính sách dân tộc để thêm một lần nữa khẳng định giá trị đích thực của chân lý: Độc lập dân tộc luôn gắn kết với chính sách đại đoàn kết dân tộc trên nguyên tắc: bình đẳng, tôn trọng, gắn bó mật thiết giữa 54 dân tộc anh em, trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam trên bước đường xây dựng, bảo vệ bền vững cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.

Trung tướng Lê Thành Tâm