Một số việc làm thiết thực bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số năm 2012

02:42 11/04/2013 Lượt xem: 473 In bài viết

Vấn đề cốt lõi nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số bản địa là phải nắm vững, vận dụng đúng 3 tiêu chuẩn xác định thành phần dân tộc và 3 nguồn tài liệu dựng lại lịch sử tổ tiên từ thời nguyên thủy để điều tra, nghiên cứu, biên tập có hệ thống các lĩnh vực chủ yếu sau:

1. Xây dựng chữ viết và biên tập Từ điển tiếng mẹ đẻ của các dân tộc thiểu số bản địa để so sánh, xếp ghép thành phần dân tộc.

Vừa qua, có thực trạng nhiều dân tộc thiểu số bản địa có tiếng mẹ đẻ riêng bị xếp ghép vào dân tộc khác. Chẳng hạn như dân tộc Nguồn, nghiên cứu năm 1973 - 1979 cho thấy, có một số tiếng Nguồn giống tiếng Kinh vùng Bắc Trung bộ như “ cằn (cày), cấn (cấy), củn (củi), eng (anh), keng (canh), xeng (xanh), roọng (ruộng), rọt (ruột), trôốc (đầu), trôông (trông), viền (về)...” nên đã xếp ghép tiếng Nguồn vào phương ngữ tiếng Việt vùng Bắc Trung bộ. Năm 2002 - 2005, nghiên cứu lại thấy một bộ phận tiếng Nguồn giống tiếng Kẹo, tiếng Mọn... thì xếp ghép tiếng Nguồn là phương ngữ của các cư dân gọi là “dân tộc Thổ” (?!). Hoặc các tộc người như: Cuối, Họ, Kẹo, Mọn, Poọng, Đan Lai, Lâm La, Ly Hà nói tiếng mẹ đẻ khác nhau, nền văn hóa dân gian khác nhau thì vẫn cho là có “tiếng mẹ đẻ dân tộc thống nhất” và đã xếp ghép gọi bằng tên mới là “dân tộc Thổ” (?!). Trong khi đó, các nhà nghiên cứu ở Nghệ An đã xác nhận các dân tộc này không có nền văn hóa và tiếng mẹ đẻ dân tộc thống nhất của một dân tộc thật sự. Nhà nghiên cứu Ninh Viết Giao xác nhận rằng: Về văn hóa, “bộ phận Kẹo, Họ, Mọn … văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần về cơ bản là văn hóa Mường” và về ngôn ngữ “cộng đồng người Thổ ở Nghệ An không nói một ngôn ngữ thống nhất mà nói hai ngôn ngữ khác nhau. Đồng bào Thổ Mọn nói theo phương ngữ Mường (thuộc phương ngữ Nam Á), đồng bào Cuối nói tiếng Cuối gần tiếng Việt cổ đại” (Ninh Viết Giao biên soạn), Địa chí huyện Quý Hợp, NXB Nghệ An, 2003, tr139, 199).

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Tài cũng xác nhận: “Theo thống kê của chúng tôi, trong vốn từ tiếng Thổ ở Giai Xuân (Tân Kỳ), Tam Hợp (Quỳ Hợp) và Lâm La (Nghĩa Đàn) có suýt soát 80% giống từ Mường Bi. Một ngôn ngữ và một nền văn hóa giống nhau đến vậy lẽ nào là ngôn ngữ và văn hóa của hai dân tộc khác nhau? Đáng lẽ ra nên xếp bộ phận Thổ Mọn ở Nghệ An (kể cả Mọn, Họ, Kẹo) vào cùng một dân tộc với đồng bào của họ ở Thanh Hóa, Ninh Bình, Hòa Bình,…nhưng rất tiếc là họ được ghép với các cư dân Cuối, Đan Lai, Ly Hà, Poọng (các cư dân khác Thổ Mọn cả ngôn ngữ lẫn văn hóa) để thành dân tộc Thổ” (Ninh Viết Giao, 2003, sđd, tr 140).

Nói một cách chặt chẽ thì các cư dân gọi là “dân tộc Thổ” không có tiếng mẹ đẻ dân tộc thống nhất, không có văn hóa dân tộc chung, thống nhất; hoàn toàn trái ngược với lý luận và thực tiễn “tiếng mẹ đẻ” và “đặc điểm sinh hoạt văn hóa dân tộc chủ yếu là văn hóa dân gian” do giới khoa học Dân tộc học đưa ra làm chuẩn mực xác định thành phần, tên gọi dân tộc. Chính cách làm “hoàn toàn trái với lý luận và thực tiễn” này đã phủ nhận, thủ tiêu kho tàng tiếng mẹ đẻ và Văn hóa dân gian của các dân tộc thiểu số bản địa Nguồn, Rục, Sách, Mầy, Mã Liềng, A rem, Cuối, Họ, Kẹo, Mọn, Poọng, Đan Lai, Lâm La, Ly Hà nói trên.

Thực hiện chính sách đối với chữ viết dân tộc thiểu số theo Quyết định số 53/CP ngày 22 tháng 02 năm 1980 của Chính phủ, đến nay, chỉ có dân tộc Mường (thuộc hệ ngôn ngữ Việt - Mường) được giới Ngôn ngữ học, Dân tộc học “giúp đỡ xây dựng chữ viết theo hệ chữ La tinh” và đã biên tập được bộ “Từ điển Mường – Việt” (NXB văn hóa dân tộc, 2002. Riêng dân tộc Nguồn, vừa nhằm bảo tồn, phát triển, vừa phục vụ nghiên cứu, xác định lại thành phần dân tộc Nguồn cho Ngài Nguồn, Hội Văn học – Nghệ thuật Quảng Bình đã tài trợ kinh phí nghiên cứu, xây dựng chữ viết theo hệ chữ Latinh và biên tập hoàn chỉnh bản thảo bộ sách “Từ điển tiếng Nguồn tập I, tập II” (2006 - 2007), đã trích in giới thiệu trong tác phẩm “Bảo tồn và phát huy vốn văn hóa người Nguồn huyện Minh Hóa” (NXB Thuận Hóa, 2004, tr 13 - 49) và tác phẩm “Văn hóa dân gian của người Nguồn ở Việt Nam” (NXB khoa học xã hội, 2011, tr 285 - 476). Trong khi đó, hiện nay, các nhà khoa học nghiên cứu lại thì xếp ghép tiếng Nguồn là phương ngữ một nhóm người địa phương gọi là “dân tộc Thổ” đã gây nhiều khó khăn cho việc nghiên cứu, bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc Nguồn và các dân tộc thiểu số bản địa nói trên.

2. Sưu tầm, biên tập đầy đủ kho tàng văn hóa dân gian, đặc biệt là kho truyện truyền miệng dân gian các dân tộc thiểu số bản địa để so sách, xếp ghép thành phần dân tộc đúng tiêu chuẩn “đặc điểm văn hóa dân tộc chủ yếu là văn hóa dân gian” và xác định nguồn gốc lịch sử tổ tiên dân tộc đúng nguồn tài liệu “Kho truyện truyền miệng dân gian” đem lại (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Lịch sử 6, NXB Giáo dục, tháng 3/2000, tr 4).

Thực tiễn vừa qua cho thấy, công tác thống kê “Kho truyện truyền miệng dân gian” các dân tộc thiểu số bản địa chưa được chú trọng. Nhiều dân tộc thiểu số bản địa có kho tàng văn hóa dân tộc đặc sắc riêng bị xếp ghép vào văn hóa của dân tộc khác. Chẳng hạn văn hóa dân gian của dân tộc Nguồn nghiên cứu năm 1973 - 1979, Kho truyện truyền miệng dân gian Nguồn đã xếp ghép vào văn hóa dân tộc Kinh. Năm 2002 - 2005, nghiên cứu lại thì xếp ghép vào văn hóa các cư dân gọi là “dân tộc Thổ”. Hoặc như văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số bản địa Cuối, Họ, Kẹo, Mọn, Poọng, Đan Lai, Lâm La, Ly Hà ở Nghệ An, cũng ghép vào “Văn hóa dân tộc Thổ… đã dẫn đến tình trạng làm sai lệch, mai một, thất truyền, thậm chí phủ nhận, thủ tiêu kho tàng văn hóa dân gian vô giá của các dân tộc thiểu số bản địa Nguồn, Cuối, Họ, Kẹo, Mọn, Poọng, Đan Lai, Lâm La, Ly Hà nói trên.

3. Sưu tầm, thu thập đầy đủ kho tàng di tích, di vật khảo cổ tại nơi cư trú, sinh sống lâu đời của dân tộc thiểu số bản địa để so sánh xác định nguồn gốc lịch sử tổ tiên dân tộc từ thời nguyên thủy đến nay đúng “nguồn tài liệu di tích, di vật khảo cổ” đem lại (Bộ Giáo dục và Đào tạo, tháng 3/2000, sđd, tr 4). Từ đó, xác định đúng thành phần, tên gọi dân tộc bằng tên tự nhận, tự gọi các dân tộc thiểu số bản địa Nguồn, Rục, Sách, Mầy, Mã, Liềng, A rem, Cuối, Họ, Kẹo, Mọn, Poọng, Đan Lai, Lâm La, Ly Hà…

Từ năm 1973 đến nay, để xác định nguồn gốc lịch sử tổ tiên đối với các dân tộc thiểu số bản địa nói trên là dựa vào gia phả các họ, bỏ qua kho di tích, di vật khảo cổ bản địa, kho truyện truyền miệng dân gian và kho tài liệu chữ viết gốc về lịch sử của các dân tộc thiểu số bản địa này, dẫn đến xác định sai nguồn gốc lịch sử tổ tiên dân tộc và đã phủ nhận thành phần, tên gọi dân tộc Nguồn, Rục, Sách, Mầy, Mã Liềng, A rem, Cuối, Họ, Kẹo, Mọn, Poọng, Đan Lai, Lâm La, Ly Hà... nói trên khỏi bản danh mục 54 dân tộc Việt Nam.

4. Sưu tầm, thu thập đầy đủ tài liệu chữ viết lịch sử vùng đất và con người của các dân tộc bản địa, đặc biệt là sách lịch sử, gia phả họ, bằng cấp, sắc chỉ các danh nhân lịch sử và văn hóa từ hàng nghìn năm trước. Từ đó cùng với các nguồn tài liệu từ điển tiếng mẹ đẻ dân tộc, kho truyện truyền miệng dân gian và kho tàng di tích, di vật khảo cổ mà xác định đúng nguồn gốc lịch sử tổ tiên dân tộc (thủy tổ dân tộc) và xác định đúng thành phần, tên gọi dân tộc cho các dân tộc thiểu số bản địa để nền văn hóa các dân tộc thiểu số bản địa này được tôn trọng, nghiên cứu, bảo tồn, phát triển bình đẳng với văn hóa các dân tộc khác.

Để thực hiện hiệu quả Đề án “ Điều tra, nghiên cứu, xác định thành phần, tên gọi một số dân tộc thiểu số và xây dựng bản danh mục thành phần các dân tộc Việt Nam” theo văn bản số 7557/VPCP - ĐP ngày 28 tháng 10 năm 2009 của Văn phòng Chính phủ và Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” theo Quyết định số 1270/QĐ/TTg ngày 27 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ, cần xây dựng chữ viết và biên tập Từ điển tiếng mẹ đẻ dân tộc; sưu tầm, nghiên cứu, biên tập có hệ thống kho tàng văn hóa dân gian, kho tàng di tích, di vật khảo cổ bản địa và kho tàng tài liệu chữ viết gốc về lịch sử các dân tộc thiểu số bản địa. Đây là những nguồn tài liệu lý luận và thực tiễn cho sự đồng thuận tìm ra chân lý của việc nghiên cứu, xác định nguồn gốc lịch sử tổ tiên dân tộc từ thời nguyên thủy đến nay và xác định thành phần, tên gọi dân tộc cho các dân tộc thiểu số bản địa trong xây dựng “ bản danh mục các Dân tộc Việt Nam” và trong thực hiện chính sách bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam, chấm dứt tình trạng xếp gán ghép văn hóa dân tộc thiểu số bản địa này vào văn hóa dân tộc khác, ngăn chặn nguy cơ làm sai lệch, mai một, thất truyền, phủ nhận thành phần, tên gọi dân tộc và văn hóa các dân tộc thiểu số bản địa hiện nay và mai sau.

Xác định thành phần, tên gọi, bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số bản địa là vấn đề khoa học không đơn giản, là nguyện vọng thiết tha, chính đáng của đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa đối với các nhà khoa học, các cơ quan hữu quan. Tin tưởng rằng thực hiện Đề án “Điều tra, nghiên cứu, xác định thành, tên gọi một số dân tộc thiểu số và xây dựng bản danh mục thành phần các dân tộc Việt Nam” và Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”, nguyện vọng chính đáng của đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa sẽ thành hiện thực. Các dân tộc thiểu số bản địa: Nguồn, Rục, Sách, Mầy, Mã Liềng, A rem, Cuối, Họ, Kẹo, Mọn, Poọng, Đan Lai, Lâm La, Ly Hà... sẽ có tên trong “Bản danh mục các tộc người của dân tộc Việt Nam” để văn hóa các dân tộc thiểu số bản địa này được nghiên cứu, bảo tồn, phát triển bình đẳng với văn hóa các dân tộc thiểu số khác ở Việt Nam.

Đinh Thanh Dự