Bảo tồn và phát triển dân ca dân tộc Dao Cao Bằng

10:01 25/03/2013 Lượt xem: 1388 In bài viết

Đa số người Dao đỏ sống quần tụ trong những làng bản riêng nên vẫn lưu giữ được những bản sắc văn hoá của dân tộc. Với tâm hồn phong phú, cuộc sống lao động gắn kết cộng đồng nên kho tàng dân ca, dân vũ dân tộc Dao đỏ khá đồ sộ về quy mô và phong phú về thể loại, làn điệu. Giai điệu cơ bản là giống nhau, nhưng với mỗi làn điệu khác nhau lại được diễn xuất với giọng điệu, âm hưởng khác nhau mà trở nên mượt mà, mềm mại, êm ái, tha thiết hay khoẻ khoắn, hùng tráng… Nội dung của lời hát rất phong phú và hấp dẫn, từ những hiện tượng tự nhiên: mây, mưa, trăng, gió, cỏ cây, núi đồi đến các hiện tượng lịch sử, xã hội, các câu đố, lời chào… để nói lên tâm trạng và nguyện vọng của con người, tình cảm giữa con người với nhau. Trong dịp mừng sinh nhật, nhà mới, đám cưới, người Dao đỏ còn tặng nhau những bài hát ca ngợi thành quả lao động, sự ăn ở đức độ và lời chúc an lành, may mắn… Một thể loại dân ca khác của dân tộc Dao đỏ thường được dùng trong các đám tang là hát tang lễ do các ông thầy thể hiện. Đó là những lời hát nghiêm trang, xúc động nói lên công đức người đã khuất và nỗi tiếc thương của những người ở lại.

Kho tàng dân ca dân tộc Dao đỏ tỉnh Cao Bằng phong phú về thể loại với nhiều làn điệu khác nhau. Tộ dung là hình thức đọc lượn; Cóng dung là hình thức nói lượn; Cóng phây là hình thức hát thơ; Phầy sáng là hình thức đọc thơ liền mạch và Phầy lủi là hình thức đọc liền mạch, có đối đáp, trong đó có Páo dung – một hình thức hát lượn về tình yêu đôi lứa:

Mùa xuân qua đi mùa hạ đến
Mùa thu qua đi mùa đông lại về
Đêm khuya nhớ mãi, một mình em buồn
Không có đường nào giải buồn cho em
Thiên hạ người người được vui vẻ
Chỉ có một mình em cô đơn...

Trong các điệu Hát ru (Lảo cù ngỏa), nội dung thường được các bà mẹ tự sáng tác nhằm giáo dục cho con đạo lý làm người, tình yêu quê hương, đất nước và hướng cho con ý chí phấn đấu về sau, như:

Con ơi ngủ cho ngoan, hãy nhắm mắt ngủ ngon, ngủ đến trưa mặt trời ló rạng, ngủ đến chiều mẹ đi làm về, ngủ đến khi con gà vào chuồng nghỉ.

Lời hát mừng nhà mới là những lời ca vui tươi, đằm thắm nhằm chúc mừng gia chủ đã cố gắng, giỏi giang, biết làm ăn phát triển kinh tế. Nội dung lời hát cũng chúc tụng cho gia đình, họ hàng, làng bản mọi người đều mạnh khỏe, yên vui và làm ăn phát đạt:

Chủ nhà năm nay gặp đại lợi
Vợ chồng bàn bạc làm nhà mới
Gia đình tân gia được bình yên
Người già sống lâu muôn tuổi
Người trẻ luôn tươi đẹp như hoa...

Múa bắt ba ba (Piáo tộ) được kể lại rằng: Từ xa xưa mọi người đang yên vui sinh sống, mùa màng tươi tốt, lợn đầy chuồng, gà đầy sân… thì có một con rùa yêu quái đến quẫy nhiễu, phá mùa màng, gieo rắc bệnh tật cho người và gia súc nên mọi người phải kêu cứu lên Bàn Vương. Bàn Vương báo mộng cho biết: Hễ là đàn ông, con trai trong làng bản đều phải tìm bắt và giết cho được loài yêu quái ấy thì dân bản mới được yên lành. Từ đó, trò múa bắt ba ba được tổ chức trong những dịp lễ với ý nghĩa cầu Bàn Vương phù hộ cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày được bình yên, mọi người được mạnh khoẻ, làm ăn phát đạt.

Múa tẩu sai (Lệ miên) là hình thức múa nghi lễ được tổ chức trong lễ cấp sắc hoặc trong các đám tang.

Thổi sừng trâu cũng là hình thức hát nghi lễ. Thường được kết hợp với hát và cầu khấn mong cho cuộc sống luôn may mắn, thuận lợi; cầu cho mọi người mạnh khỏe, hạnh phúc, an vui; cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu…

Kho tàng dân ca dân tộc Dao đỏ tỉnh Cao Bằng là những loại hình nghệ thuật đặc sắc và mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc, nhưng hiện nay đang dần bị mai một. Bên cạnh những nguyên nhân có tính chất xã hội là những nguyên nhân chủ quan như: vai trò và tác dụng của dân ca trong cuộc sống chưa được nhận thức đúng đắn, địa phương chưa có sự quan tâm đầu tư cho công tác nghiên cứu, sưu tầm và phổ biến các làn điệu dân ca;.

Để phát huy vốn văn hoá truyền thống dân ca, dân vũ dân tộc Dao đỏ, đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, giáo dục thế hệ trẻ, phát triển nhân cách, cần tập trung thực hiện những giải pháp sau:

Một là, thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức quản lý văn hoá các cấp có tâm huyết với nền văn hoá nghệ thuật địa phương.

Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục để đồng bào nhận thức được vai trò của văn hoá trong sự phát triển bền vững của cộng đồng nói chung và từng người nói riêng, đồng thời định hướng cho nhân dân vận dụng các làn điệu dân ca trong đời sống mới. Hình thức thông tin có thể trực tiếp qua các hoạt động văn nghệ quần chúng tại địa phương hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng, sách báo, phim, ảnh. Cần giáo dục tinh thần tự hào bản sắc dân tộc trong cộng đồng người Dao đỏ, nhất là trong tầng lớp thanh thiếu niên để họ thêm yêu mến nghệ thuật dân tộc mình.

Ba là, từng bước tổ chức công tác sưu tầm và nghiên cứu phù hợp trên quan điểm dựa vào cộng đồng. Cần đầu tư kinh phí thích đáng cho các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm như: công tác điền dã, gặp các nghệ nhân, ghi âm, ghi hình về dân ca, dân vũ dân tộc Dao đỏ, nội dung, ý nghĩa của từng làn điệu để từ đó xây dựng phương pháp bảo tồn cụ thể. Tăng cường mạng lưới nghiên cứu, sưu tầm đến tận các thôn bản ở địa phương, đồng thời tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề về dân ca Dao đỏ.

Bốn là, phát triển các loại hình dân ca, dân vũ dân tộc Dao đỏ trong quần chúng nhân dân, khuyến khích phong trào diễn xướng dân ca trong quần chúng, động viên họ mạnh dạn và hợp tác với cán bộ văn hoá địa phương, các nhà nghiên cứu, sưu tầm để thúc đẩy nền văn hoá dân tộc. Tổ chức những buổi liên hoan, hội thi hát về dân ca, dân vũ dân tộc, tạo cơ hội cho việc khai thác vốn dân ca còn tiềm ẩn trong quần chúng nhân dân. Sử dụng các làn điệu của dân ca Dao đỏ vào các sáng tác mới, cải biên các làn điệu phù hợp với nhịp sống mới của thời đại nhưng vẫn giữ bản sắc dân tộc.

Năm là, đào tạo, bồi dưỡng, tạo môi trường cho thế hệ trẻ có điều kiện học hỏi, tiếp thu những tinh hoa văn hoá do cha ông để lại; giáo dục cho thanh thiếu niên có niềm đam mê với các làn điệu dân ca quê hương mình.

Hoàng Loan