Những vấn đề đặt ra với miền núi, vùng cao trong xây dựng nông thôn mới
02:55 11/04/2013 Lượt xem: 510 In bài viếtChương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 theo Nghị quyết 800 QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ là chương trình rất lớn và toàn diện, lần đầu tiên được thực hiện tại nước ta trên quy mô cả nước.
Nghị quyết số 26-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa
X), nông thôn mới có năm nội dung cơ bản: thứ nhất, nông thôn có làng, xã văn
minh, sạch đẹp, hạ tầng hiện đại; thứ hai, sản xuất bền vững theo hướng hàng hoá;
thứ ba, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao;
thứ tư, bản sắc văn hoá dân tộc được giữ gìn và phát triển; thứ năm, xã hội nông
thôn được quản lý tốt, củng cố, mở rộng dân chủ. Để xây dựng nông thôn mới, Thủ
tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 ban hành Bộ
tiêu chí quốc gia về nông thôn mới bao gồm 19 tiêu chí theo 5 nhóm vấn đề chính
là: quy hoạch; hạ tầng kinh tế-kỹ thuật; kinh tế và tổ chức sản xuất; văn hóa-xã
hội-môi trường; hệ thống chính trị.
Có thể nói, vấn đề xây dựng nông thôn từ lâu đã được đặt ra đối với Việt Nam. Có
thời điểm chúng ta xây dựng mô hình nông thôn ở cấp huyện, cấp thôn, đến nay
chúng ta chuyển sang xây dựng nông thôn mới theo cấp xã. Do vậy, có một số khác
biệt rất cơ bản. Trước hết, là chúng ta xây dựng theo tiêu chí chung cả nước
được định trước; thứ hai, xây dựng nông thôn địa bàn cấp xã và trong phạm vi cả
nước, không thí điểm, nơi làm, nơi không mà 9111 xã trong cả nước cùng làm; thứ
ba, cộng đồng dân cư là chủ thể của xây dựng nông thôn mới, không phải ai làm hộ
mà người nông dân tự xây dựng; thứ tư, đây là một chương trình khung, bao gồm 11
chương trình mục tiêu quốc gia và 13 chương trình có tính chất mục tiêu đang
diễn ra tại nông thôn.
Một trong những nội dung quan trọng đầu tiên được cấp ủy, chính quyền xã và
người dân rất quan tâm là nguồn lực tài chính lấy từ đâu để xây dựng nông thôn
mới trong khi độ chênh lệch về thu nhập, mức sống, tỷ lệ hộ giàu nghèo ở các
vùng khác nhau. Theo Chương trình của Chính phủ thì cơ cấu vốn để xây dựng nông
thôn mới là 40% từ ngân sách nhà nước bao gồm 2 khoản: khoản 1 là các chương
trình mục tiêu quốc gia và chương trình có mục tiêu trên địa bàn nông thôn chiếm
23% (ví dụ, chúng ta đang làm chương trình xây dựng bệnh xá, trường học, đường
nông thôn… Nếu không xây dựng nông thôn mới, chúng ta cũng vẫn phải làm); khoản
2, xuất phát từ yêu cầu xây dựng nông thôn mới. Nhà nước bổ sung hỗ trợ thêm 17%
cho 8 nhóm như: nước sạch; vệ sinh môi trường; đường liên thôn, liên xóm, giao
thông nội đồng; hệ thống thuỷ lợi, kênh mương nội đồng... 8 công trình nhà nước
hỗ trợ, 7 công trình nhà nước đầu tư 100% vốn. Tổng số vốn từ 2 loại này chiếm
40%. Trong số vốn 60% còn lại thì 30% vay của ngân hàng đầu tư sản xuất cho
người dân và công trình phúc lợi; 20% do doanh nghiệp đầu tư (thực tế các xã đạt
nông thôn mới đều có vai trò của doanh nghiệp, đây là khâu bền vững), 10% còn
lại là từ nguồn đóng góp trực tiếp của người dân. Người dân trước hết tự bỏ tiền
của để chỉnh trang sửa sang các công trình, đầu tư sản xuất của chính họ trên
đất của họ, trong đó một số ít cũng tham gia vào các công trình công cộng, có
nơi huy động ngày công, có nơi hiến đất, cũng có nơi đóng tiền.
Trong thời gian quan, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để giúp nông dân
trong việc xây dựng nông thôn mới, trong đó có một số chính sách đáng chú ý:
Thứ nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định 61/2010/NĐ-CP thu hút doanh nghiệp đầu
tư vào nông nghiệp, nông thôn (khi đó mới chỉ có 1,63% doanh nghiệp và chưa đến
1% đầu tư vào khu vực này). Các địa phương cũng chưa tạo điều kiện thu hút các
doanh nghiệp và rủi ro trong lĩnh vực này cũng rất cao. Với nghị định này, Chính
phủ đã quy định danh mục đầu tư được ưu đãi rất lớn, rất rõ ràng.
Thứ hai, Chính phủ ban hành Nghị định 41/2010/NĐ-CP về quỹ tín dụng cho nông dân
vay để đầu tư phát triển, cùng một số chính sách cho người nghèo, chính sách nhà
ở xã hội, các chính sách không chỉ cho nông dân vay vốn cho sản xuất mà còn cho
sửa chữa, sắm sửa nhà cửa, vườn tược…
Thứ ba, nơi nào có thể khai thác quỹ đất thì có thể đấu giá và cho phép để lại
70% giá trị tiền đấu giá đất để tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Dĩ nhiên,
phải chú ý phòng tránh lợi dụng để bán đất. Ví dụ, khi hình thành một chợ mới,
một khu hành chính xã mới, thì đất xung quanh có thể phát sinh lợi nhuận cao,
thu hút đầu tư.
Thứ tư, tạo ra cơ chế để các tổ chức quốc tế, thu hút bà con trong nước, ngoài
nước có thể tham gia đóng góp cho quê hương, xây dựng nông thôn mới.
Nếu biết khai thác, huy động tốt các thành phần kinh tế và người dân sẵn sàng
đóng góp. Nhưng cũng cần phòng ngừa xu hướng khá phổ biến hiện nay là tránh tư
tưởng ỷ lại. Ở nhiều nơi, người dân chờ đợi ngân sách trung ương hỗ trợ. Chẳng
hạn, làm một con đường nhỏ, nhiều nơi chỉ chờ đợi nguồn vốn từ bên trên, trong
khi họ cũng có thể đóng góp một phần công sức, tiền của. Nhiều nơi đội ngũ cán
bộ xã cũng chưa năng động sáng tạo, cũng vì một lý do là mình chưa trao cho họ
những kiến thức cần thiết. Bên cạnh khuynh hướng ỷ lại, cũng cần chống khuynh
hướng khai thác quá mức sức dân mà phải huy động sức dân một cách phù hợp, tận
dụng trong khả năng mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Sau một thời gian
thực hiện thí điểm tại 11 xã trong phạm vi cả nước, bộc lộ một số hạn chế, nhất
là có những chỉ tiêu không phù hợp với thực tế. Trước mắt có 7 tiêu chí sẽ phải
điều chỉnh, sửa đổi là: thu nhập bình quân đầu người; cơ cấu lao động; chợ nông
thôn; nhà ở dân cư; kiên cố hóa kênh mương; nghĩa trang nhân dân; hợp tác xã
hoạt động có hiệu quả.
Có thể nói, tuy bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã phân loại cụ thể các xã
thuộc các vùng khác nhau như: vùng trung du, miền núi phía Bắc; vùng Đồng bằng
sông Hồng; vùng Bắc Trung bộ; vùng Duyên hải Nam Trung bộ; vùng Tây Nguyên; vùng
Đông-Nam bộ; vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, nếu gộp vùng Trung du,
miền núi phía Bắc vào một vùng, với những tiêu chuẩn như nhau e rằng có những
vấn đề chưa thật sự hợp lý. Vì vùng Trung du có những đặc điểm rất khác miền
núi; miền núi có những vấn đề không giống vùng cao; dân tộc thiểu số này có
những phong tục tập quá, thói quên, tiềm năng, thế mạnh và những hạn chế khác
với người dân tộc thiểu số khác dù cùng sống trong một vùng. Do vậy, có những
tiêu chí cần nghiên cứu kỹ càng, tỉ mỉ, cụ thể hóa hơn nữa. Qua nghiên cứu thực
tế đối chiếu với những tiêu chí mà Chính phủ đề ra, có một số vấn đề chính đặt
ra:
- Với đặc trưng vùng cao, độ dốc lớn, ruộng bậc thang, thậm chí ở vùng cao rất
thiếu đất ở, đất canh tác, nhà cửa thưa thớt, địa hình không bằng phẳng, thời
tiết khí hậu khắc nghiệt, mưa gió, lũ ống, sạt lở đồi núi thường xuyên, cho nên
không dễ thực hiện tiêu chí cứng hóa đường nội đồng, đường trục thôn xóm. Có khi
chỉ sau một trận mưa bão, thành quả xây dựng hàng năm trời bỗng trở về với con
số không.
- Trình độ dân trí của người dân ở miền núi, vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu
số, còn hạn chế, tỷ lệ người dân biết chữ và tiếng phổ thông còn thấp, người dân
được đào tạo nghề còn ít, nên khó đạt được tiêu chí về tỷ lệ lao động phi nông
nghiệp 55%.
- Ở xã thì hầu như khó có thể áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, vì trình
độ nhận thức của bà con hạn chế nên khó tiếp thu và thứ hai là do địa hình cao,
dốc, toàn ruộng bậc thang nên máy móc không thể vào được. Bên cạnh đó, với lối
sản xuất nhỏ lẻ thì mạnh nhà nào nhà đó tìm đầu ra để bán sản phẩm, chủ yếu là
chưa ổn định. Hiện nay, có đường vào thôn, bản, nhưng những hôm trời mưa do bị
sạt lở, trơn trượt nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc trao đổi hàng hóa của
đồng bào trong vùng, khó đạt được “50% km đường trục chính nội đồng được cứng
hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện”; “100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa
hoặc bê tông hóa đạt tiêu chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải” như
tiêu chí đề ra.
- Theo lộ trình, đến năm 2015, các xã sẽ hoàn thành cơ bản cả 19 tiêu chí để trở
thành xã nông thôn mới. Tuy nhiên, đến nay, nhiều xã ở miền núi, vùng cao, vùng
dân tộc thiểu số đời sống còn rất khó khăn, thiếu thốn, cho nên chưa đạt được
10/19 tiêu chí, còn lại các tiêu chí: giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi,
cơ sở vật chất văn hóa, mức thu nhập bình quân đầu người… đều rất khó thực hiện,
do hạn chế về nguồn vốn đầu tư và cơ sở hạ tầng còn thấp kém. Hiện tại, kinh phí
dành cho công tác quy hoạch trung bình trong cả nước là 150 triệu đồng/xã. Số
tiền này chỉ tạm đủ để xây dựng quy hoạch chung (không kể đo vẽ) và nếu thực
hiện thêm quy hoạch chi tiết, nguồn kinh phí phải cần số tiền tương ứng. So sánh
với 11 xã điểm có thể thấy rất rõ, số tiền đầu tư cho công tác quy hoạch ở một
xã điểm xấp xỉ là 700 triệu đồng. Những xã miền núi, vùng cao, địa bàn rộng,
phức tạp, việc đầu tư kinh phí cho công tác quy hoạch đương nhiên còn bị đội lên
rất nhiều lần.
- Nhiều tiêu chí nông thôn mới cần được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với đặc
thù vùng miền, địa phương: Với những tiêu chí còn lại thì là khó khăn để thực
hiện, do không phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương vùng cao, chủ yếu
làm nông nghiệp. Tỷ lệ đói nghèo của xã vẫn còn cao, nên các nguồn lực đóng góp
cho xây dựng nông thôn mới của người dân rất hạn chế.
- Theo chủ trương, công tác quy hoạch nông thôn mới được giao cho cấp xã tự làm.
Song trên thực tế, nhiệm vụ này vượt quá năng lực của nhiều xã, do vậy hầu hết
phải thuê đơn vị thiết kế. Điều đáng nói là các đơn vị thực hiện thiết kế quy
hoạch nông thôn hiện nay vừa thiếu lại vừa yếu. Tình trạng “bê nguyên” quy hoạch
của xã này áp dụng cho xã khác rất dễ xảy ra. Những bản quy hoạch theo kiểu nhân
bản đã và đang “sinh đôi”, “sinh ba”, thậm chí “sinh năm”, “sinh bảy”. Hệ lụy
khó tránh là tình trạng lặp lại, đơn điệu, xa lạ với đặc tính văn hóa, địa lý,
dân tộc… của nhiều vùng, miền khác nhau. Và như thế sẽ thật sự đáng lo ngại khi
không còn nhận ra những nét văn hóa rất riêng biệt của các dân tộc thiểu số ở
vùng cao đang bị mai một, lai căng chưa có giải pháp, nguồn lực để bảo tồn, phát
huy.
- Việc áp dụng tiêu chí mỗi xã đều phải có chợ nông thôn cũng là điều cần xem
xét cho hợp lý. Ở khu vực miền núi, chợ phiên vùng cao chỉ diễn ra một, hai lần
trong tháng. Việc đi chợ của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao là một nét
văn hóa rất riêng. Đến chợ là để giao lưu, tâm tình và như thế chợ là sợi dây
nối liền quan hệ đời sống văn hóa tinh thần của người dân của các xã miền núi
với nhau. Chợ miền núi thường được xây dựng cho vài xã hay một cụm xã. Xét về
lâu dài, khi kinh tế phát triển việc giao lưu thông thương trao đổi hàng hóa là
vô cùng cần thiết, song ở thời điểm hiện tại, nếu áp theo đúng tiêu chí này thì
sẽ không ít chợ xây ra rồi lại bỏ không, rất lãng phí. Tương tự, việc xây dựng
khu văn hóa- thể thao cho mỗi xã ở miền núi, vùng cao cũng đang đặt ra nhiều vấn
đề rất khó khăn, nan giải. Trong điều kiện hiện nay, đến năm 2020, khó có thể
đạt “100% tỷ lệ thôn có nhà văn hóa và khu thể thao đạt quy định của Bộ Văn
hóa-Thể thao-Du lịch”. Không thể cứ “chiểu’’ theo bộ tiêu chí mà áp đặt một cách
máy móc gây lãng phí, không phù hợp với miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân
tộc thiểu số.
- Mục tiêu xây dựng nông thôn mới phải đi đến cái đích cuối cùng là nâng cao thu
nhập để người dân có cuộc sống tốt hơn.. Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ,
hiện nay trong cả nước còn trên 400 ngàn hộ nghèo cần hỗ trợ nhà ở, trong đó chủ
yếu là đồng bào dân tộc thiểu số; trên 29 ngàn hộ dân còn du canh, du cư; trên
300 ngàn hộ định cư nhưng còn du canh; trên 375 ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu
số có đời sống đặc biệt khó khăn. Còn 6 mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình 135
giai đoạn II (2006-2010) như: đường giao thông, trường học, trạm y tế, điện,
nước... chưa hoàn thành được trước khi kết thúc chương trình vào năm 2010. Tỷ lệ
hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn cao chiếm 31%.
Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm nhanh, nhưng thiếu bền vững; tỷ lệ hộ nghèo và cận
nghèo còn khá lớn. Nếu thực hiện theo chuẩn nghèo mới hoặc bị ảnh hưởng bởi
thiên tai, mất mùa thì tỷ lệ hộ tái nghèo sẽ rất cao. Vì vậy, liệu 7 năm nữa có
hạ được tỷ lệ hộ nghèo ở vùng trung du, miền núi phía Bắc xuống còn 10% như tiêu
chí đề ra. Một xã nông thôn mới phải là xã giảm tối đa tỷ lệ hộ đói nghèo, có
một môi trường nông thôn lành mạnh cả về văn hóa, tinh thần lẫn vật chất mới
thực sự là mơ ước của hàng triệu cư dân nông thôn. Tuy chương trình, mục tiêu
xây dựng nông thôn mới còn khoảng hơn 7 năm nữa, nhưng phía trước đang còn rất
nhiều khó khăn, thách thức.
Vũ Ngọc Lân