Những già làng giữa đại ngàn Trường Sơn

04:13 10/04/2013 Lượt xem: 1448 In bài viết
<xmp style="DISPLAY: inline" id="9669" tabindex="-1" contenteditable="false">Người Tà Ôi cho rằng, ai trở thành biểu tượng, được cộng đồng tôn kính thì người đó được coi là máu mủ, ruột rà của đồng bào và sẽ được lưu truyền mãi từ thế hệ này qua thế hệ khác. Khi Bác Hồ mất, người Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu đã đồng lòng lấy họ Hồ thay họ của mình để bày tỏ lòng tri ân đối với người đã cùng đồng cam cộng khổ với đồng bào. Vì vậy đến nay, toàn huyện A Lưới có gần 12 nghìn người Tà Ôi, Pa Cô, Cơ Tu, Pa Hy, Vân Kiều mang họ Bác Hồ, chiếm tỷ lệ hơn 41%. Ðiều đó chứng tỏ sức sống mãnh liệt của vị lãnh tụ trong cộng đồng các dân tộc ở miền tây Thừa Thiên - Huế.

Ðến hôm nay, những người "giữ lửa" cho đồng bào có niềm tin về Ðảng, về Bác Hồ không ai khác là các già làng. Một trong những già làng có uy tín trong Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" ở A Lưới là ông Hồ Thanh Xoa (thường gọi là Cu Xoa), ở thôn Quảng Mai, xã A Ngo, nguyên Trưởng ban Dân vận Huyện ủy A Lưới và hiện là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã A Ngo. Ông được đồng bào tin tưởng nghe theo vì ông là người nắm vững các chính sách của Ðảng, Nhà nước để vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện. Bí quyết của ông là đọc nhiều tài liệu, những bài báo nói về sự liêm khiết, cần, kiệm, về sự đoàn kết của Bác để vận động đồng bào làm theo. Ông giải thích cách vận động thường nhật của mình được bà con ưng ý: "Ngày trước Cụ Hồ nói về vấn đề gì là rất cụ thể, là thế này, thế kia... bà con chúng ta nên vận dụng để thực hiện cho tốt". Chính cách vận động thực tế, sát với cuộc sống và lòng tôn kính của đồng bào đối với Bác nên ngày càng có nhiều người dân hiến đất mở đường, các hủ tục về ma chay, cưới xin đã được đẩy lùi. Mọi người đã thực hiện nghiêm túc chủ trương xóa đói, giảm nghèo cũng như đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Những nỗ lực của các già làng như ông Cu Xoa đã làm cho đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc A Lưới ngày càng được nâng cao. Trước đây họ chỉ biết lên nương, lên rẫy, đi rừng nay đã học được cái chữ, học các nghề mới để làm ăn, con gái học được nghề may, con trai học nghề sửa chữa xe máy. Các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan được loại trừ. Thay vào đó là mạng lưới y tế đã phủ kín các thôn, bản với 100% số trạm y tế xã có bác sĩ, góp phần chăm lo tốt sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Chất lượng cuộc sống của người Pa Cô, Tà Ôi... ngày càng được nâng cao.

Nếu như già làng Cu Xoa vận dụng những câu chuyện thường nhật của Bác trong cách tuyên truyền vận động thì già làng Quỳnh Nhất ở thôn A Bung, xã Nhâm, một xã biên giới của A Lưới lại lấy câu nói của Bác về sự đoàn kết của đồng bào các dân tộc để giúp đỡ lẫn nhau như anh em một nhà làm "kim chỉ nam" cho công việc của mình. Ngày trước, làng của già Quỳnh Nhất nằm sát biên giới Việt - Lào. Năm 1995, sau khi Việt Nam và Lào ký Hiệp định Biên giới, già làng Quỳnh Nhất vận động dân làng đến định cư nơi khác. Chủ trương của tỉnh đưa dân đến tái định cư tại thôn A Bung nhưng mọi người đều ngần ngại. Thế nhưng, già làng Quỳnh Nhất đã xem xét và nhận định đây sẽ là mảnh đất màu mỡ để bà con làm ăn. Thấy già làng quyết tâm, vẽ trên đất cho bà con hiểu mô hình của ngôi làng mới, có giếng nước, trường học, con đường, chuồng bò cách xa nhà..., hơn nữa chính già làng Quỳnh Nhất xung phong đi đầu đến dựng nhà, trồng trọt trước khiến mọi người tin tưởng nghe theo. Lúc ấy, già làng Quỳnh Nhất giăng dây đóng cọc để phân đường, nhà nọ sát nhà kia để thành ngôi làng mới đông đúc.

Ngày cả làng về thôn A Bung, dân bản thắp hương trên bàn thờ Bác, báo rằng sẽ về nơi ở mới. Quả đúng như già làng Quỳnh Nhất tiên đoán, không lâu sau trên vùng đất A Bung đã bạt ngàn mầu xanh của nương bắp và lúa nước. Biết bà con đã đủ ăn nhưng già làng Quỳnh Nhất vẫn chưa hài lòng, lại khăn gói đến các làng của người Kinh để tìm hiểu cách trồng chuối. Cây chuối thích nghi rất nhanh, quả to, buồng dài mọc quanh nương rẫy, quanh nhà. Chưa kịp mừng lại đối diện với khó khăn, làng A Bung không có đường để xe ô-tô vào thu mua nên chuối bán không kịp hỏng hết. Già làng Quỳnh Nhất lại họp làng để bàn chuyện mở đường. Ông vận động, một khi có đường, ô-tô mới vào mua sản phẩm của người Tà Ôi mình bán. Già làng Quỳnh Nhất làm trước, rồi cựu chiến binh và thanh niên làm theo. Con đường vào thôn A Bung dài hơn năm km, không tốn kém mà ô-tô đã vào làng được. Cả làng đều mừng, từ đó mọi người một lòng nghe theo già làng Quỳnh Nhất từ việc nhỏ đến việc lớn.

Chia sẻ về sự thành công trong vai trò già làng Quỳnh Nhất tiết lộ: "Ðồng bào có niềm tin vào Cụ Hồ, vào Ðảng và nhất là những già làng như chúng tôi phải thực hiện đúng chủ trương, đường lối thì bà con sẽ làm theo. Nhiều lúc lời nói phải như đinh đóng cột, nhưng có việc cũng phải mềm dẻo như sợi mây. Có như vậy, con cháu, bà con trong thôn, bản mới quý trọng, tin yêu mình".

Trong bối cảnh đồng bào dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên - Huế còn không ít khó khăn như hiện nay, có nơi vẫn còn giữ lối sống, tập quán và các hủ tục lạc hậu, mới thấy vai trò quan trọng của các già làng, trưởng bản. Già làng A Viết Rải (xã A Ðớt, A Lưới) cũng là một trong những "cây cổ thụ" giữa đại ngàn Trường Sơn được mọi người nể phục. Ông bắt đầu câu chuyện bằng những hồi ức buồn: "Tôi từng là một cậu bé mồ côi khi cha mẹ mất sớm nên từ bé đã tham gia du kích rồi trở thành "Bộ đội Cụ Hồ" chiến đấu ở thung lũng A Lưới. Tôi không bao giờ quên ơn Ðảng, Bác Hồ dìu dắt nên dù sức khỏe không còn tốt tôi vẫn muốn đóng góp sức mình cho đồng bào".

Sau ngày thống nhất đất nước, ông A Viết Rải về xã A Ðớt tham gia mọi công tác, được phân công từ chính quyền thôn đến mặt trận. Ông đi các xã, các thôn để thống kê các người tàn tật do nhiễm chất độc hóa học của Mỹ để lại. Bây giờ tuy sức khỏe yếu, nhưng với tinh thần của người lính Cụ Hồ, ông đã không ngại khó khăn gian khổ, còn đưa được tiếng nói của mình cho bản, làng, giáo dục con cháu, dân bản xóa bỏ các tập tục lạc hậu, chịu khó học hành vun đắp cái tốt đẹp.

Theo Bí thư Huyện ủy A Lưới Lễ Văn Trừ, chức năng và vai trò của già làng là hòa giải các tranh chấp ở bản làng và cùng chi bộ đề ra các chủ trương, nghị quyết và theo dõi việc thực hiện nghị quyết, phối hợp chính quyền phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương. Chính già làng A Viết Rải là người biết điều hòa các mối quan hệ đó. Trong cộng đồng người Tà Ôi ở xã A Ðớt đều biết tiếng ông là người gương mẫu, luôn đưa ra những lý lẽ có tính thuyết phục. Ông là người biết và thuộc nhiều luật tục từ xưa đến nay, có uy tín, am hiểu về phong tục tập quán dân tộc, khéo nói, biết cách dàn xếp những mâu thuẫn trong xã hội. Cuộc sống của gia đình ông hiện nay được xem là một mô hình kinh tế theo kiểu VACR (vườn - ao - chuồng - rừng) để người dân trong thôn, bản học hỏi kinh nghiệm, để các hội viên Hội Người cao tuổi xã tham khảo, đặc biệt đối với một xã biên giới như A Ðớt thì ông là một gương sáng thể hiện trên tất cả phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" trong thời bình.

Trên quê hương của những người mang họ Bác Hồ hôm nay, sau chiến tranh, cái đói, cái nghèo, cái lạc hậu đã lùi xa. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện A Lưới Hồ Xuân Trăng cho biết: Nhiều năm qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tập trung các chương trình phát triển, nâng cao đời sống cho bà con các dân tộc miền núi. Trong đó, có Chương trình 135 hay xóa nhà tạm cho đồng bào đã mang lại hiệu quả rõ rệt, tạo được bộ mặt nông thôn miền núi mới, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền. Tại các xã, hệ thống trường học, điện, đường, trạm y tế được xây dựng hoàn chỉnh 100%. Các đập thủy lợi và hệ thống kênh mương nội đồng được kiên cố hóa, bảo đảm cung cấp đủ nước tưới cho sản xuất lúa hai vụ trong năm. Ðiện lưới đã về tới tận thôn, bản vùng sâu, vùng xa và có hơn 85% số hộ được dùng điện, gần 70% số hộ được dùng nước sạch, hợp vệ sinh.

Người Tà Ôi, Pa Cô, Cơ Tu, Pa Hy ở A Lưới hôm nay luôn luôn ơn Ðảng và Bác Hồ, hơn ai hết họ đã học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trên nhiều phương diện, như Bác đã căn dặn: "... Ðồng bào tất cả các dân tộc, không phân biệt lớn nhỏ, phải thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, phải đoàn kết chặt chẽ như anh em một nhà". Chúng tôi tin điều đó khi những bản, làng ở A Lưới hôm nay đang "thay da, đổi thịt" bằng chính cái "tâm" của những già làng kiên trung, gương mẫu và nhiều uy tín, như "cây cổ thụ" giữa bao la đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.

Nguyễn Công Hậu