Về việc thiết kế Chương trình giảm nghèo ở vùng dân tộc, miền núi
09:47 11/04/2013 Lượt xem: 341 In bài viếtTrong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước, Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm đến công tác giảm nghèo vùng dân tộc, miền núi. Nhờ đó đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện; kết cấu hạ tầng có nhiều tiến bộ; sự nghiệp giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm; bản sắc văn hóa các dân tộc được tôn trọng; đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số phát triển cả số lượng và chất lượng.
Trong rất nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến tình hình trên thì có một nguyên nhân hết sức quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách, thiết kế chương trình giảm nghèo vùng dân tộc, miền núi.
Qua thống kê của Ủy ban dân tộc, hiện có hơn 20 văn bản của Đảng, 160 văn bản quy phạm pháp luật về phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng ở vùng dân tộc, miền núi. Bên cạnh mặt tích cực, hệ thống chính sách và sự vận hành của hệ thống chính sách đó đã bộc lộ 6 vấn đề bất cập:
Thứ nhất, các chính sách chồng chéo, trùng lặp. Cùng một nội dung, đối tượng nhưng có nhiều chính sách do nhiều ngành quản lý khác nhau. Ở địa phương không lồng ghép được vì mỗi chính sách có tiêu chí, hạn mức, phương thức quản lý khác nhau, do các ngành chủ quản khác nhau chỉ đạo. Đơn cử: hỗ trợ đất sản xuất có 5 quyết định; hỗ trợ nước sạch, vệ sinh môi trường có 6 quyết định; hỗ trợ dạy nghề có 3 quyết định; hỗ trợ pháp lý có 3 quyết định, chưa kể chương trình của các tổ chức quốc tế, các đoàn thể, hội nghề nghiệp.
Thứ hai, hệ thống chính sách thời gian ngắn, mang tính nhiệm kỳ, cứ sửa chữa, bổ sung rồi lại xin kéo dài. Thiếu một chương trình phát triển kinh tế-xã hội toàn diện và bền vững cho vùng dân tộc, miền núi. Cơ chế thị trường đã làm cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư chú trọng vào các lĩnh vực, những vùng có điều kiện thuận lợi để thu được lợi nhuận cao, do đó vùng dân tộc, miền núi lại càng thêm khó khăn.
Thứ ba, định mức đã thấp, vốn lại bố trí không đủ, dàn trải, dẫn đến công trình dở dang, lãng phí, chất lượng thấp. Chính sách hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt chỉ bố trí được 19% kế hoạch; Định canh định cư được 46%; chính sách vay vốn sản xuất chỉ bố trí được 38,7% kế hoạch.
Thứ tư, một số chính sách ban hành chưa gắn quy hoạch tổng thể của địa phương, chỉ giải quyết một số việc có tính tình thế như giải quyết dân di cư tự do; xử lý hậu tái định cư, chưa gắn phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội; một số chính sách không phù hợp đặc điểm vùng và văn hóa tộc người, nên hiệu quả thấp. Các chương trình hỗ trợ sản xuất từ khâu tập huấn, đến xây dựng mô hình, hỗ trợ giống, phân bón, thuốc trừ sâu nhưng đa số chưa phù hợp dân trí và điều kiện tự nhiên. Người dân vùng núi đá được tập huấn trồng ngô, nhưng không áp dụng được vì đồng bào phải trồng ngô trong từng hốc đá, điều đó không có ai tập huấn cho; chương trình giảm nghèo cấp máy gặt lúa, máy tuốt lúa nhưng ở vùng núi cao dân không sử dụng được, nên xếp góc nhà; xuất khẩu lao động cho đồng bào dân tộc thiểu số thì chỉ được đi những nước thu nhập ít ỏi, cộng với tâm lý sợ xa nhà, mặc cảm, tự ty nên đồng bào không hưởng ứng.
Thứ năm, hệ thống chính sách dân tộc hiện hành chưa bảo đảm được sự công bằng. Do chưa có tiêu chí huyện nghèo một cách khoa học, mà chỉ căn cứ vào tỷ lệ hộ nghèo nên dẫn tới tình trạng nhiều xã còn nghèo hơn các xã trong huyện nghèo, nhưng không được hưởng chính sách, dẫn tới việc các địa phương đề nghị chính phủ bổ sung huyện nghèo, từ 62 nay lên 69 huyện. Chính phủ đã ban hành quyết định phân định khu vực miền núi, dân tộc theo trình độ phát triển, nhưng một số ngành lại không dựa vào tiêu chí này để xây dựng chính sách. Ngay cả việc xác định các xã đặc biệt khó khăn cũng còn thiếu công bằng, xã đặc biệt khó khăn của các tỉnh núi cao cũng hưởng chính sách như các xã đặc biệt khó khăn của các tỉnh trung du; giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo khoảng cách rất khó phân định, nhưng các hộ cận nghèo chưa được hưởng chính sách.
Thứ sáu, một số lĩnh vực còn thiếu các chính sách hỗ trợ như thị trường tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ môi trường, cảnh quan, chính sách thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư lên vùng dân tộc, miền núi.
Trước những bất cập, hạn chế trên đây, chính phủ đã có chủ trương tập trung sự chỉ đạo, điều hành công tác giảm nghèo vào một đầu mối thống nhất, dưới sự điều hành chung của Thủ tướng chính phủ. Nghị quyết 80/NQ-CP, ngày 19/5/2011 của chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020 là thể hiện tinh thần đó. Trong nghị quyết 80/NQ-CP xác định rõ giảm nghèo bền vững là một trọng tâm của chiến lược phát triển kinh tế -xã hội 2011-2020. Đó là một nghị quyết đúng đắn, hợp lòng dân. Có hai vấn đề được nhấn mạnh trong nghị quyết:
- Trong các đối tượng được hưởng chính sách thì ưu tiên hàng đầu là người dân tộc thiểu số ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc, miền núi
- Mục tiêu và nội dung các chính sách khá toàn diện, nhưng tập trung vào 3 lĩnh vực: Nâng cao thu nhập, giảm nhanh hộ nghèo; cải thiện rõ rệt điều kiện sống trước hết là về y tế, giáo dục, văn hóa, nước sinh hoạt, nhà ở, các dịch vụ xã hội; đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng theo tiêu chí nông thôn mới. Trong 3 mục tiêu đồng bộ đó thì đặt lên hàng đầu là nâng cao thu nhập, giảm nhanh tỷ lệ nghèo, tức là phải quan tâm đến hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế bền vững, từng bước tạo ra sản xuất hàng hóa.
Rất tiếc là cơ quan chủ trì soạn thảo chương trình giảm nghèo tổng thể đã không quán triệt và thể hiện đúng tinh thần nghị quyết của Chính phủ. Trong bản dự thảo chương trình giảm nghèo đã bộc lộ 3 bất cập:
Một là, Đã tách các xã đặc biệt khó khăn thành 2 mảng: một mảng nằm trong các huyện nghèo do bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý thì được hưởng đầy đủ các hạng mục; còn các xã đặc biệt khó khăn còn lại do Ủy ban Dân tộc quản lý thì duy nhất chỉ hỗ trợ hạ tầng, thế là các xã đặc biệt khó khăn do Ủy ban Dân tộc quản lý sẽ không được hưởng chính sách bằng các thị trấn của các huyện nghèo và cũng không bằng chính sách các xã bãi ngang, ven biển. Liệu rồi đây nếu cứ thực hiện theo lối tư duy này thì các mâu thuẫn sẽ phát sinh như thế nào? Thử hỏi chúng ta đã quán triệt đúng đắn quan điểm của Đảng, nhà nước về vấn đề dân tộc hay chưa? phải đặt câu hỏi này bởi vì ngay trong dự thảo lần đầu, cơ quan soạn thảo chương trình đã phớt lờ Nghị quyết 80/NQ-CP bằng việc không đưa đồng bào dân tộc thiểu số vào đối tượng được thụ hưởng, họ dùng chung một từ là: những người yếu thế. Không biết họ đứng trên quan điểm nào để xếp đồng bào dân tộc thiểu số là người yếu thế? Một nhãn quan chính trị như thế thì dù đã được các bộ ngành góp ý rất nhiều vẫn khó hy vọng xây dựng được một chính sách thể hiện tầm nhìn đại đoàn kết các dân tộc.
Hai là, Đối với đồng bào dân tộc thiểu số mà không hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế bền vững thì làm sao mà giảm nghèo, làm sao mà tăng thu nhập được; những người soạn thảo chương trình lý luận rằng đã có dự án hỗ trợ sản xuất riêng; nhưng đó chỉ là dự án nhằm mục tiêu xây dựng mô hình; thực tế việc xây dựng mô hình sản xuất những năm qua ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số không thành công vì khi làm mô hình điểm ta đã chọn nơi có điều kiện tự nhiên và các điều kiện hỗ trợ khác thuận lợi, được đầu tư kinh phí đủ mức, còn khi người dân nhân rộng mô hình thì không thành công vì điều kiện sản xuất quá khó khăn và kinh phí đầu tư lại quá ít; thất bại một lần thì người dân chán nản không theo mô hình được nữa. Hỗ trợ sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số phải hỗ trợ đồng bộ từ khâu tham quan, tập huấn đến việc phân tích kỹ đất đai, khí hậu để lựa chọn hỗ trợ giống cây, con; hướng dẫn bà con chăm sóc, thu hoạch, chế biến .
Ba là, Dự thảo chương trình không khắc phục được sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, ngành, thậm chí còn làm rối thêm; mỗi bộ ngành lại quản lý theo cơ chế riêng, làm cho các địa phương không thể lồng ghép các chương trình, để tập trung nguồn lực cho các nhu cầu bức bách.
Để thực hiện đúng Nghị quyết 80/NQ-CP của Chính phủ, khắc phục được các bất cập, hạn chế nêu trên, phải thực hiện tốt các công việc sau đây:
1. Xây dựng bộ tiêu chí phân loại tỉnh, huyện, xã theo trình độ phát triển, để xác định mức độ nghèo khác nhau giữa các địa phương; cấp tỉnh và huyện chỉ nên phân 3 loại: khá-trung bình - nghèo, riêng cấp xã nên phân thành 4 loại: khá - trung bình - nghèo - xã đặc biệt khó khăn. Từ tiêu chí chung đó mới xác định hệ số đầu tư cho từng loại xã một cách công bằng. ví dụ xã đặc biệt khó khăn của huyện nghèo, tỉnh nghèo hệ số đầu tư là 1, thì xã đặc biệt khó khăn của huyện nghèo, nhưng tỉnh khá thì hệ số đầu tư chỉ 0,8, xã đặc biệt khó khăn ở huyện khá, tỉnh khá thì hệ số đầu tư chỉ 0,5.
2. Chương trình giảm nghèo bền vững ở vùng dân tộc, miền núi phải đồng bộ và ổn định dài hạn. Tính đồng bộ thể hiện ở mục tiêu toàn diện về đời sống, thu nhập, mức tiếp cận các dịch vụ xã hội, hưởng thụ văn hóa, sự nghiệp giáo duc, đào tạo, chăm sóc sức khỏe, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng. Trong đó hết sức quan tâm đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ, phát triển sản xuất từng bước giúp đồng bào dân tộc thiểu số chuyển dần sang sản xuất hàng hóa.
Chương trình giảm nghèo ở vùng dân tộc, miền núi phải ổn định dài hạn, mỗi nhiệm kỳ chỉ căn cứ vào thực tế để điều chỉnh đối tượng được thụ hưởng chính sách và mức độ đầu tư. Nếu không giữ được sự ổn định dài hạn của chính sách sẽ không khắc phục được tình trạng tái nghèo ngày càng cao như hiện nay và không bao giờ rút ngắn được khoảng cách chênh lệch về mức sống của vùng dân tộc, miền núi so với mặt bằng trung bình của cả nước.
3. Về cơ chế điều hành nên tập trung một đầu mối thống nhất của Chính phủ , có sự phân công rành mạch nhiệm vụ giữa các bộ ngành, theo nguyên tắc một nhiệm vụ chỉ có một cơ quan chủ trì, đồng thời có cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương.
Quá trình phân công nhiệm vụ các bộ ngành cần thấy hết tính đặc thù của Ủy ban Dân tộc là cơ quan ngang bộ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dân tộc, nhưng lĩnh vực quản lý của Ủy ban Dân tộc không giống như các bộ ngành; đối tượng quản lý của Ủy ban Dân tộc không rành mạch lĩnh vực mà là đa lĩnh vực, đa ngành, đối tượng đặc thù là đồng bào dân tộc thiểu số. vì vậy nếu phân chia theo lĩnh vực thì Ủy ban Dân tộc không có việc gì làm, nếu lĩnh vực nào liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số cũng đều do Ủy ban Dân tộc quản lý thì Ủy ban Dân tộc sẽ trở thành siêu bộ, không đủ sức thực hiện. Vì vậy trong phân công chỉ đạo nhiệm vụ giảm nghèo bền vững chỉ nên giao các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn có đồng bào dân tộc thiểu số sống thành cộng đồng cho Ủy ban Dân tộc quản lý, các bộ ngành khác phối hợp.
Thiết kế chương trình giảm nghèo ở vùng dân tộc, miền núi phải đáp ứng được các nội dung trên đây thì mới có thể thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững và đảm bảo đoàn kết các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Hoàng Xuân Trung