Phát triển con người Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh
02:59 11/04/2013 Lượt xem: 535 In bài viếtTư tưởng Hồ Chí Minh về con người là một bộ phận cấu thành quan trọng trong toàn bộ di sản vô giá mà Người để lại cho dân tộc và nhân loại. Tư tưởng đó được hình thành từ những ngày đầu bôn ba tìm đường cứu nước và phát triển trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng không mệt mỏi của Người. Đi sâu nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về con người để thấy rõ hơn tầm vóc to lớn về tấm gương đạo đức, nhân cách vĩ đại và tác phong của Người, hiểu rõ vì sao tư tưởng Hồ Chí Minh về con người trở thành sức mạnh vô địch, chinh phục trái tim, khối óc của triệu triệu con người trên thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường tâm niệm rằng: con người là vốn quý báu nhất và giữ vai trò quyết định sự thành bại của mọi hoạt động cách mạng.
Ngày nay, trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc
tế giữa các quốc gia trên thế giới đang diễn ra mạnh mẽ, sự cạnh tranh ngày càng
gay gắt, mà phần thắng sẽ thuộc về những quốc gia có “nguồn lực con người” trí
tuệ cao, năng động, dám nghĩ, dám làm. Việt Nam đang trong quá trình phát triển
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN); đẩy mạnh (công nghiệp hóa,
hiện đại hóa) CNH, HĐH đất nước trong điều kiện cách mạng khoa học công nghệ
diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới; toàn cầu hóa gia tăng, hội nhập quốc tế trở
thành quy luật, thành thời cơ phát triển cho mọi quốc gia trên thế giới. Đây là
tiền đề, điều kiện, cơ hội thuận lợi cho chúng ta vận dụng và tiếp thu tiến bộ
khoa học - công nghệ, trình độ quản lý cao và cơ sở vật chất kỹ thuật đẩy mạnh
CNH, HĐH đất nước theo con đường rút ngắn, đi tắt, đón đầu.
Để tận dụng hiệu quả thời cơ, vượt qua thách thức, rất cần nguồn lực con người
có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất trí tuệ cao, có năng lực nắm bắt và
vận dụng hiệu quả khoa học, công nghệ của nhân loại vào điều kiện cụ thể của đất
nước, đưa nước ta giàu mạnh lên. Ngay khi bước vào giai đoạn đẩy mạnh CNH, HĐH,
Đảng ta xác định: “Lấy việc phát huy nguồn lực con người làm yếu tố cơ bản cho
sự phát triển nhanh và bền vững”. Đảng ta khẳng định: “Nâng cao dân trí, bồi
dưỡng và phát huy nguồn lực to lớn của con người Việt Nam là nhân tố quyết định
thắng lợi của công cuộc CNH, HĐH”. Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần
thứ X, Đảng ta đã khẳng định: “Phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao,
nhất là các chuyên gia đầu ngành”- là bước đột phá đưa nước ta thoát khỏi tình
trạng nghèo đói, kém phát triển, đồng thời tạo ra sự phát triển nhanh, đáp ứng
yêu cầu quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế thị trường định
hướng XHCN. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2011 - 2020 được Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua đã chỉ rõ: Thể chế kinh tế
thị trường, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng vẫn là những điểm nghẽn,
cản trở sự phát triển của đất nước.
Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về con người không phải là vấn đề mới, song là
vấn đề xuyên suốt, rộng lớn cần được cập nhật thường xuyên và có tính thời sự
cấp bách. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy rằng: "Vì lợi ích mười năm phải trồng
cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người". Việc tiếp tục nghiên cứu tư tưởng Hồ
Chí Minh về con người lên tầm cao mới đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn trong bối
cảnh hội nhập quốc tế cả trước mắt và lâu dài cần có mấy điểm như sau:
Một là, đẩy mạnh việc tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng
XHCN; CNH, HĐH đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức trong thời kỳ hội
nhập quốc tế. Thực tế cho thấy, bộ phận kinh tế tư nhân hiện đang có sức sống và
phát huy tác dụng, trở thành động lực cho sự phát triển xã hội. Muốn giải quyết
vấn đề con người, không thể dừng lại ở nỗ lực của từng cá nhân, mà phải tạo ra
một chế độ kinh tế vừa có điều kiện phát huy tối đa năng lực cá nhân, vừa định
hướng, lôi cuốn, thu hút mọi người theo yêu cầu tiến bộ chung của xã hội. Vì thế,
cần đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn
minh"; đồng thời “giải phóng mạnh mẽ và không ngừng phát triển sức sản xuất,
nâng cao đời sống nhân dân. Phát triển nền kinh tế với nhiều hình thức sở hữu,
nhiều thành phần kinh tế, trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh
tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của
nền kinh tế quốc dân".
Trong thời đại của nền văn minh thông tin, hội nhập quốc tế muốn nâng cao khả
năng cạnh tranh của nền kinh tế, yếu tố quyết định chính là con người. Trong thế
giới ngày nay, ai tạo ra công nghệ mới, năng lực quản lý giỏi trên cơ sở phát
huy tối đa khả năng sáng tạo của con người thì phần thắng sẽ thuộc về người đó.
Đường lối "đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri
thức" mà Đảng ta đã đưa ra hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển khách quan đó.
Hai là, nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo, khoa học và
công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ hội nhập quốc
tế. Ngày nay, khoa học - công nghệ đang tác động mạnh mẽ, trực tiếp vào chính
cuộc sống từng con người. Quan niệm kinh doanh lấy công nghệ làm trung tâm như
trước đây đã chuyển sang bước ngoặt mới - đó là triết lý kinh doanh coi con
người là trung tâm, quyền ưu tiên được dành cho con người ở khía cạnh tri thức,
trình độ chuyên môn cao và động cơ lao động sáng tạo. Vì vậy, đầu tư cho giáo
dục phải được coi là đầu tư cơ bản, đầu tư cho tái sản xuất sức lao động, đầu tư
cho tương lai. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nước trong kế hoạch phát triển đất
nước đã đặt giáo dục vào hệ thống ba chiến lược: giáo dục, khoa học và mở cửa.
Đảng ta coi giáo dục - đào tạo là “quốc sách hàng đầu" từ Nghị quyết Đại hội
VII. Quan điểm đó tiếp tục được duy trì qua các kỳ Đại hội Đảng. Trong Chiến
lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2011-2020, Đại hội XI đã chỉ ra ba khâu
đột phá nhằm phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp
theo hướng hiện đại. Một trong ba khâu đột phá quan trọng đó là: “Phát triển
nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc
đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển
nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ” nhằm thúc đẩy nền
kinh tế phát triển đáp ứng thời kỳ hội nhập quốc tế.
Ba là, từng bước hoàn thiện và mở rộng dân chủ hóa XHCN, phát huy quyền làm chủ
của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội cần phải có con
người XHCN, đấy là định hướng lớn trong tư tưởng của Người về xây dựng và phát
huy dân chủ XHCN. Dân chủ là vấn đề cơ bản của hệ thống chính trị và toàn bộ
hoạt động của đời sống xã hội. Trong chủ nghĩa xã hội, người lao động hoạt động
không phải chỉ với tư cách công dân, mà còn với tư cách người chủ tư liệu sản
xuất. Do đó, đặc điểm dân chủ XHCN luôn có sự thống nhất giữa quyền công dân và
quyền làm chủ xã hội của người chủ tư liệu sản xuất. "Dân là gốc", tất cả là do
dân, vì dân, quyền lực của dân là tối cao. Đây là điểm mấu chốt, xuất phát để
chúng ta từng bước xây dựng hệ thống chính trị với phương châm "dân biết, dân
bàn, dân làm, dân kiểm tra". Đó không phải chỉ là hoạt động của những công dân,
mà chính là hoạt động của người chủ xã hội. Tuy nhiên, mở rộng dân chủ phải đi
đôi với xây dựng kỷ cương, kỷ luật và pháp luật của Nhà nước.
Bốn là, đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tệ quan liêu, nạn tham nhũng, làm trong
sạch bộ máy Đảng và Nhà nước.
Con người có thể phát huy năng lực hành động tự do, sáng tạo đến đâu phụ thuộc
nhiều vào bản chất của chế độ xã hội. Nhưng, trong hiện thực cụ thể, điều ấy ảnh
hưởng trực tiếp, trước tiên vào tổ chức hoạt động của hệ thống chính trị. Do
vậy, việc xây dựng bộ máy chính trị có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc
chống quan liêu, tham nhũng. Đấu tranh chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy
Đảng và Nhà nước đang là yêu cầu cấp bách của thời kỳ mở cửa hội nhập quốc tế.
Thực tế cho thấy, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng
chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống; "nhiều tổ chức cơ sở đảng bị tê liệt,
thiếu sức chiến đấu và không đủ năng lực lãnh đạo và chỉ đạo để giải quyết những
vấn đề phức tạp nảy sinh". Phần lớn những vụ việc tiêu cực nghiêm trọng không do
các tổ chức đảng phát hiện, phanh phui, mà do công luận, cơ quan bảo vệ pháp
luật và quần chúng nhân dân phát hiện.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XI của Đảng đã nêu vấn đề: “Một số vấn đề
cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” triển khai thực hiện việc đẩy mạnh công tác
xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay nhằm khắc phục tình trạng những hạn chế, yếu
kém, những khuyết điểm kéo dài của Đảng trong thời gian qua.
Vùng miền núi, dân tộc chiếm ¾ diện tích nước ta, nguồn nhân lực dân tộc thiểu
số có trên 12,2 triệu người, chiếm tỷ lệ 14,27% dân số cả nước và chiếm 18% dân
số vùng miền núi, dân tộc. Nguồn lực con người có vai trò quyết định đối với sự
nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của vùng miền núi, dân tộc. Những năm qua, Đảng
và Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách ưu tiên tạo nguồn, xây dựng đội ngũ
lao động, trí thức là người dân tộc thiểu số như: Miễn giảm toàn bộ học phí cho
con em đồng bào dân tộc vùng cao đến trường; cấp không thu tiền sách, vở, đồ
dùng học tập cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn; cử tuyển học sinh tốt nghiệp
lớp 12 người dân tộc vào học các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên
nghiệp; hỗ trợ tiền cho học sinh mẫu giáo và học sinh phổ thông các xã thôn, bản
đặc biệt khó khăn…
Nhờ thực hiện hệ thống chính sách dân tộc, hàng năm có trên 80.000 học sinh là
con em các dân tộc thiểu số được học tập trung ở các phổ thông dân tộc nội trú.
Hàng vạn học sinh trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn được tạo điều kiện đến
trường học bán trú. Mỗi năm có hàng ngàn học sinh được cử tuyển đi học các
trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Từ chỗ có rất ít trí thức
người dân tộc thiểu số, nay đội ngũ trí thức người dân tộc thiểu số khá đông
đảo. Theo Dự án điều tra cơ bản về đội ngũ trí thức dân tộc thiểu số thực hiện
năm 2008 thì đội ngũ trí thức người dân tộc thiểu số nước ta có 642 người có
trình độ trên đại học, hơn 13 nghìn người có trình độ đại học, cao đẳng và 78
nghìn người có trình độ trung học chuyên nghiệp.
Tất cả vì hạnh phúc của con người-hạnh phúc cho đồng bào, đó là mục tiêu phấn
đấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của nhân loại. Chủ nghĩa Mác - Lênin đã khẳng
định: hạnh phúc của con người phải do chính con người giành lấy, giữ lấy. Ngày
nay, trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế không chỉ làm ra và đem lại
những điều con người mong muốn, mà chủ yếu là khơi dậy lòng tự hào, niềm tin, ý
chí, sức mạnh và nhiệt tình cách mạng để con người tự mình làm ra tất cả.
Ths. Trần Chí Lý