Phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn và một số giải pháp

04:22 10/04/2013 Lượt xem: 5243 In bài viết
<xmp style="DISPLAY: inline" id="9669" tabindex="-1" contenteditable="false">Về cơ bản, xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đó cũng là yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh, mạnh và bền vững. Xuất phát từ thực tiễn tiến hành công nghiệp hoá trước đây và căn cứ vào thực trạng kinh tế của nước ta cũng như yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong thời kỳ mới, đòi hỏi phải không ngừng phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng ở nông thôn làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững, qua đó thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường.

NHỮNG KẾT QUẢ TÍCH CỰC

Hệ thống điện đến các xã được đầu tư, mở rộng và đạt được nhiều kết quả khích lệ. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược xoá đói giảm nghèo và thực hiện công bằng xã hội nhằm không ngừng nâng cao điều kiện sống, phát triển sản xuất và cung cấp dịch vụ tốt hơn cho nông thôn. Theo báo cáo sơ bộ về kết quả tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản năm 2011 của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản Trung ương, nếu như năm 1994, cả nước mới có 60,4% số xã và 50% số thôn có điện, thì đến năm 2006, con số tương ứng này là 98,9% và 92,4%. Trong vòng 5 năm tiếp theo, con số này không ngừng được nâng cao. Đến năm 2011, đã có tới 99,8% số xã và 95,5% số thôn có điện.

Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, hệ thống giao thông nông thôn cũng không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đây là tiền đề rất quan trọng để các địa phương thu hút các nhà đầu tư về khu vực nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và giải quyết được nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội khác. Tính đến tháng 7 năm 2011, cả nước đã có 8.940 xã có đường ô tô đến trụ sở Uỷ ban nhân dân xã, chiếm 98,6 tổng số xã trong cả nước. Trong đó có 8.803 số xã có đường ô tô đi lại được quanh năm; 7.917 số xã có đường ô tô được nhựa hoá, bê tông hoá. Điểm đáng chú ý, hệ thống giao thông đến cấp thôn được chú trọng và phát triển mạnh, với 89,5% số thôn có đường ô tô có thể đi đến. Đây cũng là điều kiện rất quan trọng để giúp khu vực nông thôn phát triển kinh tế và nâng cao khả năng giao lưu về văn hoá, giáo dục,… của cư dân nông thôn.

Hệ thống trường học, giáo dục mầm non ở nông thôn tiếp tục được mở rộng và phát triển. Nếu như năm 1994, chỉ có 76,6% số xã có trường trung học cơ sở, thì đến năm 2011, tỷ lệ này đã lên tới 93,2%, số xã có trường tiểu học đạt tới 99,5%. Cùng với sự phát triển của hệ thống trường học tại cấp xã, các cơ sở nhà trẻ, mẫu giáo đã phát triển và mở rộng đến cấp thôn. Đến nay, đã có 45,5% số thôn có lớp mẫu giáo, 15,6% số thôn có nhà trẻ.

Hệ thống mạng lưới thông tin, văn hoá, thể thao nông thôn cũng có sự phát triển mạnh mẽ, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đến năm 2011, đã có 81,5% số xã có hệ thống loa truyền thanh đến thôn; 38,7% số xã có nhà văn hoá xã; 48% số xã có sân thể thao xã. Cùng với việc xây dựng các nhà văn hoá xã, hệ thống nhà văn hoá thôn, khu thể thao thôn đã hình thành và phát triển nhanh. Đến năm 2011, đã có 61,7% số thôn có nhà văn hoá; 21,9% số thôn có khu thể thao thôn.

Hệ thống y tế ở vùng nông thôn cũng được đặc biệt quan tâm đầu tư mở rộng và nâng cấp về chất lượng. Đến năm 2011, đã có 9.016 xã (chiếm tỷ lệ 99,39%) có trạm y tế với 7.055 xã (chiếm 77,8%) đạt chuẩn quốc gia về y tế xã. Để phục vụ và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng nhân dân tốt hơn, hệ thống y tế cơ sở tiếp tục được chú ý và mở rộng đến cấp thôn. Đến năm 2011, có 94,2% số thôn có cán bộ y tế thôn. Điểm đáng chú ý, việc mở rộng mạng lưới y tế của Nhà nước, hệ thống khám, chữa bệnh tư nhân đã hình thành và từng bước phát triển, đã góp phần quan trọng trong công tác xã hội hoá chăm sóc sức khoẻ cộng đồng. Đến nay, cả nước có 33,2% số xã có cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn và 68,5% xã có cơ sở kinh doanh thuốc Tây y. Cùng với việc mở rộng hệ thống chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, việc cung cấp nước sạch cũng có bước phát triển mới. Tính đến năm 2011, cả nước có 45,5% số xã có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Vệ sinh môi trường từng bước được cải thiện.

NHỮNG TỒN TẠI CẦN GIẢI QUYẾT

Tuy kết cấu hạ tầng nông thôn đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn còn những tồn tại cần sớm được giải quyết. Nhìn chung, phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn chưa thực sự đồng đều giữa các vùng. Vùng đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ có bước phát triển nhanh nhất, trong khi các vùng ở khu vực trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên phát triển chậm hơn. Điều này là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự phát triển không đồng đều giữa các vùng, làm gia tăng khoảng cách về phát triển chung. Nhiều ý kiến cho rằng, sự tụt hậu về phát triển kinh tế của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là khu vực miền núi phía Tây Bắc rất nghiêm trọng; khoảng cách giàu nghèo ngày càng xa hơn. Tỷ lệ đói nghèo của địa bàn này lớn. Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cả nước hiện còn trên 3 triệu hộ nghèo và trên 1,6 triệu hộ cận nghèo. Bốn tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất đều tập trung ở miền núi phía Bắc, trong đó Điện Biên là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, ở mức 50%. Các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, tỷ lệ hộ nghèo vẫn chiếm từ 40-50%.

Kết quả tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản năm 2011 theo Báo cáo sơ bộ của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản Trung ương, tốc độ tăng vốn tích luỹ bình quân một hộ có mức độ chênh lệch giữa các vùng ngày càng tăng. Vùng Đông Nam bộ có mức tích luỹ cao nhất, với mức tích luỹ bình quân tăng 24,2 triệu đồng/hộ; trong khi đó vùng Trung du miền núi phía Bắc là thấp nhất, chỉ đạt mức tích luỹ bình quân 9,1 triệu đồng/hộ. Có thể thấy, sự phân hoá, phân cực ngày càng lớn, đã đẩy tới nguy cơ mất ổn định an ninh chính trị. Các thế lực thù địch ra sức lợi dụng những khó khăn và hạn chế của đồng bào các dân tộc thiểu số để dụ dỗ, lôi kéo đồng bào, phá hoại khối đoàn kết dân tộc ở nước ta.

GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG NÔNG THÔN

Thực hiện đường lối Đại hội XI của Đảng, nước ta đang ra sức thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Do đó, việc sớm đưa kinh tế nông thôn phát triển nhanh hơn, để đảm bảo sự phát triển chung của cả đất nước là điều cần thiết. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) cũng nhấn mạnh: Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân tộc cùng phát triển, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Các chính sách kinh tế - xã hội phải phù hợp với đặc thù của các vùng và các dân tộc, nhất là các dân tộc thiểu số. Hiện nay, vấn đề xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn để góp phần đưa kinh tế nông thôn phát triển nhanh hơn đang được các cấp, các ngành liên quan triển khai trong thực tế. Tuy nhiên, như phân tích ở trên, sự tụt hậu về phát triển kinh tế của khu vực nông thôn rất nghiêm trọng. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tồn tại trên. Việc cụ thể hoá đường lối, chủ trương của Đảng cũng như việc thể chế hoá của Nhà nước còn chậm và thiếu đồng bộ. Sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp uỷ đảng, chính quyền về xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn chưa thực sự quyết liệt…

Để nhanh chóng xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay, đó là vốn đầu tư từ Nhà nước. Trong khi yêu cầu phải tăng tỷ lệ đầu tư cho phát triển hạ tầng nông thôn theo hướng đồng bộ, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nhưng hiện nay vốn đầu tư cho khu vực này mới chỉ đáp ứng được khoảng 55-60%. Do đó, cần nhanh có cơ chế chính sách khuyến khích hơn nữa các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng nông thôn. Cùng với việc tăng cường đầu tư cho kết cấu hạ tầng nông thôn, cần nâng cao ý thức của người dân cũng như đào tạo các kỹ năng xác định các cơ sở hạ tầng cần thiết và kỹ năng giám sát chất lượng các dự án phát triển kết cấu hạ tầng quy mô nhỏ tại địa phương để góp phần nâng cao được hiệu quả vốn đầu tư. Đổi mới cơ chế, chính sách để huy động mạnh nguồn lực đất đai vào phát triển hạ tầng. Có chính sách phù hợp thu hồi đất để tạo vốn hỗ trợ cho xây dựng công trình hạ tầng, thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đối với các dự án kinh doanh. Nhà nước có thể thực hiện chính sách giao đất không thu tiền đối với diện tích xây dựng cơ sở hạ tầng do nhà đầu tư trúng thầu. Hỗ trợ nhà đầu tư một phần vốn đầu tư dự án bằng tiền hoặc vật tư cũng như thực hiện miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. Mở rộng hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm theo hướng Nhà nước đầu tư vốn, người dân đóng góp thêm vốn hoặc nhân công. Khuyến khích, vinh danh các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có nhiều đóng góp cho xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc…

ThS. Đào Thị Thu Hằng

ThS. Đặng Ngọc Hiếu - Lê Minh Thu