Một số giải pháp huy động nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số phục vụ phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Lai Châu
09:42 05/04/2013 Lượt xem: 669 In bài viếtLai Châu có diện tích tự nhiên là 9.112,3 km2, dân số khoảng 370.000 người thuộc hơn 20 dân tộc khác nhau. Địa hình Lai Châu chia cắt phức tạp, đất đai phần lớn có độ dốc cao, xa các trung tâm kinh tế lớn; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội kém phát triển; nền kinh tế chủ yếu là tự cấp, tự túc. Mặc dù đã có những bước phát triển, nhưng đến nay, Lai Châu vẫn là một trong những tỉnh nghèo nhất nước ta, có 66 xã đặc biệt khó khăn, 21 xã biên giới; trên 40% hộ nghèo; nguồn nhân lực vừa thiếu về số lượng vừa yếu về chất lượng, chất lượng lao động thấp, tỷ lệ người lớn biết chữ chỉ đạt 57,4%. Việc tìm tòi chuyển hướng đi mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có ý nghĩa hết sức quan trọng giúp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập và xóa đói giảm nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây..
Dựa trên các cơ sở thực tiễn, ngày 5/2/2008, Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu đã ban hành Nghị quyết số 145/2008/NQ-HĐND về Chương trình Phát triển cây cao su đến năm 2015, ngày 22/9/2011 UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Quyết định số 1109/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch phát triển cao su đại điền đến năm 2020. Theo đó diện tích cây cao su trên địa bàn tỉnh Lai Châu vào năm 2020 sẽ là 30.000 ha và dự kiến sẽ xây dựng 06 nhà máy trên địa bàn 3 huyện Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ. Tổng nhu cầu lao động dự tính đáp ứng cho diện tích cao su trên vào năm 2020 là 12.897 người, trong đó lao động trồng, chăm sóc vườn cây là 5.268 người, lao động khai thác mủ là 6.400 người, lao động chế biến, vận sản phẩm là 1.200 người,… Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mang lại thu nhập cao và ổn định cho hàng vạn lao động và hộ gia đình trên địa bàn 05 huyện của tỉnh.
Năm 2008, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã thành lập 02 doanh nghiệp trồng cao su đại điền tại 03 huyện Sìn Hồ, Phong Thổ, Mường Tè. Đến hết năm 2011, tổng diện tích cao su đã trồng là trên 8.000 ha. Trong 3 huyện thì Sìn Hồ được công ty cao su trồng sớm nhất và hiện có diện tích cây cao su lớn nhất. Tại các xã vùng thấp của huyện Sìn Hồ, cây cao su đã trồng được gần 4 năm tỷ lệ cây chết thấp, tốc độ sinh trưởng, phát triển tốt, sinh khối đảm bảo so với các yêu cầu về kỹ thuật.
Tính đến 30/9/2011, tổng số cán bộ, công nhân viên thuộc 02 công ty cổ phần cao su của tỉnh là 1.828 người. Trong đó, lao động gián tiếp là 182 người, lao động trực tiếp 1.646 người. Để đáp ứng yêu cầu trồng cây cao su, các công ty còn ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng, để làm những công việc có tính chất mùa vụ, bình quân mỗi tháng khoảng 300 người. Đã có khoảng trên 300 hộ dân thuộc vùng thực hiện dự án đã nhận khoán trồng, chăm sóc cây cao su với công ty cao su. Mức thu nhập bình quân đối với lao động gián tiếp từ 3,5 triệu đến 5,4 triệu đồng/người/tháng; đối với lao động trực tiếp từ 1,9 triệu đến 2,7 triệu đồng/người/tháng; đối với lao động mùa vụ là 2,8 triệu đồng/người/tháng; đối với hộ gia đình nhận khoán, thu nhập bình quân khoảng 2 triệu đồng/hộ/tháng.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của hai công ty cao su hiện nay là thiếu lao động. Theo báo cáo của hai công ty cao su, thì nhân lực tại chỗ mới chỉ đáp ứng được khoảng 26% nhu cầu về lao động đối với Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu và 15% đối với Công ty Cao su II. Chính vì thế đến cuối năm 2011, Công ty Cao su II mới thực hiện trồng trên 50% diện tích đất được bàn giao. Tại xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè có trên 90% số công nhân vào làm việc cho Công ty Cao su II, sau 1 năm đã bỏ việc vì lý do lương thấp và trả chậm. Tiếp xúc với đại diện các hộ dân tại xã Ma Quai cũng cho thấy số lượng thanh niên dân tộc thiểu số tham gia làm công nhân rất ít, một số vào làm công nhân thời gian ngắn lại bỏ việc vì lương thấp, chậm thanh toán và không rõ ràng.
Việc huy động nhân lực là người dân tại chỗ gặp khó khăn, vì thế trong những năm vừa qua, tỉnh Lai Châu đã phải huy động cả lực lượng quân đội, công an, cán bộ, công chức trên địa bàn tham gia trồng cao su, để đảm bảo đạt chỉ tiêu và đúng tiến độ đề ra. Tuy nhiên bắt đầu từ năm 2010 hai công ty cao su phải tự thân huy động nguồn nhân lực và họ đã thực sự gặp khó khăn khi số lượng lao động không thể đáp ứng nhu cầu để thực hiện các chỉ tiêu sản xuất đề ra. Để khắc phục tình trạng này, 2 công ty đã phải tuyển dụng nhiều công nhân lao động trực tiếp ở tỉnh khác.
Nguyên nhân của thực trạng trên có thể được phân thành 2 nhóm chính như sau:
Một là, do đặc điểm phân bố dân cư.
Dân cư phân bố phân tán, sống xa nơi trồng cao nên dẫn đến việc huy động, di chuyển lao động rất khó khăn, trong khi các công ty mới trong giai đoạn thành lập và đi vào hoạt động, năng lực tài chính còn hạn chế nên chưa xây dựng được các làng công nhân cao su dành cho người lao động. Việc lập làng công nhân mới chỉ là ý tưởng, các công ty cao su chưa thể thực hiện được vì chi phí lập làng là khá tốn kém.
Hai là, nhóm nguyên nhân xuất phát từ những yếu tố xã hội.
Tác phong công nghiệp kém, các dịp cưới xin, ma chay, hội hè người lao động tự ý nghỉ việc, ảnh hưởng đến tiến độ. Ngoài ra do thói quen hay uống rượu, nghiện hút, say xỉn làm giảm sức lực, không đảm bảo lao động. Một số người có tư tưởng tự ti, tự tôn dân tộc, một số dân tộc có tâm lý không muốn là người đi làm thuê cho dân tộc khác.
Đa số người dân đều cho rằng ưu tiên quan trọng nhất là sản xuất ra lương thực để đảm bảo duy trì cuộc sống của gia đình trong cả năm, việc tham gia sản xuất cây cao su khi công việc sản xuất đồng áng của họ đã hoàn tất. Nếu tham gia làm công nhân cao su sẽ không có người làm việc gia đình, một số đồng bào không muốn cho con em tham gia làm công nhân.
Ba là, các cán bộ công ty cao su và người dân chưa thực sự hiểu nhau.
Các cán bộ của 2 công ty cao su chủ yếu là người Kinh từ nơi khác đến nên chưa có kiến thức, hiểu văn hóa, đặc điểm và tâm tư nguyện vọng của đồng bào các dân tộc. Các công ty cũng như chính quyền đã tích cực tuyên truyền vận động nhưng hiệu quả tác động đến đồng bào chưa cao. Về phía người dân, đồng bào dân tộc Thái gọi các cán bộ của công ty cao su là “Kinh đen”, do đa số cán bộ của công ty là người Hà Tĩnh tiếng nói khó nghe hơn vùng khác.
Bốn là, nhóm nguyên nhân về lợi ích kinh tế.
Các công ty cao su thanh toán lương chậm. Qua tiếp xúc cho thấy một số người ở xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ đã 7 tháng chưa được thanh toán lương. Người lao động thì muốn làm việc có tiền ngay, thanh toán sòng phẳng, đơn giản, càng ít thủ tục càng tốt, trong khi đó công ty thì cho rằng việc thanh toán phải theo hợp đồng, qua nhiều quy trình thủ tục. Do không tháo gỡ kịp thời, người dân không muốn làm cho công ty, một số thanh niên không muốn vào làm công nhân.
Người dân cho rằng qui định cổ phần góp đất trồng cao su với giá trị tương đương 10 triệu/ha là không thỏa đáng, việc xác định quyền lợi giữa công ty với các hộ dân chưa được làm rõ. Bên cạnh đó, việc xác định diện tích đền bù đang có những vướng mắc do phía công ty chỉ thanh toán phần diện tích có thể trồng được, còn đất có đá, khe suối thì không chấp nhận,...
Trên địa bàn một số công trường xây dựng dân dụng, công trình thủy điện…trả người lao động với mức lương cao hơn nhiều, chế độ thanh toán sòng phẳng, nhanh chóng, vì thế một số người đã bỏ các công ty cao su để đến làm việc tại công trường.
Để đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực phát triển cao su theo qui hoạch đề ra, xuất phát từ những vấn đề về thực trạng nguồn nhân lực 3 huyện và thực trạng huy động nhân lực tham gia trồng cây cao su trong thời gian qua thì việc thực hiện các nhóm giải pháp sau: Giải quyết hài hòa lợi ích người lao động, cộng đồng các dân tộc thiểu số và lợi ích doanh nghiệp là vấn đề cốt lõi, để có thể huy động được nguồn nhân lực tham gia một cách tích cực, đồng thời tạo mối quan hệ gắn bó lâu dài, bền vững giữa đồng bào các dân tộc với các công ty cao su. Nếu các công ty chỉ chú trọng lợi ích của mình, thì chắc chắn không thể huy động được nguồn nhân lực vào phát triển cây cao su và có thể xảy ra các xung đột, tranh chấp đất đai trong tương lai gần.
Chú trọng phát triển công tác giáo dục và đào tạo, coi đây là con đường cơ bản để phát phát triển nguồn nhân lực, nhanh chóng xây dựng mạng lưới các trường từ mầm non đến trung học phổ thông. Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng đào tạo của hệ thống giáo dục. Đào tạo, dạy nghề cho lao động là người dân tộc thiểu số cần tuân thủ các nguyên tắc: Một là, chương trình dạy nghề phù hợp với trình độ giáo dục, văn hóa, phong tục, tập quán của người dân các dân tộc thiểu số. Không nên dạy quá nhiều lý thuyết, mà cần nhiều thời gian cho thực hành, phương pháp chủ yếu trong đào tạo là cầm tay, chỉ việc. Hai là, nên tổ chức các lớp học, đào tạo huấn luyện tại cộng đồng, trên cánh đồng. Ba là, tài liệu dùng trong giảng dạy nên ít chữ, nhiều hình ảnh minh họa và cần có các giáo cụ trực quan, sinh động.
Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các công ty cao su cần tăng cường hơn nữa việc giáo dục, nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc tham gia vào quá trình phát triển cây cao su; vận động đồng bào từng bước thay đổi tập quán, tác phong. Các công ty cần mở các lớp học tìm hiểu kiến thức căn bản về văn hóa, con người và phương pháp công tác trên địa bàn cho cán bộ, nhân viên công ty. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho người dân hiểu về chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc hoạt động, yêu cầu và tác phong công nghiệp của người lao động làm việc ở các công ty. Tổ chức các hoạt động giao lưu, sinh họat thường xuyên giữa lãnh đạo, đoàn thể các công ty với người dân và cộng đồng, nhằm tăng cường hiểu biết và xây dựng mối quan hệ đoàn kết, đồng thuận, trên cơ sở tôn trọng, cảm thông, chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau giữa công ty và đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ.
Lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng nguồn nhân lực phục vụ phát triển cây cao su. Huy động nguồn ngân sách nhà nước cấp qua các chương trình chính sách như Nghị quyết 30a, Chương trình 135, Quyết định 120, Chương trình Nông thôn mới; Chương trình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp… Lồng ghép các chương trình dự án phát triển nguồn nhân lực, tổ chức tự thực hiện các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng là giải pháp quan trọng phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển cây cao su.
Qui hoạch phân bố dân cư phù hợp với sản xuất cao su. Nên lựa chọn các khu vực sản xuất theo hướng bố trí gần các khu vực dân cư nằm trong vùng quy hoạch phát triển cao su, đảm bảo cự ly đi làm của công nhân không quá 3,0 km. Để phát triển bền vững các công ty cần xem xét xây dựng các làng công nhân cao su trên những địa bàn có diện tích trồng cây cao su lớn, theo hướng: Trung bình khoảng 400 ha đến 500 ha cao su nên bố trí xây dựng 01 nhà đội và nhà ở công nhân. Từ 3 đến 5 đội hình thành 01 nông trường sản xuất, mỗi nông trường cần xây dựng 01 làng công nhân. Làng công nhân nên xây dựng tại trung tâm vùng nguyên liệu, gần đường giao thông, nơi có thể tiếp cận được các hệ thống hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, thông tin liên lạc, hạ tầng giáo dục, y tế, vừa thuận tiện cho việc điều hành sản xuất, vừa đảm bảo điều kiện sinh hoạt, phúc lợi xã hội của công nhân.
Để xây dựng nguồn nhân lực phục vụ phát triển cây cao su, đòi hỏi Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân và các đoàn thể của tỉnh Lai Châu phối hợp chặt chẽ với các công ty cao su, nhằm huy động đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu trồng, khai thác cao su theo qui hoạch đề ra.
TS. Phan Văn Hùng
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc