Giáo dục song ngữ giải pháp giúp trẻ học tốt tiếng Việt
10:16 25/03/2013 Lượt xem: 847 In bài viếtNhằm tìm kiếm và triển khai các giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, khắc phục rào cản ngôn ngữ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số, từ thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm thành công về giáo dục song ngữ của một số nước trên thế giới, Bộ Giáo dục - Đào tạo và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) đã triển khai nghiên cứu thử nghiệm giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ ở Việt Nam.
Sau một thời gian triển khai và thực hiện thành công một số mô hình phù hợp và khả thi về giáo dục song ngữ với 3 thứ tiếng: Mông, Gia Rai, Khmer và tiếng Việt với quy mô nhỏ tại 3 tỉnh Lào Cai, Gia Lai và Trà Vinh; cơ sở giúp trẻ em dân tộc thiểu số bậc mầm non và tiểu học học tốt tiếng Việt, tiền đề để các em tiếp thu kiến thức trong nhà trường thuận lợi. Quá trình nghiên cứu việc giảng dạy ngôn ngữ dân tộc thiểu số, với tư cách ngôn ngữ thứ nhất, tiếng Việt với tư cách ngôn ngữ thứ hai và mối quan hệ giữa hai ngôn ngữ trong quá trình học tập của trẻ mẫu giáo 5 tuổi và học sinh tiểu học. Nghiên cứu quá trình học tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt của trẻ dân tộc thiểu số; việc trẻ sử dụng cả hai ngôn ngữ để tiếp nhận kiến thức trong quá trình học tập.
Trong hai năm triển khai giáo dục song ngữ mầm non (2008-2009 và 2009-2010), trẻ học tại lớp song ngữ được phát triển toàn diện trên cả 5 lĩnh vực: Thể chất, Nhận thức, Phát triển ngôn ngữ và giao tiếp, Tình cảm xã hội và Thẩm mỹ. Ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ của trẻ phát triển rõ rệt, khả năng giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ khá lưu loát. Trẻ biết cách diễn đạt suy nghĩ, biết sử dụng ngôn ngữ để mô tả hành động, sự việc trong một bức tranh. Khi kể lại một câu chuyện đã học, trẻ còn mô tả tình cảm bằng hành động và lời kể khá hay và hấp dẫn. Đối với tiếng Việt thì hàng ngày trẻ được làm quen qua kỹ năng nghe, nói. Hầu hết trẻ mạnh dạn và tương đối tự tin khi trả lời các câu hỏi bằng tiếng Việt. Trẻ biết nghe, hiểu được những câu nói đơn giản, sử dụng các câu trong giao tiếp, biết xin lỗi, cảm ơn và trả lời các câu hỏi đơn giản. Qua thực tế khảo sát cho thấy, trẻ tương đối mạnh dạn và linh hoạt, biết dùng từ tiếng mẹ đẻ thay cho một số ít từ tiếng Việt bị quên và khi được gợi ý thì trẻ nhớ lại ngay và trả lời đúng yêu cầu của câu hỏi. Trẻ có khả năng nghe và hiểu được nội dung một câu chuyện đơn giản, quen thuộc bằng tiếng Việt.
Kết quả khảo sát ở mầm non khi thực hiện giáo dục song ngữ, các địa phương yên tâm về chất lượng. Với cả hai lứa mẫu giáo 5 tuổi, trẻ đều mạnh dạn, tự tin, tiếp thu kiến thức thuận lợi, nhanh. Trẻ thích đi học, tỷ lệ chuyên cần cao (gần 100%), duy trì sĩ số đạt 100% ở hầu hết các lớp song ngữ. Có nhiều trẻ đã thể hiện khả năng nhận thức, giao tiếp, sáng tạo và tưởng tượng tốt. Nhiều trẻ tự tin trả lời các câu hỏi bằng tiếng Việt với nội dung kiến thức toán và “đọc” truyện tranh khá lưu loát. Ví dụ như ở trường mầm non Bản Phố có 3 trẻ đi dự giao lưu tiếng Việt cấp huyện đều đạt giải Ba.
Trong ba năm triển khai giáo dục song ngữ bậc Tiểu học (2009-2010, 2010-2011, 2011-2012) với cả 3 nhóm dân tộc, ưu thế mạnh nhất của chương trình giáo dục song ngữ có thể nhận thấy rõ là học sinh lớp 1 thích tới trường, thích đi học. Ở trường, học sinh tỏ ra mạnh dạn trong giao tiếp và trong các hoạt động học tập, vui chơi. Sự tham gia của học sinh trong các hoạt động học tập chủ động, tự nhiên hơn. Không có ảnh hưởng của rào cản ngôn ngữ trong những ngày đầu tham gia vào môi trường học tập mới. Kết quả môn tiếng Việt ở cả 3 tỉnh cho thấy mức độ tương đồng với kết quả đọc, viết tiếng mẹ đẻ. Tức là học sinh đọc, viết tiếng mẹ đẻ tốt thì khả năng nghe, nói tiếng Việt của các em cũng tốt và ngược lại. Với thời gian 9 tháng học tiếng Việt cùng thực tế chương trình và sách lần đầu tiên thử nghiệm, chúng ta đánh giá cao khả năng nghe, nói tiếng Việt của các em. Chắc chắn rằng kết quả này có sự tham gia hỗ trợ tích cực từ phía các thầy cô giáo, nhà trường, gia đình và cộng đồng.
Sau một năm triển khai thực hiện giáo dục song ngữ ở lớp 1 cấp Tiểu học, bước đầu đã đạt những kết quả khả quan. Học sinh đã đạt được những yêu cầu về kiến thức kỹ năng của tiếng mẹ đẻ, tiếng Việt, Toán và các môn học khác. Học bằng tiếng mẹ đẻ, học sinh linh hoạt, mạnh dạn và thích đến trường. Không có tình trạng học sinh bỏ học. 100% học sinh lớp song ngữ được lên lớp. Tài liệu chương trình song ngữ về cơ bản đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng và phù hợp về văn hoá của các dân tộc thiểu số. Hỗ trợ kỹ thuật đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của giáo viên và cán bộ quản lý trong quá trình thực hiện nội dung, chương trình giáo dục song ngữ.
Trong bối cảnh về giáo dục vùng dân tộc thiểu số hiện nay, việc triển khai giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ có ý nghĩa quan trọng là một hướng tiếp cận, góp pần khắc phục những hạn chế rào cản về ngôn ngữ đối với trẻ em; từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục vùng dân tộc thiểu số. Mặt khác thông qua chương trình nghiên cứu, góp phần bảo tồn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số, bảo tồn phát huy vốn văn hoá truyền thống của cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam, mang lại sự công bằng trong thực hiện chính sách ngôn ngữ nói riêng, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đối với các dân tộc thiểu số nói chung.
Một trong những nguyên nhân thành công ban đầu của giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ là đã khai thác và phát huy được sức mạnh của các nguồn lực, mà trong đó, nguồn lực quan trọng được khai thác và phát huy chính là sự tham gia của cộng đồng, của cha mẹ học sinh và nguồn lực của chính đứa trẻ; đồng thời giáo dục song ngữ đã thể hiện và tuân thủ một nguyên tắc rất cơ bản của giáo dục nói chung và ngôn ngữ nói riêng, đó là: Dạy cho trẻ những cái chưa biết trên cơ sở, nền tảng những cái đã biết, đã được trải nghiệm. Nghiên cứu thử nghiệm được Bộ Giáo dục-Đào tạo xác định là một trong các phương án định hướng chỉ đạo dạy học tiếng Việt lớp 1 cho học sinh dân tộc chưa biết nói tiếng Việt. Kết quả thực tế ban đầu sau 3 năm đã chứng minh giáo dục song ngữ là một hướng đi đúng, chất lượng giáo dục ở các trường tham gia nghiên cứu thử nghiệm được nâng lên rõ rệt. Học sinh thích đến trường. Phụ huynh tin tưởng và phấn khởi trước sự tiến bộ của con em mình.
Thu Trà