Tư tưởng, tình cảm của Hồ Chí Minh với đồng bào các dân tộc thiểu số

09:14 11/04/2013 Lượt xem: 770 In bài viết
<xmp style="DISPLAY: inline" id="9669" tabindex="-1" contenteditable="false">Quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh về bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, cũng như cách xem xét, đánh giá và phương pháp giải quyết các vấn đề nảy sinh ở vùng dân tộc thiểu số của Bác Hồ, đến hôm nay khi chúng ta đang đối mặt với những tiềm ẩn phức tạp về an ninh, trật tự xã hội ở vùng dân tộc, miền núi chúng ta lại thấy những vấn đề đó có ý nghĩa thời sự sâu sắc.

Vì vậy việc nghiên cứu làm sáng tỏ cơ sở lý luận và thực tiễn tư tưởng, tình cảm của Bác Hồ về các dân tộc thiểu số ở nước ta là việc làm rất cần thiết của nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu, trước hết là những người làm công tác dân tộc.

1- Tư tưởng, tình cảm Hồ Chí Minh về đồng bào các dân tộc thiểu số trước hết bắt nguồn từ tư tưởng về sự thống nhất giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp.

Ra đi tìm đường cứu nước, qua hầu hết các châu lục, Hồ Chí Minh nhận thấy rõ ở một nước thuộc địa vấn đề đấu tranh giành quyền độc lập dân tộc là cao hơn hết thảy. Song cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đó phải gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp vô sản và các tầng lớp nhân dân lao động. Từ đó, Hồ Chí Minh đã phân tích sâu sắc mối quan hệ dân tộc và giai cấp, dân tộc và thời đại. Người đã phân tích sâu sắc tình hình ở Đông Dương do kinh tế chưa phát triển nên sự phân hóa giai cấp chưa triệt để, vì vậy đối với Việt Nam và ở một số nước châu Á, Phi, Mỹ La tinh, chỉ có giải phóng dân tộc mới giải phóng được giai cấp, giải phóng dân tộc đã bao hàm giải phóng giai cấp, tạo tiền đề cho giải phóng giai cấp, chứ không phải giải quyết vấn đề giai cấp rồi mới giải quyết vấn đề dân tộc như ở phương Tây. Hồ Chí Minh kết luận: Đối với các dân tộc thuộc địa, chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước. Vì vậy đại đoàn kết dân tộc trên cơ sở liên minh giai cấp công nhân, nông dân và tầng lớp trí thức là chiến lược, là sức mạnh to lớn đưa cách mạng Việt Nam đến thành công.

Đặt trong điều kiện những năm đầu thế kỷ XX, khi mà Quốc tế Cộng sản đang chỉ đạo đặt giải phóng giai cấp lên trên hết , khi mà trong nội bộ Đảng ta nhiều người còn có ý kiến khác nhau; nhìn lại việc chủ nghĩa dân tộc đang nổi lên chi phối thế giới ngày nay, chúng ta càng thấy tầm nhìn xuyên thế kỷ của Bác Hồ.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Bác Hồ hết sức quan tâm đến việc hoạch định và thực hiện chính sách dân tộc. Người đã vận dụng sáng tạo 3 nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lênin: “Đoàn kết, bình đẳng, tương trợ”. Bác nói: “Đồng bào các dân tộc phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ nhau như anh em một nhà”, “Các cấp bộ đảng phải thi hành đúng đắn chính sách dân tộc, thực hiện đoàn kết, bình đẳng, tương trợ giữa các dân tộc”.

Bắt nguồn từ truyền thống gắn bó, cố kết lâu đời trong lịch sử dựng nước và giữ nước, các dân tộc chung lưng đấu cật để chống ngoại xâm, chống thiên tai, nên Hồ Chí Minh luôn đề cao tinh thần đoàn kết dân tộc; mặc dù trong hoàn cảnh phải đối phó với thù trong, giặc ngoài, đặc biệt là quân Pháp đang áp sát biên giới, nhưng ngày 19/4/1946, Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam được tổ chức tại thị xã Pleiku với hơn 1.000 người tham dự. Trong thư gửi đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết : “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia rai hay Ê đê, Xê đăng hay Bana và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả các dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta... Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”.

Cùng với đoàn kết, bình đẳng cũng là nguyên tắc quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc. Nó xuất phát từ quyền cơ bản của con người, đã được Người thể hiện trong Tuyên ngôn độc lập "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do". Quyền bình đẳng dân tộc thực chất là quyền bình đẳng của con người trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Ở trong một quốc gia - dân tộc, quyền bình đẳng đó thể hiện ở chỗ mọi lợi ích, nhu cầu, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc đều được đáp ứng, và giữa các dân tộc có sự phát triển đồng đều về mọi mặt. Tuy nhiên, ở nước ta, do nhiều nguyên nhân nên tình trạng chênh lệch về trình độ phát triển giữa các dân tộc vẫn còn tồn tại khá rõ nét. Thấu hiểu điều đó nên Người khẳng định, để xây dựng đất nước giàu mạnh thì trước hết phải làm cho các dân tộc được bình đẳng. Người cũng chỉ rõ quyền bình đẳng phải được thể hiện trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, văn hoá. Để có được quyền bình đẳng, các dân tộc phải phấn đấu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, phải giác ngộ về quyền lợi và nghĩa vụ của mình, phải đoàn kết tương trợ nhau để toàn dân tộc mau chóng đạt được sự bình đẳng đó.

Từ truyền thống đoàn kết, đùm bọc, tương thân, tương ái của các dân tộc, từ chủ nghĩa nhân đạo cao cả, Hồ Chí Minh đã nâng lên thành nguyên tắc tương trợ. Có thể nói đây là một nét độc đáo trong tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc. Trong nhiều bài nói, bài viết, Người luôn nhắc nhở Đảng, căn dặn cán bộ phải thương yêu, quan tâm đến lợi ích của nhân dân. Người cũng nhắc nhở các dân tộc đa số hay thiểu số phải coi nhau như anh em ruột thịt, no đói sướng khổ có nhau “Chúng ta phải thương yêu, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta". Đề ra nguyên tắc đoàn kết, bình đẳng tương trợ, đồng thời Hồ Chí Minh cũng phê phán những biểu hiện sai trái tiêu cực. Người chỉ rõ từng căn bệnh "Người dân tộc lớn thường mắc bệnh kiêu ngạo. Cán bộ địa phương, nhân dân địa phương lại dễ cho mình là dân tộc nhỏ bé, tự ti, cái gì cũng cho rằng mình không làm được, rồi không cố gắng, đó là điều cần tránh". Nhìn lại việc thực hiện chính sách dân tộc ở Liên Xô trước đây và một số nước xã hội chủ nghĩa chúng ta đã rút ra bài học về việc cảnh giác phòng ngừa tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi... Từ đó, càng thấy quan điểm của Người thật đúng đắn và sâu sắc.

2- Chủ tịch Hồ chí Minh đánh giá cao vị trí trọng yếu của vùng dân tộc miền núi. Tư tưởng Hồ chí Minh về các dân tộc thiểu số còn bắt nguồn từ việc Bác Hồ hiểu rõ vị trí trọng yếu của vùng dân tộc, miền núi. Người nói “Đồng bào miền núi chiếm 1/5 tổng số nhân dân nước ta, miền núi chiếm 2/3 tổng diện tích nước ta và có hơn 3.000 cây số biên giới. Tục ngữ có câu: rừng vàng biển bạc, câu đó rất đúng. Miền núi có tài nguyên rất phong phú, có nhiều khả năng để mở mang nông nghiệp và công nghiệp. Những điểm đó nói rõ rằng miền núi có một địa vị cực kỳ quan trọng về kinh tế, chính trị và quốc phòng của cả nước ta”. Khi đi thăm các tỉnh biên giới và biển đảo, bác Hồ luôn nhấn mạnh vị trí “căn cứ địa cách mạng”, “nơi có nhiều dân tộc”, “nơi tiếp giáp các nước láng giềng”.

Bác Hồ nhấn mạnh tầm quan trọng về chính trị: giáp các nước láng giềng, nơi thể hiện đường lối đối ngoại, thể hiện độc lập chủ quyền quốc gia, làm việc gì đều ảnh hưởng đến uy tín của quốc gia, là nơi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, là nơi thể hiện đại đoàn kết dân tộc, thể hiện chính sách dân tộc. Về kinh tế: miền núi có nhiều tài nguyên phong phú, đất đai để phát triển nông nghiệp và chế biến, tiềm năng phát triển khai khoáng, năng lượng thủy điện, phát triển rừng để bảo vệ sự cân bằng sinh thái. Về quốc phòng: đó là địa đầu, là nơi phòng thủ bảo vệ tổ quốc, là căn cứ địa cách mạng.

3- Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng phẩm chất trung thành,chất phác, tận tụy của đồng bào dân tộc thiểu số và dành cho đồng bào tình cảm rất sâu sắc.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ có nhiều năm công tác, sinh sống với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là những năm tháng gian khổ khó khăn “ngàn cân treo sợi tóc”, những phẩm chất trung thành, chịu đựng hy sinh, sống chất phác, tận tụy với công việc của đồng bào dân tộc thiểu số đã hun đúc nên tình cảm rất sâu sắc của Bác Hồ. Đó là những rung động được hình thành trên nền tảng chủ nghĩa nhân văn sâu sắc đồng thời đó còn là sự cảm nhận trong thực tiễn tình nghĩa sâu nặng của đồng bào với cách mạng và với chính bản thân Bác Hồ. Không có thực tiễn đó, không thể có sự rung động chân thành, thực lòng như thế được.

Ngày 23/11/1945, khi tiếp đoàn đại biểu tỉnh Tuyên Quang, Bác Hồ nói: “Trước khi nước ta được độc lập, các đồng bào trên đó ai nấy đã nhiệt tâm yêu nước, yêu nòi, đã gắng sức giúp anh em Việt Minh trong cuộc vận động giải phóng rất nhiều. Chính tôi có đi qua miền các anh em ở, tới đâu cũng nhận thấy anh em Thổ, Mán ai nấy đều một lòng mong tổ quốc độc lập, oán ghét bọn giặc xâm lăng ... tôi nhờ anh chị em về nói với đồng bào trên ấy biết rằng đồng bào Kinh và chính phủ rất thương mến đồng bào”. Bác Hồ luôn nhắc nhở chính phủ, căn dặn cán bộ phải nhớ công ơn của đồng bào; sau các thắng lợi của từng chiến dịch, Bác Hồ đều gửi thư khen ngợi và khẳng định Chính phủ luôn ghi nhớ những công lao của đồng bào.

Ngày 26/2/1947, trong bức thư gửi đồng bào thượng du, người viết: “Trong cuộc kháng chiến cứu quốc này, đồng bào thiểu số đã tỏ lòng nồng nàn yêu nước... tôi thay mặt chính phủ cảm ơn đồng bào và trân trọng hứa rằng: đến ngày kháng chiến thành công, tổ quốc và chính phủ sẽ luôn luôn ghi nhớ những công lao của đồng bào”.

Ngày 3/12/1945, hội nghị toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội, người đã nói: “Anh em thiểu số chúng ta sẽ được: 1-Dân tộc bình đẳng, chính phủ sẽ bãi bỏ hết những hủ tục cũ, bao nhiêu bất bình đẳng trước sẽ sửa chữa đi. 2- Chính phủ sẽ gắng sức giúp cho các dân tộc thiểu số về mọi mặt: a, Về kinh tế, sẽ mở mang nông nghiệp cho các dân tộc được hưởng; b,Về văn hóa, chính phủ sẽ chú ý trình độ học thức cho dân tộc, các dân tộc được tự do bày tỏ nguyện vọng và phải cố gắng để cùng giành cho bằng được độc lập hoàn toàn, tự do và thái bình”.

4- Bác Hồ quan tâm xây dựng các khu căn cứ địa, phát động phong trào cách mạng ở vùng dân tộc miền núi.

Ngày 27/9/1940, dưới sự lãnh đạo của Đảng, khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ; Các chiến khu Ngọc Trạo, Đông Triều Quảng Ninh đã hình thành thế liên hoàn của du kích Bắc Sơn, trở thành những căn cứ lớn của cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa.

Ngày 8/1/1941, Hồ Chủ tịch vượt cột mốc biên giới về hang Pắc Bó, Hà Quảng, Cao Bằng trong sự chở che, bảo vệ, nuôi dưỡng của đồng bào các dân tộc nơi đây. Cũng tại nơi này hội nghị Trung ương Đảng ta lần thứ VIII do Hồ Chủ tịch chủ trì đã quyết định đường lối xây dựng các tổ chức cách mạng, thành lập mặt trận đoàn kết thống nhất dân tộc, gọi tắt là mặt trận Việt Minh; xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chuẩn bị các điều kiện và thời cơ thuận lợi tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

Cũng tại khu căn cứ địa cách mạng Việt Bắc, quốc dân Đại hội ra mệnh lệnh tổng khởi nghĩa, thành lập chính phủ lâm thời; hợp nhất Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân với Cứu quốc quân thành Giải phóng quân Việt Nam.

Ở vùng Tây Bắc, bắc Trung bộ ngay từ năm 1930-1931, cơ sở Đảng trong vùng dân tộc Thái đầu tiên được thành lập tại xã Môn Sơn, Con Cuông, Nghệ An. Năm 1940-1941, các chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên cũng được ra đời tại vùng có đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Thanh Hóa. Nhiều tổ chức người Hoa được thành lập như “Tiến Đức xã”, “Hải Yến xã”, “Liên quân” ; Hội ủng hộ Issarăk, Hội Cao Miên tự do, Ban Sãi Vận hoạt động rộng khắp trong vùng đồng bào Khmer ; đại đội Chế Bồng Nga của đồng bào Chăm; tiểu đoàn N’TrangLơng của người M’Nông, Ê Đê, Gia Rai; đại đội Kông Prông của người Ba Na; tiểu đoàn Sơn Hà, Đinh Trọng của người H’Rê, làng Stor do anh hùng Núp lãnh đạo, đã ghi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta một chiến công chói lọi.

Một vinh dự to lớn của nhân dân các dân tộc là Điện Biên Phủ được chọn làm trận quyết chiến điểm, quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp; Buôn Ma Thuột được chọn làm điểm đột phá khẩu, mở đầu chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta đã chứng minh tính đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh về vị trí trọng yếu về quốc phòng an ninh của vùng dân tộc miền núi, là căn cứ địa cách mạng, là chỗ dựa vững chắc, nơi trực tiếp cung cấp nhân tài vật lực cho các chiến trường, nơi xuất phát của các chiến dịch vĩ đại của dân tộc. Bản chất của đồng bào các dân tộc thiểu số là sống thật thà, một lòng theo Đảng và Bác Hồ, trung thành với lợi ích của Tổ quốc, hi sinh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đoàn kết gắn bó với đồng bào Kinh, giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là truyền thống đoàn kết yêu nước, là sức mạnh vô địch của dân tộc Việt Nam.

5- Bác Hồ quan tâm, chăm lo đào tạo bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số.

Để chuẩn bị cho phong trào cách mạng lâu dài, Bác Hồ rất tin tưởng vào đức tính trung thực, thật thà, chất phác của đồng bào dân tộc thiểu số nên người đã lựa chọn thanh niên ưu tú của các dân tộc thiểu số ở Cao Bằng, Lạng Sơn đưa sang Trung Quốc đào tạo, rồi cử về xây dựng cơ sở trong nước; tiêu biểu có đồng chí Hoàng Đình Dong và Hoàng Văn Thụ. Năm 1927 hai anh đã tham gia tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên trong vùng ra đời tại Lạng Sơn vào năm 1929, với 3 Đảng viên dân tộc thiểu số là Hoàng Đình Dong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Như, sau đó phát triển thêm nhiều đảng viên người địa phương.

Ngày 22/12/1944, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, Cao Bằng. Trong 34 chiến sĩ đầu tiên, có 29 chiến sĩ là người dân tộc thiểu số. Đó là những chiến sĩ ưu tú góp phần xây dựng nên lực lượng vũ trang hùng mạnh của quân đội ta.

Nhiều cán bộ người dân tộc thiểu số được Bác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng như Chu Văn Tấn, Lê Quảng Ba, Đàm Quang Trung, Y ngông N'Đăm, Hoàng Văn Phùng, Y wang Mlô Duôn Du, Hồng Tiến, Nhị Quý, Lâm Phái, Cư Hòa Vần... Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại nhiều bàip học sâu sắc về việc tranh thủ nhân sỹ, trí thức, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số như trường hợp cụ Vương Chí Sình, Vừ Chông Pao; khi giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh trật tự ở vùng dân tộc thiếu số, bao giờ Bác Hồ cũng lấy giáo dục, thuyết phục làm trọng, với một tấm lòng bao dung, nhân văn sâu sắc, thu phục lòng người.

TS. Hoàng Xuân Lương

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc