Dạy và học tiếng nói, chữ viết của người dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên - Huế một yêu cầu bức thiết.

10:14 25/03/2013 Lượt xem: 1693 In bài viết
<xmp style="DISPLAY: inline" id="9669" tabindex="-1" contenteditable="false">

Ở Thừa Thiên Huế, có 2 dân tộc thiểu số chính là Tà Ôi (bao gồm Pa Kô và Pa Hy) cư trú chủ yếu ở địa bàn huyện A Lưới và Cơ Tu cư trú chủ yếu ở địa bàn huyện Nam Đông. Người Tà Ôi và Ka Tu đều có tiếng nói riêng. Ngay từ những năm kháng chiến chống Pháp, Cụ Hồ Ngọc Mỹ, một cán bộ tiền khởi nghĩa ( hiện nay là lão thành cách mạng) được Đảng giao nhiệm vụ thường xuyên bám trụ tại địa bàn huyện A Lưới, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con các dân tộc thiểu số để tuyên truyền và vận động đồng bào giác ngộ và tích cực tham gia công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng giao, Cụ đã tự học tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số và tự nghiên cứu xây dựng bộ chữ viết tiếng dân tộc thiểu số bằng bộ chữ cái Latinh để dạy đồng bào học chữ của chính dân tộc mình, thông qua đó để tuyên truyền, vận động và làm phương tiện để thực hiện các nhiệm vụ cách mạng. Nhờ vậy, đồng bào dân tộc thiểu số đã từng bước sử dụng ngôn ngữ của mình bằng chữ viết để trao đổi thông tin cho nhau và làm nhiệm vụ của cách mạng giao.

Kế thừa thành quả đó, sau ngày giải phóng, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học đã xây dựng những bộ chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số bằng bộ chữ cái Latinh, in thành những cuốn sách dạy tiếng dân tộc Pa Kô - Tà Ôi và Cờ Tu để sử dụng. Tuy nhiên, việc xuất bản các cuốn sách nói trên chủ yếu được sử dụng làm sách dạy tiếng nói và chữ viết cho cán bộ là người Kinh trong quá trình tham gia công tác, giảng dạy ở vùng dân tộc thiểu số. Người DTTS hầu như không được học chữ viết của dân tộc mình. Một bộ phận nhỏ người DTTS biết chữ viết của dân tộc mình nhờ quá trình học chữ viết trong chiến tranh do Cụ Hồ Ngọc Mỹ dạy như đã nói trên; một số rất ít khác biết chữ viết nhờ tự học.

Việc hình thành được bộ chữ cho người DTTS từ bộ chữ cái Latinh có ý nghĩa hết sức quan trọng, trong xu thế các ngôn ngữ trên thế giới ngày càng có xu hướng Latinh hoá để “xích lại” gần nhau hơn trong mọi mặt quan hệ. Hiện nay, ngoài dân tộc Kinh, có 28 /54 dân tộc của nước ta có chữ viết riêng; trong đó có 16 dân tộc có chữ viết được sử dụng từ bộ chữ cái Latinh, Dân tộc Tà Ôi và Cơ Tu là 2 trong số đó. Việc các dân tộc sử dụng bộ chữ cái Latinh để hình thành bộ chữ viết của dân tộc mình có rất nhiều lợi ích. Chỉ riêng việc sử dụng chữ viết để chuẩn hóa tên các địa danh, sơn văn, thuỷ văn và kinh tế-xã hội của các địa phương cũng như trên phạm vi cả nước trên bản đồ theo tiêu chuẩn quốc tế đã buộc mọi ngôn ngữ phải được Latinh hoá. Chính vì vậy, chữ viết và tiếng nói của người DTTS được La tinh hoá là 1 thành tựu hết sức quan trọng không chỉ có ý nghĩa về mặt văn hoá mà còn có ý nghĩa hết sức quan trọng về mặt hội nhập nhằm đáp ứng các yêu cầu của chuẩn mực quốc tế. Hơn 35 năm qua, kể từ ngày giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, cùng với việc chăm lo bảo vệ và phát triển toàn diện, Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế qua các nhiệm kỳ đã tập trung ưu tiên phát triển kinh tế -xã hội vùng DTTS và miền núi. Rất nhiều chương trình, dự án về kinh tế, xã hội của Trung ương và của tỉnh liên tục đã được đầu tư; đặc biệt là trong 15 năm gần đây. Nhờ vậy, đời sống kinh tế và mức hưởng thụ văn hoá của đồng bào DTTS trên điạ bàn không ngừng được nâng lên; diện mạo nông thôn miền núi vùng dân tộc thiểu số ngày càng khởi sắc, nhiều xã, thị trấn ở miền núi phát triển không kém, thậm chí có xã còn phát triển hơn hẳn một số xã ở đồng bằng. Trong quá trình phát triển đó, để giao lưu văn hoá và hợp tác phát triển kinh tế, đa số đồng bào các DTTS đã học và sử dụng tiếng Việt phổ thông để giao tiếp với người Kinh và dần dần được sử dụng để nói chuyện với chính người của dân tộc mình trong mối quan hệ và hợp tác trong cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, nguy cơ chữ viết và tiếng bản ngữ của đồng bào DTTS có thể dần dần bị mai một.

Đầu năm 2012, trong một cuộc khảo sát nhanh, tác giả bài viết bài này đã cùng với một số đồng nghiệp trực tiếp phỏng vấn ngẫu nhiên có định hướng 448 người DTTS Tà Ôi và Cờ Tu, tuyệt đại bộ phận đều có cả bố và mẹ đều là người DTTS, bao gồm các học sinh, giáo viên ở tất cả các trường dân tộc nội trú, người dân ở 2 cụm dân cư thuộc địa bàn thị trấn và cán bộ công chức của 2 huyện Nam Đông và A Lưới.

Kết quả khảo sát cho thấy: Có 8,7% nói không thành thạo, thậm chí không biết nói tiếng của dân tộc mình; điều đó báo hiệu bắt đầu có nguy cơ tiếng nói của đồng bào DTTS dần dần bị mai một. Có 98,2% không biết viết hoặc viết không thành thạo chữ của dân tộc mình; đó là báo động nguy cơ bản sắc văn hoá về chữ viết của đồng bào DTTS thật sự bị mai một. Đáng lưu ý là, trong lúc lứa tuổi từ 19 -50 có gần 50% người được phỏng vấn biết viết thành thạo chữ của dân tộc mình, thì ở lứa tuổi từ 11-18, có đến 99,41% không biết chữ viết của dân tộc mình.

Nguyên nhân của tình trạng nói và viết không thành thạo tiếng dân tộc mình do thường xuyên giao tiếp với người Kinh, nên cả trong gia đình và ngoài xã hội đồng bào đều sử dụng tiếng Việt phổ thông. Ở trong trường học, không dạy tiếng nói cũng như chữ viết của người DTTS. Việc dạy tiếng nói và chữ viết của người DTTS chỉ dành cho đối tượng là người Kinh.

Kết qủa khảo sát cũng đã ghi nhận tuyệt đại bộ phận đối tượng được khảo sát đều bày tỏ nguyện vọng có trường, lớp dạy tiếng nói và chữ viết cho người DTTS, có sách học song ngữ tiếng Việt phổ thông và tiếng của đồng bào DTTS nhằm bảo tồn và phát huy hơn nữa bản sắc văn hoá tiếng nói và chữ viết của các DTTS không chỉ cho thế hệ hôm nay mà còn mãi mãi cho con cháu mai sau.

Tình trạng này, không chỉ xẩy ra ở mà hầu như phổ biến đối với vùng DTTS trong cả nước. Chính vì vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15/7/2010 Quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của người DTTS trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thuờng xuyên; Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 50/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 03/11/2011 để hướng dẫn tổ chức thực hiện

Dựa vào chính sách của Trung ương và thông tin từ kết quả khảo sát nói trên, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có chủ trương giao cho Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo và các sở, ngành, các địa phương liên quan tổ chức điều tra, khảo sát để tham mưu cho UBND tỉnh quyết định phê duyệt chính thức công nhận các bộ chữ viết của đồng bào DTTS Tà Ôi và Ka Tu bằng bộ chữ cái Latinh. Đây là điều kiện bắt buộc đồng thời là tiền đề để có thể xây dựng kế hoạch dạy tiếng nói và chữ viết bản ngữ cho đồng bào của 2 dân tộc nói trên trong các trường phổ thông và các trung tâm giáo dục thường xuyên của tỉnh.

Hy vọng trong thời gian không xa, sau việc công nhận các bộ chữ của người Tà Ôi và Cơ Tu, kế hoạch dạy và học tiếng DTTS sẽ sớm được triển khai rộng rãi , nhằm góp phần tích cực vào việc bảo tồn và phát huy hơn nữa bản sắc văn hoá nói chung và tiếng nói, chữ viết nói riêng của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

ThS. Võ Văn Dự

Phó Trưởng Ban Dân tộc Tỉnh Thừa Thiên Huế