Giữ gìn và phát huy truyền thống "Tôn sư trọng đạo"

10:17 25/03/2013 Lượt xem: 2387 In bài viết
<xmp style="DISPLAY: inline" id="9669" tabindex="-1" contenteditable="false">Truyền thống “tôn sư trọng đạo” trước hết xuất phát từ vai trò của người thày dạy trong xã hội. Vai trò của thày dạy học hết sức quan trọng và không thể thay thế được. Câu nói: “Không thày đố mày làm nên” đã nói lên điều đó. Thật vậy, cha mẹ sinh con, nuôi dưỡng, giáo dục con theo đạo lý, đạo đức xã hội và truyền thống gia đình, góp phần quyết định sự phát triển thể chất và hình thành các phẩm chất đạo đức của con. Tuy nhiên, muốn phát triển nhân cách, kiến thức, kỹ năng và thái độ đối với các vấn đề của cuộc sống… để có được tri thức sâu, rộng, có thế giới quan, nhân sinh quan đúng đắn, không thể thiếu vai trò của giáo dục nhà trường nói chung và các thày dạy nói riêng. Nhà trường và thày dạy không chỉ dạy chữ mà còn dạy người, trong đó dạy làm người được đặt ở vị trí hàng đầu. Vì thế, công lao của thày dạy được đặt ngang hàng với công lao cha mẹ - “công cha, nghĩa mẹ, ơn thày” và do đó mà phải “mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thày”. Hơn thế, cổ nhân còn dạy rằng: “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, nghĩa là một chữ cũng là thày, nửa chữ cũng là thày, không được coi thường và vô ơn với thày. Các hành vi coi thường, xúc phạm, phỉ báng, thiếu trung thực với thày đều bị xã hội lên án mạnh mẽ. Tất nhiên, để dành được sự tôn kính của người học và xã hội như vậy, người thày phải rất mô phạm, mẫu mực về nhân cách, đạo đức và có hiểu biết sâu rộng về nhiều mặt của đời sống xã hội.

Truyền thống “tôn sư trọng đạo” cùng với truyền thống hiếu học của nhân dân ta đã làm nên một nước Việt Nam “ngàn năm văn hiến”. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, truyền thống “tôn sư trọng đạo” đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các hành vi vô lễ của học sinh, sinh viên với thày cô có thể bắt gặp ở mọi nơi, mọi lứa tuổi, mọi cấp học. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do:

Thứ nhất, đất nước mở cửa theo cơ chế thị trường. Dù có định hướng xã hội chủ nghĩa và vai trò quản lý, điều tiết của Nhà nước nhưng vẫn chịu ảnh hưởng của mặt trái là chủ nghĩa thực dụng, tư tưởng chạy theo lợi nhuận, đề cao giá trị đồng tiền, tìm cách kiếm tiền bằng mọi giá, kể cả vi phạm pháp luật, chà đạp lên luân thường đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Những mặt trái, tiêu cực này len lỏi vào mọi lĩnh vực, ngóc ngách của đời sống xã hội, không loại trừ nhà trường, khiến không ít mối quan hệ thày - trò không còn được trong sáng, thậm chí có nơi, có lúc trở thành quan hệ mua bán, đổi chác khiến cho hình ảnh người thày trong con mắt người học và xã hội không còn đẹp và thiêng liêng, sự kính trọng với người thày cũng giảm nhiều.

Thứ hai, giáo dục gia đình do nhiều lý do, hoàn cảnh khác nhau mà giảm sút và kém tác dụng. Trong cơ chế thị trường, không ít phụ huynh, ngoài việc phải lao động vất vả để kiếm sống cũng phải lo học hành, phấn đấu để tìm việc làm tốt hơn, thu nhập cao hơn, hoặc do bận rộn sản xuất, kinh doanh… nên ít có thời gian gần gũi, quan tâm giáo dục con. Nhiều người còn quan niệm sai lầm chỉ cần cung cấp đủ tiền cho con mà không quản lý, kiểm soát chi tiêu; coi nhẹ quan tâm giáo dục con em về nhân cách, đạo đức và những truyền thống tốt đẹp, trong đó có truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc. Khi các em hư hỏng lại oán trách nhà trường và đổ cho hoàn cảnh xã hội xô đẩy mà không thấy rõ trách nhiệm và tầm quan trọng quyết định của giáo dục gia đình.

Thứ ba, giáo dục nhà trường, về hình thức vẫn chú trọng giáo dục toàn diện, nhưng nhiều nơi chỉ nặng về trang bị kiến thức mà coi nhẹ giáo dục đạo đức. Hơn thế, môi trường giáo dục ở một số cơ sở giáo dục - đào tạo không tốt, “trường không ra trường, thày không ra thày” đã ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng, tình cảm và lòng kính trọng thày cô của các em.

Thứ tư, công tác quản lý giáo dục đào tạo và chế độ chính sách đối với nhà giáo có nhiều hạn chế, khiếm khuyết, cụ thể:

Việc phát triển qúa nhiều cơ sở giáo dục và đào tạo (đến nay, riêng bậc đại học có gần 500 trường đại học, cao đẳng), trong đó nhiều trường thiếu cơ sở vật chất kỹ thuật, thiếu giáo viên, giảng viên cơ hữu. Đã có trường thì phải có chỉ tiêu tuyển sinh, muốn có chỉ tiêu tuyển sinh phải thuê thày, mời thày và không ít nơi chỉ quan tâm tới lợi ích vật chất, nên mời thày dạy chất lượng thấp, giá rẻ làm cho hình ảnh người thày xấu thêm.

Tiền lương và thu nhập của đại đa số giáo viên, giảng viên thấp so với nhiều ngành nghề khác. Đời sống vật chất của số đông thày cô giáo vẫn còn nhiều khó khăn. Nhiều người sau giờ lên lớp phải bươn chải làm thêm. Tuy nhiên, nhận thức về giá trị xã hội của lớp trẻ ngày nay có nhiều khác biệt so với lớp cha anh đi trước. Họ xem những người ăn mặc sang trọng, giàu có tiền bạc, đi xe đắt tiền, dùng hàng hiệu mới là người đáng kính nể; còn thày cô giáo mà ngoài giờ lên lớp phải lao động phổ thông thì bị coi thường.

Hệ lụy của tình trạng tiền lương, thu nhập và đời sống khó khăn của một bộ phận các thày, cô giáo thấp còn ảnh hưởng đến việc tuyển sinh và đào tạo của các trường sư phạm. Điểm tuyển sinh vào các trường sư phạm lẽ ra phải rất cao và chất lượng đào tạo toàn diện của các trường sư phạm phải đứng hàng đầu. Song, thực tế lại không được như vậy. Mặc dù học sư phạm không phải đóng học phí, nhưng điểm tuyển sinh vào các trường này không cao, thậm chí nhiều trường, nhiều ngành học vẫn thiếu thí sinh đăng ký học. Chất lượng đầu vào không tốt sẽ dẫn đến chất lượng đầu ra hạn chế và không ít người đang làm tầm thường hóa nghề cao quý này. Thứ năm, xã hội chưa thực sự đề cao vai trò của người thày và nghề nghiệp của họ. Không ít người cho rằng nghề dạy học cũng như nghề làm thuê kiếm sống khác mà thôi. Một số trường dạy thêm tràn lan, thu nhiều khoản trái quy định hoặc mượn tay Hội cha mẹ học sinh để huy động đóng góp, trong đó có nhiều khoản bất hợp lý, gây bức xúc cho phụ huynh và dư luận không tốt trong xã hội.

Thứ sáu, một số thày cô giáo một phần do đời sống vật chất khó khăn, một phần do không đấu tranh được với bản thân trước những cám dỗ vật chất hoặc phẩm chất đạo đức nhà giáo giảm sút… đã mắc phải những hiện tượng tiêu cực như: nhận phong bì của học sinh, sinh viên khi coi thi, kiểm tra, chấm thi hay chấm báo cáo thực tập tốt nghiệp; hạch sách, đòi hỏi sự phục vụ của người học khi thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, chấp nhận học sinh, sinh viên chạy điểm…

Một số thày cô có phương pháp giảng dạy không phù hợp như: đánh học sinh khi các em không hoàn thành nhiệm vụ được giao, nguyên tắc cứng nhắc, mất dân chủ để học sinh uất ức, phản kháng tiêu cực dẫn tới bức xúc trong học sinh, gia đình và xã hội…

Câu hỏi được đặt ra là phải làm gì để giữ gìn và phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo” trong giai đoạn hiện nay? Để làm được điều này, cần thực hiện tốt một số giải pháp cấp bách sau:

Tăng cường và nâng cao hiệu quả giáo dục gia đình. Gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên mà các em tiếp xúc, sống và phát triển. Vì thế, tăng cường và nâng cao hiệu quả giáo dục gia đình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thậm chí giữ vai trò quyết định tới sự hình thành nhân cách, đạo đức của mỗi con người. Trong giáo dục truyền thống “tôn sư trọng đạo”, ông bà, bố mẹ, anh chị em trong gia đình phải thật sự là những người tôn kính thày cô, biết ơn thày cô, không có lời nói, hành vi bất kính hay xúc phạm thày cô. Làm được như thế, thì việc giáo dục nhân cách, đạo đức nói chung, truyền thống “tôn sư trọng đạo” nói riêng của gia đình mới có tác dụng thực sự. Nhà trường cần chú trọng giáo dục truyền thống và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Cùng với giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường giữ vai trò rất quan trọng và không thể thiếu được trong việc hình thành, phát triển nhân cách, đạo đức, kỹ năng, tình cảm, thái độ, tri thức của các em. Giáo dục truyền thống nói chung, truyền thống “tôn sư trọng đạo” nói riêng phải được tiến hành ngay từ khi các em cắp sách tới trường và thường xuyên thực hiện trong suốt quá trình giáo dục phổ thông; lồng ghép trong nhiều môn học, kể cả môn tập đọc, tập viết, ngữ văn, tiếng Việt ở bậc tiểu học… theo phương châm “mưa dầm thấm sâu”. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo cả về trình độ chuyên môn nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức là việc làm cấp bách, có ý nghĩa quyết định tới việc nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo toàn diện ở các nhà trường. Các thày cô không chỉ là người thày truyền thụ kiến thức, kỹ năng mà phải là những hình mẫu, tấm gương về đạo đức, lối sống, tự học, tự rèn luyện, tận tụy với công việc, nhiệt tình, trách nhiệm và hết lòng yêu thương học sinh, sinh viên. Muốn vậy, các nhà trường phải làm tốt khâu tuyển chọn, bồi dưỡng và giáo dục thường xuyên, đánh giá đúng mức trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức của mỗi người; thưởng phạt nghiêm minh, kiên quyết loại bỏ những người thoái hóa, biến chất và vi phạm pháp luật ra khỏi đội ngũ nhà giáo. Như thế thì hình ảnh của các thày cô mới được cải thiện, đẹp hơn, trân trọng hơn, đánh kính hơn trong con mắt của người học và xã hội.

Nâng cao chất lượng đào tạo của các trường sư phạm và có chính sách, chế độ đãi ngộ thỏa đáng với các nhà giáo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các tỉnh thành trong cả nước, cần tăng cường đầu tư mạnh cho các trường sư phạm để “trường ra trường”. Cần xác định rõ nhu cầu đào tạo giáo viên các cấp hàng năm sao cho vừa đủ số lượng thay thế và phù hợp với tốc độ tăng học sinh hàng năm, tránh tình trạng đào tạo thừa để giáo sinh tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm. Cải tiến nội dung thi tuyển sinh sư phạm sao cho vừa đánh giá được trình độ kiến thức, vừa đánh giá được động cơ học sư phạm và lòng yêu nghề của các em. Cùng với việc tiếp tục miễn học phí, cần tăng tỷ lệ học bổng khuyến khích học tập cao hơn các trường, ngành khác. Thực hiện chế độ phân công công tác khi các em tốt nghiệp ra trường, đảm bảo việc làm để tăng tính hấp dẫn cho các trường sư phạm. Nhà nước cần có chính sách, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ nhà giáo, đảm bảo giảng viên, giáo viên không phải làm thêm cũng đủ sống ở mức trung bình của xã hội. Có như vậy, các thày cô giáo mới yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết với nghề dạy học. Từ đó, có điều kiện, thời gian nghiên cứu khoa học, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi và rèn luyện bản thân, giữ gìn phẩm chất, đạo đức nhà giáo… góp phần tô đẹp thêm hình ảnh người giáo viên nhân dân, làm tăng thêm tình cảm yêu quý, niềm tin, lòng kính trọng của người học và xã hội.

Xử lý nghiêm các hành vi xúc phạm, làm nhục, vô lễ với nhà giáo. Hiện nay, vẫn tồn tại thực trạng là các hành vi thiếu tôn trọng, vô lễ, côn đồ… với thày cô của một số học sinh, sinh viên chưa được pháp luật xử lý một cách nghiêm minh và thỏa đáng nên chưa đạt được hiệu quả làm gương, giáo dục cho học sinh, sinh viên khác.

Cuối cùng, các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể phải định hướng dư luận xã hội giữ gìn, phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc; đấu tranh, lên án mạnh mẽ với các hành vi bất kính, vô lễ với thày cô giáo.

ThS. Nguyễn Thị Thu Thảo

Trưởng Bộ môn Lý luận Chính trị ĐH Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên