Những hệ lụy từ việc sử dụng đất rừng làm thủy điện

04:18 10/04/2013 Lượt xem: 329 In bài viết
<xmp style="DISPLAY: inline" id="9669" tabindex="-1" contenteditable="false">Tuy vậy, một vấn đề đang đặt ra là quá trình làm thủy điện đã phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng rất lớn. Chỉ tính riêng vị trí xây dựng công trình đã phải sử dụng gần 20.000 ha rừng, trong đó rừng phòng hộ 4.411 ha; rừng đặc dụng 3.060 ha; rừng sản xuất 12.321 ha. 5 tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên là khu vực chuyển đổi đất rừng làm thủy điện nhiều nhất, gồm 50 dự án, sử dụng đất rừng 8.162 ha, chiếm 41,2%; tiếp đến là vùng Bắc Trung bộ 23 dự án, sử dụng đất rừng 4.532 ha, chiếm 22,9%; vùng Tây Bắc 21 dự án sử dụng 2.794 ha, chiếm 14,11%; Nam Trung bộ 17 dự án sử dụng 2.143 ha, chiếm 10,82%; vùng Đông Bắc 40 dự án, sử dụng 1.204 ha, chiếm 6,08%.

Bên cạnh việc sử dụng một diện tích rừng gần 20.000 ha để xây dựng công trình chính, còn phải chuyển đổi gần 10.000 ha đất rừng để phục vụ cho công tác tái định cư, cấp đất sản xuất cho người dân; như vậy hơn 6 năm qua đã phải chuyển đổi gần 30.000 ha đất rừng để phục vụ cho việc triển khai các công trình thủy điện.

Trừ một số rất ít các công trình thủy điện quy mô lớn do Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, còn lại đều không được quy hoạch đồng bộ, không gắn với quy hoạch sử dụng đất và chiến lược phát triển rừng, thông thường quy hoạch lâm nghiệp luôn phải bị điều chỉnh chạy theo các dự án thủy điện.

Các công trình thủy điện chủ yếu được xây dựng ở vùng núi cao, cấu trúc địa chất phức tạp, khi diện tích rừng bị thu hẹp đã làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, gây nên các hiện tượng lũ ống, lũ quyét, sạt lở đất, làm thay đổi hệ sinh thái vùng dân tộc, miền núi.

Công tác phân giới, cắm mốc xác định hành lang bảo vệ lòng hồ, bảo vệ đập thực hiện quá chậm dẫn đến vùng lòng hồ, hành lang thoát lũ bị lấn chiếm, rừng bị phá không bảo vệ, kiểm soát được.

Một vấn đề rất đáng được suy nghĩ là việc nhà nước quy định bắt buộc phải trồng rừng thay thế, nhưng nhiều địa phương thực hiện không nghiêm túc, chỉ trừ tỉnh Lào Cai trồng rừng thay thế đạt kế hoạch còn các tỉnh khác chỉ mới trồng tổng cộng được 532 ha, đạt 2,6% kế hoạch, nhiều tỉnh đạt rất thấp như Lâm Đồng mới trồng được 3 ha/1.883 ha kế hoạch, Phú Yên 5 ha/547 ha, Quảng Nam 447 ha/1.488 ha, Bắc Cạn 8/30 ha.

Một số địa phương còn lạm dụng việc sử dụng vốn phát triển rừng vào xây dựng hạ tầng và hỗ trợ doanh nghiệp với tỷ lệ lớn.

Trước tình hình phức tạp đó đề nghị Chính phủ tạm dừng việc khai thác rừng, nhất là khu vực Tây Nguyên; hạn chế đến mức thấp nhất việc chuyển đổi rừng sang làm thủy điện; soát lại việc trồng rừng thay thế, buộc các chủ dự án thủy điện phải trồng bù lại diện tích rừng đã sử dụng hoặc nộp tiền để địa phương tổ chức cho nhân dân trồng rừng.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng và phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện chuyển đổi rừng sang các mục đích khác.

TS. Hoàng Xuân Lương

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc