Công tác giảm nghèo ở Đăk Lắk những bài học kinh nghiệm

09:30 05/04/2013 Lượt xem: 1006 In bài viết

Trong các giải pháp xoá đói giảm nghèo, Đắk Lắk chú trọng đáp ứng nhu cầu vay vốn sản xuất của người dân. Các ngân hàng trên địa bàn đã giải quyết cho 153.040 lượt hộ nghèo vay vốn, số tiền cho vay là 1.346.060 triệu đồng. Dư nợ cho vay của ngân hàng Chính sách Xã hội đạt 2.163.992 triệu đồng, trong đó dư nợ hộ nghèo là 88.853 hộ, với số vốn 818.959 triệu đồng. Nguồn vốn của Ngân hàng đã đến với hầu hết người nghèo, trong đó phần đông là đồng bào các dân tộc sinh sống ở vùng sâu, vùng xa. Mức cho vay hộ nghèo được nâng từ 5,46 triệu đồng lên 11,5 triệu đồng/hộ, đã đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất, kinh doanh, học tập, giải quyết việc làm..., góp phần quan trọng giúp các hộ dân từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Dự án khuyến nông - lâm - ngư và hỗ trợ phát triển ngành nghề đã giúp các hộ nghèo có kiến thức làm ăn, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập thoát nghèo bền vững. Đã tổ chức tập huấn hướng dẫn cách làm ăn, tham quan mô hình cho 59.832 lượt người nghèo; hỗ trợ 552 con bò cho 845 hộ nghèo; hướng dẫn nuôi trồng thuỷ sản cho 300 hộ, xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản cho 88 hộ, hỗ trợ nông cụ cho 14 hộ.

Công tác dạy nghề nhằm trang bị tri thức cho hộ nghèo được coi trọng. Tổng số lao động được đào tạo là 12.910 người, trong đó có 4.410 lao động nghèo và 9.500 lao động người dân tộc thiểu số. Hình thức dạy nghề cho người nghèo đa dạng: dạy nghề gắn với việc làm ở các doanh nghiệp, dạy nghề để chuyển đổi nghề nghiệp, dạy nông dân cách trồng trọt, chăn nuôi nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lao động, vốn… Từ tỉnh đến huyện đã tổ chức các hội thảo về dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động, qua đó gắn kết trách nhiệm của doanh nghiệp, các cấp chính quyền, các hội đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động, tư vấn cho người nghèo về học nghề, tiếp nhận lao động nghèo vào làm việc tại các doanh nghiệp, xuất khẩu lao động cũng như hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật giúp người nghèo làm ăn hiệu quả, nhanh chóng thoát nghèo.

Chính sách hỗ trợ người nghèo về đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt theo Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg được triển khai thực hiện đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi để người dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống. Tỉnh đã hoàn thành 4 mục tiêu của chương trình, đạt 100% kế hoạch. Tổng kinh phí thực hiện là 222.069,44 triệu đồng. Đã hỗ trợ 15.535 căn nhà, gồm: làm mới 11.689 căn, sửa chữa 3.864 căn; cấp 144,51 ha đất cho 5.531 hộ, bình quân 260m2/hộ; cấp nước phân tán cho 14.539 hộ, cấp nước tập trung cho 1.520 hộ. Về đất sản xuất, toàn tỉnh đã cấp 2.771,5 ha cho 7.737 hộ nghèo thiếu đất sản xuất. Ngoài việc cấp đất sản xuất và vườn cây công nghiệp, tỉnh áp dụng các giải pháp khác như: nhận 65 công nhân vào doanh nghiệp, giao khoán quản lý đất rừng cho 170 hộ, hỗ trợ cho 1.451 hộ chăn nuôi 1.503 con bò. Kết quả của chương trình đã góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các hộ gia đình nghèo dân tộc thiểu số.

Chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg đã hoàn thành 100% kế hoạch, với 12.849 hộ, về đích trước 2 năm so với kế hoạch; chất lượng và diện tích về nhà ở được đảm bảo, trên 50% số nhà có diện tích từ 32 m2 trở lên; 25% số nhà có diện tích từ 25-32 m2.

Bên cạnh đó, Chương trình 135 giai đoạn II với tổng số kinh phí đầu tư thực hiện trong 5 năm 2006 - 2010 là 378.127,45 triệu đồng đã hỗ trợ 4.494 con giống cho 3.994 hộ, 43.103 cây giống cho 246 hộ, 245,6 tấn giống cho 12.248 hộ, 376,9 tấn phân bón cho 5.027 hộ; hỗ trợ cho 487 máy, công cụ phục vụ sản xuất và chế biến tiêu thụ sản phẩm cho các nhóm hộ… Dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đã tạo ra diện mạo mới về giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế…góp phần nâng cao an sinh xã hội cho người dân, nhất là các hộ nghèo. Danh mục được đầu tư xây dựng gồm: 167 công trình đường giao thông, 3 công trình cầu, 13 công trình đập thuỷ lợi, 8 công trình điện nước sinh hoạt và các công trình trường học, trạm y tế, chợ nông thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng…

Các chương trình của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đối với công tác giảm nghèo ngày càng đi vào chiều sâu, có ý nghĩa thiết thực, mang tính xã hội nhân văn sâu sắc. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã vận động Quỹ “Ngày vì người nghèo” được trên 51.409 triệu đồng để triển khai các hoạt động: hỗ trợ xây dựng 2.087 nhà Đại đoàn kết, sửa chữa 153 nhà cho hộ nghèo; hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg với mức 1 triệu đồng/hộ… Hội Nông dân tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật, hội thảo mô hình cho trên 60.000 lượt hội viên; xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân nghèo phát triển sản xuất. Phong trào tiết kiệm giúp nhau phát triển sản xuất, thực hiện công tác giảm nghèo của Hội Liêp hiệp Phụ nữ tỉnh đã được các hội viên hưởng ứng tích cực. Đã xây dựng được 5.863 nhóm/tổ tín dụng tiết kiệm với số vốn 33.000 triệu đồng, cho 12.724 hộ vay vốn sản xuất; thực hiện “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, đã vận động được 1.515 triệu đồng, cho 814 hộ vay vốn sản xuất. Phong trào gia đình khá giả giúp đỡ hộ nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống, hỗ trợ 6.947 hộ nghèo vay trên 4.000 triệu đồng; xây dựng 51 căn nhà và sửa chữa 18 căn nhà cho hội viên nghèo…

Việc lồng ghép có hiệu quả các chính sách này đã góp phần vào kết quả chung về giảm tỷ lệ hộ nghèo; đặc biệt, đã giảm được 8 huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 25%, giảm được 41 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 40%; bình quân hàng năm giảm 5.867 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là minh chứng thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị dồn sức tập trung chỉ đạo công tác giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số. Cho dù tỷ lệ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 tại thời điểm cuối năm 2010 còn cao (20,82%); trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số là 46.555 hộ, chiếm 57,44% tổng hộ nghèo và chiếm 38,95% tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Song những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo ở Đắk Lắk rất đáng ghi nhận, chủ trương của Đảng về xoá đói giảm nghèo đã được hiện thực hoá hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

Từ kết quả đạt được trong công tác xoá đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc ở Đắk Lắk, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm sau:

- Thứ nhất, công tác giảm nghèo phải được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thông qua các chương trình, nghị quyết, kế hoạch cụ thể; đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị, xã hội, các tổ chức, cá nhân.

- Thứ hai, cần xác định địa bàn trọng điểm là các huyện, xã, thôn, buôn có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tập trung nguồn lực đầu tư; coi trọng công tác điều tra, rà soát để xác định đúng hộ nghèo, nguyên nhân nghèo, nhu cầu thoát nghèo làm căn cứ để xây dựng kế hoạch giảm nghèo và đảm bảo nguồn lực đến đúng đối tượng, đúng tiến độ, chống thất thoát, lãng phí.

- Thứ ba, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo. Thiết lập hệ thống theo dõi đánh giá toàn diện để nâng cao hiệu quả của chương trình giảm nghèo. Tạo cơ hội cho người nghèo tham gia các tổ giám sát nhằm góp phần triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh hơn, hiệu quả hơn, đúng đối tượng thụ hưởng.

- Thứ tư, công tác truyền thông và tuyên truyền phải tiến hành thường xuyên, đồng bộ để tạo sự thống nhất về nhận thức, quan điểm, cách làm. Chính quyền địa phương nên thường xuyên đối thoại trực tiếp với người nghèo để xác định rõ trách nhiệm cũng như nâng cao ý thức nỗ lực vươn lên, chống tư tưởng mặc cảm, tự ti, ỷ lại; năng động, tự chủ trong quá trình thoát nghèo của bản thân người nghèo. Chính quyền và các tổ chức đoàn thể cần hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế dựa trên khả năng và nguyện vọng của hộ nghèo; đồng thời xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể trong việc giúp đỡ hộ nghèo về vốn, khuyến nông, dạy nghề, kinh nghiệm sản xuất...

- Thứ năm, tăng cường đội ngũ cán bộ có năng lực, tâm huyết làm công tác xoá đói giảm nghèo, nhất là cấp xã. Thường xuyên tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ huyện, xã, và thôn, buôn nhằm tạo sự thống nhất chung về nhận thức và cách làm.

- Thứ sáu, giảm nghèo không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, của toàn xã hội mà trước hết phụ thuộc vào sự tự giác của bản thân người nghèo, cộng đồng nghèo. Các hộ nghèo phải vượt qua mặc cảm, tự ty, không trông chờ ỷ lại, nỗ lực vươn lên, tích cực lao động sản xuất, biết tiết kiệm để thoát nghèo. Nhà nước thông qua các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội trợ giúp người nghèo biết cách tự thoát nghèo và tránh tái nghèo bền vững.

TS. Nguyễn Văn Lý
Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính KV III