Ngày hội văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ VIII
02:48 11/04/2013 Lượt xem: 1452 In bài viếtNgày hội Văn hoá - Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ VIII đã diễn ra tại tỉnh Tuyên Quang với chủ đề “Đông Bắc-Miền đất thiêng liêng tươi đẹp”. Với gần 1.000 diễn viên, nghệ nhân, vận động viên quần chúng đã mang đến đêm khai mạc Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ VIII một chương trình nghệ thuật hoành tráng, đặc sắc, mang đậm âm hưởng và văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc đến từ 9 tỉnh: Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Bắc Giang.
Các nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên tham dự ngày hội
đã trình diễn những tiết mục đặc sắc nhất, mang đậm bản sắc dân tộc và đặc trưng
của mỗi địa phương. Tất cả đã tạo nên một không gian văn hóa đầy sắc màu của
vùng Đông Bắc và vô cùng phong phú của các dân tộc bản địa. Đây là dịp để quảng
bá, giới thiệu những đặc trưng văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc
trong vùng với cả nước. Là nơi các nghệ nhân, diễn viên quần chúng ở các địa
phương vùng Đông Bắc giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm góp phần bảo tồn,
gìn giữ và phát huy nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nằm trong các hoạt động của ngày hội còn có Triển lãm ảnh với chủ đề "Sắc màu
văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc" trưng bày 450 bức ảnh cùng với nhiều tác phẩm
hội họa, tranh thờ dân gian các dân tộc. Triển lãm như một bức tranh toàn cảnh,
khái quát cuộc sống, văn hoá, không gian sinh hoạt, tập tục, truyền thống và cả
quá trình hội nhập, phát triển của các dân tộc nơi đây.
Ngày hội là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên các tỉnh gặp gỡ, giao
lưu, học hỏi và giới thiệu những nét văn hóa, thể thao và du lịch truyền thống
tốt đẹp, đặc sắc của mỗi dân tộc, phát huy giá trị di sản văn hóa của vùng Đông
Bắc trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển. Ngoài ra, ngày hội còn là
dịp để các đơn vị tham gia học tập, trao đổi kinh nghiệm, đẩy mạnh thực hiện
phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Rèn
luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; nâng cao nhận thức của các cấp, các
ngành và đồng bào các dân tộc trong khu vực về ý thức trách nhiệm của mình trong
việc xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc;
gắn công tác văn hóa, thể thao và du lịch với việc thực hiện những mục tiêu
kinh tế - xã hội… Bên cạnh đó, nhiều tiết mục mang đặc trưng văn hoá dân tộc là
thế mạnh của mỗi địa phương cũng được dàn dựng công phu, trình diễn mang đầy giá
trị nghệ thuật. Nhiều tiết mục gần như lột tả được hết vẻ đẹp độc đáo của dân
tộc, vùng đất nơi họ sinh sống như: “Tiếng khèn gọi bạn” với sự thể hiện tài hoa
của 2 nghệ nhân nhí dân tộc Mông là Mua Mý Thừ và Mua Mý Tủa đoàn Hà Giang. Ở
tuổi 12 nhưng Mua Mý Thừ và Mua Mý Tủa biểu diễn múa khèn khá điêu luyện, tạo
sức cuốn hút mạnh mẽ với người xem. Tiếng khèn vang lên dìu dặt, da diết như mời
gọi bạn bè muôn phương về với vùng “phên dậu” cực Bắc của Tổ quốc. Những nghệ
nhân dân gian của vùng Đất Tổ Vua Hùng chinh phục khán giả bằng những điệu xoan,
điệu ghẹo trữ tình. Tiết mục hát Then đàn Tính được nhiều đoàn biểu diễn nhưng
không hề có sự trùng lặp mà đều mang âm hưởng riêng. Với các dân tộc Tày-Nùng
vùng Đông Bắc, cây đàn Tính và những điệu Then có ảnh hưởng sâu sắc trong đời
sống văn hoá nên cũng có thể coi ngày hội là dịp để giới thiệu, biểu dương giá
trị của hát Then, đàn Tính. Những làn điệu quan họ cổ Bắc Giang cũng tạo được ấn
tượng về làn điệu và trình diễn. Điệu khèn Mông Hà Giang cao vút lại đưa người
nghe về bên những triền đá tai mèo, những phiên chợ vùng cao nghi ngút mùi thơm
thắng cố, nâng bát rượu ngô mềm môi...
Đó chỉ là những điểm nhấn mang tính đặc trưng của mỗi địa phương bởi mỗi đoàn
mang đến ngày hội từ 5 đến 7 tiết mục văn nghệ đặc sắc, với những nét độc đáo
riêng biệt. Trong 4 ngày liên tục, người nghe được đắm mình trong gần 60 tiết
mục với tiếng khèn, kèn lá, đàn tính, cồng, chiêng và những điệu múa trong trang
phục truyền thống của các dân tộc. Các đoàn đã có sự tìm tòi, chắt lọc qua mỗi
tiết mục, mỗi trang phục được biểu diễn, trình diễn tạo cho ngày hội sự hấp dẫn
và thú vị. Một nét mới nữa là ngày hội văn hoá-thể thao các dân tộc vùng đông
bắc lần thứ VIII có sự tham gia của nhiều hạt nhân văn nghệ còn rất trẻ, hứa hẹn
sự kế thừa và phát huy giá trị văn hóa dân gian của các dân tộc cho hôm nay và
mai sau.
Bên cạnh các hoạt động văn hóa, ngày hội còn là nơi các vận động viên tranh tài
các nội dung thể thao dân tộc; các hoạt động giới thiệu quảng bá du lịch, ẩm
thực, sản phẩm ngành nghề truyền thống...
Kết thúc ngày hội, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tặng giải thưởng cho các
đoàn tham gia ở 5 nội dung hoạt động, gồm 19 giải A; 38 giải B; 31 giải C; 1
giải khuyến khích ở các nội dung biểu diễn văn hóa nghệ thuật, giới thiệu lễ hội
truyền thống, trình diễn trang phục dân tộc, trưng bày triển lãm và giới thiệu
ẩm thực dân gian. Về hoạt động thể thao đoàn Tuyên Quang đoạt giải nhất với 14
Huy chương Vàng, 7 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng; giải nhì thuộc về đoàn Phú
Thọ (5 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc, 6 Huy chương Đồng); giải ba thuộc về
tỉnh Thái Nguyên (1 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc, 8 Huy chương Đồng); giải
khuyến khích cho đoàn Hà Giang (1 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc, 9 Huy
chương Đồng); giải phong cách cho đoàn Lạng Sơn.
Nhân dịp này, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tặng Bằng khen cho 3 đơn vị có
thành tích trong các hoạt động của Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân
tộc vùng Đông Bắc lần thứ VIII.