Một số vấn đề trong phong tục , tập quán của dân tộc La Hủ ở Lai Châu
02:43 11/04/2013 Lượt xem: 1661 In bài viếtTheo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, dân tộc La Hủ ở nước ta có dân số 9.651 người (thuộc nhóm những dân tộc rất ít người ở nước ta), cư trú tại 16/63 tỉnh, thành phố. Đại đa số người La Hủ cư trú tập trung tại tỉnh Lai Châu (9.600 người, chiếm 99,47 % tổng số người La Hủ tại Việt Nam), ngoài ra còn có ở Thái Nguyên (20 người), các tỉnh còn lại có không nhiều hơn 10 người.
Do địa bàn cư trú chủ yếu ở những khu vực núi non
hiểm trở, cuộc sống dựa vào thiên nhiên, sản xuất mang tính tự cung tự cấp, hạn
chế giao lưu hàng hóa với bên ngoài... nên đời sống của đồng bào còn nhiều khó
khăn, thiếu thốn. Tỷ lệ đói nghèo lên tới 85 - 90% (theo tiêu chí cũ).
Kết quả khảo sát tại 20 hộ gia đình ở xã Bum Tở, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu
cho thấy phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc La Hủ
nói riêng hiện nay tuy ít nhiều có sự thay đổi nhưng do được thụ hưởng những
chính sách bảo tồn và phát triển nên đã có tác động nhất định đến kinh tế, văn
hóa, xã hội của các dân tộc thiểu số nói riêng và của cả nước nói chung. Cụ thể:
Về kinh tế, trước kia, người La Hủ sống chủ yếu bằng nghề làm rẫy và săn bắn,
hái lượm với công cụ lao động là con dao, chiếc cuốc. Vài chục năm trở lại đây,
người La Hủ đã dùng trâu cày kéo và phát triển cây lúa nước, lúa nương làm nguồn
lương thực chính. Đàn ông La Hủ đan ghế, mâm, chiếu, nong nia,... bằng mây rất
giỏi và đa số biết nghề rèn.
Hiện nay, cuộc sống của người La Hủ đã thay đổi, hầu như không còn du cư mà đã
sống thành làng, bản tập trung. Có những gia đình sống lâu đời ở một nơi như
người La Hủ ở xã Bum Tở, huyện Mường Tè (20 hộ/20 hộ); bình quân thu nhập trên
400.000 đ/tháng, không phải là cao nhưng cũng không còn quá nghèo; nhiều gia
đình đã có tivi (11 hộ /20 hộ); một số gia đình đã có xe máy (03 hộ/20 hộ); đa
số các gia đình chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà,..; số hộ đủ ăn 03 bữa (12 hộ/20 hộ),
các bữa ăn đều bằng cơm gạo tẻ (20 hộ/20 hộ). Người La Hủ thích dùng các loại
thịt chim, thú do săn bắn được, cá bắt ở khe suối, măng chua, canh đậu, bầu bí,
dần thay cho ăn ngô và cơm nếp là chính như trước kia. Đồng bào sử dụng nước
suối trong sinh hoạt và đa số đun sôi nước để uống; phần lớn các gia đình đã có
hố xí hai ngăn, đào hố để đổ rác,..
Về nhà ở: Phổ biến ở nhà trệt hoặc trình tường bằng đất hoặc ván. Bếp, nhà thờ
và giường ngủ của gia đình bao giờ cũng ở chung một gian.
Về hôn nhân gia đình: Trong gia đình La Hủ, chỉ có con trai mới được thừa hưởng
tài sản của cha mẹ. Theo phong tục La Hủ, trai gái được tự do yêu nhau và quyết
định hạnh phúc của mình (20 hộ/20hộ)). Đây là một phong tục đẹp của người La Hủ.
Sau lễ cưới, chàng rể phải ở gia đình nhà vợ 2-3 năm, sau đó mới được đưa vợ về
ở hẳn với mình. Khi ốm đau, người La Hủ không còn tự chữa bệnh hoặc mời thầy mo,
thầy cúng như ngày xưa mà đều đến bệnh viện (20 hộ/20 hộ)
Về tục lệ ma chay: Người chết được chôn trong quan tài độc mộc. Trên mộ không
dựng nhà mồ, không có rào bảo vệ. 10 hộ/20 hộ tổ chức tang lễ trong 03 ngày, số
ít tổ chức từ 01-02 ngày. Trong đám tang, không mời thầy mo, thày cúng. Đây cũng
là một nét đẹp trong tang lễ của dân tộc La Hủ.
Về văn hóa: Người La Hủ có trên một chục điệu múa khèn. Thanh niên thích thổi
khèn bầu. Các bài hát tuy thường dùng tiếng Hà Nhì nhưng có nhịp điệu riêng,
trong đó từng ngày được xác định theo chu kỳ 12 con vật (hổ, thỏ, rồng, chấy,
ngựa, cừu, gà, chó, lợn, sóc, trâu).
Về nhà cửa: Người La Hủ lập bản trên sườn núi. Thực hiện định canh định cư, một
số bản trên núi cao đã chuyển xuống vùng thấp hơn. Từ chỗ nhà cửa tạm bợ, nay họ
đã làm nhà ở bền chắc hơn, phần lớn là nhà trệt với vách bằng phên. Trong nhà,
bàn thờ tổ tiên và bếp bao giờ cũng đặt tại gian có chỗ ngủ của chủ gia đình.
Trang phục: Nam giới La Hủ mặc quần áo giống như các dân tộc khác ở vùng Tây Bắc.
Phụ nữ mặc quần, ngày thường mặc áo dài xuống tới cổ chân, ngày lễ tết mặc thêm
áo ngắn. Ở cổ áo, nẹp ngực, ống tay có thêu hoặc đáp vải các màu, có đính thêm
xu bạc, xu nhôm và các bông chỉ đỏ.
Có thể thấy rằng, những phong tục, tập quán nói trên của dân tộc La Hủ đã có
những tác động tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội. Đời sống của người dân đã
có nhiều đổi thay, không còn lam lũ như xưa; nhiều hộ gia đình đã định cư sống
tại một bản, được Nhà nước chăm lo cuộc sống mới.
Tuy nhiên hiện nay, người La Hủ vẫn tồn tại một vài phong tục, tập quán còn lạc
hậu có ảnh hưởng nhất định đến phát triển kinh tế-xã hội. Cụ thể:
Trong hoạt động sản xuất: Người La Hủ vẫn chủ yếu làm nương theo lối du canh. Họ
vẫn dùng những công cụ truyền thống trong sản xuất nên năng xuất chưa cao. Trong
chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhiều hộ vẫn chăn thả tự do (11 hộ / 20 hộ); nước
sinh hoạt xả thẳng ra môi trường, một số hộ gia đình còn đổ rác lung tung,..
Về phương tiện vận chuyển: Người La Hủ quen dùng gùi đan bằng mây, giang, có hai
quai đeo vai để chuyên chở trong điều kiện địa hình dốc. Họ thường địu trẻ khi
đi ca hay lúc làm việc.
Trong quan hệ xã hội: Người La Hủ cư trú phân tán thành nhiều xóm nhỏ với thành
phần dân cư thay đổi thường xuyên do lối sống du canh. Người phụ nữ được tôn
trọng trong gia đình song có ít vai trò xã hội. Quan hệ dòng họ lỏng lẻo, không
có người đứng đầu dòng họ và không có nghi lễ cúng bái cho cả họ. Một số họ mang
tên chim, thú nhưng cũng có nhiều họ đến nay không ai còn nhớ ý nghĩa. Thực tế
này cần được quan tâm vì quan hệ xã hội, quan hệ dòng họ mà lỏng lẻo sẽ khiến
cho kinh tế-xã hội không thể phát triển theo đúng quy luật.
Về sinh đẻ: Phụ nữ La Hủ được phép đẻ trong gian buồng của mình với sự giúp đỡ
của mẹ chồng hay chị em gái. Sau khi đẻ ba ngày thì tiến hành lễ đặt tên cho đứa
trẻ. Tên của trẻ sơ sinh thường được đặt theo ngày sinh, do vậy trong cộng đồng
người La Hủ, việc trùng tên khá phổ biến. Nếu trẻ lâu lớn hoặc hay đau ốm, có
thể làm lễ đổi tên khác. Việc sinh đẻ trong gian buồng là một phong tục lạc hậu,
không đảm bảo vệ sinh; nếu xẩy ra biến chứng, hậu quả sẽ rất khó lường cho cả mẹ
và con.
Về ma chay: Một số hộ gia đình tổ chức dài, từ 04 ngày trở lên. Người La Hủ
không có nghĩa địa cố định. Thời gian để tang của con cái đối với cha mẹ là ba
năm, song không có các dấu hiệu đặc biệt trên trang phục hay đầu tóc. Tổ chức
tang lễ kéo dài sẽ có những ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống của dân bản. Người
La Hủ quan niệm sự sống và cái chết là do trời định. Ở trên trời có hai căn nhà,
một gọi là “nà đề” (nhà ốm), một gọi là “xơ đề” (nhà chết). Nếu hồn của người
nào lên đến “xơ đề” thì nhất định sẽ chết. Còn nếu hồn lên tới “nà đề” thì phải
làm lễ cúng xin hồn về để được sống lâu hơn. Người ta tin rằng mỗi người chỉ
sống trong một hạn tuổi đã định ngay từ khi mới đẻ ra. Nhưng cũng có thể sống
vượt quá hạn đó nếu như tổ chức lễ cúng di chá.
Những phong tục, tập quán lạc hậu này đã phần nào kìm hãm phát triển kinh tế-xã
hội.
Để phát huy những yếu tố tích cực và dần loại bỏ những phong tục tập quán lạc
hậu, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội của người La Hủ, cần quan tâm
thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, cần có chính sách đặc biệt, toàn diện đối với dân tộc La Hủ. Nhà nước
quan tâm đầu tư xây dựng bản làng, nhà ở, giao thông và các công trình công cộng
như Ủy ban Nhân dân, trường học, bệnh viện, nhà văn hóa.
Có chính sách tăng cường thiết chế xã hội, thiết chế văn hoá; xây dựng bản làng
văn hóa mới được các thiết bị văn hóa thiết yếu...
Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện các chính sách của
Đảng, Nhà nước, thực hiện đời sống văn hoá mới. Việc tuyên truyền, vận động
người dân tham gia thực hiện chính sách có thể bằng cách đưa vào hương ước của
thôn, bản, bởi đó chính là sự cam kết của người dân tham gia thực hiện chính
sách. Trưởng thôn, bản, các già làng là những người đi đầu trong việc thực hiện
hương ước, sẽ đảm bảo chính sách được thực hiện.
Ba là, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan làm công tác dân tộc; nâng cao
năng lực cán bộ làm công tác dân tộc để lãnh đạo, quản lý các dân tộc thực hiện
tốt chính sách của Đảng, nhằm phát huy những phong tục, tập quán tích cực và dần
dần loại bỏ những phong tục tập quán lạc hậu góp phần đẩy mạnh phát triển kinh
tế-xã hội.
TS. Nguyễn Văn Trọng
Phó Vụ trưởng
Vụ Kế hoạch - Tài chính - UBDT