Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân quân đội nhân dân bảo vệ tổ quốc theo tư tưởng Hồ Chí Minh

09:08 11/04/2013 Lượt xem: 520 In bài viết

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng việc xây dựng quân đội công nông. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Người đã giải quyết một loạt vấn đề then chốt về tư tưởng lý luận và lãnh đạo xây dựng LLVT cách mạng thành công trong thực tiễn. LLVT, nòng cốt là Quân đội nhân dân đã hoàn thành nhiệm vụ Đảng và nhân dân giao phó trong thời kỳ khởi nghĩa vũ trang; tiếp đó không ngừng lớn mạnh toàn diện, trở thành lực lượng chiến đấu trụ cột, cùng với lực lượng toàn dân đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với LLVT nhân dân, lãnh tụ Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng ta cử đồng chí Phùng Chí Kiên, Uỷ viên Trung ương Đảng về chỉ đạo khu căn cứ Bắc Sơn Vũ Nhai và đội du kích Bắc Sơn. Đội du kích Bắc Sơn được mang tên mới Cứu quốc quân cho phù hợp với nhiệm vụ cứu nước. Trước phong trào quần chúng ở Bắc Sơn -Vũ Nhai lên cao, cuối tháng 6/1941, thực dân Pháp mở đợt càn quét lớn vào căn cứ cách mạng, đồng chí Phùng Chí Kiên bị địch phục kích giết hại. Nhằm duy trì tiếng súng Bắc Sơn - Vũ Nhai để cổ vũ phong trào toàn quốc kháng chiến, ngày 15/9/1941, Đội Cứu quốc quân thứ hai được thành lập mang tên đội du kích Pác Bó (Cao Bằng).

Sau một thời gian hoạt động (cuối năm 1941 đến tháng 7/1943), đội du kích Cao Bằng đã thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao phó. Khi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, 6 cán bộ và đội viên du kích Cao Bằng được tuyển chọn vào đội quân chủ lực đầu tiên. Cũng từ đội du kích Pác Bó, thông qua hoạt động cách mạng, công tác và chiến đấu, 4 cán bộ và đội viên của đội về sau trở thành các tướng lĩnh của quân đội: Lê Thiết Hùng, Lê Quảng Ba, Hoàng Sâm, Bằng Giang, (bằng 1/3 số người của đội).

Giữa tháng 10/1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Thư gửi các khu và đồng bào toàn quốc đề nghị triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc để thành lập chính quyền cách mạng Trung ương. Với tầm nhìn chiến lược, Người thấy thời cơ tổng khởi nghĩa đang đến gần: “Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Người sớm nhận thấy vai trò chiến lược của bộ đội chủ lực, khi đã có đủ điều kiện, Người quyết định thành lập Đội quân chủ lực đầu tiên. Đầu tháng 12/1944, Người triệu tập đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Vũ Anh đến Pác Bó và chỉ định đồng chí Võ Nguyên Giáp đảm nhiệm công việc chuẩn bị thành lập Đội quân chủ lực đầu tiên. Chấp hành chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp vạch kế hoạch thành lập đội và báo cáo với Người, Người thông qua kế hoạch, thêm hai chữ tuyên truyền thành Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

Là con đẻ của một dân tộc và nhân dân anh hùng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, mầm mống LLVT cách mạng của nhân dân ra đời và phát triển từ những đội tự vệ Công nông đầu tiên trên vùng căn cứ cách mạng Cao- Bắc-Lạng. Những năm 1939 - 1945, thời kì chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời như Đội du kích Bắc Sơn, Quân du kích Nam Kỳ, Cứu quốc quân, Đội quân du kích Ba Tơ, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời, thống nhất các LLVT trong cả nước. Lần đầu tiên, một quân đội kiểu mới do Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp tổ chức, lãnh đạo và giáo dục, một quân độị cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, gắn bó máu thịt với nhân dân, đã không ngừng lớn mạnh và lập nên biết bao kỳ tích trong tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, trong các cuộc chiến đấu thần thánh của dân tộc, suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ của thế kỷ XX; trong qúa trình xây dựng và BVTQ Việt Nam XHCN ngày nay.

68 năm qua, từ những chiến công đầu Phai khắt, Nà Ngần đến Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, từ khí thế cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh của quân và dân Hà Nội mở đầu Ngày toàn quốc kháng chiến, (tháng 12 năm 1946), đến trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ (năm 1954) và chiến thắng trong chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (cuối tháng 12 năm 1972), quân và dân ta đã đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 của Mỹ. Quân đội nhân dân cùng các lực lượng vũ trang cách mạng trong cả nước đã trưởng thành vượt bậc, trở thành một quân đội cách mạng chính quy, lập nên kỳ tích lẫy lừng năm châu, chấn động địa cầu. Thắng lợi của quân đội và nhân dân ta không những đã làm phá sản mưu đồ quay trở lại thống trị Việt Nam của Chủ nghĩa thực dân mà còn cổ vũ các dân tộc bị áp bức đứng lên, mở đầu cho sự sụp đổ hệ thống thuộc địa trên toàn thế giới.

Từ những chiến công mở đầu cuộc kháng chiến lần thứ hai đến Đại thắng mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, một lần nữa Quân đội nhân dân Việt Nam lại lập nên những chiến công vang dội, giành độc lập tự do toàn vẹn, thống nhất Tổ quốc, mở đầu cho thời kỳ mới. Thời kỳ cả nước ta ra sức xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng XHCN, thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Nhìn lại chặng đường lịch sử mà Quân đội nhân dân Việt Nam đã trưởng thành, những nguyên tắc xây dựng quân đội kiểu mới - quân đội của dân, do dân và vì nhân dân chiến đấu đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo và xây dựng vẫn tuân thủ theo những nguyên tắc cơ bản sau:

Thứ nhất, “Quân sự phục tùng chính trị, quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản là nhân tố quyết định bản chất cách mạng, sự trưởng thành và chiến thắng của LLVT nhân dân và Quân đội nhân dân. Có sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội ta luôn luôn lấy việc xây dựng về chính trị làm cơ sở để nâng cao sức mạnh chiến đấu tổng hợp, thường xuyên tăng cường hiệu lực công tác Đảng - công tác chính trị. Khi đã có Nhà nước, trở thành một bộ phận của Nhà nước, Quân đội ta tuân thủ hiến pháp và pháp luật. Thực tiễn lịch sử cho thấy, cơ chế quản lý của Nhà nước với quốc phòng không làm suy yếu sự lãnh đạo tuyệt đối trực tiếp, về mọi mặt của Đảng với quân đội.

Thứ hai, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh về nguyên tắc tổ chức quân đội: Phải có tổ chức vững chắc và nghiêm mật, nếu không có tổ chức thì không phải là một đội quân cách mạng, không thể đánh thắng được kết cục sẽ rơi vào tình trạng vô chính phủ và tan rã. Người chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, xác định đúng đắn mối quan hệ giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ. Vận dụng sáng tạo nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng vào xây dựng quân đội cách mạng, Người nêu rõ có tổ chức mạnh mới có con người mạnh. Con người mạnh làm cho tổ chức mạnh, Đảng bộ trong quân đội làm nòng cốt và hạt nhân lãnh đạo, vừa có hệ thống lãnh đạo, vừa có hệ thống chỉ huy, xác định rõ lãnh đạo là tập thể, chỉ huy là trách nhiệm cá nhân. Quân đội phải có kỷ luật sắt quân lệnh như sơn đi đôi với thực hiện dân chủ, phê bình, tự phê bình từ dưới lên, chống quan liêu, quân phiệt, độc đoán, chống tự do vô kỷ luật.

Thứ ba, Quân đội ta là Quân đội của dân, do dân, vì dân. Vì vậy, phải luôn đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, có thái độ chính trị đúng đắn trước những mối quan hệ chính trị cơ bản: Với nhân dân, Quân đội ta là người phục vụ trung thành, cùng nhân dân bảo vệ độc lập chủ quyền, chế độ xã hội, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ tính mạng, tài sản và quyền làm chủ của nhân dân. Với đất nước, Quân đội ta là công cụ để bảo vệ độc lập thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ sự bình đẳng và đoàn kết giữa các dân tộc, gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc. Với bầu bạn, Quân đội ta thấm nhuần tinh thần quốc tế vô sản, ủng hộ sự nghiệp đấu tranh cho độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và hoà bình thế giới. Với nội bộ, thực hiện toàn quân một ý chí, kỷ luật nghiêm minh, dân chủ, bình đẳng về chính trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”.

Thứ tư, Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, trong xây dựng quân đội phải lấy việc bồi dưỡng xây dựng con người là chính. Bác nói: “Người trước súng sau. Chiến lược trồng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo nên một đội ngũ cán bộ quân đội trung thành, có trí tuệ, đáp ứng yêu cầu khắc nghiệt của đấu tranh và mọi thử thách của cách mạng. Người nói: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Đối với cán bộ trong quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Trí, Dũng, Liêm, Trung”. Người đặt Trí lên hàng đầu. Theo Hồ Chí Minh, cán bộ quân sự trước hết phải là người có trí tuệ, không ngừng trau dồi tri thức, nâng cao trí tuệ, mới hoàn thành nhiệm vụ. Người cán bộ phải có giác ngộ chính trị hơn quần chúng, vì vậy phải có trình độ hiểu biết về Chủ nghĩa Mác-Lênin, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kỹ thuật quân sự; nắm vững đường lối chính sách của Đảng.

Quân đội nhân dân Việt Nam đã đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trước hết là thắng bằng trí tuệ, bằng tài thao lược, kế thừa truyền thống đánh giặc của Tổ tiên, tiếp thu có chọn lọc nghệ thuật quân sự của nhân loại, có phương pháp đúng, hiểu rõ quân đội của các nước đế quốc, sáng tạo trong cách đánh. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, quân đội cách mạng phải: nghiên cứu cách đánh giặc để có một lối đánh tài giỏi thì trăm trận trăm thắng. Hơn nửa thế kỷ xây dựng và chiến đấu, quân đội ta đã bồi dưỡng một đội ngũ cán bộ quân sự tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, giỏi thao lược, đánh thắng mọi kẻ thù. Trong Quân đội nhân dân Việt Nam, có nhiều cán bộ cao cấp từ công nhân, nông dân, trí thức cách mạng trưởng thành lên. Đó là một thành công lớn của Đảng và Bác Hồ.

Chiến lược trồng người trong quân đội của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng lên một hình tượng đẹp, đó là danh hiệu Anh bộ đội cụ Hồ được nhân dân tặng cho người chiến sĩ Quân đội nhân dân, một biểu tượng của con người mới, vừa mang phẩm chất truyền thống của dân tộc, vừa mang nhân cách và tầm vóc của người anh hùng thời đại và có giá trị nhân văn xã hội chủ nghĩa. 68 năm qua, Quân đội ta xây dựng và chiến đấu theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đã hoàn thành nhiệm vụ trong chiến tranh giải phóng dân tộc và BVTQ. Những năm hòa bình, Quân đội ta là một lực lượng rất quan trọng đảm bảo sự ổn định chính trị và an toàn xã hội của nước nhà. Ngày nay, trong bối cảnh mới, đất nước bước vào thời kỳ CNH, HĐH. Chúng ta đang đứng trước vận hội mới và những thách thức mới.

Đảng ta đã xác định xây dựng Tổ quốc và BVTQ XHCN là hai nhiệm vụ chiến lược. Nhiệm vụ của Quân đội ta rất nặng nề, phải bảo vệ được hoà bình, góp phần tạo môi trường ổn định để thực hiện CNH, HĐH đất nước. Bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển, biên giới hải đảo của Tổ quốc, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ nhân dân.

Trong sự nghiệp xây dựng và BVTQ, đòi hỏi quân đội phải xây dựng với chất lượng cao, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Nhiệm vụ đó đặt ra yêu cầu đầu tư hơn nữa vào công tác huấn luyện bộ đội, đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ chỉ huy giỏi, sáng tạo cách đánh và tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học quân sự, vận dụng sáng tạo vào quá trình xây dựng học thuyết quân sự Việt Nam trong thời đại mới, góp phần vào việc đổi mới phong cách lãnh đạo chỉ huy quân đội nhân dân. Cần thiết phải bổ sung, hoàn thiện hệ thống luật về xây dựng LLVT nhân dân, xây dựng Quân đội nhân dân, củng cố nền quốc phòng toàn dân BVTQ; Tiếp tục thể chế hoá đường lối, quan điểm, nghị quyết của Đảng về xây dựng quân đội; Ban hành hệ thống điều lệnh, điều lệ về các hoạt động của Quân đội nhân dân, tăng cường pháp chế XHCN trong quân đội, giải quyết tốt nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân trong Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng lãnh đạo.

Những vấn đề trên đang đặt ra trước toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục học tập, tìm hiểu và nghiên cứu sâu sắc hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng LLVT nhân dân, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam, góp phần tăng cường nền quốc phòng toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, làm cho Quân đội ta mãi xứng đáng với niềm tin yêu tin cậy của đảng, của nhân dân.

Thượng tướng, TS KHQS. Lê Hữu Đức
Ủy viên Ban Chấp hành TW Đảng
Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng