Kỹ niệm 40 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" tầm vóc bản lĩnh - trí tuệ Việt Nam
10:49 25/03/2013 Lượt xem: 442 In bài viếtTháng 10 năm 1972, lẽ ra giữa ta và Mỹ đã đi tới một hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam như đã thỏa thuận, nhưng phía Mỹ đã bội ước, đưa máy bay chiến lược B52 đến ném bom Hà Nội, Hải Phòng. Mưu đồ của Tổng thống Ních-Xơn và tập đoàn hiếu chiến Mỹ là dùng sức mạnh của B52, con chủ bài cuối cùng, để ép ta trên bàn đàm phán, hòng buộc ta phải chấp nhận những điều kiện áp đặt của họ.
Khi quyết định mở cuộc tập kích đường không để huỷ
diệt Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, làng mạc Việt Nam vào tháng 12 năm
1972, Mỹ đã huy động tới 193 máy bay B52 trên tổng số 400 chiếc mà họ có (gần
50%); không quân chiến thuật 1.077 chiếc trên tổng số 3.043 chiếc (31%); toàn bộ
lực lượng không quân chiến thuật của không quân và hải quân Mỹ ở Đông Nam Á (trong
đó có một biên đội máy bay F111 - khoảng 48-50 chiếc); 6 tầu sân bay trên tổng
số 14 chiếc đã từng tham chiến ở Việt Nam (34%); hơn 50 máy bay tiếp dầu trên
không và một số máy bay phục vụ khác như: máy bay gây nhiễu từ xa, máy bay trinh
sát chiến lược, chiến thuật, máy bay chỉ huy, liên tục dẫn đường, cấp cứu cùng
60 tàu chiến các loại của hạm đội 7 ở Thái Bình Dương. Ngoài ra tất cả các căn
cứ hậu cần, kỹ thuật của quân đội Mỹ ở Đông Nam Á và Nhật Bản đều được sử dụng
để phục vụ tối đa cho chiến dịch... Cả một guồng máy chiến tranh khổng lồ đã
được huy động cho chiến dịch này - một cuộc huy động lực lượng chưa từng có của
Đế quốc Mỹ kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2.
Để chống trả, phía Việt Nam ở khu vực Hà Nội, Hải Phòng chỉ có 5 Trung đoàn tên
lửa, 6 Trung đoàn pháo cao xạ, 4 Trung đoàn không quân (trong đó có 2 trung đoàn
Míc-21), 4 Trung đoàn rađa rải khắp miền Bắc; lực lượng phòng không của dân quân,
tự vệ 9 tỉnh có 1.316 pháo cao xạ các loại. Nhìn chung, khối lượng binh khí của
ta quá nhỏ, hầu hết đều sản xuất từ thế chiến thứ hai, rất lạc hậu so với địch.
Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã hết mức ngạo mạn cho rằng “Hà Nội sẽ không còn cách
lựa chọn nào khác là phải chấp nhận các yêu cầu của Mỹ".
Thế nhưng các thế lực phản động ở Lầu Năm Góc đã "quên" không tính đến, không
muốn hoặc chưa biết đến một lực lượng vật chất đã từng đẩy họ tới chân tường và
sẽ đánh đổ toàn bộ lực lượng binh khí kỹ thuật tối tân của họ. Đó chính là chủ
nghĩa yêu nước Việt Nam khi được phát huy sẽ trở thành sức mạnh vô địch. Lịch sử
chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam đã chứng minh điều đó. Sức mạnh này được
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là
một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng,
thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn,
nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp
nước" . Và hơn thế, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ
tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đứng vững trên nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác -
Lênin thì chủ nghĩa yêu nước Việt Nam càng được nhân dân Việt Nam kế thừa và
phát triển tốt nhất.
Học giả Rôbe Ghi Lanh đã viết: "Chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa yêu nước đã nhân lên
gấp bội ý chí hy sinh quên mình của người chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Họ vẫn
tiếp tục chiến đấu dưới làn bom đạn khủng khiếp của Mỹ, vì tất đã tìm trong lịch
sử khó có kẻ sánh bằng. Thực chất người Mỹ đã không biết tí gì về đất nước mà họ
tiến công... Người Mỹ có thể tàn phá đất nước này bằng bom đạn, nhưng đất nước
này thậm chí bị tổn thương vẫn không chịu cúi đầu, vẫn không chịu khuất phục".
Trong trận chiến 12 ngày đêm chống lại cuộc tập kích bằng đường không của Mỹ, "lòng
nồng nàn yêu nước" của dân tộc Việt Nam "lại sôi nổi" hơn bao giờ hết. Từ tinh
thần nồng nàn ấy, các dân tộc Việt Nam đã biết biến không thành có, biến ít
thành nhiều để lấy nhiều thắng ít, biến yếu thành mạnh để lấy mạnh thắng yếu,
biết giành thế chủ động, đẩy địch vào thế bị động để vô hiệu hóa sức mạnh binh
khí - kỹ thuật của chúng... để đánh chúng theo đúng nguyên lý "lực lượng vật
chất chỉ có thể đánh đổ bằng lực lượng vật chất". Cả dân tộc Việt Nam đã đứng
dậy với tinh thần như vậy. Quân chủng Phòng không-Không quân đã dày công nghiên
cứu, tìm ra cách đánh B52 và "cẩm nang bìa đỏ" ra đời. Đó là cuốn sách tổng kết
cách đánh B52 giúp bộ đội tên lửa của ta ra quân là đánh thắng-điều mà Lầu Năm
Góc chưa bao giờ nghĩ tới.
Khí thế sục sôi đánh B52 với tinh thần cứu nước "Ai có súng dùng súng, ai có
gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc". Với tinh thần ấy,
các loại vũ khí của ta đã đánh máy bay địch ở tất cả các tầm: Dân quân tự vệ và
nhân dân các địa phương đánh B52 bằng việc san lấp sửa chữa sân bay, làm trận
địa tên lửa, cao xạ, ra đa, ngụy trang cất giữ vũ khí, khí tài, đào hầm trú ẩn
để bảo toàn lực lượng... tạo thế trận phòng không nhân dân rộng khắp, làm rối
loạn khả năng hợp đồng tác chiến của địch, đẩy chúng lún sâu vào thế bị động.
Cách đánh của ta còn là huy động tất cả các lực lượng, kết hợp sức mạnh dân tộc
với sức mạnh thời đại, nhân loại tiến bộ (trong đó có cả nhân dân tiến bộ Mỹ) có
những hành động thức tỉnh lương tâm, phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của Đế
quốc Mỹ.
Ních-Xơn và các thế lực phản động ở nước Mỹ vấp phải sức mạnh do chiến lược đúng
đắn của ta tạo ra. Chiến lược hòa hợp với lịch sử và văn hóa Việt Nam đã loại bỏ
những lợi thế và làm tê liệt không lực - sức mạnh to lớn nhất của Mỹ". Nhà Trắng
và Lầu Năm góc nhiều phen chết lặng trước những con số “pháo đài bay” B52 bị bắn
rơi. Trong 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không", quân và dân ta đã bắn rơi 81
máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B52, 5 máy bay F 111 và 42 máy bay
chiến thuật khác.
Trong trận chiến này, 1 số địa bàn vùng miền núi phía Bắc cũng phải hứng chịu
những trận tấn công của B52. Đêm 23/12/1972, 33 chiếc B52 đánh Đồng Mỏ (Lạng
Sơn ) và khu vực Bắc Giang. Ngày 24/12/1972, địch huy động 44 lần máy bay
chiến thuật đánh phá khu vực Thái Nguyên (Cao Ngạn và dọc đường số 1), Sen Hồ,
Việt Yên (Hà Bắc). Song cũng trên bầu trời vùng miền núi, ngày 27/12/1972, 22
giờ 20 phút, Bộ Tư lệnh Không quân cho đồng chí Phạm Tuân lái máy bay MIG- 21
cất cánh bất ngờ từ sân bay Yên Bái, được Sở chỉ huy và rađa dẫn đường trực tiếp
bảo đảm, vượt qua hàng rào bảo vệ của máy bay F4 tiến về hướng đội hình B52. Đến
bầu trời khu vực Mộc Châu - Sơn La, anh tiếp cận được mục tiêu, công kích bằng 2
quả tên lửa. Một chùm lửa bốc cháy trùm lên chiếc B52 thứ 2. Đây là chiếc B52
đầu tiên bị không quân ta bắn rơi trong chiến dịch 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ
trên không".
Thất bại trong âm mưu biến miền Bắc Việt Nam “trở về thời kỳ đồ đá”, 7 giờ sáng
ngày 30/12/1972, Ních-Xơn buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra
và chấp nhận trở lại bàn đàm phán. Ngày 21/1/1973, Mỹ phải ký Hiệp định Pari
chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Dương Thị Hồng Duyên