Công tác thanh tra góp phần hoàn thiện chính sách dân tộc

10:11 25/03/2013 Lượt xem: 791 In bài viết

Hiện nay, lực lượng thanh tra Ủy ban Dân tộc có 15 cán bộ, công chức, người lao động. Đội ngũ còn mỏng nhưng phải đảm trách khối lượng công việc lớn. Đơn cử chỉ trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban Dân tộc (cụ thể là việc thực hiện các chính sách dân tộc) cũng đã là một thách thức, vì theo rà soát hiện có khoảng 20 nhóm chính sách của Nhà nước với hơn 50 chương trình, chính sách cụ thể do các bộ, ngành, địa phương quản lý chỉ đạo thực hiện trên địa bàn vùng miền núi, dân tộc; trong đó có nhiều vấn đề bức xúc, dễ là nguyên nhân của khiếu nại đông người như chính sách đền bù tái định cư các công trình thủy điện, thủy lợi, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo…

Quán triệt về mục đích của hoạt động thanh tra được quy định trong Luật Thanh tra năm 2010 là nhằm phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Thời gian qua, Thanh tra Ủy ban Dân tộc đã tập trung thanh tra việc thực hiện chính sách dân tộc tại một số địa phương, trong đó chú trọng những vấn đề bức xúc, liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa như: Chính sách đền bù, tái định cư các công trình thủy điện, thủy lợi; Chính sách hỗ trợ dân di cư tự do... trên quan điểm xuất phát từ thực tiễn thực thi chính sách để đề xuất giải pháp với cấp có thẩm quyền nhằm tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện khung chính sách chung về các lĩnh vực liên quan đến vùng miền núi, dân tộc. Một vài dẫn chứng sau sẽ làm sáng rõ hơn điều đó:

Thực tế cho thấy, thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư luôn là công việc khó đối với các dự án xây dựng nói chung, dự án thủy điện, thủy lợi nói riêng. Công trình có quy mô càng lớn thì độ phức tạp của công việc này càng cao. Dự án Thủy điện Bản Vẽ (tỉnh Nghệ An) là một ví dụ. Dự án thủy điện Bản Vẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư xây dựng tại xã Yên Na huyện Tương Dương với công suất 320 MW. Theo quy hoạch đã được phê duyệt, 3.000 hộ, gần 15.000 khẩu tại 34 bản, 9 xã của hai huyện Tương Dương và Kỳ Sơn, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, Khơ Mú, Ơ đu phải di dời và tái định cư đến 3 vùng trên địa bàn các huyện Thanh Chương, Tương Dương và Kỳ Sơn. Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, Chủ nhiệm, Thanh tra Ủy ban Dân tộc đã tiến hành thanh tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số tại dự án này.

Sau thanh tra, Thanh tra Ủy ban Dân tộc đã tham mưu cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng 5 nhóm giải pháp để đảm bảo mục tiêu trong công tác hỗ trợ bồi thường, tái định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số là “nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”, đó là: có chính sách hỗ trợ ngừng sản xuất đối với các hộ chậm được giao đất hoặc giao thiếu so với hạn mức dẫn đến thiếu việc làm và thu nhập; có chính sách hỗ trợ tiếp về lương thực trong thời gian nhất định sau khi các hộ tái định cư; hỗ trợ khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, chăn nuôi gắn với chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm mới, cho vay tín dụng ưu đãi để sản xuất; trích lợi nhuận trong quá trình khai thác công trình của doanh nghiệp để hỗ trợ đời sống, sản xuất đối với các hộ dân; hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng...

5 nhóm giải pháp đó vừa mang tính cụ thể, vừa mang tính lý luận vì được tổng kết nên từ thực tiễn của công tác tái định cư tại các công trình thủy điện, thủy lợi (phần nhiều ở vùng miền núi, dân tộc). Qua đó, giúp các cấp, các ngành có thêm căn cứ để bổ sung, điều chỉnh chính sách cho phù hợp nhằm đảm bảo an sinh, đời sống và quyền lợi của đồng bào các dân tộc thiểu số đã phải di dời quê hương để nhường đất cho các công trình.

Kiểm tra việc quản lý, thực hiện chính sách dân tộc đối với hộ gia đình, cá nhân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc đến các tỉnh Tây Nguyên (Đăk Nông, Đăk Lăk, Kon Tum), Thanh tra Ủy ban Dân tộc đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về kết quả cũng như những khó khăn, vướng mắc và bất cập về công tác quản lý, thực hiện chính sách đối với dân di cư tự do; kiến nghị với một số Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, địa phương liên quan tiến hành chỉ đạo, xử lý, phối hợp giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và bất cập trong công tác quản lý và tổ chức thực hiện trên địa bàn kiểm tra.

Qua kiểm tra việc thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ của tỉnh Đăk Nông, tỉnh Bình Phước và công ty TNHH một thành viên cao su Phú Riềng trong việc thu hồi đất đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại bản Giang Châu, xã Đăk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông, đã kiến nghị với UBND tỉnh Đăk Nông và Bình Phước cần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý và sử dụng đất đai, khắc phục tình trạng lấn chiếm và tái lấn chiếm của các hộ dân; tiến hành kiểm tra, rà soát lại tổng thể các hộ lấn chiếm đất trên diện tích đất thu hồi thực hiện dự án an sinh xã hội của tỉnh, huyện; bố trí kịp thời đất sản xuất cho các hộ dân không còn đất sản xuất; phối hợp cùng nhau để giải quyết triệt để các trường hợp tranh chấp đất đai đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chính sách dân tộc, công tác quản lý về hộ khẩu đối với người dân tộc thiểu số trên địa bàn hai tỉnh.

Bên cạnh thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra, Thanh tra Ủy ban Dân tộc đã hoàn thành tốt nhiệm vụ thường trực tiếp dân tại Trụ sở cơ quan Ủy ban Dân tộc theo đúng quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo và Quy chế tiếp công dân.

Những năm gần đây, tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi đến Ủy ban Dân tộc tăng, chủ yếu là đơn vượt cấp của đồng bào dân tộc thiểu số. Nội dung đơn tập trung vào việc thực hiện các chính sách của Nhà nước về thu hồi và đền bù đất đai, giải phóng mặt bằng, phá rừng phòng hộ, xử lý các hành động sai trái của các nhóm người tại địa phương, xử lý một số cán bộ tại địa phương lợi dụng chức quyền thu lợi cá nhân... các lĩnh vực đó chủ yếu thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương nơi sở tại và các cơ quan tư pháp. Tuy không có đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban Dân tộc, nhưng do làm tốt công tác tham mưu, tổng hợp tình hình, nên Thanh tra Uỷ ban đã ban hành một số văn bản chỉ đạo hoặc đề nghị các địa phương và một số Vụ, đơn vị của Ủy ban phối hợp giải quyết một số vụ việc phức tạp có liên quan đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong công tác tiếp công dân, đã bố trí cán bộ có năng lực, trình độ, am hiểu phong tục tập quán của từng vùng, từng dân tộc, có ý thức trách nhiệm và tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, giải thích hướng dẫn tận tình, chu đáo, có lý, có tình, do đó không có hiện tượng bức xúc, phức tạp kéo dài liên tục đến cơ quan Ủy ban Dân tộc để khiếu kiện.

Thanh tra Uỷ ban đã thực hiện tốt vai trò thường trực giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban trong công tác phòng, chống tham nhũng, thực hiện nghiêm chế độ báo cáo theo định kỳ, đột xuất về công tác phòng, chống tham nhũng theo qui định của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Thanh tra Chính phủ; Hướng dẫn các Vụ, đơn vị thuộc Uỷ ban thực hiện nghiêm túc các quy định về Luật phòng, chống tham nhũng theo từng tháng, quý, 6 tháng, 9 tháng năm theo quy định. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị chức năng, tổ chức hội thảo tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống tham nhũng cho các cán bộ công chức trong toàn cơ quan, đơn vị. Các cuộc thanh tra hành chính trong kế hoạch công tác hàng năm được Bộ trưởng, Chủ nhiệm phê duyệt đều gắn nội dung thanh tra trách nhiệm trong công tác quản lý của thủ trưởng các vụ, đơn vị được thanh tra trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của đơn vị mình.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Thanh tra Ủy ban Dân tộc luôn thấm nhuần lời dạy của Bác: “Thanh tra là tai mắt của trên, là bạn của dưới”. “Tai mắt của trên” là giúp lãnh đạo cấp trên nắm được đầy đủ, chính xác tình hình tổ chức thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc; đồng thời giúp xem xét lại những chủ trương, chính sách dân tộc đề ra có đúng hay không. Như vậy ở phương diện quản lý, thanh tra là phương tiện nhận thức và phát triển tư duy, kiểm tra lại để chủ động điều chỉnh chủ trương, chính sách cho phù hợp với quá trình quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Là “ Bạn của dưới”, Thanh tra Ủy ban Dân tộc đã giúp lãnh đạo quản lý cấp dưới nhìn thấy, biết được những việc mình làm đúng, làm tốt để tiếp tục phát huy; những việc làm sai, làm không đầy đủ, làm thiếu trách nhiệm để khắc phục sửa chữa nâng cao năng lực và trách nhiệm của mình; đồng thời phát hiện những vướng mắc cần tháo gỡ, những sai trái cần chấn chỉnh trong tổ chức thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc.

Như đã đề cập, địa bàn thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành hầu hết ở vùng sâu, vùng xa, nhưng Thanh tra Ủy ban Dân tộc đã khắc phục khó khăn, xuống tận nơi, xem tận chỗ việc thực hiện chính sách dân tộc. Do vậy, những kết luận của Thanh tra luôn sát với thực tế, có giá trị tổng kết thực tiễn đồng thời đề xuất được những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tổ chức thực hiện chính sách dân tộc ở vùng miền núi, dân tộc.

Ngày 15/11/2012, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã phê duyệt Chương trình công tác thanh tra năm 2013 của Thanh tra Ủy ban Dân tộc với các nội dung:

- Về công tác tiếp dân, thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo: kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Ủy ban thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt quan tâm chú trọng giải quyết kịp thời những vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp của đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, miền núi; không để đơn thư tồn đọng, kéo dài không được xem xét giải quyết. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xác minh, kết luận, đề xuất, kiến nghị xử lý đối với những vụ việc khiếu nại, tố cáo khi được Bộ trưởng, Chủ nhiệm giao, đảm bảo tuân thủ nghiêm pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

- Về công tác thanh tra: Thanh tra hành chính 2 cuộc; thanh tra chuyên ngành 6 cuộc về việc thực hiện Quyết định 1592/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; thanh tra việc thực hiện Quyết định 102/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân tộc thiểu số nghèo ở vùng khó khăn; thanh tra việc thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số du canh, du cư; thanh tra việc thực hiện Quyết định 2472/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp một số loại báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; phối hợp với Thanh tra Chính phủ thanh tra việc đền bù, tái định cư một số dự án thủy điện tại tỉnh Quảng Nam.

Ngoài ra, khi phát hiện các Bộ, ngành, địa phương, các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình thanh tra, ra kết luận thanh tra về lĩnh vực công tác dân tộc thì kịp thời đề xuất thanh tra đột xuất hoặc thanh tra lại. Kiểm tra việc thực hiện Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ thường trực giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban trong công tác phòng chống tham nhũng.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2013 và những năm tiếp theo, Thanh tra Ủy ban Dân tộc chú trọng đổi mới phương pháp, phong cách làm việc, phát huy sáng kiến trong công việc, cải cách qui trình, thủ tục hành chính; đẩy mạnh phong trào học tập và tự nghiên cứu để nâng cao nhận thức và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, gắn với giữ vững và phát huy truyền thống đoàn kết, xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch vững mạnh.

Nguyễn Hữu Giảng
Chánh Thanh tra Ủy ban Dân tộc