Một số kết quả thực hiện chính sách pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào về dân tộc thiểu số giai đoạn 2002-2011

09:46 05/04/2013 Lượt xem: 457 In bài viết

Thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Dân tộc, từ 2002-2008, các địa phương đã hỗ trợ đất ở, đất sản xuất được 210.377 hộ, đạt 49,9% so với tổng số hộ thiếu đất theo kế hoạch đã được phê duyệt. Còn lại 211.028 hộ, chiếm 50,1% chưa được hỗ trợ, chuyển sang giai đoạn 2009- 2011 tiếp tục thực hiện.

Sau khi tổng kết Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất theo Quyết định số 132/2002/QĐ-TTg và 134/2004/QĐ-TTg, năm 2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 1592/QĐ-TTg tiếp tục hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số chưa được hỗ trợ tại 2 Quyết định nêu trên, đồng thời mở rộng phạm vi đối tượng mới là hộ dân tộc thiểu số nghèo còn thiếu đất ở, đất sản xuất. Với kế hoạch được duyệt, giai đoạn 2009-2011, số hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất là 347.457 hộ. Trong đó, số hộ thiếu đất sản xuất là 142.444 hộ, số hộ thiếu đất ở là 39.526 hộ. Từ năm 2009 đến 2011, các địa phương đã hỗ trợ được 20.907 hộ; bao gồm: hỗ trợ đất sản xuất cho 15.590 hộ/5.456ha, hỗ trợ đất ở cho 5.317 hộ/1.063ha.

Như vậy, từ năm 2002 đến năm 2011, số hộ cần thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất là 558.485 hộ (chưa tính số hộ cần hỗ trợ theo các chương trình tái định cư thuộc các dự án thuỷ điện và khu kinh tế quốc phòng). Các địa phương đã hỗ trợ được 231.576 hộ/558.485 hộ đạt 41,5% so với tổng nhu cầu cần hỗ trợ của cả giai đoạn. Số hộ còn lại cần được tiếp tục hỗ trợ trong giai đoạn 2012 -2016 là 326.909 hộ; trong đó, số hộ cần hỗ trợ đất sản xuất là 293.934 hộ, số hộ thiếu đất ở là 32.975 hộ.

Kết quả hỗ trợ đất sản xuất thấp, chưa hoàn thành mục tiêu đề ra là do các nguyên nhân:

Một là, nhiều địa phương không còn quỹ đất để cấp cho đồng bào mặc dù để khắc phục khó khăn này, Chính phủ đã chỉ đạo thu hồi đất từ các khu quy hoạch của Nhà nước, từ các dự án, các Ban quản lý rừng, các nông lâm trường hoạt động kém hiệu quả... để cấp lại cho người dân. Kết quả thu hồi trong những năm qua đã giao cho địa phương 565.167 ha, chỉ tương đương với 14,2% tổng diện tích đất do các lâm trường quốc doanh quản lý.

Hai là, nhiều nơi, đất khai hoang để cấp cho đồng bào không còn hoặc còn rất ít. Muốn khai hoang phải đầu tư nhiều kinh phí do đất phân tán, rải rác, xa nơi ở lại thường là đất xấu, nhiều sỏi đá hoặc thiếu nước, sản xuất khó khăn, kém hiệu quả; có nơi giá đất quá cao, với mức hỗ trợ của Nhà nước và thêm cả phần vốn vay theo quy định hiện hành đồng bào cũng không đủ chi phí để khai hoang hoặc mua mới.

Ba là, đối với những nơi không còn quỹ đất sản xuất, tuy đã có giải pháp thay thế bằng chuyển đổi ngành nghề, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, giao khoán bảo vệ và trồng rừng nhưng việc triển khai của các địa phương còn lúng túng, kém hiệu quả.

Bốn là, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện chính sách liên quan đến đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số có mặt chưa chặt chẽ. Quy định về định mức, nội dung và cơ chế thực hiện chính sách trong một số quyết định chưa phù hợp, chậm được sửa đổi.

Năm là, trong công tác điều tra khảo sát, có địa phương còn bỏ sót đối tượng; có nơi do tách hộ, tăng dân số, phải thu hồi đất để triển khai các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương... nên phát sinh thêm số hộ cần hỗ trợ.

Sáu là, kết quả thực hiện một số Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chưa cao là do việc bố trí kinh phí hàng năm thấp, không đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Những nguyên nhân cơ bản dẫn đến đồng bào dân tộc thiểu số không có đất, thiếu đất ở, đất sản xuất bao gồm cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.
Nguyên nhân khách quan là do nơi cư trú của đồng bào dân tộc thiểu số tập trung chủ yếu ở vùng cao, địa hình chia cắt phức tạp, nhiều núi đá, độ dốc lớn. Vùng các dân tộc thiểu số sinh sống, địa bàn rộng nhưng ít diện tích đất sử dụng và đất sản xuất; nhiều nơi lại thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, khí hậu khắc nghiệt. Một bộ phận đồng bào còn duy trì tập quán du canh du cư, phát nương làm rẫy, ít quan tâm đến thâm canh, bảo vệ đất sản xuất để canh tác ổn định lâu dài và chưa chú ý đến việc xác định quyền sử dụng đất. Chuyển dịch kinh tế, chuyển dịch lao động trong vùng dân tộc chậm, chưa đáp ứng xu thế phát triển của các địa phương và tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước, hầu hết các hoạt động tạo thu nhập của đồng bào đều gắn với đất đai. Tình hình dân số ở vùng dân tộc và miền núi tăng nhanh, cả về tăng tự nhiên và tăng cơ học dẫn đến áp lưc nhu cầu về đất ở, đất sản xuất ngày càng nhiều.

Nguyên nhân chủ quan là do công tác qui hoạch cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, thành lập các nông, lâm trường, xây dựng các công trình giao thông, thuỷ lợi, thuỷ điện, khu công nghiệp, xây dựng khu kinh tế quốc phòng, khai thác khoáng sản... ảnh hưởng nhiều đến đất sản xuất, đất ở nói chung ở vùng dân tộc và miền núi. Một số quy hoạch chưa đánh giá đúng thực tế về thực trạng đất ở, đất sản xuất của người dân dẫn đến tình trạng diện tích qui hoạch nhiều nơi đưa cả đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc vào trong diện tích đất giao cho các nông lâm trường, doanh nghiệp, các công trình... Một số địa phương thực hiện việc di dời tái định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số để giao đất xây dựng công trình chưa sát với điều kiện thực tế, chưa tính đến những đặc trưng về văn hoá, phong tục tập quán, điều kiện sản xuất của đồng bào,... dẫn đến tình trạng sau khi tái định cư, có nơi đồng bào không ổn định được, phải tiếp tục di dời đi nơi khác hoặc quay trở về nơi ở cũ để sản xuất.

Những năm qua, nhằm tạo điều kiện cho đồng bào yên tâm sản xuất trên diện tích đất được cấp và hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSĐ) cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tính đến 15/6/2012, đồng bào dân tộc thiểu số cả nước đã được cấp 3.386.300 GCN đất nông nghiệp, với diện tích khoảng 5.837.600 ha và khoảng 1.702.000 GCN đất ở, với diện tích khoảng 94.000 ha; trong đó: Đất sản xuất nông nghiệp: đã cấp 2.349.000 GCN với diện tích: 1.600.000 ha. Đất lâm nghiệp: đã cấp 1.037.300 GCN với diện tích: 4.237.600 ha. Đất ở: đã cấp 1.702.000 GCN với diện tích: 94.000 ha.

Việc cấp GCNQSDĐ cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung trong giai đoạn (2002- 2011) đạt khá cao. Tuy vậy, ở một số địa phương vùng dân tộc thuộc khu vực có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới, vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ cấp GCNQSDĐ đạt còn thấp. Cá biệt, có nơi đến nay vẫn chưa cấp được GCNQSDĐ cho các hộ DTTS thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất của các Quyết định số 134, 132, 33... Nguyên nhân là do việc giao thực hiện đo đạc, cấp GCNQSDĐ cho đồng bào DTTS phải sử dụng bằng nguồn kinh phí địa phương trong khi hầu hết các địa phương vùng dân tộc không tự cân đối được ngân sách; một số địa phương nhận thức chưa đầy đủ về quy định đánh giá tác động môi trường đối với đất ở, đất sản xuất đã hỗ trợ cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo theo các quy định hiện hành; một số nơi do tình trạng đất ở, đất sản xuất của đồng bào hiện nay nằm trong diện tích đất của các nông, lâm trường, các công ty đang quản lý nên không thể cấp GCNQSDĐ cho các hộ sử dụng.

Các chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất được Chính phủ ban hành trong 10 năm qua là đúng đắn, thiết thực, hợp lòng dân, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn, thiếu đất ở, đất sản xuất. Thực hiện chính sách này, đã giải quyết được những vấn đề bức xúc của các hộ dân tộc thiểu số nghèo, người dân ở các địa bàn thường xuyên bị thiên tai.., góp phần ổn định được một bộ phận dân cư tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới; hạn chế tình trạng du canh, du cư, di cư tự do, phá rừng và nâng tỷ lệ diện tích rừng trồng mới. Từ khi được cấp đất ở, đất sản xuất cùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã tập trung làm ăn, từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Một số điểm định canh định cư và tái định cư các công trình được triển khai tốt, đã tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, từng bước đáp ứng nhu cầu về sản xuất, sinh hoạt của đồng bào. Hiệu quả của chính sách không chỉ giải quyết những khó khăn, bức xúc về kinh tế trước mắt, hỗ trợ trực tiếp cho công tác xóa đói, giảm nghèo, khắc phục thiên tai, gắn kinh tế với quốc phòng mà còn có ý nghĩa về chính trị, xã hội sâu sắc, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn vùng dân tộc, miền núi, tăng cường khối đại đoàn kết, củng cố niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Hiện nay, để tiếp tục thực hiện chính sách pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu trong giai đoạn tới, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, đánh giá lại các nông, lâm trường thuộc Bộ quản lý để phân loại và giao lại đất của các nông lâm trường cho các hộ dân tộc thiểu số không có đất sản xuất và thiếu đất sản xuất. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tập trung nguồn vốn để bố trí đủ kinh phí theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các Quyết định 33, Quyết định 1592, Quyết định 74 và các quyết định khác có liên quan đến đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo hoàn thành dứt điểm đến năm 2016. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Uỷ ban Dân tộc và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố rà soát đánh giá lại việc cấp giấy CNQSDĐ cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với các hộ đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất thuộc các quyết định số 134, 132, 33, 1592, 74 mà chưa được cấp giấy CNQSDĐ yêu cầu đến cuối năm 2013 phải hoàn thành việc cấp giấy CNQSDĐ. Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/6/2013 đối với tất cả các dự án qui hoạch xây dựng các công trình có liên quan đến đền bù và bố trí tái định cư cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số bị mất đất ở, đất sản xuất trên phạm vi ảnh hưởng của công trình. Những dự án tái định cư không đảm bảo quĩ đất để bố trí sản xuất, đất ở cho đồng bào cần kiên quyết đình chỉ. Các quy hoạch thuộc các chương trình, dự án có liên quan đến sử dụng đất nông, lâm nghiệp trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi nếu không khả thi, kém hiệu quả, thì kiên quyết thu hồi lại để giao đất cho các hộ dân tộc thiểu số nghèo không có đất, thiếu đất sản xuất.

Chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, thanh tra, rà soát lại việc đầu tư các công trình thuỷ điện, những nơi đang khai thác tài nguyên khoáng sản, cát sỏi, đá vôi, quặng sắt, đồng, nhôm, vàng kể cả có phép hay không có phép ở khu vực đầu nguồn các sông suối, nơi đồng bào các dân tộc thiểu số đã định cư lâu đời để loại bỏ những công trình hiệu quả kinh tế thấp, khai thác tài nguyên khoáng sản trái pháp luật phải kiên quyết đình chỉ để trả lại đất ở, đất sản xuất cho đồng bào, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/12/2012. Chủ động bố trí đất ở gắn với việc hỗ trợ nhà ở cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn; trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp của địa phương, ưu tiên bố trí đất sản xuất cho các đối tượng thụ hưởng chính sách theo Quyết định 1592, Quyết định 74 và Quyết định 33.

Để thực hiện những nhiệm vụ trên và căn cứ vào thực tiễn thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, bất cập, đạt thấp so với kế hoạch được duyệt, Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội cần sửa đổi Luật Đất đai 2003 theo hướng: Nâng cao năng lực và vai trò của Nhà nước trong công tác quy hoạch và quản lý đất đai; nên áp dụng việc giao đất không thời hạn đối với những loại đất trồng cây lâu năm và có thời hạn đối với những loại cây trồng hàng năm với thời gian tối thiểu là 50 năm và tối đa là 70 năm; bổ sung thêm một số điều khoản qui định về hệ thống quản lý và việc sử dụng đất nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc sở hữu, sử dụng đất ở, đất sản xuất; bổ sung các khoản qui định về xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và chính sách hậu tái định cư khi bị thu hồi đất cho đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng yếu thế khác trong xã hội; Quốc hội cần ưu tiên ngân sách để bố trí cho các chính sách dân tộc; trong đó, có chính sách hỗ về trợ đất ở, đất sản xuất. Đối với những dự án liên quan đến an sinh xã hội và bố trí sắp xếp nơi ở, nơi sản xuất ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số cần được ưu tiên vốn để giải quyết trong thời gian ngắn, không để kéo dài. Các chính sách dân tộc nên giao cho một đầu mối quản lý để tránh chồng chéo trong việc chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện. Việc giao kế hoạch vốn hàng năm để thực hiện các chính sách dân tộc, chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số nên phân bổ theo hệ số đặc thù, không giao theo cách tính tương ứng từ tăng thu ngân sách hàng năm như hiện nay.

Nguyễn Quang Hải
Hoàng Phương Liên