Đưa trí thức trẻ về nông thôn một hướng đi mới góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững
08:53 11/04/2013 Lượt xem: 412 In bài viếtNgay từ thời kỳ đầu trong đấu tranh cách mạng, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định vai trò đặc biệt quan trọng của giai cấp nông dân, coi đây là lực lượng nòng cốt trong liên minh công nhân - nông dân - trí thức. Trong Sách lược cách mạng, Bác viết: “Đảng phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày và phải dựa vào dân cày nghèo làm thổ địa cách mạng, đánh gục bọn đại địa chủ và phong kiến.
Đảng phải làm cho các đoàn thể thợ thuyền và dân cày
(công hội, hợp tác xã) khỏi ở dưới quyền lực và ảnh hưởng của bọn tư bản quốc
gia. Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông”. Sau khi
Cách mạng Tháng Tám thành công, qua hai cuộc kháng chiến thắng lợi, cả nước tiến
lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, cho đến khi tiến hành công cuộc đổi mới, khu vực
nông thôn và người nông dân vẫn tiếp tục được Đảng và Nhà nước quan tâm. Nhờ
những chủ trương, chính sách đúng đắn, mà khởi đầu là chính sách khoán hộ theo
Nghị quyết số 10 (năm 1988) đã làm thay đổi dần diện mạo của khu vực nông thôn.
Từ chỗ chúng ta phải nhập khẩu lúa gạo, xin cứu trợ lương thực trở thành nước
xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới.
Tuy vậy, hiện nay khu vực nông thôn và người nông dân vẫn còn gặp rất nhiều khó
khăn. Mặc dù sản lượng xuất khẩu lương thực không ngừng tăng, chẳng hạn, năm
1989 nước ta xuất khẩu 1,2 triệu tấn gạo, đến năm 2009 xuất khẩu tăng lên, đạt
hơn 6 triệu tấn nhưng thực chất lợi tức người nông dân được hưởng không cao, đời
sống còn nhiều bấp bênh, thất nghiệp vẫn diễn ra ngay trên chính mảnh đất làng
quê ở nhiều vùng nông thôn.
Trước thực trạng đó, ngày 5/8/2008 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần
thứ 7 (khóa X) đã ra Nghị quyết số 26-NQ/TW về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”
(gọi tắt là Nghị quyết “Tam nông”). Nghị quyết đã tạo ra động lực mới để người
nông dân có cơ hội vươn lên thoát nghèo, tiến tới làm giàu, làm thay đổi dần bộ
mặt khu vực nông thôn. Nghị quyết đã xác định rõ vai trò quan trọng của nông
nghiệp, nông dân, nông thôn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước. Nhưng làm thế nào để đưa Nghị quyết vào cuộc sống và các bước thực hiện ra
sao để nhanh chóng đạt được mục tiêu của Nghị quyết? Bằng cách gì để xóa đói
giảm nghèo cho khu vực nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa thật sự được bền
vững?... đó là hàng loạt câu hỏi đang đặt ra mà cả hệ thống chính trị và người
nông dân phải cùng tìm câu trả lời.
Phát triển kinh tế khu vực nông thôn, xóa đói giảm nghèo là vấn đề không phải
đến nay chúng ta mới nói tới. Có thể thấy rằng đã có nhiều chủ trương, chính
sách về xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được
ban hành như Quyết định số 133 (năm 1998); Quyết định số 135 (năm 1998); Quyết
định số 143 (năm 2001)... nhưng nhìn chung các chính sách trên chưa thực sự hiệu
quả, tình trạng tái nghèo vẫn diễn ra ở nhiều nơi.
Có những lúc chúng ta bàn luận nhiều về cách thức xóa đói giảm nghèo theo hai
cách là: thứ nhất, hỗ trợ trực tiếp cho những hộ nghèo bằng hiện vật; thứ hai,
hỗ trợ gián tiếp các hộ nghèo thông qua các chương trình, dự án như dạy nghề,
phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng... và trên thực tế chúng ta
đã áp dụng cả hai cách nêu trên mà vẫn chưa yên tâm, mục tiêu xóa đói giảm nghèo
bền vững vẫn còn xa, nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn kém phát triển.
MỘT HƯỚNG ĐI MỚI ĐƯA TRI THỨC VỀ NÔNG THÔN
Sinh kế bền vững cho con người là cần bảo đảm các nguồn lực như nguồn lực con
người, nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, nguồn vốn tài chính, nguồn vốn xã hội,
nguồn vốn vật chất và thông tin. Khu vực nông thôn, người nông dân trong những
năm qua đã được Đảng và Nhà nước không ngừng nỗ lực cung cấp cho những nguồn vốn
cần thiết để có được sinh kế ổn định và bền vững. Nhưng xem xét kỹ thì việc cung
cấp các nguồn lực trên, mỗi loại mới chỉ thực hiện đạt mức độ tối thiểu, chưa có
loại nguồn lực nào được xác định là khâu đột phá và tập trung thực hiện một cách
quyết liệt. Từ đó, dẫn đến việc đầu tư dàn trải, hiệu quả không cao.
Trong các loại nguồn lực mà khu vực nông thôn cần đến nhất là nguồn nhân lực
chất lượng cao. Nguồn nhân lực có vai trò là trung tâm của tổ chức bộ máy: từ
việc hình thành, duy trì, vận hành nó để phát triển ở một đơn vị, một địa phương,
vùng, miền, một quốc gia đều được quyết định bởi yếu tố nhân lực. Khi nguồn vốn
tài nguyên thiên nhiên, nguồn tài chính, nguồn vốn xã hội, nguồn vốn vật chất,
nguồn vốn thông tin tốt nhưng nhân sự không tốt, tổ chức bộ máy quản lý và vận
hành không phù hợp cũng khó đạt được mục tiêu. Trái lại, khi nhân lực tốt mà các
nguồn lực khác chưa đầy đủ, có thể khắc phục và huy động được các nguồn lực khác
để phát triển. Do đó, cần kết hợp vừa đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, đào tạo
nghề cho nông dân, tạo cơ chế chính sách phù hợp, vừa tăng cường đội ngũ trí
thức trẻ có chất lượng tham gia vào bộ máy và các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã
hội ở nông thôn để phát huy sức mạnh, hiệu quả được các nguồn vật lực, tài lực
đã đầu tư; đồng thời phát hiện và khơi dậy nguồn lực tại chỗ cho phát triển.
Trong đội ngũ nguồn nhân lực xã hội thì trí thức luôn được coi là vốn quý, là
“nguyên khí quốc gia”, là bộ phận tinh hoa. Nhưng hiện nay, bộ phận này tập
trung chủ yếu ở khu vực thành thị và những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội
phát triển, điều này là một nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệnh cao về mức độ phát
triển giữa các vùng, miền trong cả nước.
Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách nhằm điều tiết nguồn nhân lực, bảo đảm sự
phát triển công bằng, bền vững giữa các khu vực trong cả nước. Để tạo sức bật
mới nhằm xóa đói giảm nghèo bền vững cho khu vực nông thôn nhất là vùng sâu,
vùng xa, vùng dân tộc thiểu số miền núi, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30a
về “Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo”,
trong đó việc tăng cường đội ngũ trí thức trẻ về làm lãnh đạo ở các xã vùng sâu,
vùng xa được coi là khâu đột phá. Giải pháp này được cụ thể hóa bằng Quyết định
số 170/QĐ-TTg, ngày 26/01/2011 về “Phê duyệt Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí
thức ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch ủy ban nhân dân
xã thuộc 62 huyện nghèo” của Thủ tướng Chính phủ. Dự án được thực hiện trên cơ
sở khảo sát điều kiện kinh tế - xã hội và nhu cầu về nhân lực quản lý, lãnh đạo
của 724 cán bộ, công chức ở 680 xã, thuộc 59 huyện trong số 62 huyện nghèo năm
2010 do Bộ Nội vụ thực hiện.
Kết quả điều tra cho thấy, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ,
công chức khu vực này còn rất nhiều hạn chế, nhiều người không đủ trình độ để
đào tạo hoặc đào tạo lại. Phần lớn cán bộ, công chức ở các xã này thiếu tính chủ
động, sáng tạo trong triển khai công việc. Vì vậy, Quyết định số 170/QĐ-TTg thực
sự đã tạo ra một sức mạnh mới đối với các xã nông thôn thuộc 62 huyện nghèo.
Người dân và chính quyền địa phương rất phấn khởi đón nhận đội ngũ trí thức trẻ
về tham gia trực tiếp xây dựng và phát triển quê hương của họ.
Đánh giá ban đầu cho thấy, hầu hết trí thức trẻ đăng ký về các xã vùng sâu, vùng
xa công tác đều rất nhiệt tình, năng động và họ sẵn sàng chấp nhận những thiếu
thốn về vật chất và tinh thần và muốn vận dụng những kiến thức đã học tập để áp
dụng vào đời sống. Đây là ưu điểm lớn nhất của họ, tuy nhiên, hạn chế dễ thấy
của đội ngũ này là thiếu kinh nghiệm công tác, đặc biệt là kinh nghiệm sống và
những hiểu biết về văn hóa bản địa. Nếu biết khai thác, phát huy những điểm mạnh
và khắc phục những hạn chế của họ thì đây thực sự là đòn bẩy cho sự phát triển
của khu vực nông thôn nói chung và các huyện nghèo nói riêng.
VẪN CÒN NHIỀU THÁCH THỨC
Trước hết là sự khác biệt về văn hóa. Có lẽ đây là rào cản về việc hòa nhập giữa
các trí thức trẻ với địa phương. Làng quê Việt Nam nói chung đều bảo lưu lâu bền
văn hóa truyền thống và tính cố kết cộng đồng, làng xã trên cơ sở huyết thống
dòng tộc. Khi có những nhân tố mới xuất hiện nếu không có sự chuẩn bị kỹ để hòa
nhập cộng đồng, họ rất dễ gặp những trở ngại.
Theo quy trình của Đề án thì những cán bộ trẻ được điều động sẽ có một thời gian
để tập huấn hòa nhập, làm quen với tập quán và văn hóa địa phương trước khi “vào
cuộc”. Đây là thời gian rất quan trọng để họ tìm hiểu và dung nạp tri thức bản
địa để nhập cuộc và đi tiếp.
Thứ hai, cần quan tâm đến sự đồng thuận của những cán bộ, đảng viên, công chức
đang làm việc tại địa phương. Sự hỗ trợ của chính quyền, đoàn thể và sự hợp tác
của đồng nghiệp. Đó là sự trao truyền những kinh nghiệm thực tiễn nên mặc dù ban
đầu các địa phương có thêm cán bộ trẻ về đều được mong chờ đón nhận, nhưng để
nhận được sự hỗ trợ và nhất là những điểm “yếu” và “thiếu” đang tồn tại lâu nay
ở địa phương, cơ sở cũng không dễ dàng được trao đổi, thừa nhận. Và, không thể
không có vấn đề va chạm về lợi ích và những tác động tâm lý đối với những người
đã làm việc cống hiến tại địa phương lâu năm. Không điều hòa được rất dễ dẫn đến
sự bất hợp tác, thậm chí là cô lập chống đối đối với những trí thức trẻ, những
cán bộ mới, được giao trọng trách tại địa phương.
Để hạn chế tình trạng trên, cần làm tốt công tác tư tưởng đối với chính quyền
địa phương, làm cho cả hệ thống chính trị ở địa phương nhận thức được ý nghĩa
thiết thực và tầm quan trọng của việc tăng cường trí thức trẻ về công tác tại
địa phương là để đóng góp, cống hiến; đồng thời cũng phải có những cơ chế tạo
điều kiện thuận lợi cho họ mạnh dạn phát huy khả năng tư duy, sáng tạo, trong đó
có thể phải chấp nhận những thử nghiệm và thất bại. Các cơ quan như xã, huyện,
tỉnh nơi trí thức trẻ đến cần phải nhận thức rõ vấn đề này để tạo điều kiện
thuận lợi nhất cho họ làm việc.
Thứ ba, đội ngũ trí thức đặc biệt là trí thức trẻ có nhu cầu rất cao về tinh
thần. Với sức trẻ và lòng nhiệt tình các thiếu thốn về vật chất họ có thể chịu
đựng và vượt qua được, nhưng không dễ vượt qua được các thiếu hụt về tinh thần,
về đời sống văn hóa do ít kinh nghiệm thực tế nên “sức bền bỉ” sự dẻo dai khi
phải đối diện với những nghiệt ngã của đời sống.
Thứ tư, vị trí phó chủ tịch xã cần có kinh nghiệm và kỹ năng quản lý. Chức danh
phó chủ tịch xã là một chức danh quản lý, lãnh đạo vì vậy đòi hỏi ở vị trị này
phải khác so với các vị trí công tác khác. Người đảm nhận vị trí này không chỉ
cần có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ mà họ phải có kinh nghiệm và bản lĩnh của
một nhà quản lý. Trình độ chuyên môn và lòng nhiệt tình họ có thể có nhưng kinh
nghiệm công tác và bản lĩnh sự dày dạn cần có của một nhà quản lý thì thực sự
khó khăn đối với những trí thức trẻ vừa rời khỏi ghế nhà trường. Mặc dù những
cán bộ này có thêm ba tháng học tập về các kỹ năng khoa học quản lý, khoa học
lãnh đạo, khoa học tổ chức... Đây là thời gian quá ngắn ngủi để có thể mang đến
một sự hoàn thiện cần có. Vì vậy, cần phải tiếp tục rèn luyện bản lĩnh chính trị
cần thiết đối với nhà quản lý, trong điều kiện có nhiều khó khăn về nhiều mặt
diễn ra hằng ngày, hằng giờ ngay tại địa phương, cơ sở.
Thứ năm, để thu hút được những trí thức trẻ có tâm và tài thực sự đã khó, việc
giữ chân để họ gắn bó và cống hiến cho các xã nghèo, huyện nghèo còn khó hơn.
Khi đăng ký tình nguyện về các huyện nghèo công tác, hầu hết họ đều thể hiện sự
nhiệt tình, hăng hái với khí thế của tuổi trẻ. Tuy nhiên, lòng nhiệt tình đó cần
được kiểm nghiệm trước một thực tế khắc nghiệt mà nhiều người chưa hình dung
được. Không loại trừ có những người coi việc đến các vùng sâu, vùng xa công tác
chỉ là tạm thời, là bước đệm để chuyển công tác khác tốt hơn. Vì vậy quá trình
thực hiện công việc, họ chỉ làm cầm chừng để chờ đợi cơ hội. Cần có những cơ chế
chính sách cụ thể để giữ chân, ràng buộc trách nhiệm đối với những người trí
thức có năng lực. Các chính sách cần hướng đến sự quan tâm, tôn trọng để họ tự
nguyện ở lại, tự nguyện cống hiến sức mình cho các huyện nghèo.
Thứ sáu, đây là lần đầu tiên chúng ta thực hiện một chính sách lớn về nhân lực
đối với các huyện nghèo. Vì vậy, việc kiểm tra giám sát, để đánh giá hiệu quả
hoạt động của các trí thức trẻ là rất cần thiết. Đồng thời thông qua quá trình
này cần nắm bắt kịp thời những tâm tư nguyện vọng của họ để tiếp tục thực hiện
việc điều chỉnh chính sách cho phù hợp, chính xác và kịp thời ở các giai đoạn
tiếp theo.
Nguyễn Văn Tạo
Trường Đại học Nội vụ Hà Nội