15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5(Khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Bàn thêm về vấn đề văn hóa

03:09 10/04/2013 Lượt xem: 734 In bài viết

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có trên 400 định nghĩa về văn hóa, tại sao khái niệm văn hóa lại có nhiều định nghĩa đến như vậy?


Văn hóa là một khái niệm có nội hàm hết sức phong phú. Mọi sự vật hiện tượng, mọi quá trình trong thế giới vật chất lẫn tinh thần đều có mối liên hệ với con người, được con người tìm hiểu, nhận thức, tác động và ảnh hưởng trở lại con người, do đó đều có khía cạnh văn hóa của nó. Vì vậy khi cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật - công nghệ càng phát triển, trình độ tư duy của con người càng cao thì nội hàm của văn hóa càng được mở rộng không ngừng.

Ngoài một số ngành khoa học xác định văn hóa là đối tượng trực tiếp, còn có rất nhiều ngành khoa học khác nghiên cứu góc độ này hay góc độ khác của văn hóa. Vì thế mà có rất nhiều định nghĩa, nhiều cách tiếp cận văn hóa.

Nhìn một cách tổng quát, các nhà khoa học thường dựa vào mức độ khái quát và phạm vi đối tượng nghiên cứu để chia ra có 3 cấp độ tiếp cận:

- Cấp độ khái quát nhằm đạt tới khái niệm chung về đặc điểm một lĩnh vực mang tính bao trùm.

- Cấp độ giá trị tinh thần được chi phối bởi bản chất văn hóa.

- Cấp độ hệ thống từng lĩnh vực cụ thể của giá trị tinh thần được thể hiện thành sản phẩm vật chất.

Hướng tiếp cận thứ ba là dựa vào cấu trúc hệ thống của sự vật để hiểu sự vật qua một biểu tượng nào đó, lựa chọn những biểu tượng, tượng trưng cho một nền văn hóa. Thí dụ như Kim Tự Tháp là biểu tượng cho văn hóa Ai cập, tháp Epphen là biểu tượng của văn hóa Pháp, trống đồng Đông Sơn là biểu tượng của văn hóa Việt Nam… Nhưng rõ ràng là biểu tượng chỉ mới là giai đoạn của nhận thức cảm tính, mới chỉ là cấp độ tượng trưng, là đại diện chứ chưa phải là toàn bộ bản chất văn hóa.

Hướng tiếp cận thứ hai chính là khuynh hướng của thuyết giá trị. Nhưng phải thấy tính hai mặt của loại học thuyết này. Mọi giá trị đều thể hiện mối quan hệ giữa người và vật; chỉ khi nào sự vật khách quan có ích với con người thì mới gọi là giá trị. Nhưng giá trị không chỉ quyết định bởi bản thân sự vật mà còn quyết định bởi con người đang chịu sự chi phối của giai cấp, dân tộc, các tôn giáo, thời đại… do đó một giá trị có thể đưa đến cách nhìn nhận khác nhau. Giá trị mới chỉ là một loại thước đo của văn hóa chứ chưa phải là bản thân văn hóa.

TS KH Đỗ Văn Khang nhận xét rằng lâu nay nghiên cứu văn hóa, người ta thường tiếp cận theo khuynh hướng giá trị luận, ít chú ý đến bản thể luận, nặng về mối quan hệ giữa giá trị văn hóa và chủ thể chứ chưa phải là bản thân văn hóa.

GS Phan Ngọc quan niệm rằng, một khi văn hóa không phải là một đồ vật, mà là một mối quan hệ, có mặt ở mọi tộc người và chỉ ở con người mà thôi, thì không thể nào tìm một định nghĩa về văn hóa ở các ngành khoa học tự nó đã chia cắt loài người ra thành những tập đoàn khác nhau như dân tộc học, xã hội học, kinh tế học, chính trị học. Cần phải tìm nó ở những khoa học nghiên cứu loài người một cách tổng thể như Tâm lí học, Triết học. Quan niệm của GS Phan Ngọc cũng chứng tỏ các nhà văn hóa học cũng muốn “thoát ra” khỏi văn hóa học để định nghĩa văn hóa. Đó chính là hướng tiếp cận thứ nhất, hướng tiếp cận ở cấp độ khái quát nhằm đạt tới khái niệm chung về đặc điểm một lĩnh vực mang tính bao trùm. Đó chính là hướng tiếp cận của Triết học.

Để xác định được Triết học tiếp cận văn hóa như thế nào, nghiên cứu khía cạnh nào của văn hóa, chúng ta cần tiếp thu ý kiến của các nhà Triết học trong lịch sử, nhất là các nhà kinh điển của nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa.

Các nhà triết học cổ đại phương Đông đều nhấn mạnh khía cạnh quan hệ Lễ - Nghĩa của cộng đồng; các nhà triết học cổ đại phương Tây nhấn mạnh các điều kiện khách quan qui định nên tính cách dân tộc, tính đặc thù và tính cách của mỗi tộc người, ý nghĩa nhân đạo trong phương thức ứng xử của con người. Các yếu tố đó có ý nghĩa đối với sự phát triển xã hội.
Trong thời cận đại nhà triết học người Anh Jon Loc ke (1632-1704) quan tâm đến ý nghĩa của những nét đặc thù trong hoạt động sống của các cộng đồng, vài trò và ý nghĩa của các dạng văn hóa, đặc biệt ông đề cao ý nghĩa của văn hóa tộc người.

J. G Hec de, nhà triết học Đức (1744-1804) là người đã nghiên cứu một cách hệ thống về mối quan hệ giữa văn hóa và sự phát triển của các dân tộc cũng như toàn xã hội. Ông cho rằng văn hóa là cái tạo ra tinh thần của mỗi dân tộc.

O Spengơle (1880-1936) nhà triết học Đức, là một trong những người được coi là sáng lập nên ngành triết học văn hóa hiện đại. Ông xem sự phát triển của xã hội loài người theo mối tương quan giữa các nền văn hóa khác nhau. Thực chất của mối tương quan ấy là giải quyết những vấn đề, những sự khác biệt để bảo tồn tính đặc sắc của mỗi nền văn hóa.

A.J Toynơbi (1889-1975) là một trong những đại biểu điển hình của triết học văn hóa ở Anh. Ông coi sự khác biệt, tính chu kỳ của các nền văn hóa là cái cốt lõi của sự phát triển xã hội. Ông đề cao tính đặc thù của sự khác biệt về mặt văn hóa giữa các dân tộc.

M. Vây bơ (1864-1920) nhà xã hội học Đức, người được coi là một trong những nhà tư tưởng đề xướng vai trò nền tảng, cơ sở của văn hóa đối với sự phát triển xã hội. Ông đánh giá cao vai trò của các nhân tố truyền thống, tôn giáo, đạo đức… bởi những yếu tố đó được hình thành qua quá trình lịch sử lâu dài, trở thành tính qui định bên trong của sự phát triển.

C. Mác và Ph. Ăng ghen quan niệm bản chất của văn hóa được thể hiện trong mối quan hệ biện chứng giữa con người và xã hội:

Bản chất của con người không phải là cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt, trong tính hiện thực của nó, bản chất của con người là tổng hòa những quan hệ xã hội.

C.Mác gọi hoạt động sống của người là những hoạt động thể hiện quan hệ con người với con người, con người với xã hội. C. Mác vạch rõ nguồn gốc văn hóa gắn liền với những năng lực sáng tạo của con người. Sự sáng tạo đó bắt nguồn từ lao động. Văn hóa là sự “Thăng hoa” của sản xuất vật chất. Ông cho rằng người ta có thể căn cứ vào mức độ tự nhiên được con người khai thác chuyển biến thành bản chất con người như thế nào để đánh giá trình độ văn hóa.

C. Mác viết “ Súc vật chỉ nhào nặn vật chất theo thước đo và nhu cầu của giống loài đó, con người thì có thể áp dụng thước đo thích dụng cho đối tượng. Do đó con người cũng nhào nặn vật chất theo qui luật của cái đẹp”.

C. Mác cho rằng việc con người tạo ra “thiên nhiên thứ hai” là theo qui luật của cái đẹp thuộc tính bản chất, chính đó là cái văn hóa trong hoạt động của con người. Như vậy theo C. Mác, hoạt động của người không chỉ thỏa mãn nhu cầu, ăn, mặc, ở… mà còn kết tinh năng lực sáng tạo, là cách sống, phương thức sống, phương thức bộc lộ nhân tính, biểu hiện ra trong toàn bộ sản phẩm vật chất, tinh thần do chính con người sáng tạo ra trong quá trình thực tiễn lịch sử - xã hội của mình. Con người là thước đo của mỗi giá trị, còn văn hóa là thước đó nhân tính, sự sáng tạo và thái độ của con người trước hiện thực. Vì vậy Ph. Ăng-ghen đã nói “ Mỗi bước tiến lên trên con đường văn hóa lại là một bước tiến tới tự do”.

Khi bàn về văn hóa V. I. Lênin cho rằng, trong xã hội có giai cấp, luôn luôn tồn tại hai nền văn hóa, nền văn hóa giai cấp thống trị và nền văn hóa của nhân dân lao động. Ông khẳng định tính tất yếu của cách mạng văn hóa, cuộc cách mạng này hết sức khó khăn vì trình độ dân trí và cơ sở hạ tầng lạc hậu song không phải ngồi chờ lực lượng sản xuất phát triển rồi mới làm cách mạng văn hóa, mà phải chủ động tạo ra các tiền đề căn bản của nền văn hóa cách mạng, là yếu tố rất quan trọng để xây dựng xã hội mới. V. I. Lênin đã gắn văn hóa với phát triển, chỉ ra mục tiêu quan trọng nhất của văn hóa là hoàn thiện con người về mọi mặt. Một đóng góp rất quan trọng nữa của ông là đã xác định tính kế thừa biện chứng của sự phát triển văn hóa, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp trong văn hóa.

V. I. Lênin viết: Văn hóa vô sản không phải bỗng nhiên mà có, nó không phải do những người tự cho mình là chuyên gia về văn hóa vô sản phát minh ra. Đó hoàn toàn là điều ngu ngốc. Văn hóa vô sản phải là sự phát triển hợp qui luật của tổng số kiến thức mà loài người đã tích lũy được dưới ách thống trị của xã hội tư bản, xã hội của bọn địa chủ và xã hội của bọn quan liêu.

Ở đây Lênin đã hiểu văn hóa theo nghĩa rộng, là những giá trị chung nhất, tồn tại và phát triển qua nhiều chế độ xã hội, nhiều giá trị có ý nghĩa vĩnh hằng. Vì vậy phải biết kế thừa có chọn lọc các giá trị văn hóa truyền thống.

Lê nin cũng đã phân tích rõ tính quốc tế và tính dân tộc của văn hóa, khi nêu ra khẩu hiệu: Văn hóa quốc tế của chủ nghĩa dân chủ, của phong trào công nhân toàn thế giới. Chúng tôi lấy ở mỗi nền văn hóa dân tộc những yếu tố dân chủ và xã hội chủ nghĩa của nó. Chúng tôi lấy những yếu tố đó chỉ vì và tuyệt đối vì đối lập với nền văn hóa tư sản với chủ nghĩa dân tộc tư sản.

Văn hóa luôn gắn liền với dân tộc, có tính dân tộc “Nền văn hóa quốc tế không phải là nền văn hóa dân tộc. Không ai nói như thế cả, không ai tuyên bố là có một nền văn hóa “thuần túy” cả”.

Hồ Chí Minh - nhà mác xít Việt Nam đầu tiên - đã đưa ra một định nghĩa ở cấp độ khái quát về văn hóa:

Vì lẽ sinh tồn, cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo, phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học nghệ thuật, những công cụ sinh hoạt hàng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn.

Định nghĩa trên đây xác định văn hóa là sự phát triển tất yếu, mang tính xã hội cao, là phương thức sống, hoạt động và không ngừng được nâng cao theo đà phát triển của xã hội. Sáng tạo và giá trị nhân văn là nội dung cốt lõi của văn hóa.

Đối chiếu với một số định nghĩa khái quát về văn hóa do UNECO đưa ra trong thập kỉ thế giới phát triển văn hóa, chúng ta chỉ thấy khác nhau về cách diễn đạt và những chi tiết nhỏ, còn về cơ bản thì gần như trùng hợp với quan niệm của Hồ Chí Minh.

Sau cách mạng Tháng 8 năm 1945, Hồ Chí Minh đã phát biểu quan niệm của mình về văn hóa, có thể nêu lên những tư tưởng cốt lõi: Văn hóa phải đứng trong kinh tế và chính trị; phải liên hệ mật thiết với chính trị, phái lấy hạnh phúc của đồng bào làm cơ sở hoạt động; Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi, phải đi sâu vào tâm lý quốc dân và gắn bó thực tiễn cuộc sống của nhân dân; Văn hóa phải có ý thức khoan dung và theo phương châm coi trọng truyền thống và ý thức giao lưu với văn hóa thế giới

Từ quan niệm của các nhà triết học, các nhà kinh điển Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, khái niệm văn hóa nổi lên các đặc trưng cơ bản sau đây:

- Văn hóa phản ánh năng lực sáng tạo của con người, văn hóa phải là sản phẩm của con người có tư duy, trí thông minh, có trái tim rung động và cảm thụ tinh tế. Tinh thần sáng tạo là thể hiện chất con người, đó là một đặc trưng cốt lõi của văn hóa. Chính các sáng tạo của văn hóa làm nhân loại đạt được biết bao kỳ diệu, đưa con người lên vị trí chủ thể của sự phát triển. Một trong những điểm gặp gỡ của các nền văn hóa hiện nay trong nhận thức về bản chất và ý nghĩa của văn hóa là ở chỗ: tất cả nền văn hóa đều đề cao tinh thần sáng tạo, xem đó như là cốt lõi của văn hóa.

Văn hóa là “Thiên nhiên thứ hai” được con người sáng tạo ra dựa trên cơ sở vận dụng đúng qui luật khách quan và hoàn cảnh sống cụ thể, bằng cả tư duy sáng tạo, cả ý chí nghị lực, quyết tâm đã được vật chất hóa. Chính tính chất sáng tạo trong văn hóa là yếu tố chủ yếu làm nên động lực của sự phát triển.

- Văn hóa biểu hiện thái độ của con người trước hiện thực. Thái độ đó là tổng hợp những tư tưởng, ý thức tôn giáo, dân tộc, quan niệm sống của cá nhân… trong hệ thống thái độ của con người trước hiện thực thì quan trọng nhất là thái độ đối với người lao động. Bởi vì lao động là điều kiện cơ bản đầu tiên của toàn bộ đời sống loài người, lao động đã sáng tạo ra chính bản thân con người. Suốt từ buổi đầu lịch sử cho đến ngày nay, văn hóa luôn gắn liền với lao động.

- Văn hóa là phương thức sống, phương thức hoạt động của con người. Đều là tồn tại, là hoạt động làm ra của cải vật chất, tinh thần, song cách thức của mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng, và của cá nhân là rất khác nhau. Văn hóa như là phong cách, dáng vẻ, kiểu lựa chọn sự sáng tạo của con người.

- Văn hóa là nhân hóa, là tính nhân đạo trong sáng tạo và sử dụng các sáng tạo; Văn hóa là trạng thái của con người ngày càng tách khỏi giới động vật, ngày càng xóa bỏ những đặc tính của dộng vật để khẳng định những đặc tính của con người. Các giá trị sáng tạo nếu sử dụng vào mục đích phi nhân đạo thì đồng thời cũng có nghĩa là không còn ý nghĩa cao đẹp của văn hóa. Tính nhân đạo trong sự phát triển là bản chất của văn hóa.

Bốn đặc trưng đó là những đặc trưng khái quát nhất, chung nhất, gắn kết chặt chẽ với nhau trong khái niệm văn hóa. Văn hóa không chỉ là lối sống, là tổng hợp những lĩnh vực khác nhau như khoa học, tín ngưỡng, tôn giáo, văn học nghệ thuật.. mà nó là những đặc trưng phổ quát nhất, tồn tại trong tất cả các giá trị vật chất, tinh thần do con người sáng tạo ra. Văn hóa không phải là một vật cụ thể, người ta không thể tìm được sự vật hiện tượng nào hiện hình dưới cái tên văn hóa, nhưng ngược lại sự vật hiện tượng nào kể cả trong tự nhiên, một khi đã đặt trong quan hệ với con người đều biểu hiện mặt văn hóa của nó. Như vậy văn hóa vừa là cụ thể, vừa là trừu tượng.


Từ cách tiếp cận trên, chúng ta có thể hiểu: Văn hóa là năng lực sáng tạo, là thái độ, phương thức sống, phương thức hoạt động, tính nhân đạo của con người trong quá trình sản xuất, đấu tranh làm nên các giá trị vật chất, tinh thần, đảm bảo sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người.

TS. Hoàng Xuân Lương

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc