Giải pháp phát triển môi trường miền núi vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững ở Việt Nam

11:07 11/04/2013 Lượt xem: 2456 In bài viết

Hiện nay, môi trường miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực sự đã và đang bị suy thoái do việc khai thác tài nguyên thiên nhiên bừa bãi như: nạn phá rừng, đất đai bị xói mòn, thoái hóa… Phần lớn đồng bào các dân tộc thiểu số đang gặp rất nhiều khó khăn: thiếu lương thực, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ mù chữ cao, cơ sở hạ tầng yếu kém,…đang là những trở ngại lớn cho sự phát triển. Bên cạnh đó, những vấn đề về sử dụng không hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên; tốc độ đô thị hóa nhanh đang dẫn tới sự mất cân bằng sinh thái, chất lượng môi trường bị ảnh hưởng, dẫn đến diện mạo kinh tế - xã hội ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa thể hiện được tầm vóc của một vùng nhiều tiềm năng.

Chính vì vậy, để phát triển bền vững việc bảo vệ môi trường sống là vấn đề rất quan trọng; trong đó, việc nghiên cứu những giải pháp phát triển môi trường miền núi vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Việt Nam hiện có khoảng 9,42 triệu ha đất nông nghiệp và nhiều loại đất được xem là tốt như đất đỏ bazan, đất nâu đỏ đá vôi,… một số vùng đất nông nghiệp, lâm nghiệp tập trung hàng triệu ha, địa hình bằng phẳng cho phép tổ chức những vùng kinh tế nông - lâm - công nghiệp tập trung như Tây Nguyên và một số vùng phụ cận Tây Nguyên.

Khí hậu ở miền núi Việt Nam là rất khác nhau, nhưng nhìn chung là thuận lợi, ẩm mát, về mùa đông có nhiệt độ thấp, có thể gieo trồng được nhiều loại cây ôn đới có giá trị kinh tế cao như một số loại lúa, rau xanh, dược liệu,…

Do định cư lâu đời ở miền núi, đồng bào các dân tộc thiểu số có truyền thống đoàn kết, tương trợ nhau cùng xây dựng cuộc sống. Qua nhiều thế hệ, họ đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, canh tác, biết tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, khắc phục được nhiều hạn chế về địa hình, nhiều kinh nghiệm canh tác trên đất dốc, luân canh, xen canh, gối vụ,… và làm nông - lâm kết hợp có giá trị khoa học và giá trị thực tiễn cao.

Địa hình chia cắt làm cho đất canh tác phân tán, manh mún không bằng phẳng, khiến cho việc áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào canh tác, sản xuất, nhất là việc cơ giới hóa gặp nhiều khó khăn. Ngay trên một địa bàn, nhưng chế độ canh tác cũng khác nhau, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả sản xuất.

Theo báo cáo của Cục Kiểm lâm thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích rừng trong cả nước khoảng 10,9 triệu ha; tỷ lệ rừng trên đầu người ở Việt Nam thấp nhất thế giới mới chỉ đạt 0,14ha/người (thế giới là 0,97ha/người) thêm vào đó độ che phủ đất và tầng đất mặt trong bị tha hóa trầm trọng dẫn đến đất bị xói mòn, lũ lụt, hạn hán và làm cho đất đai ngày càng trở nên trống, trọc, môi trường tự nhiên bị tàn phá, cân bằng sinh thái bị đảo lộn.

Cơ sở hạ tầng thiếu và yếu kém hơn so với miền xuôi, mức độ vốn đầu tư vốn đã thấp nên dễ xuống cấp, giao thông đi lại khó khăn, hiện tượng lũ quét xảy ra ngày càng nhiều với cường độ mạnh tàn phá không chỉ mùa màng, tài sản, những công trình giao thông, thủy lợi mà còn cướp đi nhiều sinh mạng con người nhất là trong mấy năm gần đây.

Nói đến môi trường, trước hết là nói đến diện tích rừng và mật độ che phủ của thảm thực vật và đây cũng là thước đo để đánh giá mức độ an toàn sinh thái của một quốc gia. Hiện nay ở Việt Nam có tổng diện tích rừng trồng là 13.118.773 ha, trong đó rừng tự nhiên là 10.348.591 ha và rừng trồng là 2.770.182 ha. Rừng Việt Nam đang bị suy thoái nghiêm trọng, hàng năm có hàng trăm ha rừng bị tàn phá và chúng ta cũng đang gánh chịu những hậu quả do chính mình gây ra. Theo thống kê của Cục Kiểm lâm (12/2009) Việt Nam 4145,74 ha rừng bị tàn phá. Rừng bị chặt phá trước tiên để lấy đất canh tác trồng cây công nghiệp, nuôi thủy sản, xây dựng, cho mục đích nông nghiệp như: trồng cà phê, trồng cao su và phát triển trồng những cây lương thực, công nghiệp khác hoặc phá rừng để làm các khu du lịch, vui chơi, giải trí,... Theo dự báo của các nhà chuyên môn đến năm 2020 cả nước sẽ có 40% rừng còn lại bị tàn phá. Khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên được xem là có tiềm năng rừng lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, trong những năm gần đây chiều hướng phá rừng ngày càng tăng.

Mặt khác, tác động tiêu cực của con người trong canh tác như đốt phá rừng bừa bãi, đã gây ra không ít tai hại cho việc tàn phá đất đai, khiến cho tài nguyên rừng bị suy giảm nghiêm trọng. Việc sử dụng đất không bền vững qua nhiều thế hệ nên đất bị thoái hóa nghiêm trọng, nhiều nơi mất khả năng sản xuất và xu hướng hoang mạc hóa ngày càng phát triển. Khi lớp phủ thực vật bị tàn phá, đất không chỉ bị xói mòn, làm thay đổi các tính chất vật lý và hóa học mà còn gây ra hàng loạt hậu quả đối với môi trường sống. Đặc biệt vào mùa khô, những nơi mất rừng môi trường trở nên rất khắc nghiệt, các suối khô cạn, nạn thiếu nước trở nên trầm trọng, có vùng cư dân phải đi hàng chục cây số để lấy nước sinh hoạt như vùng Lục Khu ở Cao Bằng, vùng Đồng Văn, Mèo Vạc ở Hà Giang,… Tình trạng khan hiếm nước càng trở nên nghiêm trọng ở Tây Nguyên, nơi có 6 tháng mùa khô. Những năm gần đây, do phát triển không cân đối các loại cây công nghiệp ở vùng này, dẫn đến tình trạng khai thác nguồn nước ngầm để tưới bừa bãi, làm cho nguồn nước mặt bị cạn kiệt, tụt mức nước ngầm.

Các hệ sinh thái vùng đồi núi thay đổi từ rừng mưa nhiệt đới đến các đồng cỏ gió mùa, các trảng cây bụi đã cho Việt Nam một tài nguyên động thực vật phong phú. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà nghiên cứu thì nhiều loài động vật và thực vật ở Việt Nam đang giảm sút nhanh chóng, bên cạnh việc mất nơi cư trú do rừng bị tàn phá, nguồn nước bị cạn kiệt về lượng và chất, còn có nguyên nhân do nạn săn bắn, buôn bán bừa bãi, đã tiêu diệt nhiều loài, thậm chí còn có loài đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Đây là một tổn thất rất lớn trên tất cả các phương diện: kinh tế, khoa học, môi trường và nhân văn, là nguyên nhân dẫn đến cân bằng sinh thái tự nhiên có thể bị đảo lộn.

Lũ lụt thường tác động đến những vùng rộng lớn và kéo theo những tai họa khác như ngập úng, phá hủy nhà cửa kênh mương. Ngày nay, xu hướng nóng lên của khí hậu toàn cầu do hiệu ứng nhà kính cũng góp phần làm lũ lụt, hoạt động mạnh hơn về tần số và cường độ.

Cùng với bão lụt, hạn hán cũng xảy ra liên tiếp ở nhiều nơi, tuy mang tính cục bộ từng vùng, nhưng nếu liên hệ các hiện tượng tự nhiên bất thường ở nhiều vùng lại với nhau, ta dễ nhận ra đây là những tín hiệu không thể xem thường.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thoái môi trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số là do: Sự mở rộng đất canh tác nông nghiệp, đây là nguyên nhân quan trọng nhất làm suy thoái môi trường và đốt nương làm rẫy, không chỉ phá hoại lớp phủ thực vật rừng mà còn làm đất rắn lại, cấu tượng đất đai bị phá hủy. Trồng trọt là chỉ nhờ vào lớp tro phủ hờ trên mặt đất, lớp tro này dễ bị cuốn trôi khi có mưa lớn.
Việc khai thác các sản phẩm ngoài gỗ khoảng 2.300 loài thực vật cho các sản phẩm ngoài gỗ như song, mây, tre, nứa, lá các loại, cây dược liệu, cây cho dầu, nhựa,… được sử dụng và buôn bán trên thị trường trong nước và xuất khẩu cùng nhiều loài động vật hoang dã cũng đang bị khai thác một cách bừa bãi khiến cho đa dạng sinh học ngày càng bị mất cân bằng và môi trường ngày càng suy giảm.
Bên cạnh đó tốc độ tăng dân số quá nhanh là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thoái môi trường sinh thái ở Việt Nam. Dân số tăng nhanh dẫn đến tình trạng phải di chuyển dân từ vùng này sang vùng khác. Khi di dân có tổ chức không đáp ứng nhu cầu di chuyển của nhân dân thì tình trạng di dân tự do sẽ bùng nổ và địa phương nơi có dân di cư tự do đến không nằm trong quy hoạch sẽ gánh chịu cảnh đất chật, người đông, nghèo đói, lạc hậu dẫn đến cuộc sống du canh, du cư và hậu quả là rừng bị phát quang, nhiều loại động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng, đất đai bị xói mòn, thoái hóa và mất khả năng canh tác.

Chính sách đổi mới kinh tế vĩ mô đã đem lại diện mạo mới cho nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây. Tuy nhiên, do nhu cầu thực tế phục vụ phát triển kinh tế ngày càng tăng, các khu công nghiệp, các thành phố, thị trấn, thị tứ ngày càng mở rộng và phát triển, trong khi đó nguồn tài nguyên thiên nhiên thì có hạn. Do đó, môi trường ở Việt Nam, nhiều nơi có sự suy thoái với mức báo động, đặc biệt là suy thoái đất, rừng, nguồn nước và đa dạng sinh học.

Sự khai thác quá mức của con người đối với tự nhiên làm cạn kiệt tài nguyên, nhất là những tài nguyên không tái tạo được, đã và đang đe dọa tương lai của chính chúng ta. Do đó, nghiên cứu đưa ra những giải pháp phát triển môi trường miền núi vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Để phát triển trên môi trường miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số một cách bền vững góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững ở Việt Nam còn thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, phối hợp chặt chẽ với các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho đồng bào các dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức về môi trường.

Trong bối cảnh chung về tài nguyên thiên nhiên và môi trường sống của chúng ta hiện nay, cũng như trong điều kiện cụ thể về tài nguyên môi trường của Việt Nam, trong đó có tài nguyên môi trường ở vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang trên đà suy thoái, mục tiêu đưa ra giải pháp phát triển môi trường miền núi vùng dân tộc thiểu số chỉ có thể đạt được khi mỗi người dân hình thành cho mình một nhận thức mới.
Nhận thức đó bảo đảm cho người dân ở mọi miền đất nước có thu nhập và mức sống tương đương nhau, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa đồng bằng và miền núi, giữa các vùng, các nhóm dân cư không phải là sự cào bằng mà là sự phát triển theo chiều sâu. Mọi người, mọi vùng đều có mặt bằng kinh tế thống nhất trong đa dạng và phát triển kinh tế phải được luận chứng đầy đủ và chính xác về mặt môi trường sống.

Từng bước xây dựng văn hóa môi trường bằng cách phát huy, khai thác những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và tiếp thu có chọn lọc những thành tựu văn hóa hiện đại cho phù hợp với nhiệm vụ xây dựng ý thức bảo vệ môi trường hiện nay là biết sống hài hòa với thiên nhiên, gắn bó với thiên nhiên, biết cách khai thác và sử dụng thiên nhiên trong giới hạn cho phép để phát triển kinh tế xã hội.
Hai là, xây dựng thể chế và công cụ quản lý môi trường.

Tích cực tham vấn với các nhà hoạch định chính sách và các địa phương xây dựng các luật tục, hương ước về sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách có hiệu quả, làm nền tảng cho việc giáo dục ý thức về sinh thái và nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường đối với đồng bào các dân tộc thiểu số.

Đối với cán bộ, công chức, công nhân viên công tác và sinh sống ở miền núi vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cần đưa trình độ hiểu biết về môi trường và trách nhiệm bảo vệ môi trường vào một trong những tiêu chuẩn đánh giá phẩm chất đạo đức của cán bộ. Cán bộ quản lý, cán bộ lãnh đạo các cấp, cán bộ khoa học kỹ thuật, các chủ doanh nghiệp, giám đốc các công ty, xí nghiệp từ Trung ương đến địa phương phải là những người đi đầu trong việc nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường. Không vì lợi nhuận kinh tế mà bỏ qua các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường sinh thái.

Ba là, tăng cường và đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường miền núi.

Các địa phương cần đề xuất, xây dựng chính sách thu hút các nguồn lực tài chính đầu tư cho việc phát triển và bảo vệ môi trường ở miền núi vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ nhiều nguồn khác nhau: từ nguồn ngân sách Nhà nước, từ các Chính sách kinh tế về bảo vệ môi trường, trích từ nguồn lợi do khai thác tài nguyên môi trường để đầu tư lại cho việc bảo vệ môi trường, từ sự đóng góp công của xã hội và từ nguồn viện trợ của các tổ chức trong và ngoài nước.

Bốn là, xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ môi trường.

Cần tuyên truyền, giáo dục cho đồng bào các dân tộc thiểu số và nhân dân sinh sống ở miền núi thống nhất nhận thức rằng bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn dân. Sự nghiệp này chỉ có thể thực hiện thắng lợi với sự tham gia tự giác của đông đảo quần chúng nhân dân, tạo thành một phong trào rộng lớn, thường xuyên và lâu dài.

Phong trào quần chúng xây dựng trên cơ sở giáo dục, phát huy truyền thống tập quán của các dân tộc, dựa vào các tổ chức quần chúng như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, xây dựng thêm các tổ chức mới thích hợp như: Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường, Hội Bảo vệ, cứu trợ động vật hoang dã…

Tóm lại, hủy hoại môi trường sống hiện nay đã trở thành vấn đề toàn cầu, là yếu tố thách thức trí tuệ và ý chí của con người. Trong nền văn minh công nghiệp, con người đã đạt được những thành tựu rực rỡ trong sản xuất của cải vật chất mọi mặt của đời sống xã hội. Song cũng chính mặt hạn chế của khoa học và công nghệ cùng với nhu cầu và nhận thức của con người đang tạo ra nguy cơ có thể xảy ra cuộc khủng hoảng môi trường toàn cầu, đe dọa sự sống của loài người. Do đó, xây dựng ý thức môi trường là một trong những yếu tố nền tảng chủ yếu làm thay đổi nhận thức và hành vi của con người hướng tới mục tiêu phát triển, góp phần tái hòa nhập giữa con người - xã hội và tự nhiên đã trở thành vấn đề cấp bách của thời đại.

Trong tiến trình công nghiệp hóa hiện đại hóa ở Việt Nam hiện nay, cùng với những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề môi trường, nhất là môi trường miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số suy thoái trầm trọng. Đây là một thách thức cho sự phát triển vì vậy trong kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển kinh tế - xã hội miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng cần tính toán gắn chặt với chiến lược bảo vệ môi trường để phát triển môi trường miền núi vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

ThS. Tráng A Dương

Phó GĐ Ban QLDA Điện Mặt Trời- UBDT