Người Đan Lai đã an cư
02:50 11/04/2013 Lượt xem: 1364 In bài viếtTrước đây người Đan Lai tồn tại như một bộ lạc không giao tiếp với xã hội bên ngoài. Chính vì thế mà người dân Đan Lai quanh năm nghèo khó. Trẻ con trong bản lớn lên không được đến trường, từ nhỏ đã theo bố vào rừng săn bắt hái lượm.
Đến nơi chỉ ngủ ngồi.
Ðể vào "xứ sở" của người Ðan Lai giữa vùng lõi rừng quốc gia Pù Mát, thuộc xã Môn Sơn chỉ có cách duy nhất là phải vượt sông Giăng, từ chân đập Phà Lài, phải mất hàng tiếng đồng hồ vượt qua những dốc đá, thác ghềnh hiểm trở mới vào được bản Cò Phạt.
Tiếp chúng tôi trong gian nhà cũ nát, già làng La Văn Quyết nâng chén rượu uống cái ực, rồi hướng mắt về phía xa xăm nơi hạ nguồn sông Giăng, chậm rãi kể về truyền thuyết ra đời của tộc người Ðan Lai. Xưa kia, người Ðan Lai sống ở miền Hoa Quân, nay thuộc huyện Thanh Chương (Nghệ An). Ngày ấy, nơi đây có một tên bạo chúa vô cùng độc ác. Một hôm, hắn bắt dòng họ La (tộc người Ðan Lai bây giờ) phải tìm cho ra "100 cây nứa bằng vàng và một chiếc thuyền chèo liền mái", nếu không sẽ giết chết cả dòng họ. Thừa biết tên bạo chúa có ý đồ muốn hãm hại dòng họ mình, không còn cách nào khác, cả dòng họ La đành rời làng chạy trốn vào rừng sâu. Cuối cùng, điểm dừng chân của họ là khu rừng sâu nay là Vườn quốc gia Pù Mát bên dòng sông Giăng hung dữ, không có con người sinh sống. Một thời gian sau, có người tình cờ vào rừng phát hiện có tộc người sinh sống. Sợ hãi, dòng họ La lại tiếp tục lẩn trốn sâu hơn vào vùng lõi vườn quốc gia và lấy tên là tộc người Ðan Lai.
Già Quyết cho biết, tục ngủ ngồi của người Ðan Lai xuất phát từ việc trốn chạy. Tộc người Ðan Lai vào rừng trú ngụ, thường xuyên bị thú dữ tiến công, để tồn tại được họ phải ngủ ngồi, tranh thủ chợp mắt để khi có thú dữ đến nguy hiểm còn kịp chạy trốn. Trẻ con lớn lên chỉ mới biết ngồi vững là cũng ngủ ngồi.
Hiện nay, tộc người Ðan Lai có khoảng 3.000 người, sống tập trung chủ yếu ở ba bản: Cò Phạt, Khe Cồn và bản Búng (thuộc xã Môn Sơn, Con Cuông). Những năm qua, dù được Ðảng, Nhà nước quan tâm giúp đỡ, nhưng nhận thức của người Ðan Lai vẫn chưa thay đổi nhiều. Quan niệm "trời sinh voi trời sinh cỏ" cho nên họ sống hồn nhiên như núi rừng, cỏ cây, chỉ biết săn bắt, hái lượm, làm bữa nào ăn bữa nấy. Hằng năm được Nhà nước trợ cấp tiền cứu trợ, gạo đồng thời giúp cây giống, phân bón, con giống..., nhưng họ đều bán lấy tiền uống rượu. Tất cả mọi thứ kiếm được đều quy ra rượu. Họ uống rượu từ tối cho đến khi mặt trời ló rạng mới chịu trở về nhà. Từ khi mới vào rừng để ở, người Ðan Lai không có nhà, chỉ lấy cành cây dựng lên thành cái lều. Mỗi buổi tối đi ngủ, họ chỉ dám ngồi quây quần bên đống lửa để canh chừng thú dữ.
Người Ðan Lai sống cô lập, mọi sinh hoạt chỉ trong một vòng tròn khép kín nên tình trạng hôn nhân cận huyết thống, thường xảy ra khiến chất lượng giống nòi ngày càng bị mai một. Sông Giăng, núi rừng là nơi cung cấp nguồn lương thực nuôi sống dân bản. Nhưng mấy năm trở lại đây, cá sông cũng hết, thú rừng cũng hiếm dần, người dân chỉ quanh quẩn đào củ sắn, củ mài về ăn. Ngoài trợ cấp hằng tháng của Chính phủ, người Ðan Lai trung bình mỗi năm thiếu ăn từ 8 đến 9 tháng. Cả bản Cò Phạt và bản Búng, xã Môn Sơn có 180 hộ với hơn 800 nhân khẩu, sống chủ yếu dựa vào thiên nhiên cho nên quanh năm nghèo đói.
Gian nan đưa chữ đến với đồng bào
Không chỉ thiếu ăn, thiếu mặc, trẻ con Ðan Lai cũng thiếu cả cái chữ, rồi khi lớn lên, lại rơi vào vòng luẩn quẩn săn bắt, hái lượm. Chuyện khó, chuyện khổ của người Ðan Lai được ví như "lấy lá cây rừng mà kể, lấy nước suối mà tính". Trong khi cái ăn còn không đủ thì việc học hành của những đứa trẻ nơi đây được xem như một điều xa xỉ.
Khi chúng tôi vào bản Cò Phạt, cũng là lúc Trưởng bản La Xuân Ðường và cô giáo cắm bản Nguyễn Thị Thanh đang tranh thủ đến từng nhà vận động phụ huynh cho các em đi học lại. Ông Ðường cho biết: Ở đây, các cháu không thích học chữ đâu. Ðể tổ chức được một lớp học đông đủ thì các thầy giáo, cô giáo phải lặn lội đi vận động trước đó cả tháng trời. Thông lệ, cứ sau ngày Tết hoặc nghỉ Hè, học sinh trong bản lại đồng loạt nghỉ ở nhà để đi kiếm củi, lên rẫy giúp gia đình.
Xã Môn Sơn hiện có một trường THCS, ba trường tiểu học và ba trường mầm non đóng theo từng cụm bản. Cò Phạt là bản xa nhất của xã Môn Sơn, nên việc đầu tư cơ sở vật chất cho trường còn thiếu thốn trăm bề. Ðể tiếp tục theo học lên THCS, học sinh trong bản phải xuống dưới xuôi với cả quãng đường sông nước khó khăn, chính vì vậy mà năm nào cũng có học sinh bỏ học. Cô giáo Thanh cho biết, sở dĩ các em bỏ học quay về bản là vì đường đi học quá xa, cộng với hoàn cảnh gia đình khó khăn
Nói về chuyện học hành, cô giáo Thanh khẳng định, các em ở đây rất ham học và muốn được đến trường, chỉ vì hoàn cảnh mà các em phải bỏ học giữa chừng. Ðúng như lời cô giáo Thanh, khi chúng tôi đến chỗ đám trẻ, hỏi về ước mơ của các em sau này là gì, thì bọn trẻ tranh nhau khoe về ước mơ của mình. Em La Thị Sao (8 tuổi) cho biết: "Cháu rất thích đi học, nhưng cháu đi học thì không có ai ở nhà trông em. Khi nào em cháu lớn, cháu sẽ xin bố mẹ cho đi học. Lúc đó cháu sẽ học thật giỏi để sau này làm cô giáo, cháu lại về dạy chữ cho các em trong bản ". Cháu ước, cháu ước... hàng trăm, hàng nghìn điều ước như thế của những đứa trẻ không được tới trường. Rồi điều ước đó sẽ ra sao, khi miếng ăn hằng ngày còn chưa đủ?...
Ơn Đảng ơn bộ đội cụ Hồ, người Đan Lai đã hồi sinh
Theo chủ trương của Ðảng và Nhà nước, một bộ phận người Ðan Lai chuyển về vùng đất mới sinh sống, đời sống của bà con dân bản đã đổi thay nhiều. Ðược các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng cầm tay chỉ việc, đến nay người dân đã biết trồng lúa, ngô, cuộc sống của họ đã được hồi sinh.
Dời bản Cò Phạt, chúng tôi ghé thăm bản Tân Sơn và bản Cửa Rào (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An). Ðây là hai bản tái định cư theo đề án bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Ðan Lai nằm trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát. Cuộc sống của người dân Ðan Lai nơi đây đã khác xa so với khoảng mười năm về trước. Nhà nào cũng được xây kiên cố, chung quanh nhà là những vườn rau xanh, ao cá, chuồng lợn, điện lưới đã được kéo vào từng nhà.
Trưởng bản người Ðan Lai La Văn Hoa thấy chúng tôi đến, không còn tỏ vẻ lo sợ ngạc nhiên như ngày ở bản cũ. Từ khi về bản mới, có nhiều cán bộ đến thăm, nhiều người đến chơi. Trong bản còn có điện thắp sáng, nhiều nhà mua được cả ti-vi, xe máy. Ðường sá được đổ bê-tông thuận lợi cho việc giao lưu trao đổi hàng hóa... Liệt kê mãi cũng không hết được sự đổi mới của người Ðan Lai nơi đây, cuối cùng ông trưởng bản gói gọn trong một câu "người Ðan Lai nay đã hồi sinh rồi, cán bộ ạ".
Ðể minh chứng cho câu nói của mình, ông Hoa dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh bản. Quả đúng như lời ông nói, trên nương, những ruộng lúa tươi tốt, những bãi ngô xanh rờn. Xa xa trên sườn núi, thấp thoáng bóng người, bóng trâu đang vỡ đất khai hoang. Người Ðan Lai giờ đã biết tận dụng sức kéo của trâu bò, máy móc vào những công việc nặng nhọc. Lúa gặt về không còn phải khăn đập, vò bằng chân nữa, thay vào đó dùng máy tuốt lúa. Con cái lớn lên đều được đến trường, người ốm đau có trạm y tế.
Trưởng bản La Văn Hoa không giấu nổi niềm vui khi nói về sự hồi sinh của bản. Hiện, ở hai bản Tân Sơn và Cửa Rào có 67 hộ người Ðan Lai sinh sống với hơn 300 nhân khẩu. Ngoài các trường mẫu giáo, Trường tiểu học Môn Sơn 3 đã được đặt tại bản để trẻ con thuận tiện tới trường học chữ. Ðến nay, cả hai bản có hơn 70 học sinh đang theo học ở Trường THCS Môn Sơn. Người Ðan Lai có được như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm trực tiếp của các cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng 555 Nghệ An và sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước. Trước đây, quanh năm săn bắt, hái lượm, từ khi về khu tái định cư mới, họ được cán bộ biên phòng cầm tay chỉ việc, đã biết tự sản xuất, nâng cao thu nhập, biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Minh, Chính trị viên Ðồn Biên phòng 555 cho biết: Từ ngày người Ðan Lai về khu tái định cư mới, cán bộ, chiến sĩ biên phòng luôn sát sao với đời sống của người dân. Ngày đầu về bản mới, họ không quen giao tiếp, vẫn sống cô lập, không chịu đi làm, suốt ngày uống rượu. Một thời gian dài, cán bộ biên phòng phải cùng ăn, cùng ở với người dân để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cách làm ruộng thì họ mới quen dần với lối sống mới. Trung bình, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải trực tiếp hướng dẫn cách làm cho 1 đến 2 hộ dân. Khi bà con tự biết cách sản xuất nông nghiệp, cán bộ biên phòng còn tiếp tục vận động khai hoang đất để trồng rừng, trồng sắn thay cho việc chặt cây rừng như trước. Khu vực nào đất màu mỡ, bà con đã biết tận dụng trồng ngô, sắn, rau để cải thiện bữa ăn hằng ngày. Chuồng trại cũng nhiều lên, đến nay mỗi nhà có vài ba con trâu, con lợn. Bên cạnh đó, hàng loạt hủ tục lạc hậu đã được người dân xóa bỏ, ốm đau thì đến trạm y tế, cưới xin, ma chay cũng được người dân thực hiện theo nếp sống mới. Bà con dân bản ai ai cũng phấn khởi vì cuộc sống ấm no. "Dân bản chúng tôi ơn Ðảng, ơn Chính phủ, ơn bộ đội nhiều lắm!", Trưởng bản La Văn Hoa nói với chúng tôi lúc chia tay.
Bộ đội biên phòng hướng dẫn người dân Đan Lai tăng gia sản xuất để thoát nghèo
Hiện tại, vẫn còn 141 hộ sinh sống trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát. Hy vọng rằng, khi đã an cư thì đời sống của họ sẽ không còn khó khăn, thiếu thốn, và ước mơ của con em họ về một cuộc sống đủ đầy, no ấm, có cơm ăn, áo mặc, được học hành sẽ sớm thành hiện thực.
Lê Dương