" Hỗ trợ định canh, định cư" từ thực tiễn đến chính sách
03:07 10/04/2013 Lượt xem: 1565 In bài viếtĐịnh canh định cư là chính sách lớn của Nhà nước ta nhằm ổn định chỗ ở, phát triển bền vững sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, nhân dân các vùng dự án quy hoạch sắp xếp dân cư, vùng xây dựng các công trình thuỷ điện, thuỷ lợi lớn…
Ngược dòng thời gian, ở nước ta, do yêu cầu phân bố lại dân cư, đô thị hóa, công nghiệp hóa của các địa phương và cả nước, từ năm 1977 đến năm 2002, Nhà nước thực hiện kế hoạch đưa dân từ các tỉnh phía Bắc vào Tây Nguyên, Nam bộ, trong đó Tây Nguyên là địa bàn có lượng người di dân vào rất lớn do đất rộng, người thưa, giàu tiềm năng phát triển. Tây Nguyên có diện tích 5,5 triệu ha, mật độ dân số 92 người/km2, trong khi Tây Bắc có diện tích 564 ngàn ha, mật độ dân số 620 người/km2; Nam Bộ có trên 613 ngàn ha, mật độ trên 2.000 người/km2. Tây Nguyên còn có điều kiện phát triển cây công nghiệp tốt hơn vùng núi phía Bắc và các tỉnh Tây Nam bộ.
Quá trình dịch chuyển dân cư cả theo kế hoạch của Nhà nước đã làm tăng đột biến dân số vùng Tây Nguyên. Cụ thể, năm 1976, dân số Tây Nguyên là 1,2 triệu người, với 14 dân tộc, nay đã là 5,3 triệu người và 47 dân tộc. Đồng thời giai đoạn này, tình hình đồng bào từ các tỉnh phía Bắc di cư tự do đến Tây Nguyên và Nam bộ ngày càng tăng. Riêng di cư tự do đến Tây Nguyên từ năm 1976 đến năm 2000 có 98.687 hộ với 459.106 người. Các nhóm di cư đông nhất là người Mông, Dao, Tày, Thái thuộc các tỉnh Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng… Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng di dân tự do vào Tây Nguyên như: ở nơi ở cũ, đồng bào thiếu đất sản xuất, đất chất lượng kém, giao thông không thuận lợi, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp khó khăn…
Sự gia tăng dân số cơ học vào Tây Nguyên tiềm ẩn nguy cơ làm mất ổn định chính trị xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn. Tình trạng phá rừng lấy đất sản xuất đã trực tiếp tác động đến các khu rừng già, rừng đầu nguồn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái; làm phát sinh tình trạng buôn bán trái phép lâm sản, săn bắn thú rừng…
Để ổn định đời sống dân di cư và đảm bảo an ninh, quốc phòng của các địa phương, ngày 24/08/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 193/2006/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới hải đảo, di cư tự do, xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến 2015; Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007 về “Chính sách hỗ trợ di dân thực hiện Định canh, Định cư cho đồng bào Dân tộc thiểu số giai đoạn 2007-2010” và Quyết định số 1342/QĐ-TTg ngày 25/8/2009 Phê duyệt Kế hoạch định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số du canh, du cư đến năm 2012. Nội dung chính của Quyết định số 1342/QĐ-TTg là lập quy hoạch các điểm định canh, định cư tập trung (thôn, bản) có đủ các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, phù hợp với quy hoạch chung; hỗ trợ về đất, làm nhà, lương thực trong 1, 2 năm với các hộ gia đình. Sau khi định canh định cư thì thực hiện tất cả chính sách như với đồng bào tại chỗ.
Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, với các dự án định canh định cư, cơ quan chức năng thực hiện 2 hình thức là tập trung và xen ghép. Định canh định cư tập trung là xây dựng các điểm dân từ 30 - 60 hộ; định canh định cư xen ghép là hỗ trợ một thôn, xã tiếp nhận từng hộ riêng lẻ. Quan điểm thực hiện công tác định canh định cư là khuyến khích địa phương tiến hành theo hình thức xen ghép trước nhằm tận dụng hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có, đồng thời hộ dân sở tại có điều kiện giúp đỡ hộ mới chuyển đến.
Hỗ trợ nhà ở cho người dân vùng miền núi
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều địa phương muốn xây dựng dự án tập trung lớn trong điều kiện đất đai có hạn đã khiến dự án kéo dài, số hộ định canh định cư mới chỉ đạt 5.000 trên tổng số 19.000 hộ theo kế hoạch. Mặt khác, trong những năm qua, Nhà nước ban hành nhiều Chương trình, Chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số nhưng ngân sách còn chưa đáp ứng được. Lại thêm tình trạng nhiều cơ quan quản lý, ví như về chính sách thì Ủy ban Dân tộc quản lý, nhưng về vốn thì hai Bộ quản lý gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn đầu tư phát triển, Bộ Tài chính bố trí vốn sự nghiệp, đặt ra yêu cầu cần có sự cân đối giữa vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp để tránh dàn trải.
Cuối tháng 5/2012, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định 33 và Quyết định 1342 cho thấy khối lượng công việc còn lại rất nhiều. Tính đến cuối tháng 6/2012, vẫn còn 19.891 hộ, với 94.126 nhân khẩu du canh du cư, chiếm 67% kế hoạch được phê duyệt. Tổng số vốn chưa được cấp là 1.464 tỷ đồng, chiếm 54% kế hoạch. Vấn đề là hết năm 2012 thì Quyết định 1342/QĐ-TTg cũng hết hiệu lực. Tháo gỡ khó khăn này, trước mắt, Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai Chính sách hỗ trợ Định canh, Định cư trong năm 2013; đồng thời Ủy ban Dân tộc sẽ trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định 33 và một số dự án thực hiện Quyết định 1342 theo hướng tiếp tục bố trí đủ vốn, cân đối đồng bộ, một số địa phương xây dựng các dự án nhưng không đảm bảo quỹ đất sản xuất thì phải điều chỉnh lại để đảm bảo tính khả thi.
Về lâu dài, định canh định cư là công việc có liên quan rất lớn đến công tác quy hoạch, không chỉ ở cấp địa phương mà ở cấp vùng. Hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đã rà soát xong quy hoạch tổng thể. Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đang trình Thủ tướng Chính phủ Chương trình bố trí dân cư cho giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020.
Vướng mắc nổi lên trong công tác định canh định cư hiện nay là ở các công trình thủy điện, thủy lợi. Đa phần các công trình thủy điện, thủy lợi được đầu tư ở vùng miền núi, dân tộc và luôn có hợp phần bố trí dân cư. Tuy nhiên, trong thực tế, bố trí quỹ đất gặp nhiều khó khăn vì số lượng di dân rất lớn, ít nhất phải vài nghìn hộ, trong khi một dự án thuộc Chương trình 193 thì nhiều lắm chỉ 200 hộ. Trước đây, mỗi công trình thủy điện, thủy lợi khi triển khai đều có quyết định tạm thời với chế độ chính sách cụ thể của từng dự án hỗ trợ, đền bù cho người dân, thường thì dự án sau, chính sách tốt hơn dự án trước. Vì vậy, những dự án nào càng lâu thì đời sống người dân càng khó khăn. Năm 2010, Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 34/2010/QĐ-TTg Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện trên toàn quốc.
Có một thực trạng là để đạt mục tiêu giải phóng mặt bằng, hầu hết các nhà đầu tư đều đền bù rất lớn, gồm kinh phí làm nhà, hỗ trợ tiền mặt và lương thực. Song điều quan trọng nhất là ổn định sản xuất thì nhiều dự án chưa làm được. Trước khi có Quyết định 34 của Thủ tướng Chính phủ, trong các dự án tái định canh định cư của các công trình thủy điện, thủy lợi, cơ sở hạ tầng được xây dựng rất tốt do bố trí tỷ lệ kinh phí cơ sở hạ tầng lên đến 95%, chỉ dành 5% cho ổn định sản xuất. Trong khi mấu chốt đầu tiên là phải ổn định sản xuất, sau đó mới tính đến hạ tầng thì người dân mới có thể yên tâm, gắn bó với nơi ở mới. Nhà đầu tư khi tiến hành các dự án thủy điện, thủy lợi, giao thông… cần phải quan tâm đến quyền lợi của đồng bào dân tộc thiểu số. Phát triển kinh tế vì mục tiêu quốc gia nhưng không vì thế quên quyền lợi của đồng bào dân tộc. Muốn làm được như vậy, thứ nhất, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong xây dựng các thông tư hướng dẫn, đề xuất chính sách để đảm bảo cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số theo nguyên tắc nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ; thứ hai là cần bố trí ngân sách, đảm bảo đất sản xuất, ổn định cuộc sống, phát triển các dịch vụ xã hội để đồng bào đảm bảo cuộc sống về vật chất và tinh thần.
Nếu gọi bố trí đất ở, đất sản xuất và hỗ trợ vốn di dời là phần cứng, thì phần mềm là giúp đồng bào sản xuất cái gì và như thế nào. Do vậy, cần tổ chức hỗ trợ đồng bào tái định cư về phương thức sản xuất. Trước đây, bà con có thói quen đốt tỉa, bây giờ trình độ cao hơn, đồng bào dân tộc đã trồng được lúa nước, cây công nghiệp và sản xuất hàng hoá. Do vậy, những nơi đã đạt trình độ phát triển nhất định và có nhiều lao động trẻ, cần đầu tư sản xuất công nghiệp; khuyến khích phát triển kinh tế gia đình trên cơ sở đầu tư khoa học kỹ thuật để đạt hiệu quả cao hơn. Cần thống nhất quan điểm rằng hỗ trợ sau tái định cư mới là điều kiện đủ để đảm bảo cuộc sống cho người dân vùng định canh, định cư. Nhà nước cần có C hính sách hỗ trợ đào tạo nghề, an sinh xã hội đối với đồng bào vùng định canh, định cư. Điều này càng có ý nghĩa quan trọng khi mà trên thực tế, chúng ta mới đưa dân tới nơi ở mới, bước đầu cho bà con chỗ ở ổn định nhưng vấn đề định canh, tức là vấn đề ổn định sản xuất, tạo điều kiện cho phát triển lâu dài còn nhiều vướng mắc, lúng túng. Trước đây, bà con có đất ở và đất sản xuất rất rộng, nhưng hiện nay các địa phương chỉ hỗ trợ 1-2 ha rừng, 7.000 m2 đất, có nơi còn thấp hơn. Đất sản xuất, nhất là những vùng đất tốt thì người dân bản xứ đã sử dụng hết, còn lại đa phần là đất bạc màu nên hiệu quả di dời người dân tái định canh, định cư còn khó khăn. Một vấn đề là làm sao đảm bảo người dân tái định canh, định cư có cuộc sống tốt hơn và bền vững thì thời gian hỗ trợ sản xuất ít nhất phải là 3 năm thay vì 1 năm như hiện nay.
Nên đặc biệt chú ý những dự án giúp đồng bào tạo ra sản phẩm có thể xuất khẩu hoặc phục vụ du lịch từ nghề truyền thống. Đối với lao động trẻ, có thể đào tạo nghề và tạo điều kiện đi xuất khẩu lao động. Đối với lao động cao tuổi, nên phát triển mô hình “mỗi làng mỗi nghề” để tạo việc làm, tận dụng sức lao động, nâng cao cuộc sống của người dân. Cần dành một phần kinh phí đào tạo thực hành cho các doanh nghiệp để đào tạo xong thì nhận đồng bào vào làm việc. Như vậy về mặt xã hội, người học biết học xong sẽ có chỗ làm và Nhà nước cũng không lãng phí chi phí đào tạo. Giải pháp cơ bản nhất là gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm. Trong năm 2012, Ủy ban Dân tộc đã soạn thảo Đề án phát triển nguồn nhân lực đối với đồng bào dân tộc thiểu số, trình Chính phủ chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề truyền thống, đặc biệt đối với dự án tái định cư thủy điện. Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn - Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn đang tiếp tục nghiên cứu chính sách và trong thời gian tới, sẽ có thêm những đề xuất chính sách mới, nhằm tích cực hỗ trợ cho đồng bào tái định canh, định cư.
ThS. Nguyễn Quang Hải