Xây dựng chỉ tiêu đánh giá phát triển kinh tế- xã hội cho các dân tộc thiểu số phục vụ quản lý nhà nước về công tác dân tộc.

09:08 11/04/2013 Lượt xem: 368 In bài viết

Thực tiễn phát triển đặt ra yêu cầu các chính sách, chương trình, quyết định chỉ đạo, điều hành của ngành công tác dân tộc phải dựa trên số liệu phân tích về thực trạng phát triển kinh tế-xã hội của từng dân tộc. Ngay trong những năm đầu thực hiện Chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 2011-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 về công tác dân tộc và Nghị định 84/2012/NĐ-CP ngày 12/10/2012 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc, trong đó có nhiệm vụ “xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc”.

Thực hiện nhiệm vụ trên, Viện Dân tộc-Ủy ban Dân tộc đã chủ trì nghiên cứu Đề tài “Cơ sở khoa học xây dựng các chỉ tiêu đánh giá thực trạng phát triển kinh tế, xã hội các dân tộc thiểu số”. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, phức tạp, nhóm nghiên cứu đã tranh thủ ý kiến chuyên gia liên quan đến lĩnh vực thống kê, trực tiếp làm việc, tọa đàm khoa học với Viện Khoa học Thống kê-Tổng cục Thống kê; Viện Chiến lược phát triển-Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Viện Nghiên cứu con người-Viện Khoa học xã hội Việt Nam.

Trên cơ sở đặc điểm tình hình các dân tộc thiểu số, đặc điểm công tác dân tộc và những quy định, yêu cầu của ngành thống kê, qua ý kiến tham vấn chuyên gia, nhóm nghiên cứu dự thảo đề xuất hệ thống chỉ tiêu đánh giá thực trạng phát triển kinh tế, xã hội các dân tộc thiểu số gồm 6 nhóm và 85 chỉ tiêu như sau:

Nhóm 1. Chỉ tiêu phản ánh chất lượng dân số và nhà ở dân tộc

Các chỉ tiêu thuộc nhóm này có vai trò quan trọng cung cấp bức tranh về thực trạng chất lượng dân số, chính sách dân số, nhà ở. Đây là số liệu quan trọng để quản lý, chỉ đạo xây dựng và thực hiện các chính sách về phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số.

Nhóm này gồm 17 chỉ tiêu và phân tổ đến từng tỉnh, huyện xã, dân tộc:

1. Dân số, quy mô dân số; 2. Phân bố dân số theo vùng địa lý; 3 Phân bố dân số theo giới tính và độ, nhóm tuổi; 4. Tỷ suất sinh thô; 5. Tỷ suất chết thô; 6. Tỷ lệ sinh tổng cộng (Tổng tỷ suất sinh); 7. Tỷ suất sinh đặc trưng theo tuổi; 8. Tỷ suất chết của trẻ dưới 1 tuổi; 9. Tỷ suất chết của trẻ dưới 5 tuổi (Tỷ suất chết của trẻ em); 10. Tỷ suất chết của người mẹ trong thời gian thai sản; 11.Tỷ suất tăng dân số tự nhiên; 12. Tỷ lệ phụ nữ có chồng đang sử dụng biện pháp tránh thai; 13 Số lượng, tỷ lệ cặp vợ chồng kết hôn cận huyết; 14. Số vụ, tỷ lệ tảo hôn; 15. Tỷ số giới tính của dân số; 16. Số hộ và cơ cấu hộ dân cư; 17. Cơ cấu nhà ở của hộ dân cư

Nhóm 2: Chỉ tiêu phản ánh về kinh tế

Các chỉ tiêu phản ánh hoạt động kinh tế cung cấp số liệu phản ánh thực trạng lao động, sử dụng lao động và hoạt động sinh kế của đồng bào. Đây là dữ liệu quan trọng làm căn cứ để các cơ quan chức năng quản lý, chỉ đạo xây dựng và thực hiện các chính sách về xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.

Nhóm này gồm 24 chỉ tiêu và phân tổ đến từng tỉnh, huyện xã, dân tộc:

1. Lực lượng lao động; 2. Số lao động đang làm việc trong nền kinh tế; 3. Tỷ lệ người có việc làm trên lực lượng lao động; 4. Tỷ lệ lao động đang làm việc/tổng dân số; 5. Tỷ lệ lao động đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo; 6. Số người thất nghiệp; 7. Tỷ lệ thất nghiệp; 8. Số người thiếu việc làm; 9. Tỷ lệ thiếu việc làm; 10. Các nguồn thu nhập chính của hộ; 11. Thu nhập bình quân đầu người của một hộ; 12. Chi tiêu bình quân đầu người của hộ; 13. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân hộ gia đình; 14. Diện tích đất lâm nghiệp bình quân của một hộ; 15. Tỷ lệ hộ thiếu đất sản xuất; 16. Diện tích đất bình quân của một hộ; 17. Số lượng gia cầm bình quân của một hộ; 18. Diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm; 19. Số doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất có chủ hộ là người dân tộc thiểu số; 20. Số lao động làm việc trong các đơn vị kinh tế trên địa bàn; 21. Số lượng chợ ở các xã, cụm xã, huyện; 22. Tỷ lệ đất nông nghiệp được tưới tiêu; 23. Tỷ lệ hộ có các loại đồ dùng lâu bền; 24. Tỷ lệ hộ gia đình dùng điện sinh hoạt

Nhóm 3: Chỉ tiêu về văn hóa, xã hội

Nhóm chỉ tiêu về văn hóa, xã hội cung cấp bức tranh tổng thể về thực trạng đời sống văn hóa, xã hội các dân tộc thiểu số ở nước ta. Đây là cơ sở, dữ liệu quan trọng để chỉ đạo xây dựng và quản lý thực hiện các chính sách bảo tồn phát triển văn hóa, xã hội.

Nhóm này gồm 23 chỉ tiêu và phân tổ đến từng tỉnh, huyện xã, dân tộc:

1. Tỷ lệ hộ nghèo; 2. Số lượng và tỷ lệ trẻ em nghèo; 3. Số lượng và tỷ lệ người tàn tật, người già cô đơn, trẻ em mồ côi; 4 Số lượng và tỷ lệ người dân mặc trang phục truyền thống; 5 Số hộ và tỷ lệ hộ ở nhà truyền thống; 6. Tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết đọc và viết chữ dân tộc; 7. Tỷ lệ người dân không biết tiếng của dân tộc mình; 8. Tỷ lệ người dân tộc biết tiếng/chữ phổ thông; 9. Tỷ lệ hộ gia đình có người tham gia lễ hội truyền thống; 10. Tỷ lệ hộ gia đình có người sử dụng nhạc cụ truyền thống; 11. Tỷ lệ thôn, bản có nhà văn hóa/nhà sinh hoạt cộng đồng; 12. Tỷ lệ hộ được nghe Đài tiếng nói VN/đài địa phương; 13. Tỷ lệ hộ được xem truyền hình Trung ương/địa phương; 14. Hộ, số khẩu di cư tự do; 15. Số hộ, số khẩu du canh, du cư; 16. Số lượng trường học các loại; 17. Số lượng giáo viên người dân tộc thiểu số; 18. Tỷ lệ trẻ em đi học mẫu giáo 3-5 tuổi; 19. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học tiểu học; 20. Tỷ lệ học sinh đi học trung học Cơ sở đúng độ tuổi; 21. Tỷ lệ học sinh bỏ học; 22. Tỷ lệ học sinh lưu ban.

Nhóm 4. Chỉ tiêu về y tế và vệ sinh môi trường

Dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đặc biệt đối với vùng dân tộc thiểu số, nơi còn rất nhiều khó khăn về mọi mặt.
Nhóm này gồm 13 chỉ tiêu và phân tổ đến từng tỉnh, huyện xã, dân tộc:

1. Tỷ lệ xã có trạm y tế theo tiêu chuẩn; 2. Tỷ lệ xã có bác sĩ; 3. Tỷ lệ thôn, bản có nhân viên y tế; 4. Số bác sĩ, y tá là người dân tộc; 5. Tỷ lệ phụ nữ đến các cơ sở y tế khám thai; 6. Tỷ lệ phụ nữ đến các cơ sở y tế sinh đẻ; 7. Tỷ lệ phụ nữ sinh đẻ tại nhà (không có bà đỡ); 8. Tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng; 9. Tỷ lệ người sử dụng thẻ bao hiểm y tế để khám chữa bệnh; 10. Số lượng, Tỷ lệ thôn, bản có dịch bệnh trong vòng 5 năm qua; 11. Tỷ lệ người ngủ trong màn; 12. Tỷ lệ người được sử dụng nước sạch; 13. Tỷ lệ hộ gia đình có công trình phụ (hố xí, khu chăn nuôi gia súc, gia cầm) hợp vệ sinh.

Nhóm 5. Chỉ tiêu về cán bộ, đảng viên

Nhóm chỉ tiêu này cho biết thực trạng quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số.

Gồm 4 chỉ tiêu và được phân tổ theo tỉnh, huyện, xã từng dân tộc:

1. Số lượng đảng viên người dân tộc thiểu số; 2. Số lượng Đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp; 3. Số lượng cán bộ trong các tổ chức chính trị xã hội.

Nhóm 6. Chỉ tiêu về điều kiện sống

Nhóm chỉ tiêu này cho biết các dịch vụ về cơ sở hạ tầng thiết yếu ở vùng dân tộc thiểu số.

Gồm 4 chỉ tiêu và được phân tổ theo từng tỉnh, huyện, xã:

1. Số lượng, tỷ lệ các thôn, bản đã có đường giao thông được cứng hóa từ trung tâm xã đến thôn, bản ; 2. Số lượng hộ gia đình có điện thoại (điện thoại để bàn/điện thoại di đồng); 3. Tỷ lệ hộ gia đình có Internet; 4.Tỷ lệ hộ gia đình có điện lưới quốc gia để sử dụng.

Việc thu thập thông tin, số liệu để tính toán các chỉ tiêu là khâu trọng yếu, khó khăn nhất. Từ tính chất các chỉ tiêu như trên, nhóm nghiên cứu dự kiến có 3 nguồn thu thập thông tin:

(1) Tách số liệu từ các cuộc điều tra quốc gia Đối với những thông tin tách từ số liệu điều tra quốc gia như: nông nghiệp nông thôn, dân số và nhà ở, mức sống dân cư… Ủy ban Dân tộc cần phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành liên quan ngay từ trước khi chuẩn bị điều tra, đưa ra yêu cầu, xử lý tách số liệu theo từng dân tộc.

(2) Thu thập thông tin có liên quan từ các bộ ngành chức năng;

Đối với những thông tin, số liệu về cán bộ, đảng viên, giáo dục, y tế… cần thu thập từ cơ quan, bộ, ngành chuyên quản, Uỷ ban Dân tộc có chủ trương, thống nhất với các cơ quan liên quan để chỉ đạo các sở, ban ngành địa phương tổng hợp thông tin theo mẫu.

(3) Tổ chức điều tra trực tiếp tại vùng đồng bào dân tộc.

Tuy nhiên, số liệu thu thập từ các nguồn trên chưa đáp ứng được yêu cầu, còn thiếu những thông tin mang tính đặc thù của ngành như: hôn nhân cận huyết, tình trạng tảo hôn, di cư tự do, vệ sinh môi trường nông thôn, điều tra về nước sạch và tình hình dịch bệnh, thu nhập và chi tiêu, điều tra về tư liệu sản xuất… Vì vậy, Ủy ban Dân tộc cần phải chủ trì phối hợp với Tổng cục Thống kê và các tỉnh vùng dân tộc thiểu số tổ chức các cuộc điều tra riêng theo định kỳ. Trong quá trình điều tra cần phải huy động lực lượng tình nguyện viên, sinh viên, đoàn viên và sử dụng các điều tra viên là người dân tộc thiểu số để giảm bớt chi phí.

Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc là nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi chi phí lớn, thực hiện trong thời gian dài nên cần có sự phối hợp chỉ đạo chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương. Để thực hiện được nhiệm vụ trên, cần tuyên truyền, quán triệt đầy đủ để thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của các chỉ tiêu đánh giá phát triển kinh tế, xã hội các dân tộc thiểu số đối với công tác dân tộc, đồng thời có sự điều chỉnh và hoàn thiện dần. Bước đầu nhóm nghiên cứu dự kiến các chỉ tiêu và giải pháp thực hiện như trên để cùng trao đổi, thảo luận và sẽ tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới.

ThS. Phan Văn Cương

Viện Dân tộc- UBDT