Sử dụng phương pháp mô hình hóa đánh giá tác động của Chính sách xóa đói giảm nghèo vùng Dân tộc thiểu số

09:39 23/04/2013 Lượt xem: 680 In bài viết

Thực hiện nguyên tắc “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển”, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã dành hàng ngàn tỷ đồng thực hiện nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ xóa đói giảm nghèo cho các hộ người dân tộc thiểu số.

Trong quá trình quản lý, thực hiện chính sách, các cơ quan liên quan thường xuyên tổ chức đánh giá, kiểm tra, giám sát để có cơ sở quyết định, chỉ đạo, điều hành cho phù hợp. Để xem xét tác động, hiệu quả của chính sách đến người hưởng lợi, hiện nay, trong các báo cáo đánh giá tác động của quốc tế thường sử dụng phương pháp mô hình hóa để lượng hóa, mô tả bằng con số những kết quả đạt được. Tuy nhiên ở nước ta, phương pháp này ít được sử dụng hơn, do thiếu điều kiện phân tích mô hình, cơ sở dữ liệu chưa được xây dựng một cách hệ thống, quy chuẩn.

Phương pháp mô hình hóa trong phân tích đánh giá tác động và dự báo các vấn đề kinh tế, xã hội là xây dựng hàm toán học giữa đối tượng cần xem xét, phân tích (gọi là biến phụ thuộc) với các yếu tố có ảnh hưởng đến đối tượng đó (gọi là biến độc lập). Để làm rõ thêm cách sử dụng và ý nghĩa thực tiễn của phương pháp này, trên cơ sở dữ liệu điều tra cơ bản đầu kỳ Chương trình 135 giai đoạn II, sử dụng mô hình logistic để ước lượng ảnh hưởng của chương trình đến hộ gia đình người dân tộc thiểu số.

Dữ liệu được điều tra thực hiện năm 2007 - 2008, với mẫu điều tra là 5965 hộ, chọn từ 400 xã, trong đó có 266 xã đặc biệt khó khăn bắt đầu thực hiện chương trình 135 giai đoạn II (gọi là nhóm hưởng lợi từ Chương trình) và 134 xã đã đầu tư, mới ra khỏi diện xã đặc biệt khó khăn của Chương trình 135 giai đoạn I (gọi là nhóm đối chứng), thuộc 43 tỉnh trên toàn quốc. Vì vậy, ở những xã đối chứng, các chỉ tiêu, thông tin cơ bản về kinh tế, xã hội thường tốt hơn những xã bắt đầu thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II.

Để xem xét đánh giá của hộ gia đình về hiệu quả của Chương trình, trên cơ sở bảng hỏi, số liệu điều tra cơ bản Chương trình 135 giai đoạn II, lựa chọn biến: "Gia đình có hài lòng về mức sống hiện nay không?" là đối tượng phân tích, gọi là biến phụ thuộc. Những yếu tố ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của hộ gia đình, được lựa chọn là biến độc lập (có thể tác động đến biến phụ thuộc). Mô hình phù hợp để phân tích là mô hình hồi quy logistic.

Trên cơ sở dữ liệu của chương trình, lựa chọn các biến độc lập như sau: Thiếu lương thực; Thiếu thuốc chữa bệnh; Thiếu tiền mặt; Thiếu tiền học; Thiếu nhiên liệu; Thiếu nước sạch; Miễn giảm học phí, sách giáo khoa; Con em đi học trường mới; Khám chữa bệnh miễn phí; Hỗ trợ tiền nhà ở; Đào tạo nghề; Số khoản vay (nguồn vay); Số người trong độ tuổi lao động

Với mô hình này, chúng ta có thể trả lời các câu hỏi cụ thể từ việc người dân vùng dân tộc ít người thực sự cần gì trong các hợp phần của Chương trình: Họ cần tiền cho chi tiêu hơn hay cần tiền cho con em đi học hơn?; Họ có cần học nghề không và đến mức độ nào?; Họ có cần vay vốn từ nhiều nguồn không?;…. Các yếu tố này tốt hơn có làm họ hài lòng hơn không?. Nhờ việc ước lượng mô hình theo đơn vị hộ ở hai nhóm xã Chương trình 135 đã hoàn thành và nhóm xã đang thực hiện Chương trình 135, cũng có thể tiến hành các so sánh để thấy rõ hơn mong muốn của nhân dân các dân tộc ít người.
Mô hình được phân tích trên phần mềm SPSS. Sau 10 bước chạy, kết quả hồi quy như sau:

1) Những xã đã hoàn thành Chương trình 135 khi có thêm các lợi thế (không thiếu) chương trình mang lại hộ có khả năng hài lòng đến 82%, trong khi các hộ không thụ hưởng được các kết quả của chương trình khả năng hài lòng chỉ ở mức 31,5%. Ở các xã chưa kết thúc Chương trình 135 hầu như ở hai tính trạng đối lập nói trên khả năng họ hài lòng gần như nhau 61% và 64%.

2) Kết quả hồi quy hệ số của biến thiếu lương thực mang dấu âm cả ở xã Chương trình 135 và xã đối chứng cho thấy, thiếu lương thực khiến các hộ gia đình không hài lòng với mức sống hiện nay. Ở xã đối chứng, mức độ không hài lòng của người dân tăng mạnh hơn ở xã đang thực hiện Chương trình khi có đủ lương thực. Điều này có thể nhận thức của hộ ở xã đối chứng có phần cao hơn, họ phản ứng mạnh hơn khi đời sống gia đình gặp khó khăn.

3) Hệ số của biến thiếu tiền mặt mang dấu (-) trong mô hình ở cả hai nhóm xã. Thiếu tiền mặt chi tiêu thường xuyên làm cho các hộ gia đình khá bức xúc.

4) Thiếu tiền để đóng học cũng làm cho hộ gia đình ở cả hai nhóm xã không hài lòng. Giá trị hệ số của biến thiếu tiền đóng học = 0,27646 < thiếu tiền mặt =0,4952 cho thấy mức độ bức xúc về thiếu tiền đóng học cho con, em trong gia đình ít hơn là thiếu tiền mặt để chi tiêu cho sinh hoạt hàng ngày. Kết quả này phần nào phản ánh vấn đề giáo dục ở vùng nghèo dân tộc ít người chưa được các hộ gia đình quan tâm. Đây là yếu tố quan trọng, cần được các nhà hoạch định chính sách có giải pháp đầu tư hỗ trợ phù hợp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc ít người.

5) Kết quả hồi quy biến “không đủ thuốc chữa bệnh” rất khác nhau ở 2 nhóm xã. Đối với xã đối chứng, người dân tỏ thái độ không hài lòng về việc các cơ sở thiếu thuốc chữa bệnh thường xuyên; ngược lại, ở các xã Chương trình 135, biến này loại ra khỏi mô hình, chứng tỏ người dân không quan tâm đến thuốc chữa bệnh. Sự khác biệt này phần nào phản ánh nhận thức của người dân về việc khám và điều trị, chăm sóc sức khỏe. Có thể, ở các xã Chương trình 135 nơi vùng sâu, vùng xa, người dân không có thói quen đến các cơ sở khám chữa bệnh để điều trị, mà tự chữa ở nhà bằng các lá cây rừng, hoặc cúng bái. Vì vậy, họ không quan tâm đến việc các cơ sở y tế có đủ hay thiếu thuốc. Còn ở các xã đã thực hiện thành công Chương trình, nhận thức của người dân được nâng lên. Họ ý thức được tầm quan trọng của việc phải đến các cơ sở khám chữa bệnh để điều trị, nên nếu thiếu thuốc để chữa bệnh, người dân không đồng ý.

6) Một trong những kết quả rõ nét, được người dân của cả hai nhóm xã đều hài lòng, đó là hỗ trợ tiền xây nhà ở, nhưng mức độ hài lòng còn thấp.

7) Về tiếp cận vốn vay ngân hàng: Đối với xã đang thực hiện Chương trình, hệ số này mang dấu âm, chứng tỏ khi số khoản vay, nguồn vay nhiều lên, không những làm cho các hộ gia đình vui, thỏa mãn, mà ngược lại làm cho họ lo lắng. Kết quả này phần nào cho thấy, ở xã đang thực hiện Chương trình, năng lực sử dụng nguồn vốn của các hộ gia đình còn nhiều hạn chế. Thậm chí khi được vay vốn nhiều, hộ gia đình đã không biết sử dụng vào việc gì và họ thường xuyên phải lo trả nợ. Nhưng ở xã đã thực hiện chương trình, người dân hài lòng với việc đa dạng hóa các khoản vay, chứng tỏ rằng, Chương trình 135 đã tác động tích cực nâng cao năng lực sản xuất, tạo cơ hội việc làm, người dân biết sử dụng nguồn vốn đầu tư vào sản xuất.

Kết quả phân tích trên cho thấy, không phải cứ hỗ trợ nhiều vốn là giúp cho người dân phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo. Vấn đề mấu chốt là lựa chọn thời điểm, nâng cao năng lực, khả năng sử dụng đồng vốn sao cho hiệu quả, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, nơi mà sản xuất nông nghiệp theo phương thức tự cấp tự túc là chủ yếu. Đối với Chương trình 135, để có hiệu quả lâu dài, bền vững cần phải tập trung các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cho người dân, đa dạng hóa các hoạt động sản xuất là trọng tâm.

Ngoài ra có thể thấy chương trình đem lại nhận thức mới về nhu cầu đời sống của các hộ dân cư.
Bảng sau cho thấy thứ tự ưu tiên làm tăng khả năng hài lòng của các biến ở hai nhóm xã:

- Xã đối chứng: (1) Hỗ trợ tiền nhà ở; (2) Số khoản vay, nguồn vay; (3) Số người trong độ tuổi lao động; (4) Thiếu tiền học; (5) Thiếu thuốc chữa bệnh; (6) Thiếu tiền mặt; (7) Khám chữa bệnh miễn phí; (8) Thiếu lương thực; (9) Đào tạo nghề; (10) Thiếu nước sạch; (11) Miễn giảm học phí, sách giáo khoa; (12) Con em đi học trường mới.

- Xã thuộc Chương trình 135: (1) Con em đi học trường mới; (2) Miễn giảm học phí, sách giáo khoa; (3) Hỗ trợ tiền nhà ở; (4) Thiếu nước sạch; (5) Số khoản vay, nguồn vay; (60 Thiếu tiền học; (7) Thiếu tiền mặt; (8) Thiếu lương thực; (9) Thiếu thuốc chữa bệnh; (10) Khám chữa bệnh miễn phí; (11) Đào tạo nghề; (12) Số người trong độ tuổi lao động.

Những phân tích, đánh giá trên đây bước đầu mang tính thử nghiệm việc ứng dụng phương pháp mô hình hóa trong đánh giá hiệu quả của chính sách công. Có thể kết qủa chưa phản ánh được hết hiệu quả của Chương trình 135, nhưng đã cho thấy việc xây dựng mô hình toán thống kê, kinh tế để lượng hóa ảnh hưởng của chính sách xoá đói giảm nghèo đến hộ gia đình là có thể thực hiện được. Phương pháp này cho phép ước lượng khách quan hiệu quả của chương trình trên cơ sở bằng chứng là những số liệu điều tra, thông tin do người dân cung cấp, khắc phục được ý kiến chủ quan của cơ quan quản lý hoặc người tham gia đánh giá. Tuy nhiên phương pháp này cũng có hạn chế là phụ thuộc nhiều vào số liệu đầu vào. Nếu nguồn số liệu hạn chế, thiếu chính xác, dẫn đến kết quả sai lệch nhiều so với thực tế.
Đối với bất kỳ chính sách nào, trước, trong, sau khi triển khai cũng thực hiện các hoạt động đánh giá với mục tiêu và phương pháp khác nhau. Thời gian qua, các cơ quan quản lý chương trình, chính sách giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số thường xuyên có các hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá để điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên có chính sách thực hiện đạt được mục tiêu đề ra, đảm bảo đúng tiến độ, đúng quy trình, thủ tục pháp lý, nhưng hiệu quả mang lại còn thấp, chưa phù hợp với nhu cầu, đặc điểm tình hình kinh tế, xã hội các dân tộc thiểu số ở nước ta, dẫn đến lãng phí nguồn lực. Nguyên nhân, một phần là do phương pháp, kết quả kiểm tra, đánh giá thiếu khách quan, chưa nhìn nhận hiệu quả của chương trình từ phía người hưởng lợi.
Do đặc điểm vùng dân tộc thiểu số ở nước ta sống đan xen, nhiều chính sách cùng thực hiện trên một địa bàn với các đầu mối quản lý khác nhau, nên việc đánh giá tác động của từng chính sách là hết sức khó khăn, cần phải kết hợp nhiều phương pháp để thực hiện, trong đó có phương pháp mô hình hóa. Để quản lý tốt và có cơ sở dữ liệu đánh giá hiệu quả chương trình, chính sách ở vùng dân tộc thiểu số, đề nghị các cơ quan quản lý xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ từ khi bắt đầu thực hiện. Tổ chức điều tra cơ bản, khách quan đầu kỳ và cuối kỳ để có số liệu đối chiếu so sánh. Trong quá trình điều tra, đánh giá, nhằm đảm bảo khách quan, cần chú trọng những ý kiến, thông tin số liệu do người dân cung cấp để có cơ sở phân tích, xây dựng mô hình đánh giá phản ánh tốt hiệu quả của chương trình.

ThS. Phan Văn Cương- Viện Dân tộc UBDT

ThS. Nguyễn Mạnh Cường- Trường Cao đẳng KT-KT Nghệ An