Đào tạo nghề xuất khẩu lao động ở vùng Dân tộc thiểu số và Miền núi. Tác động của các chính sách và những vấn đề đặt ra
04:13 18/04/2013 Lượt xem: 576 In bài viếtSau 30 năm hoạt động xuất khẩu lao động, đặc biệt là gần 20 năm vận hành theo cơ chế thị trường, hoạt động xuất khẩu lao động ở Việt Nam đang được coi là mũi nhọn của kinh tế đối ngoại. Trong những năm qua, với Đề án “Hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu lao động tại các huyện nghèo giai đoạn 2009 - 2015" (Quyết định 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ) và đặc biệt là Nghị Quyết 30a/2008/NQ-CP về chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động đã tạo đà để thị trường xuất khẩu lao động phát triển mạnh.
Nước ta có 53 dân tộc thiểu số, chiếm 14,27% dân số Việt Nam, sống rải rác ở 41 tỉnh, thành phố, song tập trung nhiều ở 3 khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và một số ít ở vùng Trung Bộ, chủ yếu ở 02 tỉnh Thanh Hoá và Nghệ An là những địa phương có hoạt động đào tạo nghề xuất khẩu lao động được triển khai mạnh mẽ. Thực trạng phát triển đào tạo nghề xuất khẩu lao động trong những năm qua của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho thấy: Số đồng bào dân tộc thiểu số được học nghề năm 2006 là 48.125 người (chiếm 3,5%), năm 2007 là 60.414 người (chiếm 4,3%), năm 2008 khoảng 60 ngàn người và năm 2010 là 70 ngàn người. Con số này cho thấy, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được học nghề còn rất thấp so với tỷ lệ chung và so với tỷ lệ dân số cả nước. Mặt khác, đa số đồng bào dân tộc tham gia học nghề ngắn hạn; số học nghề dài hạn hoặc Trung cấp nghề để có bằng cấp chuyên nghiệp phục vụ xuất khẩu lao động rất ít.
Học nghề là một trong những điều kiện cơ bản để tham
gia xuất khẩu lao động nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thoát
nghèo. Có nghề, người lao động có cơ hội được tuyển dụng lâu dài với mức thu
nhập cao hơn. “Chìa khóa để mở cửa vào cuộc sống đối với thanh niên dân tộc
thiểu số và vùng núi chính là thành thạo một nghề"-Phó Thủ tướng Chính phủ
Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ ra như vậy.
Những năm qua, nhận thức được vai trò quan trọng của công tác đào tạo nghề xuất
khẩu lao động, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, điển hình như: Quyết định
số 33/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 7/3/2006 về việc Phê duyệt Đề án
Dạy nghề cho lao động đi làm việc ở nước ngoài đến năm 2015; Nghị quyết số
30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền
vững đối với 61 huyện nghèo;Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/04/2009 của Thủ
tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao
động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020...
Nhìn chung trong giai đoạn 2006-2010, các chính sách
hỗ trợ đào tạo nghề và hỗ trợ sau học nghề để tạo việc làm cho lao động nông
thôn, các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề xuất khẩu lao động ở vùng dân tộc thiểu
số và miền núi được ban hành tương đối đầy đủ, phù hợp với tình hình phát triển
kinh tế-xã hội của đất nước, đáp ứng được nhu cầu của lao động nông thôn, hộ
nghèo.
Công tác xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành đảm bảo
kịp thời; đồng thời trong quá trình thực hiện đã sửa đổi, bổ sung các nội dung,
mức chi không còn phù hợp với thực tế, tạo điều kiện cho các Bộ, ngành, địa
phương thực hiện thống nhất và tạo hành lang pháp lý trong việc kiểm soát chi
tiêu.
Mặc dù, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ
trợ đào tạo xuất khẩu lao động đối với đồng bào dân tộc thiểu số và vùng núi;
tuy nhiên, theo kết quả phỏng vấn chính quyền địa phương cho thấy người lao động
ở vùng dân tộc thiểu số và vùng núi tỉnh Thanh Hóa chưa thực sự quan tâm đến
chính sách hỗ trợ và nội dung học nghề đi xuất khẩu lao động; tâm lý người lao
động còn ngại đi học...
Theo chúng tôi, việc đào tạo nghề xuất khẩu lao động chưa đạt hiệu quả như mong
muốn còn có các yếu tố khác từ cơ chế, chính sách của Nhà nước như:
Thứ nhất, việc rà soát bổ sung thực hiện các chính
sách hỗ trợ đào tạo chưa phù hợp với thực tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, do có nhiều đồi núi, giao thông khó khăn;
kinh tế ở các vùng dân tộc thiểu số chậm phát triển, tỷ lệ hộ đói nghèo cao; xác
định đối tượng hộ cận nghèo và hộ nghèo chưa rõ ràng nên việc đưa ra những chính
sách hỗ trợ cho từng đối tượng cụ thể còn nhiều vướng mắc.
Theo Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/04/2009 của Thủ tướng Chính phủ và Đề
án của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về đẩy mạnh xuất khẩu lao động giai
đoạn 2009-2015, hộ nghèo và dân tộc thiểu số khi tham gia học nghề xuất khẩu lao
động được hỗ trợ vay vốn. Tuy nhiên, từ khi thực hiện chương trình cho vay đào
tạo xuất khẩu lao động đến nay, đối tượng cho vay của chương trình đã được mở
rộng gồm cả cơ sở đào tạo nghề ở các huyện miền núi trên phạm vi nước cũng được
vay vốn đầu tư cơ sở dạy nghề... song nguồn vốn cho vay của chương trình chưa
được bổ sung tương ứng với các đối tượng bổ sung và chậm giải ngân so với kế
hoạch, thủ tục rườm rà.
Thứ hai, hiệu quả tuyên truyền chưa cao; chính sách
dạy nghề xuất khẩu lao động đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn chồng
chéo.
Công tác tuyên truyền về lợi ích của học nghề phục vụ xuất khẩu lao động và cho
các đối tượng lao động ở các vùng dân tộc, miền núi còn nhiều thiếu sót. Các dân
tộc thiểu số do có nhiều ngày lễ tết, cùng tư duy nông nghiệp nặng nề nên một bộ
phận không nhỏ người lao động thiếu tính kiên trì và kỷ luật trong học nghề và
trong lao động. Việc hướng dẫn cho các cấp chính quyền, đoàn thể tại địa phương
về công tác đào tạo nghề và đào tạo nghề xuất khẩu lao động chưa phân định rõ
ràng, dẫn tới sự chồng chéo trong chính sách. Điển hình như tại Quyết định
71/2009/QĐ-TTg ngày 29/04/2009 về phê duyệt Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy
mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020 và
Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 về phê duyệt đề án đào tạo nghề cho lao
động nông thôn đến năm 2020. Hai quyết định này có mục tiêu, chương trình đào
tạo khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay, tại các huyện miền núi vẫn bố trí đào tạo
nghề theo một quy trình chung.
Tỉnh Thanh Hóa đã ban hành một số văn bản như: Quyết định số 4162/QĐ-UBND ngày
23/11/2009 phê duyệt Điều lệ dạy nghề của Hội Dạy nghề việc làm và xuất khẩu lao
động tỉnh Thanh Hóa và Kế hoạch số 23/KH-UBND ngày 10/6/2009 thực hiện Quyết
định số 71/2009/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nghiên cứu tại hai huyện miền
núi Bá Thước và Cẩm Thủy cho thấy, việc đào tạo nghề trong nông thôn và đào tạo
nghề xuất khẩu lao động của dân tộc thiểu số và vùng núi được các cơ sở dạy nghề
lồng ghép chung. Rõ ràng, chính quyền địa phương hiểu chưa đầy đủ 2 văn bản trên,
dẫn tới công tác đào tạo nghề xuất khẩu lao động trên địa bàn kém hiệu quả.
Thứ ba, chưa có quy định rõ ràng về việc xây dựng
giáo trình học phù hợp với thực tiễn ở khu vực đồng bằng và miền núi cho các đối
tượng học nghề nhằm phục vụ yêu cầu lao động trong nước và lao động xuất khẩu.
Trên thực tế, những năm qua, các cơ sở đào tạo nghề xuất khẩu lao động ở các
huyện nghèo trên cả nước đã có sự liên kết trong đào tạo, nhưng vẫn còn nhiều
bất cập. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là địa bàn có trình độ dân
trí thấp, nên cần có giáo trình đào tạo riêng, đồng thời phù hợp với yêu cầu của
các nước nhập khẩu lao động. Bên cạnh đó, cần phải được bố trí đào tạo cùng với
những người có trình độ văn hóa tương tự theo nguyện vọng ngành nghề mà lao động
đăng ký từ đầu tại thị trường lao động ở nước ngoài. Tuy nhiên hiện nay, các đối
tượng này được bố trí lồng ghép vào các lớp học nghề trong nước dẫn tới tình
trạng lao động được đào tạo xong vẫn chưa có nghề hoặc tay nghề không đảm bảo so
với yêu cầu lao động động của các thị trường lao động nước ngoài.
Thứ tư, chưa có quy định rõ ràng trong việc cấp vốn
vay ưu đãi cho các cơ sở đào tạo nghề xuất khẩu lao động; thiếu cơ chế gắn kết
trách nhiệm của các cơ sở đào tạo với chất lượng đào tạo và định hướng cho người
tham gia xuất khẩu lao động.
Nhà nước có chính sách hỗ trợ các cơ sở đào tạo nghề vay vốn ưu đãi để đầu tư cơ
sở hạ tầng phục vụ đào tạo nghề xuất khẩu lao động. Chính sách này hiện nay đã
bộc lộ những hạn chế, ảnh hưởng tới công tác đào tạo nghề xuất khẩu lao động
trên cả nước. Tại tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua, một số địa phương, ngành chức
năng ở các huyện miền núi vẫn chỉ chú trọng vào công tác đầu tư xây dựng cơ bản,
mua sắm trang thiết bị. Trong khi việc xây dựng bộ máy điều hành hoạt động của
các Trung tâm đào tạo còn nhiều lúng túng. Tình trạng một số Trung tâm dạy nghề
thiếu thầy, cán bộ quản lý và trang thiết bị thiếu đồng bộ đã tồn tại nhiều năm
nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.
Trách nhiệm của một số cơ sở đào tạo nghề xuất khẩu lao động chưa thực sự nghiêm túc, nhiều nơi còn mang tính hình thức, có biểu hiện chạy theo thành tích, thiếu thực tế và chiều sâu. Công tác định hướng nghề nghiệp cho lao động tại thị trường lao động quốc tế chưa phù hợp với trình độ và năng lực của người lao động. Điều này dẫn tới sự chán nản, bỏ học giữa chừng của các lao động tham gia đào tạo nghề xuất khẩu lao động.
Từ thực tế trên, chúng tôi đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề xuất khẩu lao động ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi như sau:
Một là, Nhà nước cần cụ thể hơn nữa chính sách đào tạo nghề và đào tạo nghề xuất khẩu lao động. Cần tách bạch giữa đào tạo nghề và đào tạo nghề xuất khẩu lao động, đồng thời có cơ chế đặc thù cho từng lĩnh vực để khắc phục sự chồng chéo trong công tác đào tạo.
Hai là, tăng cường quản lý, kiểm tra các cơ sở dạy nghề tại các vùng dân tộc thiểu số và miền núi để khắc phục tính hình thức và nâng cao hiệu quả đào tạo, nhất là đào tạo về kỹ năng làm việc phù hợp với yêu cầu của thị trường tuyển dụng.
Ba là, phát triển mạng lưới Trường nghề, Trung tâm
dạy nghề riêng cho người lao động ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi phục vụ
xuất khẩu lao động.
Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư đào tạo nghề cho xuất khẩu lao động,
ngoài việc xác định kế hoạch đào tạo, ngành nghề đào tạo, thời gian đào tạo,
chất lượng đào tạo... cần phải xây dựng chương trình giảng dạy phù hợp với yêu
cầu của từng khu vực, từng thị trường, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số và miền
núi. Cần lồng ghép đào tạo ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết nhiều hơn
nữa cho người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, bởi lẽ, chất lượng
của nguồn lao động phục vụ xuất khẩu không chỉ thể hiện bằng tay nghề mà còn thể
hiện ở sự hiểu biết về môi trường làm việc, về pháp luật và phong tục tập quán
của nước sở tại. Khả năng đó chỉ được thể hiện thông qua ngoại ngữ.
Bốn là, phổ biến và nhân rộng những mô hình đào tạo
có hiệu quả.
Dạy nghề cho lao động ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi đi làm việc ở nước
ngoài có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: Dạy tại các cơ
sở dạy nghề; dạy nghề theo đơn đặt hàng của các tập đoàn, Tổng công ty; dạy nghề
lưu động (tại xã, thôn, bản); dạy nghề tại doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất
kinh doanh, dịch vụ; dạy nghề gắn với các vùng chuyên canh, làng nghề;...
Trước mắt, cần tổ chức đào tạo thí điểm cho các nhóm nghề ở các vùng dân tộc
thiểu số và vùng núi khác nhau, với hình thức và phương thức đào tạo khác nhau
để tìm ra được những mô hình đào tạo phù hợp nhất đối với các đối tượng lao động
có ngành nghề khác nhau, từ đó nhân rộng ra các vùng, miền trong cả nước.
Nguyễn Văn Nhuận
Phó Vụ trưởng Vụ KHTC UBDT