Văn hóa là nền tảng tinh thần. Hiểu thế nào cho đúng

04:20 18/04/2013 Lượt xem: 22002 In bài viết

Vấn đề đặt ra ở đây là có phải có 2 nền tảng cho sự phát triển không, hay sản xuất vật chất là cơ sở, nền tảng chung của sự vận động phát triển, còn văn hóa chỉ là nền tảng tinh thần. Hiểu thế nào cho đúng với quan điểm duy vật biện chứng, không rơi vào chủ nghĩa nhị nguyên, nhưng lại thấy hết vai trò to lớn của nhân tố văn hóa.

Chủ nghĩa Mác-Lê nin luôn khẳng định sản xuất vật chất là cơ sở, nền tảng của sự vận động và phát triển của xã hội loài người, nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ quan niệm vai trò quyết định chỉ duy nhất thuộc về nhân tố kinh tế. Ph.Ăng ghen viết: Theo quan điểm duy vật về lịch sử, nhân tố quyết định trong quá trình lịch sử, xét đến cùng là sản xuất và tái sản xuất ra đời sống hiện thực, cả tôi lẫn Mác chưa bao giờ khẳng định gì hơn thế. Còn nếu có ai xuyên tạc luận điểm này theo ý nghĩa nhân tố kinh tế là nhân tố quyết định duy nhất, thì người đó đã biến lời khẳng định này thành một câu trống rỗng, trừu tượng, vô nghĩa. Tình hình kinh tế là cơ sở hạ tầng, nhưng các yếu tố khác nhau của kiến thức thượng tầng: các hình thức chính trị của các cuộc đấu tranh giai cấp và kết quả của nó - chế độ nhà nước do giai cấp chiến thắng thiết lập sau cuộc đấu tranh thắng lợi vv… Các hình thức pháp luật và thậm chí sự phản ánh của tất cả những cuộc đấu tranh thực tế ấy trong đầu óc của những người tham gia, các học thuyết chính trị, pháp lý, triết học, các quan điểm tôn giáo và sự phát triển tiếp theo của chúng thành hệ thống giáo lý, cũng có ảnh hưởng đến quá trình đấu tranh lịch sử, trong nhiều trường hợp lại chiếm ưu thế trong việc quyết định hình thức cuộc đấu tranh ấy.

Một số học thuyết xã hội ở phương Tây cũng đã đi tìm nguyên nhân sự phát triển từ yếu tố văn hóa. Họ cũng đã quan niệm văn hóa là những quy định nằm sâu trong cấu trúc mỗi xã hội, nó có khả năng quy định chiều hướng, vận động của các cộng đồng. Do vậy văn hóa là cơ sở, là nền tảng mà trên đó là các nhân tố khác của đời sống xã hội được triển khai, được thực hiện trong sự chi phối của nó, thành sự vận động và phát triển của xã hội.

Tuy vậy các học thuyết xã hội ngoài Mác xít ở phương Tây chỉ quan tâm giải thích sự phát triển xã hội từ các nguyên nhân văn hóa ở từng trường hợp cụ thể, còn nguyên nhân cuối cùng gây nên sự vận động của toàn bộ đời sống xã hội là gì? Văn hóa quy định sự phát triển xã hội, nhưng chính bản thân nó được quy định bởi nguyên nhân nào? Thì họ lẩn tránh, hoặc bị che lấp và rút cuộc rơi vào chủ nghĩa duy tâm về lịch sử.

Tính chất duy vật biện chứng triệt để của triết học Mác - Lê nin chính là ở chổ: tuy đề cao vai trò văn hóa, tinh thần “Trong nhiều trường hợp lại chiếm ưu thế trong việc quyết định sự phát triển của lịch sử”, nhưng triết học Mác - Lê nin không dừng lại ở các nguyên nhân văn hóa mà đi tìm nguyên nhân sâu xa hơn, nguyên nhân “xét đến cùng” đó là sản xuất và tái sản xuất ra đời sống hiện thực.

Dựa trên quan điểm chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò văn hóa. Đảng ta khẳng định “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”

Vấn đề được đặt ra ở đây là có phải có hai nền tảng của sự phát triển. Hiểu văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội thế nào cho đúng với quan điểm triết học Mác. Tiếp cận khái niệm văn hóa với nghĩa rộng nhất, với những đặc trưng chung nhất, khái quát nhất, biểu hiện thái độ, phương thức sống và hoạt động, tính nhân đạo của con người trong quá trình sáng tạo ra các giá trị vật chất, tinh thần. Hiểu khái niệm văn hóa như vậy thì đương nhiên quá trình sản xuất, tái sản xuất ra đời sống vật chất cũng chính là biểu hiện của văn hóa vật chất, các khái niệm lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất, phương thức sản xuất, nhà nước, giai cấp, dân tộc, cách mạng… là những khái niệm dùng để chỉ các hiện tượng có khả năng quyết định sự vận động, phát triển của xã hội cũng chính là những khái niệm thuộc khái niệm văn hóa vật chất, vì vậy khi nói sản xuất vật chất là cơ sở, nền tảng của sự tồn tại, phát triển của xã hội thì cũng có nghĩa là thừa nhận vai trò nền tảng của văn hóa vật chất.

Mặt khác khi phân tích mối quan hệ giữa sản xuất vật chất và văn hóa tinh thần. Ăng ghen luôn luôn nhấn mạnh phải đặt trong điều kiện “xét đến cùng”, chỉ khi xét đến cùng, tìm nguyên nhân cuối cùng thì nhân tố kinh tế mới tối hậu quyết định. Nếu thoát ly điều kiện: “xét đến cùng” thì trong nhiều trường hợp vai trò quyết định không thuộc về nhân tố kinh tế nữa. Bản thân các hiện tượng văn hóa tinh thần như truyền thống, phong tục tập quán, lối sống, tín ngưỡng tôn giáo, khoa học, nghệ thuật,… trên thực tế cũng luôn luôn được “Vật chất hóa” trong hoạt động của con người, chiếm vị trí đáng kể trong văn hóa vật chất.

Tuy nhiên ở đây phải khẳng định rõ không có hai mà chỉ có một cơ sở, nền tảng duy nhất cho sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người đó là sản xuất và tái sản xuất đời sống vật chất. Đảng ta không khẳng định văn hóa là cơ sở nền tảng của sự tồn tại và phát triển xã hội mà chỉ khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội. Nền tảng tinh thần với ý nghĩa: Toàn bộ các giá trị sáng tạo thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan, phương thức sống và hoạt động, tính nhân văn của con người, hợp thành nền tảng tinh thần để đảm bảo cho một xã hội phát triển hài hòa cân đối, bền vững. Quan điểm đó hoàn toàn đúng với tinh thần duy vật biện chứng của triết học Mác - Lê nin.

Đảng ta quan niệm văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, nhưng không phải văn hóa nào cũng là nền tảng, chỉ có nền văn hóa yêu nước, gắn liền độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội, một nền văn hóa tiến bộ thúc đẩy lịch sử phát triển với hệ tư tưởng cách mạng và khoa học, với chế độ xã hội tiến bộ; nền văn hóa đặt người lao động ở vị trí chủ thể của sự phát triển; Bảo tồn và phát triển những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc anh em được vun đắp qua hàng ngàn năm lịch sử, nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc như thế mới đóng vai trò nền tảng tinh thần của xã hội

 

TS. Hoàng Xuân Lương

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc