Thực trạng và giải pháp quản lý đất đai ở vùng Dân tộc và miền núi

02:53 21/06/2013 Lượt xem: 1415 In bài viết

Trước hết phải khẳng định rằng những năm qua, Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất với mục tiêu chung là ổn định đời sống và sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Có thể kể đến các chính sách lớn đã được ban hành và tổ chức thực hiện như: Quyết định 132/2002/QĐ-TTg về việc giải quyết đất sản xuất và đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên với 85.079 hộ trong diện thụ hưởng bao gồm số hộ thiếu đất ở là 32.085 hộ, số hộ thiếu đất sản xuất là 52.994 hộ; Quyết định 134/2004/QĐ-TTg hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho hộ nghèo dân tộc thiểu số với 262.623 hộ được thụ hưởng, bao gồm số hộ cần hỗ trợ đất ở là 87.822 hộ, số hộ cần hỗ trợ đất sản xuất là 174.801 hộ; Quyết định 33/2007/QĐ-TTg và Quyết định 1342/QĐ-TTg thực hiện chính sách hỗ trợ định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số với tổng số hộ còn du canh, du cư cần được bố trí đất ở, đất sản xuất là 29.718 hộ; Quyết định số 74/2008/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2008-2010 với 43.395 hộ được thụ hưởng, trong đó có 33.587 hộ không có hoặc thiếu đất sản xuất, 9.808 hộ thiếu đất ở; Quyết định số 1592/2009/QĐ-TTg về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt đến năm 2010 cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn... Bên cạnh đó là các quyết định của Uỷ ban Dân tộc phê duyệt dự án hỗ trợ, phát triển dân tộc rất ít người là Si La, Brâu, Rơ Măm, Ơ Đu, Pu Péo thuộc các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Nghệ An, Kon Tum với số hộ được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất là 590 hộ.

Chính sách được ban hành khá nhiều, với mục tiêu nhân văn nhưng kết quả thực hiện hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số lại hạn chế xét ở cả hai góc độ là số lượng và hiệu quả.

Theo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thực hiện trong năm 2012 thì các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số trên phạm vi cả nước từ năm 2002 đến nay đạt kết quả rất thấp so với kế hoạch. Đơn cử như Quyết định 134 chỉ đạt 35% kế hoạch; Quyết định 33 đạt 33% kế hoạch; cá biệt Quyết định 1592 chỉ đạt 0,36%. Tính chung trong giai đoạn từ 2002-2011, các chính sách, chương trình, dự án chỉ hỗ trợ đất sản xuất, đất ở cho 231.284 hộ, đạt 41,5% tổng số hộ cần hỗ trợ. Như vậy, so với nhu cầu hơn 550 nghìn hộ cần được hỗ trợ thì vẫn còn hơn 326 nghìn hộ dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất, trong đó nhu cầu về đất sản xuất nổi lên rất gay gắt với 293.934 hộ. Ấy là còn chưa tính đến số lượng khá lớn các hộ dân tộc thiểu số thuộc diện bị thu hồi, tái định cư do thực hiện các dự án quy hoạch phát triển đô thị, các công trình thuỷ lợi, thuỷ điện, hạ tầng giao thông… cũng có nhu cầu cần được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất. Những kết quả trên tự nó nói lên một thực tế là hiệu quả thực thi chính sách đã không được như kỳ vọng.

Ông Danh Út-Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phân tích: Đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu ở vùng miền núi. Dẫu rằng khu vực này vẫn thường được mệnh danh là "đất rộng, người thưa" nhưng diện tích đất nông nghiệp lại ít, chủ yếu là đất có độ dốc lớn, địa hình phức tạp, nhiều núi đá… dẫn đến quỹ đất không đủ so với định mức hỗ trợ mà chính sách đã hoạch định. Chẳng hạn trong Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007 về “Chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2007-2010”quy định quy mô áp dụng điểm dự án định canh, định cư tập trung phải đảm bảo 20 hộ/điểm đối với vùng cao biên giới Việt-Trung; 35 hộ/điểm thuộc các huyện biên giới; 45 hộ/điểm thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung và Bắc Kon Tum; 60 hộ/điểm áp dụng đối với các tỉnh còn lại đã gây khó khăn cho các địa phương vì quỹ đất không đủ bố trí cho số hộ/điểm dự án định canh định cư tập trung theo quy định. Quy định này dẫn đến việc bố trí đất cho các hộ định canh định cư của các địa phương không giống nhau. Các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu…cấp không đủ 1ha/hộ; các tỉnh Duyên Hải miền Trung và Tây Nguyên, quỹ đất thuận lợi hơn nên mỗi hộ được cấp từ 1,2-1,5ha đất ở và đất sản xuất; tỉnh Hậu Giang, Cà Mau do thiếu quỹ đất và giá đất cao nên chỉ bố trí được từ 2.000-3.000m2/hộ; tỉnh An Giang chỉ cấp được 200-400m2 đất ở/hộ định canh định cư xen ghép, không bố trí được đất sản xuất nên phải kết hợp với các dự án khác để đào tạo nghề cho các hộ có điều kiện đi làm thuê.

Thiếu đất sẵn có thì phải tổ chức khai hoang phục hoá. Thế nhưng định mức quy định cho công việc này lại không sát thực tế. Theo Quyết định 132, 134, định mức hỗ trợ khai hoang là 5 triệu đồng/ha nhưng ở Đăk Lắk cần phải có 20 triệu đồng mới có thể khai hoang được 1 ha đất. Còn theo Quyết định 1592, nếu địa phương không có quỹ đất thì được hỗ trợ ngân sách và tín dụng để mua đất sản xuất với định mức không quá 20 triệu đồng/ha, trong đó ngân sách Nhà nước cấp 10 triệu đồng/hộ và vay tín dụng không quá 10 triệu đồng/hộ trong thời gian 5 năm với lãi suất 0%. Tuy nhiên mức hỗ trợ này không giúp được gì nhiều những hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất bởi trong thực tế giá đất lên tới 80-120 triệu đồng/ha…

Thực trạng thiếu đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số còn do ảnh hưởng của lịch sử. Ngược dòng thời gian, một số địa phương khu vực biên giới phía Bắc và Tây Nam trong thời gian chiến tranh, thực hiện chủ trương của Nhà nước, đồng bào di dời về tuyến sau. Kết thúc chiến tranh trở về quê hương thì đất đai đã bị xáo trộn do quy hoạch, do cá nhân, tổ chức khác sử dụng nên gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí lại đất sản xuất. Mặt khác, trải qua bao thế hệ, về cơ bản, đồng bào dân tộc thiểu số đã lựa chọn được vị trí sinh sống thuận lợi nhất trong điều kiện có thể, phù hợp với phong tục, tập quán của dân tộc mình. Song trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, để nhường đất cho xây dựng các công trình quan trọng của địa phương, của quốc gia, đồng bào phải di chuyển tới những nơi ở mới. Tuy nhiên không phải ở dự án nào, các khu tái định cư cũng được xây dựng phù hợp với kiến trúc, văn hoá, phong tục tập quán và bố trí đủ đất sản xuất cho đồng bào dẫn đến thiếu ổn định cuộc sống. Công trình thuỷ điện Bản Vẽ, tỉnh Nghệ An là một ví dụ. Để công trình được xây dựng và đi vào hoạt động đúng tiến độ, 3.000 hộ, gần 15.000 nhân khẩu tại 34 bản, 9 xã của 2 huyện Tương Dương và Kỳ Sơn, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, Khơ Mú, Ơ Đu đã phải di dời tái định cư tới 3 vùng khác nhau thuộc các huyện Thanh Chương, Tương Dương và Kỳ Sơn. Đáng lưu ý là khu tái định cư trên địa bàn huyện Thanh Chương cách nơi ở cũ của đồng bào tới 200 km. Ở nơi bà con di chuyển tới, việc hỗ trợ đất vấp phải nhiều lý do như: đất đã được quy hoạch là đất dự phòng, đất có chất lượng xấu, có độ dốc cao không sử dụng được, đất bị các hộ dân sở tại lấn chiếm làm trang trại, đất bị người dân các bản khác xâm canh. Hệ quả là 10% số hộ chưa được giao đất sản xuất; số hộ chưa được nhận đủ đất sản xuất bình quân từ 1-1,5 ha là 446 hộ. Đã khó khăn do phải di dời quê hương bản quán, nay đời sống của đồng bào lại càng khó khăn hơn bởi thiếu sinh kế làm ăn.
Câu chuyện về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất càng trở nên "nóng" hơn khi việc thực thi các chính sách về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số bộc lộ nhiều bất cập. Ở một số địa phương, trong khi đồng bào thiếu đất còn nhiều và việc giải quyết ngày càng khó khăn thì chính quyền vẫn cấp đất với diện tích lớn cho doanh nghiệp trồng cây công nghiệp hoặc xây dựng các công trình giao thông, thuỷ lợi… Mặt khác, trong các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ đất ở, đất sản xuất lại không có điều khoản nào quy định cụ thể về chất lượng đất cấp cho đồng bào. Kết quả là phần lớn đất cấp cho các hộ là đất xấu, bạc màu, đất rừng nghèo kiệt, đất ngập mặn, nhiễm phèn nặng không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp hoặc xa nơi ở, xa nguồn nước nên người dân không nhận đất, đất sau khi được giao lại bị bỏ hoang. Dân số vùng dân tộc thiểu số tăng nhanh, cao hơn mức bình quân chung của cả nước cộng với việc tách hộ cũng là nguyên nhân dẫn đến việc thiếu đất ở, đất sản xuất ở các địa phương vùng miền núi, dân tộc. Giải pháp tạo quỹ đất từ việc thu hồi đất của các dự án, doanh nghiệp, nông lâm trường hoạt động kém hiệu quả, sử dụng chưa đúng mục đích để cấp cho các hộ đạt kết quả thấp, chưa có những giải pháp phù hợp để giải quyết áp lực từ việc thiếu đất sản xuất.

Vướng mắc nổi lên trong việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất hiện nay là ở các công trình thủy điện, thủy lợi đầu tư ở vùng miền núi, dân tộc. Trong thực tế, bố trí quỹ đất tái định cư bao gồm đất ở, đất sản xuất cho đồng bào gặp nhiều khó khăn vì số lượng di dân rất lớn. Trước đây, mỗi công trình thủy điện, thủy lợi khi triển khai đều có quyết định tạm thời với chế độ chính sách cụ thể của từng dự án hỗ trợ, đền bù cho người dân, thường thì dự án sau, chính sách tốt hơn dự án trước. Vì vậy, những dự án nào càng lâu thì đời sống người dân càng khó khăn.

Để đạt mục tiêu giải phóng mặt bằng, hầu hết các nhà đầu tư đều đền bù rất lớn, gồm kinh phí làm nhà, hỗ trợ tiền mặt và lương thực. Song điều quan trọng nhất là ổn định sản xuất thì nhiều dự án chưa làm được. Ông Phạm Khánh Ly - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn-Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, trước khi có Quyết định 34 của Thủ tướng Chính phủ, trong các dự án tái định canh định cư của các công trình thủy điện, thủy lợi, cơ sở hạ tầng được xây dựng rất tốt, đẹp do bố trí tỷ lệ kinh phí cơ sở hạ tầng lên đến 95%, chỉ dành 5% cho ổn định sản xuất.

Hầu hết các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thời gian qua mới chỉ hướng tới những khoản hỗ trợ trước mắt như: đất ở, đất sản xuất, kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng mà chưa tính đến những hỗ trợ lâu dài để người dân có thể ổn định đời sống như khuyến nông, thông tin thị trường… Mặc dù theo quy định thì các hộ được giao đất không được phép chuyển nhượng, tặng, cho, cầm cố, cho thuê đất sản xuất trong vòng 10 năm kể từ ngày được Nhà nước giao đất nhưng trên thực tế do làm ăn không hiệu quả, khó khăn, bệnh tật, nhiều hộ dân tộc thiểu số nghèo phải sang nhượng, cầm cố, thế chấp đất sản xuất, thậm chí cả đất ở, nhà ở rồi không có khả năng chuộc lại quay về trở thành hộ không có đất ở, đất sản xuất. Người dân rơi vào vòng luẩn quẩn: Thiếu đất sản xuất thì đói nghèo-Đói nghèo lại bán đất. Vậy nên, tại một số tỉnh Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long đang có hiện tượng hộ giàu mua gom đất của hộ dân tộc thiểu số nghèo khó khăn. Việc tích tụ ruộng đất diễn ra không chính thức song khá phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn trong cộng đồng dân cư.


Thu hoạch hồ tiêu

Một điều hiển nhiên rằng vốn là nguồn lực đảm bảo hiệu quả thực thi các chính sách. Tuy nhiên, giữa mục tiêu nhân văn và đầy tham vọng của các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số và lượng vốn bố trí hầu như lại không song hành. Ví dụ như với Quyết định 74, tính đến 6/2012, tổng số vốn phân bổ cho 9 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạt 54,96%, trong đó vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội đã chiếm tới 41,66%; Quyết định 1592 sau gần 3 năm thực hiện, ngân sách Trung ương cũng mới chỉ bố trí đạt 15,6% kế hoạch. Không những thế, trong điều kiện kinh phí từng năm có hạn, Trung ương cấp vốn để địa phương chủ động bố trí hoàn thành dứt điểm từng dự án thì phần lớn địa phương lại đầu tư dàn trải, thiếu tập trung dẫn đến số dự án dở dang lớn, sử dụng vốn kém hiệu quả…

Thiếu hoặc không có đất ở, đất sản xuất là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tình trạng du canh, du cư-yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng, phá vỡ quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương có dân đi và đến trái phép. Bởi vậy, giải quyết những bất cập trong thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số là một bài toán bức thiết cần có lời giải ở các tầm khác nhau: Quốc hội với việc sửa đổi Luật Đất đai 2003 và một số luật khác; Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương trong việc xây dựng và đảm bảo nguồn lực thực hiện chính sách; địa phương trong tổ chức thực hiện chính sách…

ThS. Nguyễn Quang Hải

Hoàng Phương Liên

[TT: PLN]