Vấn đề nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong dân tộc Dao ở nước ta

02:51 21/06/2013 Lượt xem: 461 In bài viết

Người Dao ở Việt Nam có dân số 751.067 người, là dân tộc có số dân đông thứ 9 ở Việt Nam. Người Dao cư trú tập trung tại các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lai Châu,… phân bố trải rộng ở nhiều tỉnh; địa bàn sinh sống của người dân chủ yếu tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Người Dao chủ yếu sinh sống bằng nguồn lợi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống nên năng suất thấp, phương tiện lao động lạc hậu thô sơ và phụ thuộc nhiều vào tự nhiên.

Đối với người Dao, các hoạt động xã hội chủ yếu diễn ra trong phạm vi làng bản, sự giao lưu với các môi trường bên ngoài bị bó hẹp trong cộng đồng. Tốc độ gia tăng dân số hàng năm luôn duy trì ở mức 2,1%, quy mô hộ gia đình ở mức 4,52 người/hộ. Số lượng cán bộ y tế, giáo viên là người Dao cũng như các dân tộc thiểu số khác rất thấp, việc tăng số lượng cũng rất khó khăn do không tuyển được nguồn để đào tạo.
Theo số liệu niên giám thống kê năm 2009, số giáo viên phổ thông là người dân tộc thiểu số chỉ chiếm 8,26%, cấp học càng cao thì tỉ lệ giáo viên là người dân tộc thiểu số càng ít. Cụ thể, tỉ lệ giáo viên tiểu học là 11,8%, trung học cơ sở 6,8% và trung học phổ thông 4,4%.

Do sinh sống ở địa bàn miền núi, lĩnh vực chính là hoạt động nông nghiệp nên số lượng người dân thất nghiệp ít hơn so với người Kinh. Số người lao động có việc làm tương đối đông, song công việc chủ yếu là làm nông nghiệp, số lao động đã qua đào tạo ít, dẫn đến chất lượng lao động còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo của người Dao năm 2006 là hơn 70%.

Mặc dù tỷ lệ người Dao biết đọc, biết viết khá cao song việc tiếp cận các nguồn thông tin rất hạn chế do thiếu các phương tiện truyền thông, báo chí, internet. Mặt khác, tình trạng bỏ học là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực thấp, không đáp ứng được yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như cơ hội để thoát nghèo, nâng cao chất lượng và mức sống. Ngoài ra, lí do nhập học muộn, thiếu tự tin trên lớp cùng các hoạt động khác, rào cản về ngôn ngữ đã làm ảnh hưởng đến việc lĩnh hội kiến thức.

Hiện nay, cả nước có 3 trường dự bị đại học: Trường dự bị đại học dân tộc thiểu số ở Việt Trì cho khu vực phía Bắc, ở Nha Trang cho khu vực Tây Nguyên và miền Trung, ở thành phố Hồ Chí Minh cho khu vực phía Nam. Gần đây, Nhà nước đã thực hiện chính sách cử tuyển, cử con em của các đồng bào dân tộc ít người đã tốt nghiệp trung học phổ thông được theo học hệ chính quy cùng với sinh viên đã thi đỗ đại học ở nhiều ngành học khác nhau tại nhiều trường đại học trong cả nước. Số lượng cử tuyển liên tục tăng, từ 689 (năm 1998) lên 1.709 (năm 2005). Năm 2009 số sinh viên hệ cử tuyển cao đẳng và đại học là 6224 em, nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu tăng cường nguồn lực đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số. Tại một số trường Cao đẳng Sư phạm phía Bắc, năm học (2011-2012), số lượng sinh viên người Dao cũng chiếm tỉ lệ rất nhỏ trên tổng số sinh viên toàn trường cũng như trên quy mô dân số người Dao toàn tỉnh, cụ thể Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai 96/1353 sinh viên toàn trường, chiếm 7,1%; trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang 87/1350 sinh viên toàn trường, chiếm 6,4% sinh viên toàn trường; trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn 14/1300 sinh viên toàn trường, chiếm 1,1% sinh viên toàn trường và trường cao đẳng sư phạm Cao Bằng 34/1300, chiếm 3% tổng số sinh viên toàn trường. Đây là con số rất khiêm tốn so với tổng số người Dao trên toàn tỉnh theo học ở các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Nếu tính số sinh viên người Dao theo học ở các trường đại học trên cả nước thì càng ít hơn.

Trước thực trạng nguồn nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực của các dân tộc thiểu số nói chung và người Dao nói riêng có những những thuận lợi và khó khăn cho việc phát triển nguồn nhân lực của dân tộc Dao. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở vùng dân tộc thiểu số; nhiều trường lớp được xây dựng khang trang, các trạm y tế xã và đường giao thông tới trung tâm xã được làm mới, việc bổ sung thường xuyên lực lượng lao động, cán bộ xã có trình độ đã phần nào khắc phục được những khó khăn trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong đồng bào Dao. Việt Nam đã có các chương trình, chính sách giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số và đẩy mạnh tiếp cận dịch vụ cơ bản như Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Chính sách hỗ trợ các dân tộc rất ít người, Chính sách hỗ trợ trẻ em dân tộc thiểu số đi học, trong đó có khuyến khích giáo dục song ngữ. Tuy nhiên, với những khó khăn kể trên, cần xây dựng chiến lược nhằm phát triển nguồn nhân lực của dân tộc Dao nói riêng cũng như các dân tộc thiểu số khác nói chung cao hơn nữa. Do vậy, cần tập trung giải quyết những vấn đề cơ bản sau:

- Thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước về xây dựng và phát triển hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú. Có chính sách thu hút giáo viên là người dân tộc thiểu số có trình độ và năng lực giỏi về công tác tại các trường nội trú.

- Tăng cường chính sách cử tuyển học sinh vào học các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp phù hợp với nhu cầu sử dụng cán bộ của địa phương. Thực hiện tốt các chính sách ưu tiên đối với con em đồng bào các dân tộc thiểu số ở các cấp học từ mầm non đến đại học. Ưu tiên cộng điểm đối với các học sinh thi tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ về học phí và các khoản hỗ trợ khác theo quy định của Chính phủ.

- Loại bỏ những hiện tượng mê tín dị đoan, những hủ tục lạc hậu. Thông qua các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng để nâng cao nhận thức của người dân về các giá trị văn hóa tinh thần.

- Tăng cường đào tạo cán bộ khuyến nông, cán bộ y tế và các chức danh trong bộ máy hành chính cấp xã là người dân tộc thiểu số.

- Tăng cường đào tạo nghề cho thanh niên theo hướng phát triển các ngành nghề cổ truyền ở các địa phương. Ở nước ta hiện nay, kể cả dân tộc Kinh và các dân tộc thiểu số đang trong giai đoạn “cơ cấu dân số vàng” nên có điều kiện thuận lợi về nguồn lực con người cho phát triển kinh tế tại vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và vùng điều kiện kinh tế khó khăn. Những quân nhân là người dân tộc thiểu số nên được giới thiệu việc làm sau khi xuất ngũ vào các cơ sở sản xuất; những người có trình độ nên được cử đi đào tạo nghề, hướng tới năm 2015, Việt Nam phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đối với người nghèo, dân tộc thiểu số, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Nguyễn Hải Thanh

[TT: PLN]